Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG GIÁO HỌ THÁNH PHAOLÔ 25-01-2013

Sáng thứ năm ngày 25-01-2013 vào lúc 05 giờ giáo xứ Thuận Phát cữ hành Thánh Lễ mừng bổn mạng giáo họ Thánh Phaolô. Cha Chánh xứ dâng Thánh Lễ và mời gọi cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho các gia đình trong giáo họ Thánh Phaolô và cho quý ông, quý anh đã nhận Thánh Phaolô làm quan thầy.

Cuối Lễ cộng đoàn chúc mừng giáo họ Thánh Phaolô bằng một tràng pháo tay thật dài.

Cha Chánh xứ chụp hình lưu niệm với cộng đoàn giáo họ sau Thánh Lễ.

19 giờ 30 cùng ngày, Cha Chánh xứ, HĐMVGX và cộng đoàn cùng đọc kinh Kính Thánh Phaolô tại nhà ông trùm Gioan Võ Hữu Dưỡng.


Hữu Toàn.

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C 27-01-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật III thường niên năm C 27-01-2013.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Đức Mẹ Lên Trời hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA GORETTI

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, 
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Phêrô
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Chị MARIA GORETTI
NGUYỄN MINH LINH CHI
Sinh ngày 28.02.1982 tại TP.Hồ Chí Minh

 Cư ngụ tại : 253/42 Trần Xuân Soạn
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Phêrô - Giáo xứ Thuận Phát


Đã an nghỉ trong Chúa

lúc 06g50 ngày Thứ Sáu 25.01.2013
(Nhằm ngày 14 tháng Chạp năm Nhâm Thìn)


Hưởng dương 31 tuổi

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Sáu  25.01.2013

  • 16g00 : Nghi Thức Tẩn Liệm - Nhập Quan.
Thứ Bảy 26.01.2013
  • 18g15 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
Thứ Hai 28.01.2012
  • 04g30 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát
Sau đó di quan đi mai táng
tại nghĩa trang Nhơn Đức, Nhà Bè, TpHCM.


Thuận Phát, ngày 25 tháng 01 năm 2013
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Thánh Phêrô
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

GIÁO PHẬN VINH PHONG CHỨC LINH MỤC ĐỢT 3

Thánh lễ truyền chức Linh mục tại Nghệ An 
(Linh địa Trại Gáo 17-01-2013)

GPVO - “Chức Linh Mục được một Bí Tích riêng in dấu đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu, như thế các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Ðầu mà hành động” (x. CĐ Vatican II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 2).

 
Giữa dòng đời đang xoay chuyển huyên náo, ồn ào; giữa bao cơn giông tố của cuộc đời, bất chấp những trận mưa dầm, những cơn nắng gắt, vườn hoa Giáo Hội Công giáo Việt Nam nói chung và giáo phận Vinh nói riêng vẫn âm thầm lặng lẽ triển nở thêm những bông hoa xinh tươi, tỏa hương thơm cho đời. Vượt qua những thử thách, những cám dỗ, những tâm hồn tận hiến vẫn can đảm đáp lại tiếng gọi từ trời cao. Âm thầm và lặng lẽ, khiêm tốn và đơn sơ như những nhành huệ trinh trong, kiên trung giữa bao nghịch cảnh, giữa bao khó khăn, giữa những trăn trở của kiếp người, những nhành huệ khiêm nhu của Giáo Hội vẫn tiếp tục nở hoa, đem chút hương thơm nhân ái đến với mọi người. Từ trong sâu thẳm của tâm hồn, họ dịu dàng dâng hiến tình yêu, dâng hiến cuộc đời hiện tại và tương lai cho Chúa.

Đó chính là hình ảnh các vị mục tử của Thiên Chúa, những người luôn biểu lộ cam kết tình yêu bằng đời sống nỗ lực hy sinh thi hành sứ mạng phục vụ Giáo Hội, bác ái với tha nhân, trưởng thành trong ơn sủng và trung thành với Chúa Giêsu, Đấng đã âu yếm gọi họ giữa đêm tối trần gian.Tiếp sau hai Thánh lễ truyền chức Linh mục tại Quảng Bình (10-1-2013) và Hà Tĩnh (14-1-2013), sáng 17-1-2013, 8 thầy phó tế tại Nghệ An cũng đã được truyền chức linh mục trong một Thánh lễ mang nhiều dấu ấn và đủ đầy ý nghĩa tại Linh địa Trại Gáo thuộc giáo xứ Mỹ Yên (xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
 
 
 
(GPVO)

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C 20-01-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II thường niên năm C 20-01-2013.
Cha Chánh xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN C (Ga 2, 1-11)



BỮA TIỆC CẢ MỘT ĐỜI NGƯỜI

PM. Cao Huy Hoàng
Thông thường, người ta đến dự tiệc cưới trong vòng một hai tiếng đồng hồ rồi người ta về. Bữa tiệc cưới cũng chỉ kéo dài trong vài tiếng là xong. Nhưng tiệc cưới Cana mà Chúa Giêsu và Mẹ người đến tham dự là cuộc Hôn nhân Công giáo của cả một đời người chúng tôi.

Xác tín tính bền vững của Bí Tích Hôn Nhân Công Giáo.

Giữa một thế giới mà con người ta đang yêu thử, sống thử, cưới nhau thử, có con thử, hạnh phúc thử… thì tôi tin rằng, ai đã lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân Công Giáo với tất cả lòng thành tín muốn có một gia đình hạnh phúc thật sự, có một tình yêu thật sự, thì họ đã được Thiên Chúa đóng ấn để Hôn Nhân của họ, tình yêu của họ là một sự thật toàn thiện, một sự thật bền vững.

Tôi có nhớ một bài hát của Nhạc Sĩ Phạm Duy “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”. Đúng vậy, ai đã thành tâm tìm hạnh phúc gia đình cũng phải “cầu nguyện đến ba lần” để được Thiên Chúa tìm giùm cho người mình yêu, người mình xe tơ kết tóc. Tôi gọi là “Thiên Chúa tìm giùm cho” vì kinh nghiệm của nhiều đôi vợ chồng thánh thiện cho thấy: nếu để tôi tìm, tôi chọn, thì tôi không tìm, không chọn người vợ người chồng mà tôi đang chung sống; và tôi sẽ nhầm lẫn. Chính người bạn đời đang sống với tôi là một quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa. Càng sống lâu bên nhau, tôi càng khám phá ra điều kỳ diệu ấy, mà tôi dám gọi là mầu nhiệm. Tôi thật sự tự do khi chọn đời sống hôn nhân nầy, đồng nghĩa với việc tôi bằng lòng chấp nhận người bạn đời mà “Thiên Chúa tìm giùm cho tôi” - vì tôi đã cầu xin Ngài. “Cho con lấy được người con yêu”, tôi xin là xin như vậy, nhưng tôi thực sự không biết người tôi yêu là ai. Chỉ có Thiên Chúa thượng trí và quan phòng Ngài hiểu rõ. Ngài hiểu cả đời tôi phải yêu ai, còn tôi, chỉ hiểu tình yêu và hạnh phúc theo với thời gian ngắn ngủi tuổi đời tôi thôi thúc.

Rồi khi đã “lấy được người mình yêu”, thì lời nguyện của đôi vợ chồng là - xin phép Nhạc sĩ phạm Duy cho tôi đổi lời - “Con quì lạy Chúa trên trời, sao cho con yêu được người con đã lấy”. “Lấy được người mình yêu” đã khó, nhưng “yêu được người mình đã lấy” thì càng khó hơn. Ai đã sống trong đời sống hôn nhân đều hiểu rõ điều nầy.

Nhưng khó, chứ không phải là không thể. Quả thật, biết bao gia đình công giáo êm ấm hạnh phúc, đã “yêu được” khi biết hy sinh, biết đóng đinh ý nghĩ, lời nói, đôi tay đôi chân của cái riêng mình để hòa mình vào ý nghĩ, lời nói, đôi tay đôi chân của người bạn đời. Họ đã ‘yêu được” và họ đã “được yêu”. Hạnh phúc ấy không tự dưng mà có, vì “sự hy sinh, từ bỏ mình” không dễ gì một ngày một bữa mà họ có được, nhưng chính là nhờ ơn Siêu Nhiên ẩn chứa bên trong Bí tích Hôn nhân Công giáo mà họ đã lãnh nhận. Hôn Nhân Công Giáo bền vững. Hôn nhân thật.

Vì Hôn nhân Công Giáo luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu

Trình thuật tiệc cưới Cana, tuy ngắn gọn với phép lạ đầu tiên Chúa thực hiện trong tiệc cưới “nước hóa thành rượu” nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, nhưng lại là một minh họa cả một cuộc đời hôn nhân, một đời vợ chồng.

Chén rượu giao bôi ngày tân hôn nồng nàn lắm, ý vị vô cùng, và cũng ngất ngây hạnh phúc. Đôi bạn đắm mình trong một thế giới mới, thế giới của hòa tan, tinh thần và thể xác; thế giới của mầu nhiệm sáng tạo mà Thiên Chúa đã dọn sẵn trong mỗi tạo vật của Ngài, để nối dài công trình mà Ngài cho là “thật tốt đẹp”. Chén rượu ân tình ấy sẽ phai nhạt theo thời gian. Hạnh phúc vơi dần theo tuổi đời, theo năm tháng. Sự nồng nàn vì hương sắc cũng không còn nữa. Và tình yêu sôi nổi của một thưở ban đầu nhường chỗ cho một chuỗi ngày trách nhiệm đầy nhàm chán. Chính Chúa Giêsu, Người thiết lập Bí tích Hôn nhân Công giáo, không chỉ dừng lại ở một định lý bất di bất dịch: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”(Mt 19,6), mà còn hơn thế nữa, Người luôn hiện diện trong tình yêu hôn nhân để “biến nước lã thành rượu nồng khi cần thiết”, để giúp cho đôi vợ chồng bảo đảm được tính bền vững của hôn nhân. Điều quan trọng là đôi vợ chồng có còn nhiệt tình, có còn khao khát hạnh phúc ban đầu ấy, có khám phá ra được sự hiện diện kỳ diệu ấy, và tha thiết cầu xin Người trợ giúp. Những gia đình tan vỡ, vì không biết, không muốn kết hợp với ơn trợ giúp của Chúa Giêsu, trong khi Người vẫn còn đó, Người chưa bỏ tiệc ra về.

Và Mẹ Maria là Người Nữ Cứu Hộ Hôn Nhân Công Giáo.

Khi thấy thiếu rượu, Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga. 2, 3)… Rồi Đức Mẹ nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Chuyện tiền bạc, dầu mắm, bếp núc, kể cả chuyện rượu bia cho bữa tiệc ngon lành, cũng là chuyện của một phụ nữ đảm đang. Và Mẹ Maria đúng là một phụ nữ đảm đang trong tiệc cưới Cana ấy. Mẹ không còn là khách dự tiệc hôn nhân, nhưng lại là “người cứu hộ hôn nhân” luôn nồng thắm.

Thật hạnh phúc cho những gia đình công giáo quây quần bên nhau trước bàn thờ mỗi tối, cùng đọc kinh, lần chuỗi. Tôi vẫn tin rằng các gia đình ấy đang sống hạnh phúc vì luôn có Chúa Giêsu tham dự vào đời sống hôn nhân của họ, nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria. Có thể họ biết họ khó giữ nổi lời hứa làm thành Bí tích hôn nhân: “Tôi nhận anh/em làm chồng/vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi”, nên họ đã cụ thể lời hứa ấy: “ Tôi hứa sẽ đọc kinh tối sáng với anh/em suốt đời tôi”. Đã có những ông chồng vui mừng cảm ơn vợ: “Anh cảm ơn em, nhờ em lần chuỗi cầu nguyện cho anh, nên anh đã kiên trì với vợ con tới phút nầy; nếu không, anh đã sa ngã”. Có người lại nói: “Khi gia đình tôi gặp gian nan khốn khó, chúng tôi thường nhận được những sẻ chia của anh em bè bạn, những lời an ủi động viên, nhưng tôi vẫn thích nhất câu chia sẻ nầy: “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu, cầu cho chúng con”.

Để kết

Tôi xin kể chuyện tôi: Tháng 10 năm 1993, cha tôi vào cơn hấp hối suốt 56 ngày đêm, lúc tỉnh, lúc mê. Mẹ tôi ngồi bên giường cha, và hai ông bà lần chuỗi… Cha tôi đọc lúc được, lúc không. Ngày cuối cùng, 20-12-1993, cha tôi bỏ tràng chuỗi Mân côi vào tay mẹ, rồi mất, tạm kết thúc một đoạn 53 năm Hôn nhân Công giáo ở trần thế nầy. Tôi ghi lại tâm tình ấy trong bài thơ “Di Sản”, xin sẻ chia:

Ông già nói với bà già
Bà ơi tôi sắp phải xa bà rồi
Con thời mỗi đứa một nơi
Nhà thời vắng vẻ mình tôi với bà
Tôi đi bà ở lại nhà
Vui lên! Cứ nghĩ như là có tôi
Ai rồi cũng một kiếp người
Tôi thời cũng vậy bà cười lên đi
Biết rằng tử biệt sinh ly
Cho tôi nói nhỏ lời tri ân bà
Một đời lăn lóc bôn ba
Tôi dành một chút làm quà chia tay
Bà cầm tràng chuỗi nầy đây
Ta cùng hợp xướng từ ngày cưới nhau
Năm mươi hạt ngọc trân châu
Xin làm di sản tôi trao tặng bà


….

Mai kia bà có đi xa
Bà ơi gửi lại làm quà cho con…


Nguyện xin Mẹ Maria “người Nữ Cứu Hộ Hôn Nhân” của các gia đình chúng con, hãy la to lên: “Tiệc hôn nhân của các Gia đình nầy hết rượu rồi”, hoặc Xin Mẹ hãy nói: “Xin Ngài đổi rượu thật cho các gia đình nầy, họ đang xài toàn rượu giả”.

Xin Mẹ Maria khẩn thiết nài xin cho chúng con, vì chúng con khao khát bữa tiệc hôn nhân của chúng con hôm nay, được kéo dài đến bữa tiệc sum họp trên trời.
 
(tinmung.net) 

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 12-18.01.2013

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

GIÁO PHẬN VINH PHONG CHỨC LINH MỤC ĐỢT 2

Thánh lễ truyền chức linh mục tại Hà Tĩnh 
(giáo xứ Văn Hạnh, 14-01-2013)
 
GPVO - Sáng ngày 14/11/2013, đông đảo bà con khắp nơi đã quy tụ về nhà thờ giáo hạt Văn Hạnh (Hà Tĩnh) để tham dự Thánh lễ truyền chức linh mục cho 6 thầy phó tế là những người con của các giáo xứ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

 
Nhà thờ Văn Hạnh được chọn làm nơi cử hành thánh lễ truyền chức cũng sẽ là nhà thờ chính tòa của giáo phận Hà Tĩnh trong tương lai. Ngôi thánh đường với hai ngọn tháp cao, có sức chứa hơn 3.000 giáo dân đã được khánh thành vào tháng 4/2012. Việc xây dựng văn phòng Tòa Giám mục cho giáo phận mới cũng đã được Đức cha Phaolô đặt viên đá đầu tiên vào ngày 10/06/2012.

Có 10 giáo hạt với hơn 70 giáo xứ, Hà Tĩnh và Quảng Bình đang hoàn thành những điều kiện còn lại để thành lập một giáo phận mới, tách từ giáo phận Vinh.
 
 
Từ sáng sớm, dòng người đã lũ lượt đổ vể giáo xứ Văn Hạnh để tham dự lễ truyền chức. Ước tính có hơn 20.000 người tham dự thánh lễ, trong đó có nhiều người thuộc các tôn giáo khác.


(GPVO_

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

GIÁO PHẬN VINH PHONG CHỨC LINH MỤC ĐỢT 1

Thánh lễ truyền chức linh mục tại Quảng Bình 
(giáo xứ Hướng Phương, 10-01-2013)
 
GPVO - “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác”. Lời nhắn nhủ đó trong thư thứ nhất của thánh Phêrô đã được ban tổ chức dùng làm câu khẩu hiệu với mục đích khơi dậy lòng sốt sắng và tinh thần hăng say phục vụ cho các tân chức và cộng đoàn trong Thánh lễ truyền chức linh mục ngày 10/01/2013 tại giáo hạt Hướng Phương (tỉnh Quảng Bình). Đây là một dấu ấn đẹp và đầy ý nghĩa đối với toàn thể giáo phận Vinh trong Năm Đức Tin, đặc biệt là sứ mạng loan báo Tin Mừng giữa thời đại hôm nay.


Bốn thầy phó tế được truyền chức trong Thánh lễ này là:

1. Thầy Vinh Sơn Điểm Cao Dương Đông – Thuộc giáo xứ Hướng Phương.
2. Thầy Micae Trần Trung Năng - Thuộc giáo xứ Hướng Phương.
3. Thầy Phêrô Nguyễn Lượng - Thuộc giáo xứ Cồn Sẻ.
4. Thầy Bônaventura Trương Văn Vút - Thuộc giáo xứ Nhân Thọ.



Thánh lễ truyền chức linh mục là một ngày đại lễ trong giáo phận. Một nét mới trong việc cử hành lễ truyền chức năm nay, là việc bề trên giáo phận đã tổ chức thành ba đợt tại ba địa điểm khác nhau nhằm tạo điều kiện tốt nhất để bà con giáo dân có thể tham dự lễ truyền chức. Hơn nữa, việc các tiến chức được lãnh nhận sứ vụ mới trên quê hương mang một ý nghĩa đặc biệt. Tất cả những điều đó được biểu hiện bằng niềm vui hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt của các tiến chức và nơi quý ông bà cố, thân ân, ân nhân và cộng đoàn tham dự. 
 
 
(GPVO) 

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA 13-01-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa 13-01-2013.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.


Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C (Lc 3,15-16.21-22)



PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt 
Sông Gio-đăng, tiếng Do Thái là “yarad” có nghĩa là đi xuống. Sông Gio-đăng phát nguồn từ ngọn núi Héc-mon ở độ cao 520m. suốt 220km đường dài dòng sông không ngừng đi xuống. Thoạt tiên sông chảy vào hồ Hu-lê chỉ còn 68m trên mực nước biển. Kế đó sông chảy vào biển hồ Galilê, nơi Chúa Giêsu thường qua lại, và các tông đồ thường chài lưới. Ở đây lòng hồ sâu 212m dưới mực nước biển. Sông tiếp tục chảy xuống miền Nam, đổ vào Biển Chết. Ở đây độ sâu là 394m dưới mức nước biển. Có thể nói đây là điểm thấp nhất của địa cầu.

Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Gio-đăng để chịu phép rửa, Người đã xuống chỗ thấp nhất không chỉ về chiều sâu theo không gian địa lý mà còn về chiều sâu tâm lý xã hội. Bước xuống để Gioan Baotixita làm phép rửa tội, Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng thác người tội lỗi, cần thống hối ăn năn. Tuy đến để cứu độ người tội lỗi, nhưng Chúa Giêsu không cho mình quyền đứng trên kẻ tội lỗi. Người đã hạ mình xuống ngang hàng với họ, liên đới với họ và trở nên anh em của họ. Không ai nhận ra Người. Mọi người đều cho rằng Người là một trong những kẻ tội lỗi.

Trong đêm Giáng Sinh, ta được chứng kiến một Thiên Chúa hạ mình xuống làm người. Làm một người bé nhỏ nghèo hèn như chưa đủ đối với tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa, nên hôm nay người lại hạ mình xuống thêm một bậc nữa, xuống tận đáy xã hội nhân loại khi nhận mình tội lỗi.

Hôm nay, bắt đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Người bắt đầu xuất hiện để rao giảng Tin Mừng. Trước khi tiến ra gặp gỡ quần chúng, Chúa Giêsu đã tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Để chuẩn bị ra gặp loài người Chúa Giêsu cảm thấy cần phải thanh tẩy. Mặc lấy xác phàm, Chúa Giêsu chưa cảm thấy mình gần với nhân loại cho đủ. Người còn hạ mình xuống làm một người tội lỗi. Người gìm mình xuống lòng sông Gio-đăng, dường như muốn mượn làn nước trong xanh tẩy sạch đi tất cả dáng vẻ cao quý của Thiên Chúa còn vương vấn nơi thân xác nhân loại của Người. Tẩy sạch đi tất cả những gì ngăn cách, để Người được thực sự là một người anh em của mọi người.

Dòng nước sông Gio-đăng có trong xanh đến mấy cũng đâu đủ sức rửa Thiên Chúa làm người. Thực ra chính Người tự rửa mình bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Khiêm nhướng là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi một chút. Gìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50). Người còn hỏi hai ông Gioan và Giacôbê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các ngươi có thể uống chén Ta uống và chịu thanh tẩy thứ thanh tẩy Ta phải chịu không?” (Mc 10,38). Khi nói thế Chúa Giêsu có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu.

Một câu châm ngôn nói; Không ai thấy được tình yêu. Người ta chỉ thấy được những bằng chứng của tình yêu. Bằng chứng tình yêu của Chúa Giêsu đối với ta đó là sự hạ sinh làm một em bé nghèo hèn yếu ớt. Đó là sự khiêm nhường hoà mình vào đoàn lũ những tội nhân tới gìm mình trong dòng sông Gio-đăng. Tình yêu đã thúc đẩy Người đi những bước táo bạo, bất ngờ. Mượn dòng nước sám hối xoá đi mọi khoảng cách còn lại giữa Thiên Chúa và con người.

Cử chỉ khiêm nhường của Người là một lời mời gọi ta. Nếu ta cảm thấy mình còn xa cách Chúa. Nếu ta cảm thấy mình cần được thanh tẩy. Đừng ngần ngại thay đổi đời sống. Hãy mạnh dạn tiến đến lãnh nhận phép rửa của Chúa Giêsu để trở nên gần gũi với Người. Nếu ta chưa thể lãnh nhận phép rửa trong cái chết tủi nhục như Chúa Giêsu, ta vẫn có thể được thanh tẩy trong phép rửa khiêm nhường. Hãy rửa mình trong dòng lệ sám hối. Hãy tắm mình trong dòng nước khiêm cung. Như lời vua Đavit nói: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn sám hối. Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50)/

Khiêm nhường sám hối là bước khởi đầu để ta đón nhận Phúc Âm. Khiêm nhường sám hối là quay trở về nhà Cha, sống trọn tâm tình của người con thảo hiếu. Khi khiêm nhường trở về, ta sẽ gặp được người Cha nhân hậu đang đứng chờ ta. Người sẽ nói về ta như nói về Chúa Giêsu: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con biết đến với Chúa và đến với anh em bằng sự khiêm nhường sám hối. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Chúa Giêsu không ngừng đi xuống. Còn bạn, bạn có tự hạ, hay là lúc nào bạn cũng muốn gìm người khác xuống?

2. Làm thế nào để trở nên “Con yêu dấu” của Đức Chúa Cha?

3. Hằng ngày, bạn có cảm thấy cần phải chịu phép rửa khiêm nhường của Chúa Giêsu không?

(tinmung.net) 

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 04-11.01.2013