Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 9, 38-43.45.47-48)



TẤM GƯƠNG
Antôn Lương Văn Liêm
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc.9,42)

Nhìn thấy người con trai chạc 7- 8 tuổi chân bước khệnh khạng, hai tay thì múa may, quay cuồng, người cha lớn tiếng quát:

- Con học cái thói đi đứng đó ở đâu vậy? Quay sang người vợ, người cha nói tiếp:

- Sao em không để ý dạy con. Cứ đà này, lớn lên nó trở thành thói quen thì sao? Người vợ lặng thinh! Bỗng cậu con trai lên tiếng:

- Ba ơi! Con bắt chước ba đó, vì con thấy chiều nào ba cũng về nhà với kiểu đi đó, trông rất oai, mẹ thì xếp re! Người cha bỗng giật mình, vì mỗi buổi chiều, sau khi chén chú, chén anh với bạn bè, anh đi về nhà với dáng điệu của một người no men rượu!!!

Với một xã hội suy đồi về đạo đức như hiện nay, thì những gương mù, gương xấu, những cái gây nên cớ vấp phạm cho bản thân và cho người khác ngày càng có chiều hướng gia tăng và biến tướng, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống nhân bản của giới trẻ, ấu nhi từ môi trường đời thường cho đến nhà đạo. Tất cả đều khởi đi từ con người cho tới những công nghệ giải trí, thiết bị hỗ trợ cho công việc, học tập, giải trí như báo chí, phim ảnh, truyền hình, internet, điện thoại di động….

Những cái cớ vấp phạm ngoài đời:
  • Hiện tượng chè chén say sưa, cờ bạc, số đề, cá độ bóng đá, đá gà, nghiện và mua bán ma tý, mại dâm… lan tràn từ thị thành cho tới thôn quê, từ những tụ điểm cao cấp cho tới môi trường học đường, hè phố…
  • Nạn phá thai, quảng bá việc phá thai, thiết lập những cơ sở phá thai chính quy cũng như lén lút tràn lan.
  • Cách ăn mặc “thiếu vải” của giới nữ trẻ tuổi nhan nhản ngoài đường phố và ngay cả những nơi thờ tự.
  • Nạn quay cóp, học thế, mua bán bằng cấp… biến tướng và lan tràn.
  • Tình trạng đua xe, cướp của, giết người ngày càng táo tợn và tinh vi.
Trong nhà đạo thì:
  • Thờ ơ, biếng nhác tham dự thánh lễ Chúa nhật, lễ kính, lễ trọng, lơ là thực hiện giờ kinh sớm tối trong gia đình.
  • Cách ăn mặc thiếu tôn trọng, trang nghiêm khi đi tham dự thánh lễ và các giờ đạo đức.
  • Sử dụng điện thoại di động một cách vô tư khi tham dự thánh lễ, các giờ đạo đức học giáo lý, hội họp…
  • Nói chuyện riêng, cãi vã nhau trong và sau khi tham dự các nghi thức phung tự…
  • Hiện tượng bè phái, tranh giành chức quyền trong hội đoàn, cộng đoàn.
  • Tham dự thánh lễ dưới gốc cây, ngoài đường phố…
Với bản tính luôn yếu đuối, mỏng dòn của ta khi mang lấy kiếp nhân sinh thì những cái cớ gây vấp phạm trên dễ lôi kéo ta vào quỹ đạo của nó, quỹ đạo mà satan luôn mời gọi ta bằng những lời hoa mỹ, những dễ dãi…. Người cha trong câu chuyện trên, là một điển hình. Sau những lời tâng bốc của bè bạn đại loại: “kỳ này tăng đô zữ hén, nào là không ai chơi đẹp như ông…!”, sau những cú chạm ly và những tiếng hò zô..zô..zô, những tiếng cười sảng khoái. Để rồi sau những cuộc vui đó, khi trở về nhà anh lại trở thành tấm gương, thành cái cớ vấp phạm cho chính con đẻ của mình qua hình thức bắt chước từ giọng nói, dáng đi…

Lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ hôm nay qua môi miệng của Đức Giêsu: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc.9,42), như một lời cảnh báo, lời nhắc nhở và như những mũi tên xoáy vào tim ta, làm ta phải giật mình nhìn lại đời sống của mình từ mái ấm gia đình, cho đến môi trường xã hội, Giáo hội. Đặc biệt khi ta mang trong mình danh hiệu Kitô hữu, đang mang trong đời sống trọng trách loan báo Tin Mừng, vì trong từng ngày sống ta đã từng gây nên cớ vấp phạm cho anh em mình bằng lời nói, hành động.

Giữa một xã hội đầy những cớ làm ta vấp ngã từ đời lẫn đạo, thì Lời Chúa hôm nay cũng chỉ cho ta những phương cách để tránh khỏi mắc sai lầm: “Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi, thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn còn đủ hai tay mà phải vào hỏa ngục…. Nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi, thà mất một chân mà được vào cõi sống, con hơn đủ cả hai chân mà phải xuống hỏa ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà còn một con mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hỏa ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc.9,43-47).

Đọc qua những lời răn dạy của Đức Giêsu, một ý nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí: “Có lẽ trên Thiên Đàng rất nhiều người bị cụt tay, cụt chân và mù một mắt chăng?”, vì có một lần người thủ lãnh gọi Đức Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành…. Đức Giêsu phán với ông: Sao ông nói tôi là nhân lành? Không ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Lc.18,18-19). Nếu hiểu, cách nghĩ và giải thích Lời Chúa theo mặt chữ như thế, chắc không ai dám đọc Lời Chúa và nhất là không ai dám bước theo Chúa, theo đạo Công Giáo!

Ngạn ngữ có câu: “Nhân vô thập toàn”. Vì thế, đã là con người, ai mà không vấp ngã. Vấp ngã vì ngoại cảnh, vấp ngã vì tính tự kiêu, tự đại; vấp ngã vì tính ích kỷ, lười biếng; vấp ngã vì tính tham lam, đam mê…. Từ vấp ngã ta trở thành cái cớ, trở thành người nên gương mù, gương xấu cho chính mình và cho nhau.

Hôm nay và ngay thời đại này, Đức Giêsu dùng ngôn ngữ một cách mạnh mẽ, dứt khoát trước là để nhắc nhở ta ý thức hơn nữa về căn tính Kitô hữu của mình, nhắc nhở ta hãy tránh xa những điều gây nên dịp tội cho ta, kế đến là giúp và bảo vệ ta khỏi những cái cớ làm ta vấp ngã. Qua sự vấp ngã ta thực hiện những điều trái ngược với Tin Mừng và trở nên cớ vấp ngã cho anh em mình.

Để tránh xa dịp tội, tránh xa những điều làm ta vấp ngã và trở thành cớ vấp ngã cho anh em không phải là dễ! Ngay trong kinh “Lạy Cha” có câu: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, lời kinh chính Đức Giêsu truyền dạy. Ấy thế mà nhiều người lấy lời kinh “Lạy Cha” ra bỡn cợt khi đọc: “Xin cứ để chúng con sa chước cám dỗ !!!”. Sự bỡn cợt lời kinh “Lạy Cha” nói lên cái yếu đuối của con người nhân loại trước những cám dỗ của thời đại hôm nay, thời đại mà người ta quảng bá, tôn sùng chủ nghĩa “hưởng thụ”, chủ nghĩa “thành công”.

Lời cảnh báo của thánh Giacôbê qua thư ngài gửi cho những người giàu có, hưởng thụ thời Giáo Hội sơ khai, cũng là lời cảnh tỉnh ta giữa thời đại hôm nay: “Này đây, hỡi các người giàu có, các người hãy than khóc kêu la về những tai họa ắp đổ xuống trên đầu các người…. Trên cõi đất này, các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại” (Gc.5,1- 5).

Sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, ta được Thiên Chúa ban tặng cho ta, cuộc sống của ta ánh sáng của Ngài. Ánh sáng đó tựa như tấm gương phản chiếu tình yêu và sự thánh thiện tuyệt hảo của Thiên Chúa ngang qua Đức Kitô. Ước mong của Đức Kitô là ta hãy gìn giữ tấm gương đó và ngày càng làm cho tấm gương sáng hơn, ngõ hầu đưa ánh sáng của Ngài lan tỏa tới để cho mọi người, mọi nơi. Khó đấy! Như những con cá lội ngược dòng khi ta gìn giữ tấm gương, khi ta lắng nghe, tuân giữ và thực hành lời dạy bảo, nhắc nhở và mời gọi của Đức Giêsu. Còn đó lời động viên của Đức Giêsu: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt.19, 26). Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “ Không có Thầy, anh em không thể làm được gì” (Ga.15,5).

Vì thế, để giúp ta tránh xa những cớ làm ta vấp ngã và biến ta thành cớ vấp ngã cho anh em mình. Thiết tưởng chỉ có một điều duy nhất, đó là ta năng đến với Đức Giêsu nơi bí tích Thánh Thể, tiếp cận sức mạnh và ơn soi sáng từ Lời của Ngài nơi Kinh Thánh và ta cũng không thể nào quên tấm gương và sự trợ giúp của Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi. “Kẻ đến với Ta, Ta không loại ra ngoài” (Ga.6,37). Đây là lời hứa của Đức Giêsu, Ngài vẫn luôn chờ đợi ta trong nhà tạm nơi các ngơi thánh đường để tăng sức mạnh, thánh hóa và giúp ta sống như lòng Ngài ước mong.

Lạy Chúa Giêsu! Xin thương xót con vì trong cuộc sống con đã nhiều lần vấp ngã và nên gương xấu cho anh em con. Xin Chúa tha thứ và thánh hóa con để con sống xứng đáng là con Chúa hơn. Amen.

Sài Gòn, ngày 28/09/2012
(tinmung.net)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 21-28.9.2012

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,

Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, 
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Anna
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :



Bà MARIA NGUYỄN THỊ BÌNH
Sinh ngày 26.10.1966 tại Saigon

 Cư ngụ tại : 12 đường 47
P.Bình Thuận, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Anna - Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 20g10 ngày Thứ Năm 27.9.2012
(Nhằm ngày 12 tháng 8 năm Nhâm Thìn)

Hưởng dương 47 tuổi

 


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Sáu  28.9.2012

  • 08g00 : Nghi Thức Tẩn Liệm - Nhập Quan.
  • 20g00 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
Chúa Nhật  30.9.2012
  • 08g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 09g30 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Mai Khôi (44 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, TP.HCM)
Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM.



Thuận Phát, ngày 28 tháng 9 năm 2012
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Thánh Anna
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B 23-9-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXV thường niên năm B 23-9-2012.
Cha khách dâng Lễ
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 9, 30-37)


Mời xem videoclip>>

GIÁ TRỊ
Sưu tầm
Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

Để minh họa cho bài học này, sau đó Đức Giêsu đưa ra hình ảnh một em bé. Hình ảnh của một em bé đối với bất cứ người nào nhìn, cũng thấy dễ thương. Cho nên khi thấy một em bé, ai cũng muốn bồng ẵm, muốn ôm hôn, muốn cho nó ăn bánh, ăn kẹo. Tại sao người ta thương em bé và muốn cho nó đủ thứ như vậy? Có phải tại nó giỏi giang, tại nó giúp cho người ta được việc này việc nọ không? Thưa hoàn toàn không, đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết là gì, chưa giúp ích được gì. Nhưng người ta thường nói chỉ vì người ta thương nó, thế thôi. Một tình thương hoàn toàn vô vụ lợi. Người ta cho nó cái này cái nọ, cũng không phải để trả ơn nó hay để mong nó làm gì giúp mình. Cũng chỉ vì thương mà phục vụ thôi. Chúa dùng hình ảnh em bé để minh họa cho bài học phục vụ trên kia: chúng ta cũng phải cư xử với mọi người theo kiểu chúng ta cư xử với một em bé: hết lòng yêu thương phục vụ một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Người nào biết phục vụ kẻ khác như thế thì là phục vụ Chúa, và mới xứng đáng làm môn đệ Chúa.

Chúng ta hãy nhớ bài học của Chúa: giá trị con người không tùy vào địa vị của người đó, mà tùy vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.

- Trong một gia đình, ai là người lớn nhất? Có phải là người cha, người chồng không? Bề ngoài là như vậy. Nhưng đối với Chúa thì chưa chắc. Người cha ấy, người chồng ấy nếu chỉ biết có ra lệnh bảo người này người nọ làm mọi việc, nếu chỉ biết ngồi đó mà chê món này dở, cái bàn này lau chưa sạch, nhà cửa này lộn xộn lung tung;

Nếu chỉ biết ăn no rồi đi chơi, chỉ biết có nhậu nhẹt và để mặc vợ con làm tất cả, thì đó chính là kẻ nhỏ nhất trong nhà, nhỏ hơn cả vợ mình, nhỏ hơn cả con mình. Bởi vì người chồng người cha ấy là một người vô ích.

- Trong một khu xóm cũng vậy, trong một cơ quan cũng vậy, trong một họ đạo cũng vậy. Nếu xét theo tiêu chuẩn của Chúa, thì kẻ lớn nhất không hẳn là người có địa vị cao nhất, không hẳn đó là ông trưởng xóm, không hẳn đó là ông giám đốc, không hẳn đó là ông chủ tịch Hội đồng Giáo xứ. Mà rất có thể kẻ được Chúa xét là lớn lại chính là một người mà ít ai để ý tới, người đó không có chức có quyền nào, người đó âm thầm ít nói, nói ít mà làm nhiều; luôn luôn chu toàn nhiệm vụ mình, luôn tìm cách giúp ích cho người khác.

- Thí dụ như linh mục Jean Marie Vianney. Cha là một người vừa kém thông minh và vừa có tư cách cục mịch như một người nhà quê. Sau nhiều năm học ở chủng viện, Vianney thi không đủ điểm nên đáng lẽ bị loại. Nhưng người ta chỉ thương tình mà cho đậu vớt và được phong chức linh mục. Vì thấy cha quá kém cõi. Đức Giám mục đưa cha đi làm cha sở một họ đạo nhỏ xíu ở miền quê mà giáo dân đã bỏ đạo gần hết, đó là họ Ars. Thế nhưng cha Vianney đã tận dụng tất cả các khả năng và sức lực Chúa ban để hết lòng phục vụ họ đạo. Mỗi ngày cha chỉ nghỉ ngơi 3, 4 tiếng đồng hồ. Nhưng ngồi tòa giải tội thì liên miên, có khi tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha không có giờ nấu cơm, nên chỉ nấu một nồi khoai lớn để ăn dần cho suốt một tuần lễ. Dần dần cả họ Ars trở lại, thành một họ đạo sốt sắng sống gương mẫu. Giáo dân từ các họ khác cũng đến đó để dự lễ, để nghe giảng, để xưng tội. Có cả các tu sĩ, các linh mục, Giám mục từ khắp nơi đến để nhờ cha giúp đỡ về mặt linh hồn. Sau này người viết tiểu sử của cha đã nhận định: Nếu cả Giáo Hội nước Pháp mà có được chỉ một vài linh mục như cha Vianney thôi thì cả nước Pháp đã nên thánh. Đó mới là người lớn thật mặc dù chỉ là một linh mục học kém, một cha sở nhà quê, bởi vì sức phục vụ của cha thật là lớn.

Bài học của Chúa Giêsu hôm nay thật là dễ hiểu, nhưng lại khó thực hành.

Ai muốn làm lớn thì phải hạ mình phục vụ mọi người như một kẻ đầy tớ.

Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà là do khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.  

(tinmung.net)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 14-20.9.2012

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

CHỮ VIẾT TẮT SAU TÊN CAC LINH MỤC - TU SĨ VIỆT NAM

Giải thích chữ viết tắt sau tên các Linh Mục - Tu Sĩ dòng tại Việt Nam.

Các Linh Mục, Tu Sĩ trong các dòng ở Việt Nam thường viết thêm vào sau tên mình một vài mẫu tự. Ví dụ: 

Viện Phụ Phan Bảo Luyện, S.O.C.
Đan Sĩ Hoàng Thanh Trương, O.S.B.
Đan sĩ Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh, O.C.D.
Sư Huynh Nguyễn Văn Tân, F.S.C
Lm. Mạnh Thư, C.M.C.
Lm. Phạm Trung Thành, C.Ss.R.
Lm. Trần Đức Anh, O.P.
Lm. Nguyễn Trung Tây, S.V.D
Lm. Vương Đình Khởi,O.F.M.
Lm. Savio Trần Ngọc Tuyên, O.H.
Lm. Trần Anh, S.J. 

 
Những mẫu tự viết tắt như: O.H. - O.C.D. - O.P. - F.S.C.- v.v…có ý nghiã gì? Nói chung, giáo dân và những người không phải Công Giáo, chẳng mấy ai hiểu ý nghĩa các từ trên là gì, xuất phát từ đâu? Do vậy, bài viết này có hai mục đích:

Thứ nhất: giải thích danh xưng các dòng tu tại Việt Nam. Ví dụ tại sao gọi là dòng Biển Đức, Cát Minh, Ngôi Lời v.v..

Thứ hai giúp độc giả hiểu các từ viết tắt như O.P., O.C.D., F.S.C., v

Sau đây là phần giải thích tên các hội dòng và các chữ viết tắt:
  • Ảnh Phép Lạ: Từ để dịch tiếng Medaille Miraculeuse trong tên của một tu hội có danh xưng tiếng Pháp là Les Filles de La Medaille Miraculeuse được dịch là Chị Em Ảnh Phép Lạ. Hội Dòng do Đức Cha Jean Liévin Sion Khâm lập năm 1947 tại Kontum. Hội Dòng có mục đích tạo điều kiện cho các thiếu nữ Công Giáo dân tộc thiểu sống đời tu trì thích hợp với khả năng, tâm tính và văn hóa của dân tộc thiểu số.
  • Biển Đức : Tiếng phiên âm của tên riêng Benedicti trong tiếng La Tinh hay Benedict trong tiếng Anh. Thánh Benedict lập ra dòng có tên quốc tế là Ordo Sancti Benedicti hay Order of St. Benedict, viết tắt là O.S.B. được dịch ra tiếng Việt là Dòng Biển Đức. Năm 1936 dòng Biển Đức thiết lập đan viện đầu tiên tại Đà Lạt. Người Trung Quốc phiên âm từ Benedict là 本篤 [běndǔ], Hán Việt đọc là Bản Đốc. Theo truyền thống, các tu sĩ dòng này thường thêm ba mẫu tự O.S.B. vào sau tên mình. Đan Sĩ: Hoàng Thanh Trương, O.S.B.
  • C.Ss.R. : Tiếng viết tắt của Congratio Sanctissimi Redemptoris có nghĩa là Dòng Cực Thánh Chúa Cứu Thế được giáo dân Việt Nam gọi tắt là Dòng Chúa Cứu Thế. Thánh Alphongso Maria Ligori thành lập dòng vào năm 1732 có tôn chỉ rao giảng tin mừng cho người nghèo. Các Linh Mục Dòng Chúa Cứu Thế thường thêm các chữ viết tắt C.Ss.R. vào sau tên mình: LM. Phạm Trung Thành, C.Ss.R.
  • Cát Minh : Tiếng phiên âm của địa danh Carmel. Carmel là tên một ngọn núi ở phía tây bắc Do Thái. Nơi đây vào năm 1155 đan viện có tên Anh ngữ là Order Of Our Lady Of Mt. Carmel được thành lập. Chi nhánh đan viện này tại Pháp có tên là Ordre des Carmes Déchaux. Dòng Cát Minh từ Pháp đến Việt Nam vào năm 1861 và thành lập nhà đầu tiên tại Sàigòn. Do vậy, đan viện có tên viết tắt là O.C.D. Người Việt gọi là Đan Viện Cát Minh. Người Công Giáo Trung Quốc phiên âm từ Mount Carmel là 迦 密 山 [jiàmìshàn], giọng Hán Việt đọc là Ca Mật Sơn. Theo truyền thống, các đan sĩ Cát Minh thường thêm ba mẫu tự O.C.D vào sau tên mình. Đan sĩ Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh, O.C.D.
  • Dòng Tên : Tên là từ Nôm lấy dạng của từ Tiễn 箭: mũi tên trong Hán Việt. Từ Tên được dùng để thay thế cho từ ngữ Jesu trong danh xưng dòng có tên quốc tế là Societas Jesu hay Society of Jesus, dịch ra tiếng Việt là Dòng Chúa Giêsu và thường được viết tắt là S.J. Tại Việt Nam, vì phong tục kỵ húy tên các bề trên nên dòng này, thay vì nói Dòng Chúa Giêsu, đã được gọi là Dòng Tên. Dòng đã đến Việt Nam từ năm 1615 và hoạt động đến năm 1773. Sau đó, dòng đi khỏi Việt Nam trong 2 thế kỷ và trở lại hoạt động vào năm 1957. Theo truyền thống, các thành viên của Dòng Tên thường thêm hai mẫu tự S. J vào sau tên mình. Linh Mục Trần Anh, S.J. Khi Pháp ngữ còn thịnh hành ở Việt Nam, giới nhà tu còn đọc Dê Zúyt tức Jésuit để chỉ tu sĩ dòng Tên.
  • Đa Minh : 多米 tiếng phiên âm của tên riêng Dominic. Thánh Dominic là người Tây Ban Nha, đấng tổ phụ lập ra dòng có tên quốc tế là Ordo Praedicatorium hay Order of Preachers, viết tắt là O.P, được dịch ra tiếng Việt là Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Dòng đến Việt Nam từ năm 1550 tại Đàng Ngoài. Người Việt quen gọi dòng này là Dòng Đa Minh. Đa Minh là tên của thánh tổ phụ được phiên âm ra tiếng Tàu nhưng đọc theo giọng Hán Việt. Người Tàu phiên âm tên riêng Dominic là 多米 [duōmǐ], Hán Việt đọc là Đa Minh. Theo truyền thống, các tu sĩ dòng này thường thêm hai mẫu tự O.P. vào sau tên mình. Lm Trần Đức Anh, O.P. 
  • Đồng Công : 同 工 hai từ Hán Việt có nghĩa cùng góp công, là tiếng nói tắt của cụm từ Đồng Công Cứu Chuộc để dịch từ ngữ La Tinh Coredemptricis trong tên của hội dòng Congregatio Matris Coredemptricis –Congregation of Mother Co Redemptrix, được viết tắt là C.M.C. và người Việt gọi là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc hay vắn tắt gọi là Dòng Đồng Công. Dòng được Linh mục Đa Minh Trần Đình Thủ sáng lập từ năm 1953 tại Bùi Chu. Hiện nay dòng có hai cơ sở, một ở Thủ Đức, một ở Xuân Lộc. Tại hải ngoại dòng có chi nhánh ở tiểu bang Missouri, Hoa Kỳ.Theo truyền thống, các thành viên của dòng thường thêm ba mẫu tự C.M.C. vào sau tên mình. LM. Mạnh Thư, C.M.C. 
  • La San : Tiếng phiên âm của tên riêng La Salle. Từ này là tên họ của vị thánh người Pháp có tên là Jean Baptist De La Salle. Năm 1680 thánh Jean Baptist De La Salle thành lập dòng có tên quốc tế là Fratres Scholarum Christianarum – Brother of the Christian Schools, viết tắt từ Pháp ngữ là F.S.C. được dịch ra tiếng Việt là Dòng Anh Em Trường Kitô nhưng dân chúng quen gọi là Dòng Sư Huynh La San hay Dòng La San. Dòng chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 1890. Theo truyền thống, các thành viên của dòng này thường thêm các mẫu tự F.S.C vào sau tên mình. Sư Huynh Nguyễn Văn Tân, F.S.C. 
  • M.E.P : Mẫu tự viết tắt của danh xưng chính thức bằng Pháp ngữ là Société des Missions Étrangères de Paris nghĩa là Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris. Đây không phải là một tu hội mà là một tổ chức của các linh mục triều được thành lập tại Paris năm 1658 có mục đích truyền giáo tại hải ngoại. Nhiều người còn vắn tắt gọi hội này là Hội Thừa Sai Paris. Năm 1658 hai Đức Giám Mục François Pallu và Pierre Lambert de La Motte thuộc Hội Thừa Sai Paris đã được Ðức Giáo Hoàng Alexandre VII đặt làm Giám Quản Tông Toà Ðàng Ngoài và Ðàng Trong ở Việt Nam. 
  • Ngôi Lời : từ Nôm để dịch từ ngữ La Tinh Verbi Divini trong tên của hội dòng quốc tế có tên là Societas Verbi Divini – Society of the Divine Word, được viết tắt là S.V.D. và người Việt gọi là Dòng Ngôi Lời. Từ Ngôi Lời theo nghĩa thần học có nghĩa là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Chúa Giêsu. Theo truyền thống, các Linh Mục tu hội dòng Ngôi Lời thường thêm 3 mẫu tự S.V.D. vào sau tên mình Lm Nguyễn Trung Tây, S.V.D. 
  • Nô Tỳ : Từ Hán Việt. Nô Tỳ 奴婢: đầy tớ gái là từ ngữ được dùng để đặt tên cho một Tu Hội có danh xưng chính thức là Tu Hội Nô Tỳ Thiên Chúa. Tu Hội do Linh Mục Phạm Ngũ Nhạc thành lập tại giáo xứ An Lạc, Sàigòn. 
  • Nữ Tử : Từ Hán Việt. Nữ Tử 女子: con gái được dùng để dịch từ Filles/ Daughters trong tên của Hội Dòng Les Filles de la Charité de Saint Vincent de Paul - Daughters of Charity of St. Vincent de Paul, được viết tắt là D.C. mà người Việt gọi là Tu Đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Dòng được sáng lập năm 1633 tại Pháp. Tới năm 2009, dòng có 49 cộng đoàn tại Việt Nam. 
  • Nữ Tỳ : Từ Hán Việt. Tỳ 婢: (1) Đầy tớ gái. (2) Tiếng đàn bà xưa tự xưng nhún mình như tì tử 婢子 nghĩa là kẻ hèn mọn này. Danh xưng Nữ Tỳ trong tên hội dòng Nữ Tỳ Thánh Thể nói lên tôn chỉ của các chị dòng là tôn sùng Thánh Thể. Dòng được sáng lập năm 1970 tại Biên Hòa. Từ ngữ Nữ Tỳ là nói theo kiểu bình dân, dư chữ Nữ, vì trong chữ Tì 婢 đã sẵn có chữ Nữ 女.
  • Phan Sinh : Tiếng phiên âm của từ Franciscain (Pháp ngữ) –Franciscan (Anh ngữ). Từ này do tên riêng của thánh Francisco mà ra và có nghĩa là đệ tử của thánh Francisco hay các thầy dòng Franciscains hay Franciscans. Người Việt phiên âm tên riêng Francisco là Phanxicô và từ Franciscain thành Phan Sinh. Thánh Phanxicô sinh tại Assisi nước Ý. Năm 1209 Ngài lập một dòng có tên quốc tế là Ordo Fratrum Minor – Order of Friars Minor, viết tắt là O.F.M. được chính thức dịch sang tiếng Việt là Dòng Anh Em Hèn Mọn nhưng dân chúng thường gọi là Dòng Phanxicô hay Dòng Anh Em Phan Sinh với ý nghiã là môn sinh của thánh Phanxicô. Theo truyền thống, các tu sĩ dòng này thường thêm 3 mẫu tự O.F.M. vào sau tên mình. Linh Mục Vương Đình Khởi,O.F.M. Người Tàu phiên âm tên San Francisco là 舊金山 [ jiù jīn shān], Hán Việt đọc là Cựu Kim Sơn. Vào khoảng năm 1972-1973, Tỉnh Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam bắt đầu sử dụng từ Phan Sinh, nhưng chỉ sử dụng giới hạn, thường là như một tĩnh từ, chẳng hạn: “Anh em phan sinh”, “tinh thần phan sinh”, truyền thống phan sinh”, … nhưng không gọi là “Dòng Phan Sinh” hay là “Thánh Phan Sinh”.
  • Quan Phòng : 觀 防 hai từ Hán Việt dùng để dịch từ Providence trong danh xưng của dòng có tên quốc tế là Sisters of Providence: Dòng Chúa Quan Phòng. Theo nguyên nghĩa, Quan 觀: xem xét. Phòng 防: ngăn ngừa, đề phòng. Quan Phòng: xem xét đề phòng. Người Công Giáo Việt Nam hiểu Quan Phòng là sự an bài của Thiên Chúa. Người Tàu dịch chữ Providence là Thiên Ý 天 意: ý trời hay Thiên Đạo 天 道: đạo trời. Dòng Chúa Quan Phòng đến hoạt động tại Việt Nam từ nam 1876 tạo Cù Lao Giêng. 
  • Salesien : Từ Pháp ngữ xuất phát từ tên họ De Sales của thánh Francois de Sales, cha thánh Joannes Don Bosco đã đặt tên cho các tu sĩ của ngài là Salesien (tiếng Pháp) hay Salesian (tiếng Anh) nghĩa là các đệ tử thánh Sales. Ban đầu Cha Gioan Don Bosco cùng với 17 cộng sự viên đã lập ra hội dòng Thánh Francois De Sales vào năm 1859. Sau này hội dòng được đặt tên chính thức là Societas Salesiana Sancti Joannes Don Bosco – Salesians of St. John Don Bosco, viết tắt là S.D.B. Dòng bắt đầu hoạt động tại Hà Nội từ năm 1952. Người Việt thường gọi dòng này là Dòng Salesien Don Bosco, Dòng Don Bosco hay Dòng Salesien. Theo truyền thống, các thành viên của Dòng Salesien Don Bosco thường thêm ba mẫu tự S. D. B vào sau tên mình. Linh Mục Nguyễn Hữu Quảng. S.D.B. 
  • Thiện Bản : từ được dùng để dịch từ ngữ tiếng Pháp Ouevre trong danh xưng chính thức của dòng Ouevre de Saint Paul mà người Việt gọi là Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản. Thiện Bản là từ Hán Việt. Thiện 善: Tốt. Bản: 本:quyển sách. Từ Thiện Bản nói lên tôn chỉ của dòng là hoạt động chuyên biệt về ngành in ấn những tác phẩm văn hóa tốt để loan báo Tin Mừng và nâng cao trình độ văn hóa quần chúng. 
  • Tiểu Đệ : 小弟 hai từ Hán Việt có nghĩa là em trai để dịch danh xưng chính thức của hội dòng có tên tiếng Pháp là Les Petit Frères de Jésus - Little Brothers of Jesus mà người Việt gọi là Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu. Dòng được sáng lập năm 1933 tại Pháp và bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1954. 
  • Tiểu Muội : 小妹 hai từ Hán Việt có nghĩa là em gái để dịch danh xưng chính thức của hội dòng có tên Pháp là Les Petites Soeurs du Pr. Charles de Foucauld mà người Việt gọi là Dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu. Dòng được sáng lập vào năm 1939 tại sa mạc Sahara. Tại Việt Nam dòng có 6 cộng đoàn. 
  • Trợ Thế : 助 世 từ Hán Việt có nghĩa là trợ giúp thế gian để dịch từ ngữ La Tinh Hospitalis trong tên của hội dòng Ordo Hospitalis – Brothers of the Hospitaller Order of St. John of God mà người Việt gọi là Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa, được viết tắt là O.H. Dùng từ Trợ Thế để dịch từ Hospitalis là bệnh viện để nói lên tôn chỉ của dòng là phục vụ bệnh nhân và người nghèo khổ. Dòng do Thánh Gioan Thiên Chúa sáng lập năm 1572 tại Tây Ban Nha và đang hoạt động tại 2 điạ điểm ở Việt Nam là Tân Hiệp và Quang Trung tỉnh Đồng Nai. LM. Savio Trần Ngọc Tuyên, O.H. 
  • Vinh Sơn : Từ phiên âm của tên riêng Vincent. Năm 1625 thánh Vincent de Paul, người Pháp thành lập tu đoàn truyền giáo có tên quốc tế là Congregation Missionis viết tắt lá C.M. được dịch ra tiếng Việt là Tu Đoàn Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn. Theo truyền thống, các thành viên tu đoàn thường thêm hai mẫu tự C.M vào sau tên mình. Lm Nguyễn Viết Chung, C.M. 
  • Xitô: Từ phiên âm từ tiếng La Tinh Cistercianus trong tên của hội dòng Santus Ordo Cistercianus – St. Order of Cistercians, được viết tắt là S.O.C. và người Việt gọi là Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam hay vắn tắt hơn là Dòng Xitô. Dòng được sáng lập năm 1918 tại Quảng Trị. Hiện nay dòng Xitô có các Đan Viện ở nhiều nơi tại Việt Nam. Viện Phụ Phan Bảo Luyện, S.O.C. 
  • Xuân Bích : Tiếng phiên âm của địa danh Saint–Sulpice. Linh Mục Olier lập ra một hội tại giáo xứ Saint Sulpice ở Pháp và đặt tên cho hội là Compagnie des Prêtres de Saint Sulpice, viết tắt là P.S.S. được dịch ra tiếng Việt là Hội Linh Mục Xuân Bích. Từ « SULPICE » được phiên âm thành « XUÂN BÍCH », khởi hứng từ một câu thơ chữ Hán “ Xuân Thảo Bích Sắc 春草碧色: sắc cỏ xuân xanh biếc”. Đầu thập niên 30 hội này đến hoạt động tại Hà Nội. Theo truyền thống, các Linh Mục thành viên hội thường thêm 3 mẫu tự P.S.S. vào sau tên mình. Linh Mục Vincent Bùi Đoàn, P.S.S.
Tác giả Nguyễn Long Thao
(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊDICTÔ XVI TÔNG DU LIBAN #4

ĐỨC THANH CHA GẶP GỠ GIỚI TRẺ LIBAN

ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊDICTÔ XVI TÔNG DU LIBAN #3

ĐỨC THÁNH CHA KÊU GỌI HOÀ BÌNH VÀ BẢO VỆ SỰ SỐNG

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B 16-9-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXIV thường niên năm B 16-9-2012.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.