Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #17

Những “sự kiện bên lề” 
chuyến thăm Hàn Quốc của ĐTC Phanxicô 
làm nức lòng hàng triệu trái tim khắp thế giới

10458725_717272971680359_6369643651551043312_n

Gọi là sự kiện “bên lề” vì đây là những hoạt động không có hoặc không được ghi trong lịch trình chính thức thăm Hàn Quốc của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, không thua gì sự kiện gần 1 triệu người dự lễ phong Chân phước cho 124 vị Tử đạo Hàn Quốc, những sự kiện được xem là “bên lề” này cũng đã làm nức lòng hàng triệu trái tim tín hữu khắp thế giới. Đó là những sự kiện gì?
  • 1. ĐTC Rửa tội cho bố của một người trẻ bị thiệt mạng trong vụ đắm tàu Sewol
VT-EN-ART-35837-papa_battesimo_corea_afp

Ông Lee Ho Jin, thân phụ của một trong những người trẻ bị thiệt mạng trong vụ đắm tàu Sewol ngày 16.04 vừa qua đã gặp Đức Thánh Cha trong Thánh lễ tại Sân vận động thành phố Đại Điền khi ngài gặp một nhóm thân nhân các nạn nhân bị đắm phà. Ông đã xin Đức Thánh Cha rửa tội để gia nhập Giáo hội Công giáo.

Người đàn ông này đã mang thánh giá đi hành hương 900 km từ nơi con ông chào đời đến hải cảng nơi tàu Sewol khởi hành. Hai năm trước đó, ông đã theo học giáo lý tại một giáo xứ Công Giáo.

Cảm động trước tấm lòng và đức tin mạnh mẽ của ông, Đức Thánh Cha đã chấp nhận thỉnh cầu của ông và ngài đã cử hành bí tích Rửa tội cho ông tại nhà nguyện Tòa sứ thần Tòa thánh tại Seoul vào lúc 7 giờ sáng Chúa nhật 17.08.2014.

Hiện diện với ông Lee Ho Jin trong lễ nghi rửa tội có con trai và con gái của ông, cùng với 1 linh mục đã giới thiệu ông với Đức Thánh Cha khi ở Đại Điền. Đa phần nghi thức do cha John Chong Che Chon, Giám tỉnh Dòng Tên Hàn Quốc, thông dịch viên của ĐTC cử hành; trong khi chính Đức Thánh Cha đổ nước rửa tội và xức dầu ban bí tích Thêm Sức cho ông. Ông Lee Ho Jin đã nhận tên thánh là Phanxicô để tỏ lòng tri ân Đức Thánh Cha Phanxicô.
    • 2. ĐTC bất ngờ xuống xe chào thăm và an ủi người thân của các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol
      Cũng liên quan đến sự kiện phà Sewol bị chìm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bất ngờ xuống xe gặp và an ủi thân nhân của các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol. Ngài đã

      Gia đình của các nạn nhân đã tụ tập biểu tình đòi công lý và sự thật về tai nạn phà chết người hồi tháng tư năm nay. Từ những ngày trước, họ đã tụ họp tại quảng trường Quang Môn nơi sẽ diễn ra lễ phong chân phước, để phản đối và kêu gọi chính phủ thực hiện một cuộc điều tra về tai nạn này. Họ cũng yêu cầu được gặp Đức Giáo hoàng để xin ngài cầu nguyện và lên tiếng đòi lại công lý và sự thật cho họ.

      Đức Thánh Cha cũng đã nói chuyện với một người đàn ông có con gái thiệt mạng trong tai nạn. Ngài đã nắm chặt tay ông và chia buồn với ông. Ông đã trao cho Đức Thánh Cha một lá thư. Người đàn ông này đã tuyệt thực trong hơn một tháng qua để đòi chính phủ phải có câu trả lời thoả đáng.

      “Vụ tai nạn làm trái tim chúng tôi tan vỡ và đau đớn. Tôi thật sự muốn cảm ơn Đức Giáo hoàng vì ngài đã đến gặp chúng tôi. Khi tôi nhìn thấy ngài mang dải băng màu vàng (Dải băng vàng này được nhiều người đeo sau vụ chìm phà như biểu tượng cho niềm hy vọng tìm được người sống sót) trong suốt Thánh lễ tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi cảm thấy mình đã được tiếp thêm sức mạnh để bước tiếp chặng đường khó khăn sắp tới,” thân nhân một nạn nhân chìm phà chia sẻ.

      Vụ chìm phà đã xảy ra ngày 16.04 làm 226 người chết và 76 người mất tích. Chiếc phà chở 476 người trong đó có 325 học sinh trung học trên đường từ Incheon đến khu nghỉ mát ở đảo Jeju đã bị lật trước khi chìm. Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy chiếc tầu đã chở đến 3608 tấn trong khi trọng tải tối đa chỉ là 987 tấn.
      • 3. Đức Thánh Cha gặp thầy Lee Gu Won, một người không tay không chân đã trở thành tông đồ sự sống, thuộc tu hội Hội Thánh Luca Hoàng ở Hàn Quốc.
      COREA_-_Lee_4
       Trong cuộc viếng thăm của ĐTC dành cho những người khuyết tật hôm thứ bảy 16..08.2014 tại trung tâm Kkottongnae, thuộc giáo phận Cheonju, ngài đã gặp thầy Lee Gu Won, một người khuyết tật đã trở thành người tông đồ nhiệt thành bảo vệ sự sống. Thầy Lee Gu Won chào đời năm 1990 và không hề có chân và tay. Chính vì thế, thầy đã bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi tại trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi Thánh Giá ở thủ đô Seoul và không hề biết nơi mình sinh ra. Ngày 12.07.1990, trong một lần đến thăm trung tâm, linh mục Kim Dong-il đã gặp cậu bé Lee Gu Won và đã xin Bản quyền giáo phận cho phép nhận bé làm con nuôi vì biết rằng sẽ chẳng có ai muốn nhận nuôi bé vì khuyết tật thể lý trầm trọng như thế. Thế là cậu bé Lee Gu Won đã được mang về Hội thừa sai Luca Hoàng ở giáo phận Cheonju và nhận nơi đây làm gia đình của mình.

      Năm 18 tuổi anh Lee Gu Won được nhận vào học tại Đại học Công giáo Daejeon. Dù không có tay và chân nhưng anh đã nỗ lực học hành chăm chỉ và đạt được kết quả rất đáng khen ngợi. Năm 2011, với phép của Đức Giám mục giáo phận, anh được nhận vào nhà tập của Hội và được tuyên khấn lần đầu sau khi hoàn tất việc huấn luyện tại nhà tập. Hiện tại anh đang phục vụ tại trung tâm bảo vệ sự sống của Hội với ước mong “công bố Tin Mừng sự sống và tình yêu thương con người”. Sứ vụ của thầy là an ủi các bệnh nhân và những người bị bỏ rơi, và hàng tháng viết bản tin nhằm mang đến cho nhiều độc giả, cách riêng những người cùng cảnh ngộ niềm vui và hy vọng.

      Khi được hỏi về sứ vụ bảo vệ sự sống của mình, thầy chia sẻ rằng: “Tôi muốn thông truyền cho thế giới và Hàn quốc vốn là nước có tỷ lệ người trẻ tự tử cao nhất thế giới, sứ điệp hy vọng nơi Chúa chúng ta”.

      10615623_10152154766901486_8285694080339620013_n 

      • 4. Người dân Hàn Quốc kinh ngạc khi thấy ĐGH sử dụng một chiếc xe rẻ tiền
          10606037_720237541375725_242054699465246248_n

          Người ta không chỉ thấy sự bình dân của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài sống tại Vatican; sự bình dân ấy theo ngài đến tận những vùng đất mà ngài đến thăm.

          Người dân xứ sở Kim Chi đã rất kinh ngạc khi thấy Đức Giáo hoàng – nguyên thủ của một quốc gia lại sử dụng chiếc Kia Soul nhỏ nhắn và thuộc hạng “rẻ tiền” ở Hàn Quốc. Lựa chọn sử dụng chiếc xe bình dân này của Đức Phanxicô hoàn toàn tương phản với lối sống ưa thể hiện đẳng cấp và giàu sang của không ít người trong xã hội Hàn Quốc.

          Hình ảnh Đức Thánh Cha tươi cười bước vào xe dẫu cho phải gặp chút khó khăn khi vào trong chiếc ô tô bé xíu so với thân hình cao to của ngài khiến không ít người Hàn Quốc cảm động và khâm phục.

          Vị Giáo hoàng được mệnh danh là “người của mọi người” này đã đưa ra một chọn lựa thật đầy ý nghĩa. Ngài đã không sử dụng chiếc xe chống đạn dành riêng cho giáo hoàng mà các vị tiền nhiệm hay dùng trong các chuyến tông du nước ngoài. Ngài cũng đã mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi các linh mục hãy sử dụng những chiếc xe bình dân thay vì sở hữu những chiếc đắt tiền.

          Chỉnh Trần, S.J. 

          (dongten.net)

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #16

          Hình ảnh ĐGH Phanxicô thăm Hàn Quốc ngày 4

          Chúa Nhật, 17.8.2014
          • 10g00: đón trực thăng đi Haemi
          • 11g00: Gặp các Giám Mục Á Châu tại Đền Haemi
          • 13g00: ăn trưa với các Giám Mục Á Châu tại nhà ăn ở Đền Haemi
          • 16g30: Thánh Lễ kết thúc ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ 6 ở Lâu Đài Haemi
          • 19g00: đi trực thăng về Seoul.
          PopeFrancis-17Aug2014-1 
           PopeFrancis-17Aug2014-6

          Gặp gỡ các Giám Mục Á châu

          ĐTC đã đáp trực thăng đến Đền thánh Hải My lúc gần 11 giờ và tại nguyện đường của thánh điện, ngài đã cùng với các GM cử hành kinh trưa bằng tiếng Anh. Có 68 GM đến từ 35 nước Á châu hiện diện.

          Sau khi ĐTC ban phép lành kết thúc kinh nguyện, ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai, Ấn độ, trong tư cách là Chủ tịch Liên HĐGM Á châu, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC. Ngài nhắc lại biến cố lịch sử cách đây 44 năm, khi các GM Á châu nhóm họp tại Manila nhân cuộc viếng thăm lịch sử của ĐGH Phaolô 6 tại Philippines hồi tháng 12 năm 1970. Đó là lần đầu tiên có đông đảo các GM Á châu như thế, 180 vị, nhóm họp để trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về những vấn đề mục vụ tại đại lục to lớn và có nhiều khác biệt như Á châu. Do lòng hăng say từ kinh nghiệm ấy thúc đẩy, các GM đã thiết lập Liên HĐGM Á châu với sự chúc lành của ĐGH Phaolô 6. Ngày nay, tổ chức này có 19 HĐGM thành viên, bao gồm 27 nước và 9 thành viên kết nạp, vì các giáo phận ấy không thuộc HĐGM nào.

          PopeFrancis-17Aug2014-19

           
           PopeFrancis-17Aug2014-14 
           PopeFrancis-17Aug2014-16 
           PopeFrancis-17Aug2014-17

          (dongten.net)

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #15

          Video – Thánh Lễ bế mạc Ngày Đại Hội Giới Trẻ Á Châu

          Hàng ngàn bạn trẻ đến từ ít nhất là 22 quốc gia ở Châu Á đã có mặt trong Thánh Lễ bế mạc Ngày Đại Hội Giới Trẻ Á Châu. Thánh Lễ được cử hành bằng ba thứ tiếng là Latinh, Hàn Quốc và Tiếng Anh. Trong bài giảng bằng Tiếng Anh, Đức Giáo Hoàng đã chia sẻ về ba chủ đề chính là người Á Châu, giới trẻ và tỉnh thức. Và trong phần kết thúc cũng đã công bố Ngày Đại Hội Giới Trẻ Á Châu tiếp theo sẽ diễn ra tại Indonesia vào năm 2017. Sau đây là toàn bộ nội dung đoạn video này, xin mời chúng ta cùng theo dõi:


          (dongten.net)

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #14

          Video – Hàng ngàn bạn trẻ chào đón Đức Giáo Hoàng 
          trên đường đến Castello di Haemi Hàn Quốc

          Hàng ngàn bạn trẻ đến từ ít nhất là 22 quốc gia ở Châu Á đã đón chào Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài trên đường đến Castello di Haemi Hàn Quốc để cử hành Thánh Lễ bế mạc Ngày Đại Hội Giới Trẻ Á Châu. Xin mời chúng ta cùng theo dõi đoạn video sau:


          (dongten.net)

          VIDEO TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO TỐI 12.8.2014

          Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #13

          Hình ảnh ĐGH Phanxicô thăm Hàn Quốc ngày 3

          ĐTC chủ sự thánh lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo 
          đứng đầu là vị Tôi Tớ Chúa Phaolô Duẫn Trì Trung (Paul Yun Ji-Chung)

           
           
           
           
           
           
          Thăm trung tâm phục hồi người khuyết tật ở “Nhà Hy Vọng” ở Kkottongnae

           
           
           
           
           
           

          Ngỏ lời với các cộng đoàn tu sĩ của Hàn Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tín thác vào lòng Chúa thương xót và tập trung vào đời sống cộng đoàn trong việc truyền bá niềm vui Phúc Âm cho thế giới: “Chỉ khi chứng tá của chúng ta vui tươi, chúng ta mới lôi cuốn được người khác đến với Chúa Kitô”.

           
           
           
           
           
          Đức Phanxicô đã nói chuyện với giáo dân Nam Hàn 
          tụ tập tại đây lúc 6 giờ 30 chiều thứ Bẩy. 
          Ở đây ngài đã gặp 150 đại biểu giáo dân 
          của Hội Đồng Công Giáo Tông Đồ Giáo Dân, thành lập năm 1968.

          (dongten.net)

          ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN TỪ TRẦN #3

          Trong sự tiếc thương của toàn thể Giáo phận Phan Thiết, vào lúc 00h00 ngày 18/08/2014, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, nguyên Giám mục Giáo phận Phan Thiết- Bề trên sáng lập Tu đoàn Bác Ái Xã Hội, sau thời gian tại thế, đã được Chúa thương gọi về, hưởng thọ 82 tuổi.
           
          Trong niềm hy vọng vào Chúa Kitô Phục Sinh, xin quý Đức Cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong và ngoài Giáo phận hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Đức Cha Phaolô sớm về hưởng tôn nhan Chúa.


          ban truyền thông tu đoàn bác ai xã hội
          (gpphanthiet.com)

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #12

          Ngày thứ tư chuyến tông du Hàn Quốc 
          của Đức Thánh Cha Phanxicô:
          “Chỉ có thể đối thoại nếu chúng ta biết rõ mình là ai”

          WHĐ (18.08.2014) – Chúa nhật 17-08, ngày thứ tư trong chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô, có hai sự kiện chính: Đức Thánh Cha gặp các giám mục Á châu tại Đền Haemi lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, tại Lâu đài Haemi lúc 16 giờ.

          Gặp các giám mục Á châu

          Trước hết, Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Độ, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á châu, đã đại diện các giám mục chào mừng Đức Thánh Cha.

          Ngài gợi lại: “Lúc này, tâm trí chúng con trở về thời điểm lịch sử 44 năm trước, khi các giám mục Á châu gặp nhau tại Manila nhân cuộc viếng thăm lịch sử của Đức giáo hoàng Phaolô VI đến Philippines vào năm 1970. Đó là lần đầu tiên có đông đảo giám mục châu Á như thế – khoảng 180 vị – gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về các vấn đề mục vụ mà lục địa rộng lớn và phong phú này đang phải đối mặt. Vui mừng vì kinh nghiệm này, các giám mục đã thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) và được Đức giáo hoàng Phaolô VI chúc lành. Ngày nay FABC có 19 Hội đồng Giám mục thành viên bao gồm 27 quốc gia, và 9 thành viên liên kết, là các Giáo hội chưa có Hội đồng Giám mục”.

          Đức hồng y Gracias cũng phác hoạ hình ảnh Châu Á “là một lục địa đang trải nghiệm những hy vọng và mừng vui của một cuộc tái sinh không ngừng trong Chúa Thánh Thần. Sáu mươi phần trăm dân số thế giới sống ở châu Á. Đây là một lục địa trẻ trung với đa số dân là người trẻ. Vì thế trong nhiều khía cạnh châu Á là chính trung tâm cho tương lai của thế giới và tương lai của Giáo hội. Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến châu Á và mang lại những thách thức mới cho Giáo hội: người châu Á mang bản chất tôn giáo, nhưng tinh thần của chủ nghĩa thế tục và duy vật đang len lỏi vào. Mối quan hệ gia đình từng được coi trọng và ăn rễ sâu trong xã hội châu Á đang dần bị xói mòn. Và đang khi tâm hồn Á châu coi sự sống là thánh thiêng, nhưng những mối đe dọa sự sống đang gia tăng và gây xáo trộn bằng nhiều cách. Người châu Á tìm kiếm và ưa thích sống cộng đoàn; nhưng nay thì điều này cũng bị ảnh hưởng bởi một cảm thức mạnh của chủ nghĩa cá nhân”.

          Cuối cùng, Đức hồng y Gracias cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm Hàn Quốc: “Đức Thánh Cha đã đem Chúa Giêsu đến cho chúng con qua sứ điệp của Đức Thánh Cha”. Và ngài cam kết: “Chúng con nguyện dấn thân để làm cho Chúa Giêsu và sứ điệp của Người được nhiều người biết đến, hiểu biết, yêu mến và đi theo hơn nữa”.


          Trong phần đáp từ, Đức Thánh Cha khai triển đề tài về “đối thoại”.

          Ngài bày tỏ hy vọng rằng “các quốc gia mà Toà Thánh chưa có quan hệ đầy đủ sẽ không ngần ngại thúc đẩy một cuộc đối thoại vì lợi ích của tất cả”. Đức Thánh Cha giải thích: “Ở đây tôi không chỉ nói đến đối thoại chính trị, nhưng cả đối thoại huynh đệ nữa”, và ngài nói thêm: “Các Kitô hữu này không đến đây như những kẻ chinh phục, họ không đến để tước mất căn tính của chúng ta, nhưng họ mang đến cho chúng ta căn tính của họ và họ muốn đi với chúng ta”.

          Đức Thánh Cha nói rằng “Giáo hội được kêu gọi linh động và sáng tạo trong việc làm chứng cho Tin Mừng, nhờ đối thoại và mở ra với mọi người”. Nhưng ngài cũng khẳng định: “Chỉ có thể đối thoại nếu chúng ta biết rõ mình là ai. Chúng ta phải ý thức được căn tính của mình, căn tính của chúng ta là Kitô hữu. Phải mở lòng trí trong niềm cảm thông và đón nhận chân thành với những người mà chúng ta đối thoại”.

          Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Căn tính này chính là đức tin sống động trong Chúa Kitô”, và ngài đặt câu hỏi với các giám mục: “Liệu căn tính ấy có được thể hiện rõ ràng trong các chương trình giáo lý và mục vụ giới trẻ, trong việc phục vụ người nghèo và những người sống vất vưởng bên lề xã hội giàu có của chúng ta và trong những nỗ lực thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì hay không?”

          Nhưng để xác định căn tính ấy không phải là điều dễ dàng. Có nhiều trở ngại cản đường, bởi vì “chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục”. Trong những trở ngại ấy, có “sự sai lầm của thuyết tương đối, làm lu mờ ánh quang chân lý”. Và Đức Thánh Cha xác định rằng ngài đang nói về “chủ nghĩa tương đối thực dụng, diễn ra hằng ngày, làm suy yếu căn tính của chúng ta mà rất khó nhận ra”.

          Một nguy cơ khác là “tính hời hợt”, nói cách khác, đó là “xu hướng chạy theo thời trang, những tiện nghi và thú tiêu khiển, hơn là chú tâm vào những điều thực sự quan trọng”. Tính hời hợt này cũng có thể thấy trong việc “bị cuốn hút vào những chương trình mục vụ và lý thuyết, làm phương hại đến việc gặp gỡ trực tiếp và hiệu quả với các tín hữu, nhất là những người trẻ, những người cần có nền tảng giáo lý vững chắc và được hướng dẫn về mặt thiêng liêng”

          Và cám dỗ cuối cùng rình chực mỗi Kitô hữu là “sự an toàn giả tạo ẩn dưới những câu trả lời dễ dàng, những công thức có sẵn, những lề luật và quy định”. Tuy nhiên, “đức tin, tự bản chất, không quy về mình nhưng có khuynh hướng “đi ra ngoài”. Đức tin tìm cách cho người ta hiểu mình; đức tin sinh ra chứng từ; tạo nên sứ vụ. Theo nghĩa này, “đức tin làm cho chúng ta vừa can đảm lại vừa khiêm tốn làm chứng cho niềm hy vọng và tình yêu của mình”.
          Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á

          Đức Thánh Cha mở đầu bài giảng bằng cách lặp lại chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á tại Hàn Quốc: “Vinh quang của các thánh tử đạo tỏa sáng trên bạn! Đây là một đoạn chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, điều này an ủi và củng cố tất cả chúng ta. Hỡi những người trẻ Á châu: các con là những người thừa kế của một chứng từ cao cả, của chứng nhân cao quý về Chúa Kitô. Ngài là ánh sáng thế gian; Ngài là ánh sáng của cuộc sống chúng ta! … Nhờ Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và chúng ta tham dự vào chiến thắng ấy mà ngày nay chúng ta có thể đối mặt với những thách đố của người môn đệ Chúa Kitô, trong những hoàn cảnh và thời đại của chúng ta”.


          Đức Thánh Cha cũng khai triển một đoạn khác trong chủ đề của Đại hội: “Hỡi bạn trẻ châu Á, hãy thức tỉnh!”

          Về từ “Châu Á”, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng “Lục địa châu Á, vốn được thấm nhuần những truyền thống triết học và tôn giáo rất phong phú, là một môi trường tuyệt vời để các con làm chứng cho Chúa Kitô ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’ (Ga 14, 6)”. Vì thế, ngài khích lệ các bạn trẻ châu Á: “Đừng sợ đem sự khôn ngoan của đức tin vào mọi hoàn cảnh của đời sống xã hội!”

          Đức Thánh Cha phân tích: “Là người châu Á, các con nhìn ngắm và yêu thương, từ bên trong, tất cả những gì là chân thiện mỹ trong nền văn hóa và truyền thống của các con. Nhưng là Kitô hữu, các con cũng biết rằng Phúc Âm có sức mạnh thanh tẩy, thăng hoa và hoàn thiện di sản này”. Và Đức Thánh Cha cho biết, nhờ Chúa Thánh Thần đồng thời hiệp nhất với các chủ chăn, các bạn trẻ sẽ phân định được những giá trị tích cực trong các nền văn hóa đa dạng ở Á Châu.

          Về từ “Giới trẻ”, Đức Thánh Cha nêu lên những đặc tính của người trẻ: lạc quan, đầy sức sống và thiện chí. Và ngài khuyến khích các bạn trẻ: “Hãy để Đức Kitô biến những lạc quan vốn có nơi các con thành niềm hy vọng Kitô giáo, biến sức sống của các con thành các nhân đức, và thiện chí của các con thành tình yêu tự hiến đích thực!... Như thế, tuổi trẻ của các con sẽ trở nên quà tặng cho Chúa Giêsu và cho thế giới”.

          Đức Thánh Cha cũng nói đến một cám dỗ của người trẻ là “xua đuổi những người xa lạ, những người nghèo và người đau khổ”. Họ đang kêu cứu, đang van xin. Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ: “Chúng ta hãy đáp lời, không phải theo cách của những người xua đuổi những ai đến xin chúng ta giúp đỡ, như thể phục vụ người túng thiếu là cản đường chúng ta đến gần Chúa… Không! Chúng ta phải nên giống Chúa Kitô, Người đã đáp lại mọi kẻ kêu xin Người giúp đỡ bằng tình yêu và lòng thương xót”.


          Cuối cùng, với từ “Thức tỉnh!”, Đức Thánh Cha nói rằng Chúa đã trao trách nhiệm cho người trẻ: “Đây là bổn phận phải tỉnh thức, không để cho các áp lực, cám dỗ và tội lỗi làm chúng ta không còn nhạy cảm với vẻ đẹp của sự thánh thiện và niềm vui của Tin Mừng. Thánh vịnh đáp ca hôm nay mời gọi chúng ta không ngừng ‘vui mừng hát ca’. Chẳng có ai ngủ mà múa hát mừng vui được”.

          Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha hy vọng các bạn trẻ hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội và bước đi trên con đường ấy, con đường chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui.

          Sau Thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Độ kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á châu, đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh Cha và loan báo Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ bảy sẽ được tổ chức tại Indonesia vào năm 2017. 


          Vũ Bình
          (WHĐ)

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #11

          Video – Đức Giáo Hoàng phong chân phước 
          cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc

          Hơn một triệu người phủ kín đầy các con đường của thành phố Seoul để tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc. Sau đây là nội dung đoạn video này:


          (dongten.net)

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #10

          Video – Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các gia đình nạn nhân Hàn Quốc 
          trong vụ chìm phà khủng khiếp vừa qua

          Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các gia đình nạn nhân Hàn Quốc trong vụ chìm Phà khủng khiếp ngày 16 tháng 4 vừa qua. Vụ chìm phà đó đã làm 300 người thiệt mạng trong đó hầu hết là sinh viên. Sau đây là nội dung đoạn video:



          (dongten.net)

          ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN TỪ TRẦN #2

          Thư chia buồn 
          của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc 
          với giáo phận Phan Thiết

          (WHĐ)

          ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN TỪ TRẦN

          CÁO PHÓ

          Trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh
          TOÀ GIÁM MỤC PHAN THIẾT
          TU ĐOÀN BÁC ÁI XÃ HỘI
          Kính báo cùng Quí Đức Cha, Quí Cha,
          Quí Tu Sĩ Nam Nữ và Anh Chị Em Giáo Dân: 

          "Tin Mừng cho người nghèo khó"
          Đức Giám Mục 
          PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
          Nguyên Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết.

          Sinh ngày 11.11.1932, 
          tại Giáo xứ Phi Lộc – Giáo Phận Vinh, 
          Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An
           
          đã về với Chúa 
          lúc 0 giờ ngày 18-8-2014, 
          tại Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội.

          Hưởng thọ 82 tuổi.

          Thánh lễ An táng sẽ được cử hành 
          vào lúc 9 giờ 00 ngày 21 tháng 8 năm 2014,
          tại Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội, Xã Tân Hà, 
          Huyện Hàm Tân, Tỉnh Bình Thuận.



          Tiểu sử
          Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

          • Sinh ngày 11-11-1932, tại Giáo xứ Phi Lộc, Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An - Giáo Phận Vinh
          • 1949 – 1954: Nhập Tiểu chủng viện
          • 1954 – 1957: Học tại Tiểu Chủng Viện di cư
          • 1957 – 1959: Dạy Tiểu chủng Thánh Tự
          • 1959 - 1965: Ðại chủng viện Xuân Bích
          • 29.04.1965: Thụ phong linh mục tại Vương Cung Thánh Ðường Đức Bà Sài gòn.
            Cùng năm đó được sai đi làm phó xứ Ðông Hà, Quảng Trị, gần vĩ tuyến 17.
          • 1967: được phép của Ðức Cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, chuyên trách về văn hoá xã hội, mở một Cô nhi viện và trường Tư thục cấp III Ðắc Lộ để giúp đỡ các em mồ côi nạn nhân chiến tranh vùng giới tuyến.
          • 1968: hoàn tất chương trình Ðại Học Văn Khoa ở Huế với bằng Cử nhân Triết Học.
          • 1972: từ vùng giới tuyến di chuyển trường Ðắc lộ và 202 em mồ côi vào Bình Tuy (bây giờ thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) lập làng Thiếu Nhi Bồ Câu Trắng.
          • 1978: sau khi Nhà Nước tiếp thu trường học và làng thiếu nhi, ngài phụ trách giáo xứ Bồ Câu Trắng (nay là giáo xứ Thánh Linh), sau đó làm Hạt Trưởng Hạt Hàm Tân.
          • Từ năm 1994, ngài đã hướng công việc mục vụ bằng con đường bác ái xã hội để mở nhịp cầu đem Tin Mừng tình thương đến cho những người nghèo khó ở nông thôn.
          • 1999 – 2001: giữ chức vụ Hạt trưởng Hạt Hàm Tân
          • Ngày 14.07.2001: Toà thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Giáo Phận Phan Thiết. Khẩu hiệu giám mục của ngài là "Tin Mừng cho người nghèo khó".
          • Ngày 11.08.2001: Lễ tấn phong Giám mục do Ðức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi chủ phong, hai Giám Mục phụ phong là Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm.
            Ngài đã giữ chức vụ chủ tịch Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2 nhiệm kỳ từ năm 2001-2006
          • Ngày 29-12-2004: Được sự chấp thuận của Đức Cha Nicôla, Đức Cha Phaolô đã Thành lập Tu đoàn Bác Ái Xã Hội để phục vụ người nghèo theo đường hướng mục vụ mà ngài hằng thao thức.
          • Ngày 5/4/2005: Kế nhiệm Đức Cha Nicôla, làm Giám Mục Chánh Tòa Giáo Phận Phan Thiết.
          • Ngày 25/07/2009: Tòa Thánh chấp thuận từ nhiệm nghỉ hưu vì lý do tuổi tác theo giáo luật.
            Hưu dưỡng tại Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội.

          VP/TGM/PT
          Lm. Giuse Nguyễn Văn Soi
          (gpphanthiet.com)

          Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #9

          Ngày thứ ba 
          chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô:
          “Chỉ có chứng tá của niềm vui mới lôi cuốn người khác”

          WHĐ (17.08.2014) – Sự kiện chính trong ngày thứ ba của chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô là cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước cho Tôi tớ Chúa Paul Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tại Cổng Gwanghwamun ở Seoul vào lúc 10 giờ sáng. Buổi chiều, sau khi đến thăm Trung tâm phục hồi chức năng của người khuyết tật “Nhà Hy vọng” ở Kkottongnae, Đức Thánh Cha sẽ có hai cuộc gặp gỡ: gặp các cộng đoàn tu sĩ Hàn Quốc tại Trung tâm “Ngôi trường Tình yêu” ở Kkottongnae và gặp các nhà lãnh đạo Tông đồ giáo dân tại Trung tâm linh đạo ở Kkottongnae. Vào buổi sáng, trước khi cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước, Đức Thánh Cha đã đến viếng Đền thánh Tử đạo Seo So mun.


          Thánh Lễ tôn phong chân phước 


          Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi “sự hy sinh cao cả” của các vị tử đạo và lời mời gọi của các ngài “hãy đặt Chúa Kitô lên trên hết”.

          “Tất cả các ngài đã sống và chết cho Chúa Kitô, và bây giờ được cùng với Người thống trị trong niềm vui và vinh quang”.

          Chiến thắng của các vị tử đạo, chứng từ của các ngài về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, ngày nay vẫn tiếp tục mang lại hoa trái tại Hàn Quốc, để Giáo hội được tăng triển nhờ hy tế của các ngài.

          Việc tôn phong Chân phước Paul Yun Ji-Chung và các bạn của Người là dịp để chúng ta trở về những thời khắc đầu tiên, thời kỳ phôi thai của Giáo hội tại Hàn Quốc. Đây là dịp mời gọi anh chị em, những người Công giáo Hàn Quốc, nhớ lại những điều lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện ở vùng đất này và trân trọng di sản đức tin và đức ái đã được tổ tiên giao phó cho anh chị em.

          Kitô giáo Hàn Quốc được khai sinh từ thế kỷ 18, khi các học giả Hàn Quốc nghe nói đức tin được loan báo ở Trung Quốc. Họ đã đến Trung Quốc để học hỏi về đạo Thiên Chúa với các nhà thừa sai Dòng Tên, rồi trở về giảng dạy giáo lý, rửa tội cho hàng ngàn người, dù không có linh mục.

          Nhưng nhà cầm quyền Hàn Quốc bắt đầu bách hại các Kitô hữu và cấm sách vở Công giáo. Paul Yun Ji-chung và James Kwong Sang-yon, cả hai đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đã bị chém đầu năm 1791 vì vi phạm các nghi lễ của Nho giáo. Cuộc hành quyết đánh dấu sự bắt đầu một cuộc bách hại lớn đối với giáo dân Hàn Quốc. 
           

           Sau khi Đức Thánh Cha công bố chính thức tôn phong Chân phước cho các vị tử đạo, khắp quảng trường Gwanghwamun vang dậy tiếng hò reo vui mừng của cộng đoàn tham dự gần một triệu người, cùng tiếng kèn trống rộn rã. Các màn hình khổng lồ đặt ở hai bên bàn thờ chiếu hình vẽ các vị Tân chân phước.
          Bài giảng của Đức Thánh Cha nói về nguồn gốc của Kitô giáo Hàn Quốc cho thấy “tầm quan trọng, phẩm giá và nét đẹp” của ơn gọi của người giáo dân Công giáo.

           “Trong sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, đức tin Kitô giáo đã không đến với đất nước Hàn Quốc qua các nhà thừa sai; nhưng qua tim óc của chính người dân Hàn Quốc”. Họ được thúc đẩy bởi sự tò mò tri thức để tìm kiếm chân lý tôn giáo. Qua cuộc gặp gỡ đầu tiên với Phúc Âm, các Kitô hữu Hàn Quốc đầu tiên đã mở rộng tâm trí mình cho Chúa Giêsu. Họ muốn biết thêm về Đấng Kitô đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại từ cõi chết ấy”.

           Đã có các vị tử đạo khác của Hàn Quốc được tuyên thánh: Thánh Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 103 vị tử đạo Hàn Quốc vào ngày 06 Tháng Năm năm 1984 trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc.

           Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu những vị thánh này, thánh Anrê Kim Taegon, thánh Paul Chong Hasang và các bạn, cùng với các vị tử đạo vừa mới được tôn phong Chân phước.

           “Tất cả các ngài đã sống và chết cho Chúa Kitô, và bây giờ được cùng với Người thống trị trong niềm vui và vinh quang”.

           Đức Thánh Cha đã giảng về bài Phúc Âm trong chương 17 của Phúc Âm theo thánh Gioan và sự liên quan với các vị tử đạo vừa được tôn phong Chân phước.

           “... Thật là ý nghĩa khi Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha thánh hiến và bảo vệ chúng ta, Người không xin đem chúng ta ra khỏi thế gian. Chúng ta biết rằng Người sai các môn đệ ra đi để làm men thánh thiện và sự thật trong thế giới, là muối đất, là ánh sáng thế gian. Và các vị tử đạo đã chỉ đường cho chúng ta”.

          Các vị tử đạo Hàn Quốc “phải chọn theo Chúa Giêsu hay theo thế gian. Các ngài đã biết cái giá của người môn đệ”.

           “Các ngài sẵn sàng hy sinh lớn lao và từ bỏ tất cả những gì khiến các ngài lìa xa Chúa Kitô: tài sản và đất đai, uy tín và danh dự – vì các ngài biết rằng chỉ mình Chúa Kitô mới là kho tàng thực sự của các ngài”.

          Đức Thánh Cha lưu ý đến cơn cám dỗ “thỏa hiệp đức tin, làm nhẹ bớt những đòi hỏi căn bản của Phúc Âm cho hợp với tinh thần của thời đại này”.

           “Nhưng các vị tử đạo mời gọi chúng ta đặt Chúa Kitô lên trên hết và nhìn mọi sự khác của thế gian này trong tương quan với Người và Vương quốc vĩnh cửu của Người. Các ngài thách đố chúng ta suy nghĩ về điều mà chính chúng ta sẵn sàng chết cho điều ấy”.

           

          Kết thúc bải giảng, Đức Thánh Cha dâng lời cầu xin:

           “Xin cho những lời nguyện cầu của tất cả các vị tử đạo Hàn Quốc, hiệp với lời nguyện cầu của Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội, cho chúng con được ơn bền vững trong đức tin và làm việc lành, được có quả tim thánh thiện và tinh khiết cùng với lòng nhiệt thành tông đồ trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu tại đất nước thân yêu này, trên toàn châu Á, và cho đến tận cùng trái đất”.

          Vũ Bình
          (dongten.net)

          ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #8

          Video – Đức Giáo Hoàng cầu nguyện 
          tại đền thánh nơi vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc chào đời

          Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Đền Thánh Solmoe cùng với Giám mục Lazzaro You Heung-sik của giáo phận Daejon. Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện một vài phút ở Đền Thánh nơi Anrê Kim Taegon là nơi vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc chào đời. Ngay sau đó một em bé mặc trang phục truyền thống tặng ngài một bông hoa bằng bạc. 

          Sau đây là nội dung đoạn video, xin mời chúng ta cùng theo dõi!