Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

THÁNH LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH MỪNG 400 NĂM DÒNG TÊN ĐẾN LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN ĐẤT VIỆT

Sáng ngày 18/01/2015, Năm Thánh mừng 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt đã chính thức khép lại với Thánh Lễ đại trào tại giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức do Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, S.J., Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam chủ tế. 

 
Cùng đồng tế với Đức cha Cosma có:
  • Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng Giám mục Huế, phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam
  • Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục giáo phận Lạng Sơn,
  • Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục giáo phận Bùi Chu,
  • Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm,
  • Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh,
  • Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hóa,
  • Đức cha Mátthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Quy Nhơn,
  • Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Đà Lạt,
  • Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục giáo phận Kontum
  • Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục giáo phận Phú Cường
  • Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường,
  • Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ
  • Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho
  • Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu, Giám mục giáo phận Long Xuyên
  • Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết
hơn 120 linh mục và gần 3000 tín hữu.

Đặc biệt, trong Thánh Lễ có sự hiện diện của cha Adolfo Nicolás, S.J., Bề trên Tổng quyền Dòng Tên, cha Daniel P. Huang, S.J. Phụ tá Bề trên Tổng quyền đặc trách Vùng Châu Á Thái Bình Dương, cha Antoine Kerhuel, S.J., Phụ tá Bề trên Tổng quyền đặc trách Vùng Tây Âu, cha John Dardis, S.J. Chủ tịch Dòng Tên Vùng Tây Âu, cha Mark T. Raper, S.J. Chủ tịch Dòng Tên Vùng Châu Á Thái Bình Dương và quý cha bề trên thượng cấp Dòng Tên Vùng Châu Á – Thái Bình Dương gồm các tỉnh và miền Dòng: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Úc, Trung Hoa, Singapore – Malaysia, Thái Lan, Micronesia, Campuchia. Đây là lần thứ hai vị lãnh đạo của Dòng Tên trên toàn thế giới thăm Việt Nam kể từ khi được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Tên năm 2008. 

Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, cha Giám tỉnh Dòng Tên đã đại diện anh em trong Dòng ngỏ lời chào mừng quý Đức cha, quý cha, quý bề trên, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn; đồng thời, giới thiệu danh tính quý Đức cha và quý cha đến từ Trung ương Dòng và Vùng Châu Á Thái Bình Dương.

Mở đầu Thánh Lễ, Đức cha Cosma nhắc lại biến cố 3 nhà truyền giáo Dòng Tên đặt chân đến Đà Nẵng cách đây 400 năm và mời gọi mọi người tiếp bước các ngài lên đường loan báo Tin Mừng trên quê hương Việt Nam. 

Trong bài giảng Lễ, vị giám mục đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên Việt Nam đã chia sẻ về kinh nghiệm phân định của thánh I-nhã Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên khi thánh nhân thường xuyên tự hỏi “Phải làm gì – Quid Agendum?” trước những cảnh huống mà ngài phải đối diện. Thế nên, theo Đức cha Cosma: “Phải làm gì? là câu hỏi Dòng Tên thường đặt ra cho chính mình khi phải đối diện với một hoàn cảnh mới.”

Từ câu hỏi này, Đức cha đưa dẫn cộng đoàn ngược dòng thời gian để trở về với biến cố một nhóm thừa sai Dòng Tên đã đến Hội An sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản cách đây đúng 400 năm. Các vị thừa sai ấy cũng đã tự hỏi “phải làm gì?” khi “thấy tâm hồn và đời sống của dân chúng rất gần với Tin Mừng.” Lời đáp cho câu hỏi này chính là “hàng trăm anh em [Dòng Tên] từ châu Á, châu Âu và châu Mỹ đã thành công trong việc đặt những nền móng vững chắc cho Hội Thánh tại Việt Nam cho đến hôm nay,” Đức cha nhấn mạnh.

Tưởng cũng nên nhắc lại, ngày 18/01/1615, ba tu sĩ Dòng Tên gồm: Linh mục Francesco Buzomi – người Ý, linh mục Diogo Carvalho – người Bồ Đào Nha, và tu huynh António Dias – người Bồ Đào Nha đã đến vùng biển Cửa Hàn – Đà Nẵng. Nhờ bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, các thừa Dòng Tên đã khám phá ra một cánh đồng truyền giáo bao la và phì nhiêu nơi vùng đất Con Rồng Cháu Tiên. Khởi đi từ biến cố này, Tin Mừng của Chúa Kitô đã dần dần được loan báo rộng rãi tại cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài và đã đâm hoa kết trái phong phú. 
Trở về với bối cảnh Việt Nam hôm nay, Đức cha cũng tiếp tục đặt câu hỏi: “Dòng Tên phải làm gì ở Việt Nam?” và mời gọi anh em Dòng Tên “cùng với mọi người thành tâm thiện chí bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống […] đáp ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trở nên những ngôn sứ của niềm vui Tin Mừng, vì ở đâu có người tận hiến thì ở đấy có niềm vui.”

Sau cùng, khi nhắc lại gương của thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng Tỉnh Dòng Tên Việt Nam và Chân phước Anrê Phú Yên, Đức cha Cosma mời gọi các tu sĩ Dòng Tên ở cấp độ cá nhân cũng như toàn thể Tỉnh Dòng trở nên “những nhịp cầu để Chúa đến với con người và con người đến với Chúa […] lên đường đến với những anh chị em ở những nơi xa xôi nhất, vượt qua bao khó khăn và nguy hiểm, đưa được Tin Mừng đến với những nơi chưa ai biết Chúa.” 

Trước khi kết thúc Thánh lễ, sau phần cám ơn của cha Giám tỉnh Việt Nam, cha Bề Trên Tổng quyền đã ngỏ lời cám ơn quý Đức cha, quý cha và tất cả cộng đoàn đã đến hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn với anh em Dòng Tên. Đồng thời, cha Tổng quyền cũng mời gọi các em thiếu nhi và các bạn trẻ đang hiện diện trong Thánh lễ quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa để phục vụ Giáo hội Việt Nam. Ngài cũng tha thiết xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện cho các tu sĩ Dòng Tên trong đời sống dâng hiến cũng như trong sứ mạng phục vụ Giáo hội.

Năm Thánh mừng 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt đã kết thúc nhưng ngọn lửa của lòng nhiệt thành truyền giáo sẽ vẫn tiếp tục bùng cháy, để từ ngọn lửa ban đầu đã được đốt lên từ lớp lớp thế hệ các thừa sai tiếp tục tiếp tục làm bùng lên nhiều ngọn lửa khác.

Xem hình ảnh : 

Bản tin: Chỉnh Trần, S.J. 
Hình ảnh: Bá Tinh, S.J. ; Hoàng Dũng, S.J., Hoàng Sơn, S.J 

(dongten.net)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #13

“Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?" là câu hỏi trong nước mắt cuả bé gái 12 tuổi Glyzelle Iris Palomar đặt ra cho Đức Giáo Hoàng. 

Em cùng với một bé trai 14 tuổi tên là Jun Chura là đại diện cho những trẻ bụi đời đang được viện 'Tulay ng Kabataan' nuôi dưỡng, và là một trong nhiều nhân chứng được chọn để trình bày những hiện trạng và thách đố cuả xã hội lên ĐTC, trong buổi gặp gỡ dành riêng cho thanh thiếu niên, tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Santo Tomas.

Sau khi kể hoàn cảnh cuả mình là một bé gái bị bỏ rơi và bị vất ra ngoài lề cuả xã hội. Trong cuộc sống bụi đời ấy em đã chứng kiến nhiều đồng bạn bị cha mẹ bỏ bê đã xa vào những cạm bẫy cuả sự dữ, như nghiện ngập hoặc nạn mãi dâm, em đã không thể đọc tiếp bài dọn sẵn và nhìn lên ĐTC, em đặt câu hỏi:
“Bakit po pumapayag ang Diyos na may ganitong nangyayari?” ("Taị sao Chuá lại để xảy ra như vậy?")

"Tại sao Chuá đã cho phép những sự ấy xảy ra, dù đó không phải là lỗi cuả những đứa trẻ vô tội?"

Em không thể đọc tiếp, nhắm nghiền mắt lại và nức nở khóc.

Cố gắng lắm, em kết thúc bằng một câu hỏi thứ hai “At bakit konti lang ang tumutulong sa amin?” ("và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế ?")

Người ta đã phải giỗ em trước khi đưa em lên bắt tay ĐGH. Ngài đã đứng dậy, bước xuống nửa đường để ôm em vào lòng.

Hình ảnh một vị Giáo Hoàng cũng rưng rưng nước mắt và em Palomar chôn mặt mình vào lòng cuả Ngài đã lập tức được loan tải rộng rãi trên tất cả các hệ thống truyền thông. Nhiều tờ báo đánh giá đây là giây phút cảm động nhất cuả cuộc Tông Du.

Trong bài giảng, để đáp lời em Palomar, ĐTC đã dùng tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, là một việc Ngài làm khi cần bày tỏ những tâm tình cá nhân, Ngài nói:

"Em ấy là người duy nhất đã hỏi một câu hỏi mà không ai có thể trả lời được. Và em ấy cũng đã không diễn tả hết được bằng lời lẽ nhưng đã bằng những giọt nước mắt."

"Tại sao con trẻ có nhiều đau khổ như thế? Tại sao một đứa bé phải chịu đau khổ?" Ngài đặt lại câu hỏi.

"Chỉ khi nào mà một con tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được," Ngài nói.

Và ĐTC kêu gọi những người trẻ cần phải học cách để mà khóc.

"Cha mời gọi từng người trong chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, rằng tôi đã học được cách khóc chưa, khóc như thế nào? Tôi đã học để mà khóc cho một ai đó bị bỏ rơi bên lề đường chưa? Tồi đã khóc cho một ai đó đang bị nghiện ngập chưa? Tôi đã khóc cho một ai đó bị lộng hành chưa?"

"Đây là điều trên hết mà Cha muốn nói với chúng con: Hãy học để khóc...hãy học, học thực sự để mà khóc, khóc cách nào,"

Ngay cả Chuá Giêsu cũng đã khóc.

ĐTC nhấn mạnh đến cách mà Chúa Giêsu đã phục vụ cho người dân của mình. Ngài đã không sử dụng lòng từ bi của thế gian, như là dừng lại một vài giây để ban phát tiền bạc hoặc những cuả cải vật chất. Nhưng, Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Kitô đã dành trọn thời gian để lắng nghe và để thông cảm với người dân của mình.

"Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khóc," Đức Giáo Hoàng nói. "Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn, khi nhìn thấy đám đông không có ai chăm sóc. "

Chỉ khi nào chúng ta học cách khóc với những ai đang đau khổ là chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu họ và yêu thương họ, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích.

"Nếu các con không biết làm thế nào để khóc, các con không thể là người Kitô hữu tốt," Ngài nhấn mạnh.

"Chúng ta hãy học cách khóc, như Glyzelle đã làm gương cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta đừng quên bài học này. "

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #9

BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG THÁNH LỂ 
TẠI CÔNG VIÊN RIZAL CỦA THỦ ĐÔ MANILA, PHI;IPPINES 
VỚI CỘNG ĐOÀN HƠN 6 TRIỆU NGƯỜI

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #12

Lịch sử đã được thực hiện! 
Đức Thánh Cha Phanxicô thu hút 6 tới 7 triệu tín hữu Philippines

Theo hãng tin CNA, phát ngôn viên Tòa Thánh nói rằng lịch sử đã được thực hiện vào Chúa Nhật qua khi từ 6 tới 7 triệu tín hữu Phi Luật Tân đã tham dự Thánh Lễ kết thúc chuyến viếng thăm nước này của Đức GH Phanxicô.

Cha Federico Lombardi nói với các thông tín viên báo chí trong một cuộc họp báo tại Manila vào hôm Chúa Nhật rằng “con số chính thức phổ biến cho chúng tôi là giữa 6 và 7 triệu người”. Đây là “biến cố lớn nhất trong lịch sử các vị giáo hoàng”. 


Trong bài giảng lễ, Đức GH Phanxicô nhấn mạnh tới căn tính ta là con cái Thiên Chúa. Ngài kêu gọi phải bảo vệ gia đình chống lại mọi tấn công đang đe dọa nó.

Ngài nói: “đáng buồn thay, trong thời đại ta, gia đình rất thường cần được bảo vệ chống lại các cuộc tấn công hiểm ác và các chương trình đi ngược lại tất cả những điều ta tin là thật và thánh thiêng, tất cả những điều tươi đẹp và cao thượng nhất trong nền văn hóa của ta”.

Đức Phanxicô lên tiếng với hàng triệu người Phi Luật Tân tụ họp tại Quảng Trường Rizal ở Manila trong biến cố cuối cùng của cuộc tông du 5 ngày tại nước này.

Thánh Lễ bế mạc đã đánh dấu biến cố lớn nhất của một vị giáo hoàng trong lịch sử, vượt qua cả Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 1995 cũng tại Manila với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã lôi cuốn 4-5 triệu tín hữu tham dự Thánh Lễ bế mạc.

Bất chấp bão táp

Trong lời phát biểu vào cuối Thánh Lễ bế mạc, Đức TGM Soc Villegas, Chủ Tịch HĐGM Phi Luật Tân, nói rằng tình yêu Đức Phanxicô và với nó, đức tin của Giáo Hội Phi gồm 85 triệu chi thể đã tự chứng tỏ là bất chấp bão táp (typhoon-proof)


Ngoài việc vượt qua kỷ lục từ trước đến nay của cuộc thăm viếng Phi năm 1995 của Đức Gioan Phaolô II tại cùng một địa điểm, điều đáng lưu ý là biến cố hôm nay không liên hệ gì tới Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Điều cũng đáng lưu ý là: trong khi chuyến tông du Phi lần cuối cùng của Đức Gioan Phaolô II được hiểu như một tạm biệt đối với vị giáo hoàng đã bước vào năm thứ 17 triều đại của mình, thì Đức Phanxicô chủ trì biến lớn nhất lịch sử chỉ trong vòng hai năm sau khi lên ngôi.

Cuối cùng là thời tiết. Manila được đặt dưới cảnh báo bị bão cấp thấp, do đó, Đức Phanxicô phải mặc poncho giống như đám đông. Nhưng cảnh báo ấy chỉ làm tăng cường độ cho khối người “đại dương” ca hát, hoan hô mà có người gọi là “làn sóng Phanxicô”. Họ có mặt tại chỗ hoặc cuốc bộ tới đó trước cả hừng đông.

Khung cảnh đáng lưu ý nữa là Chúa Nhật hôm nay là lễ kính Chúa Giêsu Hài Đồng (Santo Nino) một ngày lễ được người Công Giáo Phi trân quí mừng kính. Vì thế, tín hữu được khuyến khích đem tượng Chúa Hài Đồng tới dự lễ. Nên đã có đến hàng triệu Ninos được giơ lên trong Thánh Lễ cùng với hàng triệu điện thoại di động và tablets thi nhau bấm hình.

Trước Thánh Lễ, Đức GH đã gặp, trong 20 phút, người cha của Kristel Padasas, nhân viên của Sở Cứu Trợ Công Giáo, 27 tuổi, qua đời do một mảnh của giàn âm thanh rơi xuống trúng đầu sau Thánh Lễ hôm trước tại Tacloban.

Em thấy Thiên Chúa trong mắt ngài

Nhiều bản tin đánh đi từ Manila đặt con số người tham dự Thánh Lễ bế mạc của Đức Phanxicô vào khoảng 3 triệu. Nhưng bản tin của BBC cho hay con số đó là 6 triệu người, căn cứ vào phúc trình của các nhân viên thủ đô Manila. Con số này bao gồm những người tham dự Thánh Lễ lẫn những người đứng ở lộ trình quanh Rizal Park. 


Theo đài này, bầu khí hết sức phấn khích bất chấp trời mưa to. Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại đây được coi là một thành công lớn. Người ta rất phấn khởi đối với Đức GH và các chủ đề ngài nêu lên: giúp đỡ người nghèo, tầm quan trọng của gia đình, và bảo vệ môi sinh.

Những ai không vào được quảng trường Rizal, vẫn kiên nhẫn đứng dưới dù càng gần địa điểm hành lễ càng hay, mong được thấy Đức GH lúc ngài tới và đi. Một phụ nữ tên Sara nói với BBC rằng trọn gia đình bà từ tỉnh tới đây và ở lại suốt cuối tuần để chắc mẩm được thấy Đức Giáo Hoàng trong chuyến viếng thăm được họ coi là lịch sử, một đời người mới có một lần. Một người đàn ông, tên Jocson, cho hay: “chúng tôi ở đây cũng để làm chứng, để đích thân được thấy Đức Phanxicô”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới trên một giáo hoàng xa biến cải từ một kiểu xe buýt nhỏ của địa phương vốn gọi là “jeepneys”.

Đám đông ca hát và hoan hô mỗi lần ngài dừng lại để chào hỏi tín hữu.

Nhiều người cắm trại suốt đêm ở bên ngoài quảng trường mong được là những người đầu tiên vào quảng trường khi cổng mở vào sáng sớm Chúa Nhật.

Một tín hữu tên Chad Soniko nói với BBC “Đây thật là một niềm vui hết sức lớn lao, một hy vọng hết sức lớn đối với đất nước chúng tôi, vì chúng tôi thực sự cần sứ điệp của ngài, chúng tôi cần biến đổi và đó là điều ngài nói với chúng tôi”. Rồi vừa khóc, anh vừa nói thêm “cảm động thực sự, rất thực”.

John Paul Jones 13 tuổi thì thổ lộ “em thấy Thiên Chúa trong mắt ngài”.

Trước thánh lễ, Đức Phanxicô gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo và người trẻ tại ĐH Santo Tomas là ĐH Công Giáo lớn nhất Á Châu.

Ngài mở đầu cuộc gặp gỡ với hơn 20,000 sinh viên bằng cách tưởng niệm người thiếu nữ 27 tuổi qua đời trong lúc ngài thăm Tacloban. Trước đó, cảnh sát tường rình rằng nàng thiệt mạng khi giàn âm thanh đổ xuống sau Thánh Lễ Thứ Bẩy.

Rồi Đức Phanxicô lắng nghe một số trẻ em nói về kinh nghiệm lớn lên của các em ở ngoài đường phố.

Một em, tên Glyzelle Palomar, 12 tuổi, khóc khi kể lại câu truyện của mình và hỏi tại sao Thiên Chúa lại để trẻ em chịu đau khổ như thế.

Xúc động rõ ràng, Đức Phanxicô trả lời “chỉ khi nào biết khóc, ta mới tiến gần tới chỗ trả lời được câu hỏi của con”.

Ngài nói thêm rằng thế giới cần học cách khóc với những người khốn khó. Ngài nói: “những người ở bên lề đang khóc. Những người bị đẩy qua một bên đang khóc. Những ai bị vứt bỏ đang khóc. Nhưng những ai sống một cuộc sống ít nhiều không thiếu thốn, không hề biết cách khóc”.

Tường trình của Reuters

Hãng tin Reuters cho hay Thánh Lễ của Đức Phanxicô tại Manila thu hút được một đám đông kỷ lục từ 6 đến 7 triệu người tham dự. Con số này do Vatican và chính phủ Phi Luật Tân cung cấp. Con số này bao gồm người tham dự ở Rizal Park lẫn người đứng ở các khu vực chung quanh. 


Theo hãng tin này, Cha Lombardi nói trong một cuộc họp báo rằng “hiển nhiên, chúng tôi không có khả năng đếm hết mọi người hay kiểm chứng được việc này, nhưng dù sao, chúng tôi thấy quá nhiều người nên tin con số này khả hữu”.

Cha nói thêm: “nếu đúng như thế, và chúng tôi nghĩ là đúng, thì đây là biến cố lớn nhất trong lịch sử các vị giáo hoàng”.

Reuters cũng cho rằng Đức Phanxicô tới quảng trường Rizal, với poncho vàng khoác trên phẩm phục trắng, trên chiếc xe cải biến từ kiểu xe “jeepneys” thông dụng của Phi dựa trên thiết kế kiểu xe quân sự của Mỹ dùng trong Thế Chiến II.

Trong bài giảng lễ, Đức Phanxicô khuyên người Phi Luật Tân tránh xa “các cơ cấu xã hội kéo dài mãi mãi cảnh nghèo, cảnh ngu dốt và nạn tham nhũng”, một chủ đề ngài từng nhấn mạnh khi nói chuyện với TT Benigno Aquino. TT Aquino cũng tham dự Thánh Lễ bế mạc.


Ngài cũng chỉ trích chính sách kiểm soát dân số của chính phủ Phi, cho rằng gia đình hiện đang bị đe dọa bởi “những cuộc tấn công hiểm ác và các chương trình đi ngược lại tất cả những điều chúng ta tin là thật và thánh thiêng”.

Reuters cũng thuật lại buổi gặp gỡ người trẻ tại ĐH Santo Tomas, trong đó, bé gái 12 tuổi tên Glyzelle Iris Palomar nói với Đức GH rằng “Nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. Nhiều em trở thành nạn nhân và nhiều điều xấu xa đã xẩy ra cho các em, như ghiền ma túy và đĩ điếm. Tại sao Thiên Chúa lại cho phép điều này xẩy ra, dù các trẻ em không có lỗi chi? Tại sao chỉ một số ít người giúp đỡ chúng con?”

Bé gái, vốn được cứu và tìm được nơi trú thân tại một cộng đoàn do Giáo Hội quản trị, đã bật khóc và không thể nói hết bài nói soạn sẵn. Đức GH đã ôm lấy em và sau đó, đã gạt qua một bên bài diễn văn soạn sẵn khi trả lời em.

Ngài trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha quen thuộc và được một thông dịch viên dịch sang tiếng Anh cho đám đông khoảng 30,000 người trẻ tại khuôn viên ĐH Santo Tomas: “Tại sao trẻ em chịu đau khổ? Cha mời mỗi người chúng con tự hỏi mình, ‘tôi đã học cách khóc chưa… khi thấy một một đứa trẻ đói, một đứa trẻ ở đường phố sử dụng ma túy, một đưá trẻ không nhà, một đưa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị bạo hành, một đứa trẻ bị xã hội sử dụng làm nô lệ’?”

Liên Hiệp Quốc cho biết 1.2 trẻ em đang sống ngoài đường phố ở Phi Luật Tân. Còn theo Quĩ Bảo Vệ Trẻ Em, 35.1% trẻ em hiện sống trong cảnh nghèo và gần 33% người Phi Luật Tân sống trong các khu ổ chuột.

Vũ Văn An
(VietCatholic News)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #8

TƯỜNG THUẬT THÁNH LỄ DO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CỬ HÀNH
TẠI CÔNG VIÊN RIZAL CỦA THỦ ĐÔ MANILA, PHI;IPPINES 
VỚI CỘNG ĐOÀN HƠN 6 TRIỆU NGƯỜI

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #11

BÀI NÓI CHUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
VỚI GIỚI TRẺ PHILIPPINES TẠI ĐẠI HỌC SANTO TOMAS

Các bạn trẻ thân mến, khi cha tự phát nói, cha hay nói bằng tiếng Tây Ban Nha. Đúng không? Vì cha đâu có biết nói tiếng Anh. Cho phép cha nói nó nhé? (Vỗ tay. Vâng!). Cám ơn các con nhiều lắm.

Cha này là Cha Mark, một thông dịch viên giỏi.

Trước tiên, hôm nay có tin buồn: Hôm qua khi Thánh Lễ sắp bắt đầu, một mảnh của giàn giáo rơi xuống và khi rơi xuống đã đánh trúng đầu một thiếu nữ làm việc tại khu vực. Và nàng đã qua đời. Tên nàng là Kristel. Nàng làm cho cơ quan và chuẩn bị cho chính Thánh Lễ ấy. Nàng mới có 27 tuổi, trẻ như các con. Nàng làm việc [cho một cơ quan gọi là Sở Cứu Trợ Công Giáo], một thiện nguyện viên. Cha muốn tất cả các con, trẻ như nàng, cầu nguyện giây lát trong im lặng cùng với cha và chúng ta cầu nguyện với mẹ chúng ta, Đức Bà ở trên trời.

Chúng ta hãy cầu nguyện

[Im lặng]

[Kính mừng Maria… ]

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho cha mẹ nàng. Nàng là con gái duy nhất. Mẹ nàng đang từ Hồng Kông tới và cha nàng lên Manila để chờ.

[Lạy Cha chúng con ở trên trời]

[Bằng tiếng Anh, trong bản văn soạn sẵn:]

Quả là một niềm vui đối với cha được ở với các con sáng nay. Cha thân chào mỗi người trong chúng con tự đáy lòng cha, và cha cám ơn tất cả những ai làm cho cuộc gặp gỡ này khả hữu. Trong chuyến viếng thăm Phi Luật Tân của cha, cha muốn gặp người trẻ cách riêng, được lắng nghe và nói chuyện với các con. Cha muốn bày tỏ tình yêu thương và các hy vọng của Giáo Hội đối với các con. Và cha muốn khuyến khích các con, trong tư cách công dân Kitô hữu của xứ sở này, hãy hiến thân một cách say mê và trung thực cho công cuộc canh tân xã hội và giúp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Một cách đặc biệt, cha cám ơn những người trẻ đã dâng lên cha những lời nghinh đón. [kể tên những người trẻ đã lên tiếng] Cám ơn các con rất nhiều.

Và chỉ có một số rất ít đại diện giới nữ nơi chúng con. Quá ít, hỉ?

[cười rộ. Ghi chú: có ba thanh thiếu niên lên tiếng và một thiếu nữ, nói sau người nói đầu tiên, tức người trẻ đã được cứu khỏi đường phố. Thiếu nữ đặt một câu hỏi với Đức Giáo Hoàng, liên quan tới các bất công mà trẻ em phải gánh chịu như đĩ điếm và bị bỏ rơi, Tại sao Thiên Chúa cho phép những chuyện như thế xẩy ra, mặc dù không phải do lỗi của các trẻ em? Và tại sao chỉ có rất ít người giúp đỡ chúng con?]

Giới nữ có nhiều điều để nói với chúng ta về xã hội hôm nay. [Vỗ tay]. Đôi khi chúng ta quá “machistas” (trọng nam khinh nữ) nên không dành chỗ cho nữ giới, nhưng nữ giới có khả năng nhìn sự việc theo một góc cạnh khác với chúng ta, với một con mắt khác. Giới nữ có khả năng đặt những câu hỏi mà nam giới chúng ta không có khả năng hiểu chúng. Hôm nay, hãy nhìn vào sự kiện này. Em gái (Glyzelle) là người duy nhất đặt một câu hỏi mà không có câu trả lời. Và em cũng không thể phát biểu bằng lời, mà đúng hơn bằng nước mắt. Cho nên, khi vị Giáo Hoàng sắp tới mà đến [Manila], thì yêu cầu có nhiều thiếu nữ/phụ nữ hơn về số lượng nghe! [vỗ tay].

Cha cám ơn con, Jun, đã tự nói về con một cách mạnh dạn đến thế. Cái nhân trong câu hỏi của con, như cha đã nói, gần như không có câu trả lời. Chỉ khi nào biết khóc cho những sự việc con nói tới, ta mới có khả năng tiến gần việc trả lời cho câu hỏi đó. Tại sao trẻ em chịu đau khổ nhiều đến thế? Tại sao trẻ em chị đau khổ? Khi trái tim có khả năng tự hỏi mình và biết khóc ta mới hiểu được một điều gì đó.

Có một lòng cảm thương thế gian hoàn toàn vô dụng. Con đã nói đôi điều về điều ấy. Một lòng cảm thương chỉ dẫn ta tới chỗ cho tay vào túi và bố thí một điều gì đó cho một ai đó, cho người nghèo. Nếu Chúa Kitô chỉ có thứ lòng cảm thương ấy thì hẳn Người sẽ bước qua, chào hỏi vài ba người, rồi tiếp tục bước [về nhà Cha]. Nhưng chỉ khi nào Chúa Kitô khóc và có khả năng khóc, Người mới hiểu cuộc sống ta, hiểu những gì đang xẩy ra trong đời ta.

Các trẻ nữ, trẻ trai, người trẻ thân mến, trong thế giới ngày nay, đang rất thiếu khả năng biết khóc. Người bị hất hủi đang khóc. Những ai bị đẩy ra bên lề đang khóc. Những ai bị vất bỏ đang khóc. Nhưng [những ai trong chúng ta đang sống một cuộc sống ít nhiều không có nhu cầu thì không biết khóc]. Một số thực tại ở trong đời, ta chỉ thấy nhờ những con mắt được thanh tẩy bằng nước mắt.

Cha mời mỗi người chúng con ở đây hãy tự hỏi mình, tôi đã học cách khóc chưa, cách kêu la chưa? [Khi thấy một đứa trẻ đói, một đứa trẻ thèm ma túy ở đường phố, một đứa trẻ không nhà, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị bạo hành, một đứa trẻ bị xã hội lợi dụng, như một nô lệ chưa?] Bất hạnh một điều, có những người khóc vì họ muốn nhiều hơn. Đây là điều đầu tiên cha muốn nói. Chúng ta hãy học cách khóc, như bé gái đã chứng tỏ với chúng ta [chỉ bé gái đặt câu hỏi]. Chúng ta đừng quên bài học này. Câu hỏi vĩ đại tại sao nhiều trẻ em đến thế chịu đau khổ, bé gái vừa hỏi vừa khóc. Và câu trả lời vĩ đại mà ta có thể đưa ra ngày hôm nay là: ta hãy học, thực sự học cách khóc, cách kêu la.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng, đã khóc. Người khóc khi Người thấy người góa phụ nghèo phải chôn đứa con trai. Và người xúc động đến chẩy nước mắt, đến nỗi cảm thương khi Người thấy nhiều đám đông không có mục tử. Nếu các con không học cách khóc, các con không thể là Kitô hữu tốt.

Đấy là một thách đố. Jun và Glyzelle đã đặt ra thách đố này cho chúng ta hôm nay. Và khi các em đặt ra câu hỏi này với chúng ta, tại sao trẻ em đau khổ, tại sao thảm trạng này hay thảm trạng nọ xẩy ra ở trên đời, câu trả lời của chúng ta một là im lặng hai là một lời nào đó phát xuất từ nước mắt ta. Các con hãy can đảm lên. Đừng sợ phải khóc.

Rồi tới Leandros Santos II và câu hỏi của anh. Anh cũng đặt những câu hỏi. Thế giới thông tin. Ngày nay với quá nhiều phương tiện truyền thông, ta quá tải với thông tin. Và điều ấy có xấu không? Không. Điều ấy tốt và hữu ích. Nhưng có một nguy cơ thực sự khi sống theo lối tích lũy thông tin. Ta có nguy cơ trở thành [những người trẻ bảo tàng viện], có mọi sự nhưng không biết phải làm gì. Chúng ta không cần những người trẻ bảo tàng viện, nhưng ta cần những người trẻ khôn ngoan. Các con hỏi cha, “thưa cha, làm thế nào chúng con trở nên [khôn ngoan]? Đây là một thách đố khác. Thách đố yêu thương.

Môn quan trọng nhất các con phải học ở Đại Học là môn nào? Đâu là môn học quan trọng nhất các con phải học ở đời? Là học cách yêu thương. Đây là thách đố mà đời sống đem lại cho các con. Không chỉ tích lũy thông tin mà không học cách sử dụng nó. Nhưng nhờ tình yêu kia, thông tin này sẽ sinh hoa trái.

Muốn được vậy, Tin Mừng đề nghị với ta một con đường thanh thản và tiến tới. Bằng cách sử dụng 3 ngôn ngữ: ngôn ngữ của trí, ngôn ngữ của tâm và ngôn ngữ của bàn tay. Và ba ngôn ngữ ấy, phải sử dụng chúng một cách hòa hợp. Điều các con nghĩ, các con phải cảm nhận được và đem thực hành thứ thông tin xuất hiện trong trái tim các con và thể hiện nó trong việc làm thực sự. Và làm thế một cách hòa hợp. Hãy nghĩ điều các con cảm nhận và điều các con làm. Cảm nhận điều chúng con nghĩ và làm. Làm điều chúng con nghĩ và cảm nhận. Ba ngôn ngữ.

Các con có thể nhắc lại điều ấy không? Nghĩ, cảm nhận và làm. {Giới trẻ nhắc lại ba lần] Và tất cả những điều ấy một cách hòa hợp.

Tình yêu thực sự là yêu và để các con được yêu.[ Để mình được yêu khó hơn yêu]. Đó là lý do tại sao tiến tới tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa lại khó đến thế. Vì ta có thể yêu Người, nhưng điều quan trọng là để Người yêu thương các con. Tình yêu thực sự là mở lòng mình ra đón nhận tình yêu muốn đến với các con, tình yêu luôn tạo ngạc nhiên nơi ta. Nếu các con chỉ có thông tin, thì yếu tố ngạc nhiên sẽ đội nón ra đi. Tình yêu mở lòng các con cho ngạc nhiên và là ngạc nhiên vì nó giả thiết một cuộc đối thoại giữa hai người, [giữa người yêu và người được yêu]. Và ta nói rằng Thiên Chúa là một Thiên Chúa của ngạc nhiên vì Người luôn yêu ta trước nhất và Người chờ đợi ta với một ngạc nhiên. Thiên Chúa làm ta ngạc nhiên.
Ta hãy để ta được Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Ta đừng có thứ tâm lý máy vi tính để nghĩ rằng ta biết hết.

Mọi giải đáp đều có trên màn ảnh vi tính, nhưng không có ngạc nhiên thực sự. Trong thách đố yêu thương, Thiên Chúa tự tỏ mình ra qua các ngạc nhiên.

Ta hãy nghĩ tới Thánh Mátthêu, một nhà tài chánh tốt, nhưng ngài làm người khác thất vọng vì đã đánh thuế các công dân của mình, những người Do Thái, để nộp cho người Rôma. Ngài có đầy tiền bạc nhưng vẫn đánh những thứ thuế này. Nhưng rồi Chúa Giêsu đi qua, nhìn ngài, và nói, hãy theo Thầy. Ngài không thể tin được.

Nếu các con có thì giờ, các con hãy đi xem bức tranh Caravaggio vẽ cảnh này. Chúa Giêsu kêu gọi ngài và những người quanh ngài nói: “tên này sao? Hắn phản bội mà? Hắn đâu có tốt”. Và ngài khư khư giữ tiền bạc cho chính ngài. Nhưng sự ngạc nhiên được yêu đã thắng vượt ngài và [ngài theo chân Chúa Giêsu].

Hôm ấy lúc Thánh Mátthêu bỏ nhà ra đi, tạm biệt vợ, ngài không bao giờ nghĩ rằng ngài sẽ trở về mà không có tiền bạc, và lo lắng về việc làm sao có những tiệc tùng lớn, chuẩn bị tiệc tùng cho Đấng đã yêu mình trước, Đấng đã làm Thánh Mátthêu ngạc nhiên với một điều đặc biệt, quan trọng hơn mọi tiền bạc mà Thánh Nhân có.

Các con hãy để Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Đừng sợ các ngạc nhiên. Chúng rung chuyển đất dưới chân các con, chúng làm ta không chắc chắn. Nhưng chúng đẩy ta về phía trước, đúng hướng. Tình yêu chân thực dẫn các con tới chỗ khánh kiệt ở trên đời. [thậm chí có nguy cơ trắng tay].

Ta hãy nghĩ tới Thánh Phanxicô. Ngài chết với hai bàn tay trắng, trắng túi, nhưng với một trái tim đầy tràn. Không phải tuổi trẻ bảo tàng viện, mà là tuổi trẻ khôn ngoan. Muốn khôn ngoan, hãy sử dụng ba ngôn ngữ: nghĩ tốt, cảm nhận tốt và làm tốt. Và muốn khôn ngoan, các con hãy để mình được tình yêu Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên. Đấy là một đời sống tốt.

Cám ơn các con.

Và người đến với một kế hoạch tốt để chỉ cho ta thấy phải đi đứng trong đời ra sao là Ricky. Với mọi hoạt động, nhiều phương diện cùng đi với người trẻ. Cám ơn Ricky, về những gì con làm, và các bạn của con. Nhưng Ricky này, cha muốn hỏi con một câu hỏi: con và các bạn con sắp sửa cho đi. Cho sự giúp đỡ. Nhưng các con có để cho mình tiếp nhận không? Ricky, hãy trả lời từ tận cõi lòng con đi.

Trong Tin Mừng, ta vừa nghe, có một câu rất đẹp mà đối với cha quan trọng hơn cả. Tin Mừng nói rằng Người nhìn người thanh niên, Chúa Giêsu nhìn anh ta, và yêu mến anh ta. Khi ta thấy một nhóm bạn hữu, Ricky và các bạn của anh ta, ta yêu mến họ nhiều vì họ làm những điều rất tốt. Nhưng câu quan trọng nhất là câu Chúa Giêsu nói, “con chỉ còn thiếu một điều”.

Ta hãy lắng nghe lời đó của Chúa Giêsu trong thinh lặng. Con chỉ còn thiếu một điều. Con chỉ còn thiếu một điều. Con còn thiếu điều gì? Với tất cả những ai Chúa Giêsu rất thương yêu, cha hỏi các con, các con có để người khác cho các con từ kho lẫm của họ, cho chúng con là những người không có các kho lẫm như thế không? Người Xa Đốc, các tiến sĩ lề luật, thời Chúa Giêsu, đã cho người khác nhiều điều, lề luật, dạy dỗ họ. Nhưng họ không bao giờ để người ta cho họ điều gì. Chúa Giêsu đã phải đến để tự để cho mình cảm được lòng cảm thương, được yêu mến. Có bao nhiêu người trẻ trong chúng con được như thế? Các con biết cách cho đi nhưng các con chưa học cách tiếp nhận. Các con chỉ còn thiếu một điều: [bằng tiếng Anh: trở nên người ăn mày. Trở nên người ăn mày] trở nên người ănmày. Đó là điều c`ác con còn thiếu. Học cách ăn mày. Và ăn mày những người ta cho.

Điều này không dễ hiểu. Học cách ăn mày. Học cách tiếp nhận [từ đức khiêm nhường của những người ta giúp đỡ]. Học cách để người nghèo giảng tin mừng cho ta. Những người ta giúp đỡ. Người tàn tật, người mồ côi. Họ có quá nhiều điều để tặng ta. Tôi đã học cách ăn mày cả những điều đó chưa? Hay tôi chỉ cảm thấy tự mãn, và chỉ sẵn sàng dâng tặng một điều gì đó. Các con cho đi và nghĩ các con chẳng cần điều gì. Các con có biết các con cũng là người nghèo không? Các con có biết cảnh nghèo của các con không và nhu cầu cần tiếp nhận không? Các con có để những người các con phục vụ rao giảng tin mừng cho các con không, chịu để họ ban cho các con không? Và đó là điều giúp các con trưởng thành trong cam kết đối với người khác. Học cách dơ bàn tay ra từ chính sự nghèo nàn của các con.

Cha có một số điểm cha đã soạn sẵn. Học cách yêu và học cách được yêu. Có một thách thức đó là thách thức của sự toàn vẹn.

[bằng tiếng Anh, trở lại với bản văn của ngài:]

Điều này không chỉ vì đất nước các con, hơn nhiều nước khác, vốn là nước bị việc thay đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề.

Có một thách thức, quan tâm môi trường. Và cuối cùng, thách thức người nghèo.

[Trở lại tiếng Tây Ban Nha:]

Yêu người nghèo. [Các giám mục của các con muốn các con chăm sóc người nghèo cách đặc biệt trong năm nay]. Các con có nghĩ tới người nghèo không? Các con có cảm nhận với người nghèo không? Có làm điều gì đó cho người nghèo không? Và các con có yêu cầu người nghèo ban cho các con sự khôn ngoan họ vốn có không?

Đó là điều cha muốn nói với các con hôm nay. Xin lỗi, cha chưa đọc những gì cha đã chuẩn bị cho các con. [Nhưng có một câu làm cha an ủi]: Thực tại tốt hơn ý tưởng. Và thực tại mà [các con đề ra] mà tất cả các con có thì tốt hơn tờ giấy cha có trước mặt.

Cám ơn các con rất nhiều.


Vũ Văn An
(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #10

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ GIỚI TRẺ PHILIPPINES
TẠI ĐẠI HỌC SANTO TOMAS

Manila, 18 tháng Giêng, hàng đoàn người tụ tập tại ĐH Santo Tomas ở Manila mong được nhìn thấy Đức GH Phanxicô khi ngài tới đây gặp gỡ giới trẻ Phi Luật Tân.

Một số người cắm trại ở bên ngoài đại học từ 11 giờ đêm hôm 17 tháng Giêng để chiếm chỗ tốt trong khuôn viên ĐH. Các con phố chung quanh ĐH đã đầy các tín hữu từ lúc 4 giờ sáng.

Các cổng ĐH đã mở cửa từ lúc 4 giờ sáng và dự trù sẽ đóng lại 3 giờ sau đó. Tuy nhiên, vì số lượng đông đảo tín hữu đã lập tức tràn đầy 24 mẫu tây quảng trường của khuôn viên ĐH, nên buộc lòng nhân viên an ninh phải cho đóng cửa trước hạn định.

Cuộc gặp gỡ hiếm hoi

Những người Phi hy vọng được thoáng thấy Đức GH cũng kiên nhẫn chờ đợi dọc Đường Lacson. Nhiều người ngồi trên chiếu, trong khi những người khác chiếm chỗ ở đảo trống giữa đường mong được thấy Đức GH rõ ràng hơn khi đoàn xe của ngài băng qua.

Giới trẻ Phi sẽ có dịp may hiếm có được Đức Giáo Hoàng chúc lành trong cuộc gặp gỡ với họ tại ĐH vào lúc 9 giờ 45 phút sáng.

Đức Thánh Cha sẽ vắn tắt gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo của xứ sở tại Cung Thế Kỷ, sau đó, ngài đi xe mui trần vòng quanh khuôn viên ĐH. Tiếp đến sẽ là chương trình sinh hoạt tại Đại Khán Đài.

Chương trình sinh hoạt này sẽ bắt đầu với việc suy tôn Thánh Giá và chứng từ của 3 người trẻ Phi: người trẻ thôi học Jun Chura, sinh viên luật Leandro Santos II, và nhân viên thiện nguyện bão lụt Rikki Macolor.

Các tín hữu mong được học hỏi từ các chứng từ của tuổi trẻ này, vì các chứng từ này tập chú vào trải nghiệm bản thân của họ trong tư cách con cái Thiên Chúa.

Cuộc gặp gỡ giới trẻ sẽ kết thúc với sinh hoạt sai đi, trong đó, giới trẻ Phi được thách thức sống Lời Chúa trong đời họ.

Thánh lễ kết thúc

Cuộc viếng thăm ĐH Santo Tomas của Đức GH Phanxicô đánh dấu lần thứ tư một vị giáo hoàng tới đây. Đức GH Phaolô VI viếng Trường năm 1970, Đức GH Gioan Phaolô II (nay là thánh) viếng trường hai lần, năm 1981 và năm 1995.

Đức GH Phanxicô tới Phi chiều thứ Năm, khởi đầu chuyến viếng thăm nước này năm ngày, từ 15 tới 19 tháng Giêng. Ngài sẽ chủ tọa thánh lễ kết thúc chuyến viếng thăm của ngài tại Đại Khán Đài Quirino ở Luneta vào lúc 3 giờ 30 chiều, một thánh lễ hy vọng sẽ lôi cuốn hàng triệu người Phi tham dự, có thể ngang tầm với đám đông 5 triệu người tham dự thanh lễ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại cùng địa điểm này năm 1995.

Đức Phanxicô yêu cầu giới trẻ cầu nguyện cho các nạn nhân trận bão Hải Yến

Theo tin chính thức của ban tổ chức chuyến viếng thăm Phi (www.papalvisit.ph) của Đức Phanxicô, sau khi được tin buồn về cái chết của một thiện nguyện viên trẻ tại Tacloban, nơi ngài cử hành Thánh Lễ hôm qua, Đức GH Phanxicô đã yêu cầu hàng ngàn người trẻ tụ tập tại khuôn viên ĐH Santo Tomas cầu nguyện cho nàng.

“Cha muốn tất cả các con cùng cha im lặng cầu nguyện trong giây lát, và chúng ta sẽ cầu xin với Mẹ trên trời”, ngài nói thế khi mời các đại biểu của Cuộc Gặp Gỡ với Giới Trẻ cầu nguyện cho sự an nghỉ của Kristel Padasas, 27 tuổi, thuộc Sở Cứu Trợ Công Giáo, người đã chết trong một tai nạn kinh hoàng ngay sau Thánh Lễ của Đức Thánh Cha tại Tacloban.

Theo các bài tường thuật, Padasas, người xuất thân từ Đông Samar, bị thiệt mạng khi một giàn giáo chứa hệ thống âm thanh đổ sụp lên người nàng.

Theo đài phát thanh Vatican, Đức GH cũng đã gửi điện chia buồn cùng thân nhân Padasas. Theo đài này, sau Thánh Lễ của Đức GH tại Tacloban, Padasas cùng nhóm bạn bước qua bàn thờ. Rồi gió mạnh do cơn bão nhiệt đới “Amang” đem tới đánh sụp giàn đựng âm thanh. Nàng bị thương trúng đầu làm bể sọ, đem vào nhà thương thì nàng qua đời.

Tại sao Đức Phanxicô khiến người ta khóc

Ngày 17 tháng Giêng, trong cuộc họp báo thường lệ tại Diamond Hotel, Manila, Đức HY Tagle cho biết người Phi mọi giới lũ lượt kéo nhau hàng đoàn tới gặp Đức GH Phanxicô, không ngại chờ đợi lâu giờ dưới nắng, dưới mưa, dưới cả nguy cơ bão táp, chỉ để mong được thoáng thấy ngài. Và khi thấy rồi, nước mắt ngắn dài ướt mi, những giọt nước mắt thiêng liêng.

Đức HY cho rằng những người chẩy nước mắt khi thấy Đức GH hẳn nhiên kinh qua giây phút tâm linh sâu sắc.

Thần linh, sâu sắc

“Trong truyền thống Kitô Giáo, có điều người ta gọi là ơn nước mắt”, Đức HY nói thế. Ngài thêm rằng người nào cảm nghiệm được cõi thần linh và sâu sắc đều nói lên giây phút chẩy nước mắt.

Ngài giải thích thêm: những người thấy và được tận mắt thấy Đức GH, chẩy những giọt nước mắt hân hoan và an ủi sau khi hiểu ra rằng họ "đáng kể và được coi là quan trọng”.

Cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, thì thêm rằng điều trên đặc biệt đúng đối với các người sống sót trận bão Hải Yến: họ khóc công khai trong thánh lễ của Đức GH tại phi trường Tacloban. Vì họ cảm thấy được ủi an chứ không cô đơn.

Khóc tận đáy lòng

Đức GH Phanxicô từng nói về ơn nước mắt trong Lễ Suy Tôn Thánh Giá ngày 14 tháng Chín năm 2013.

Ngài nói rằng mầu nhiệm Thánh Giá chỉ có thể hiểu được “đôi chút nhờ qùy gối, cầu nguyện, nhưng cũng nhờ nước mắt: đó là những giọt nước mắt đem ta lại gần mầu nhiệm này”.

Đức GH nhấn mạnh: “không khóc, không khóc tận đáy lòng” ta không bao giờ hiểu được mầu nhiệm Thánh Giá này.

Các vị thánh nổi tiếng được ơn này là các Thánh Catarina thành Siena, Thánh Inhaxio thành Loyola, và cha năm dấu Pio thành Pietrelcina, người được chứng kiến tận mắt và quay phim khi đang khóc lúc truyền phép Thánh Thể. 

Vũ Văn An
(VietCatholic News)

VIDEO PHỎNG VẤN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC PHÊRÔ NGUYỄN VĂN TỐT, SỨ THẦN TOÀ THÁNH TẠI SRI LANKA

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #9

Đức Thánh Cha đau buồn trước cái chết của một phụ nữ 
gần khán đài nơi cử hành thánh lễ tại Leyte, Tacloban

Trong cuộc họp báo chiều thứ Bẩy 17 tháng Giêng, Cha Federico Lombardi SJ, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh Vatican, cho biết rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được thông báo về cái chết của một người phụ nữ sau Thánh Lễ do Đức Thánh Cha cử hành cùng ngày tại Leyte, Philippines. Ngài đã gởi lời chia buồn cùng gia đình.

 Cô Kristel Mae Padasas, 27 tuổi, đã chết vì giàn giáo của khán đài cử hành Thánh Lễ rớt trúng đầu. Cô là nhân viên của Catholic Relief Service từ sau trận bão Hải Yến đổ vào vùng này hồi tháng 11 năm 2013.

Theo các viên chức y tế địa phương, sự việc xảy ra sau Thánh Lễ khi người phụ nữ và nhóm của cô đi ngang qua khán đài nơi Đức Giáo Hoàng cử hành thánh lễ trước đó.

Những cơn gió mạnh gây ra bởi cơn bão nhiệt đới "Amang" đã làm sập những giàn giáo và rớt vào đầu người phụ nữ, làm nứt xương sọ của cô. Ngay lập tức cô được chở đến một bệnh viện tư nhưng đã chết sau đó.

Theo chương trình, sáng thứ Bẩy 17 tháng Giêng, lúc 8:30 sáng Đức Thánh Cha đã ra phi trường quân sự Villamor của thủ đô Manila để đáp máy bay đi Tacloban, nơi đã bị trận bão Hải Yến tàn phá nặng nề hồi tháng 11 năm 2013. Ngài được báo cho biết là thời tiết rất đáng lo ngại nhưng Đức Thánh Cha đã cương quyết muốn đến vùng này.

Máy bay đã cất cánh 15’ sớm hơn và thánh lễ đã phải cử hành 45’ sớm hơn dự trù. Khoảng 150,000 người đã đội mưa tham dự thánh lễ.

Đức Thánh Cha đã có thể gặp gỡ 30 người sống sót sau trận bão Hải Yến và lắng nghe những kinh nghiệm đau thương của họ trước khi khánh thành một trung tâm dành cho người nghèo.

Tại Vương Cung Thánh Đường Palo, Đức Thánh Cha chỉ kịp nói vài lời với các linh mục, tu sĩ và chủng sinh, và ban bình an cho những người hiện diện trước khi đáp máy bay về lại Manila lúc 13:00, tức là 4 giờ sớm hơn dự trù.

Chiếc máy bay chở Đức Thánh Cha đã cất cánh an toàn nhưng vài phút sau chiếc máy bay thứ hai trong đoàn chở các viên chức chính phủ Phi Luật Tân, trong đó có cả cố vấn của tổng thống đã bị bão xô nhào ra khỏi đường bay. May là không ai bị thương.

Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #8

TACLOBAN : CUỘC GĂP GỠ XÚC ĐỘNG NHẤT

Tường thuật chuyến viếng thăm Tacloban của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhà báo Rocco Palmo cho rằng đây là những giây phút mạnh mẽ nhất trong 22 năm làm giáo hoàng của ngài, đến nỗi, bỏ cả bài giảng soạn sẵn, ngài đã nói với đám đông bằng chính trái tim ngài.

Nghẹn ngào

Đức HY Tagle, TGM Manila, người luôn sát cánh với Đức Phanxicô trong suốt chuyến viếng thăm Phi Luật Tân, mô tả lại giây phút nghẹn ngào của Đức Giáo Hoàng lúc lắng nghe những người sống sót trận bão Hải Yến chia sẻ trải nghiệm của họ.

Trong cuộc họp báo với phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Lombardi, Đức HY cho biết: dù Đức GH buộc phải rút ngắn chuyến viếng thăm Tacloban vì một trận bão mới sắp sửa ùa tới, nhưng ngài vẫn nhất quyết gặp gỡ người dân Tacloban và Palo, trong đó có 30 người sống sót trận bão Hải yến, để nghe họ chia sẻ trải nghiệm đau thương của họ.

Đức HY cho biết ngài không bao giờ quên được gương mặt Đức GH khi lắng nghe mỗi người sống sót chia sẻ kinh nghiệm mất cha mất mẹ, mất người phối ngẫu, mất con mất cái và mất hết gia sản của họ. Ngài bảo Đức GH đau khổ rõ rệt và nghẹn ngào nói không nên lời, một thứ “hiệp thông và liên đới diễn ra trong im lặng”…

Đức HY Tagle cho biết thêm: Đức GH Phanxicô làm phép một trung tâm dành cho người nghèo, được đặt tên theo tên ngài, và sau đó tới nhà thờ chính tòa Palo, nơi ngài dành ít phút xin lỗi dân chúng ở bên trong và chúc lành cho họ trước khi lên máy báy trở lại Manila…

Một nhà lãnh đạo Phi Luật Tân cho hay ông coi việc Đức Giáo Hoàng gây hứng cho nguời dân nước này là một điều đương nhiên nhưng ông muốn biết xem chính ngài có bị nhân dân của ông ảnh hưởng gì không. Khi ông hỏi ngài lúc ngồi trên máy bay xem ngài có mệt không hay có sợ trải nghiệm bão táp lần đầu hay không, Đức GH nói chuyến viếng thăm này là một bài học kinh nghiệm đối với ngài…

Lời phát biểu vắn vỏi của Đức Phanxicô tại Nhà Thờ Chính Tòa Tacloban

Theo Đài phát thanh Vatican, Đức Phanxicô đã dừng lại ở Nhà Thờ Chính Tòa Tacloban ít phút trước khi rời tỉnh Leyte vì thời tiết xấu. Các giám mục, linh mục, tu sĩ và các gia đình nạn nhân trận bão Hải Yến mong gặp ngài tại nhà thờ này.

Sau đây là các lời phát biểu của Đức Phanxicô:

Cha cám ơn các con về sự chào đón nồng ấm này. Vị Hồng Y vừa bước vào với Đức HY Tagle chính là Đức HY Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức HY Parolin, và hôm nay là sinh nhật của ngài. Các con có hát mừng ngài không?

(Cộng đoàn hát mừng sinh nhật) Cám ơn các con.

Cha phải cho các con biết một điều làm cha không vui: vấn đề là cung cách sự việc đã được lên kế hoạch nghĩa là máy bay sẽ rời đây lúc 5 giờ chiều. Nhưng vì có trận bão cấp hai hay cuồng phong gì đó đang sắp đến với chúng ta nên phi công chuyến bay nhấn mạnh chúng tôi phải rời đảo lúc 1 giờ chiều. Chúng tôi chỉ đủ thì giờ lên máy bay vì tiên đoán thời tiết cho hay sau 1 giờ chiều thời tiết sẽ xấu hơn. Vậy cho cha xin lỗi tất cả các con.

Cha rất buồn về việc này vì cha có điều đặc biệt sẵn sàng cho các con. Ta hãy phó thác mọi sự trong tay Đức Mẹ vì cha phải đi đây. Các con có rõ vấn đề không? Máy bay không thể đáp xuống đây, đấy là vấn đề.

Ta hãy đọc kinh Kính Mừng với nhau sau đó cha ban phép lành cho các con.

Cha Lombardi: Tacloban, giây phút cảm động nhất trong cuộc hành trình của Đức Phanxicô

Nói với Sean Patrick Lovett của Đài Phát Thanh Vatican, Cha Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cho rằng cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với các người sống sót trận bão Hải Yến năm 2013 là một trong các cao điểm của chuyến tông du.

Cha Lombardi đặc biệt nhắc lại câu Đức Phanxicô thổ lộ với họ: “Quá nhiều người trong các con đã mất hết mọi sự. Cha không biết nói gì với các con. Nhưng chắc chắn Chúa biết phải nói gì với các con! Quá nhiều người trong các con đã mất kẻ thân yêu trong gia đình. Cha chỉ có thể giữ im lặng; cha đồng hành với các con trong im lặng, bằng trái tim cha…”. Cha cho rằng đây chính là giây phút chủ yếu của chuyến đi: “nó là giây phút trong đó ta thực sự hiểu được ý nguyện của ngài muốn hiện diện với những người này trong hoàn cảnh này”.

Cha Lombardi cũng nhắc lại chính lời của Đức Thánh Cha cho hay: ngay khi thấy hình ảnh trận bão và các thảm họa nó gây ra, ngài đã quyết định phải tới đây. Cha cho hay: “đây thực sự là khúc cuối của một cuộc hành trình dài không phải bắt đầu từ Manila, mà bắt đầu ở Rôma hơn một năm trước đây vào đúng ngày trận bão”.

Nhận định về việc Đức GH có mặt tại đây vào một ngày mưa to gió lớn, Cha Lombardi nói: “đây là một trải nghiệm mới” vì loại thời tiết này không xẩy ra tại quê hương Á Căn Đình của ngài, hay tại Rôma, nhưng tại đây.

Theo cha, “Hiện diện ở đây, không phải nhân một ngày nắng ráo, mà nhân một ngày mưa gió, đây quả là một tình huống cụ thể trong đó trải nghiệm hiện diện với dân chúng hoàn toàn khả tín”.

Cha Lombardi cũng nói tới việc tình âu yếm của nhân dân Phi Luật Tân làm Đức GH hết sức xúc động “Bạn không thể dửng dưng khi thấy trên đường phố hàng trăm ngàn người chờ đợi hàng giờ để thấy bạn, cho dù bạn không có thì giờ đích thân gặp gỡ họ, họ vẫn vui khi thấy bạn và cảm nhận sự hiện diện và khích lệ của bạn”.

Cha nói rằng Đức GH thực sự cảm nhận được thái độ đặc biệt của người Phi Luật Tân đối với Đức GH và đối với kinh nghiệm tôn giáo.
“Tôi nghĩ hôm nay là giờ phút sâu sắc nhất và thâm hậu nhất của cuộc hành trình này”.


Vũ Văn An
(VietCatholic News)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #7

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
THĂM VÙNG TACLOBAN NƠI BỊ BÃO TÀN PHÁ

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU PHILIPPINES #6

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ THĂM CÁC TRẺ EM BỤI ĐỜI


Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

ĐỨC THÁNH CHA PHANXCÔ TÔNG DU PHILIPPINES : NGÀY THỨ NHẤT

“Vai trò chính yếu trong việc canh tân xã hội
là của gia đình và đặc biệt là những người trẻ”

WHĐ (17.01.2015) – Sáng thứ Sáu 16-01, sau nghi lễ chào mừng diễn ra lúc 9g15 tại Dinh Tổng thống Malacañan, Manila, Đức Thánh Cha đã bắt đầu chương trình ngày thứ nhất trong chuyến tông du tại Philippines với buổi gặp gỡ Tổng thống Benigno Aquino cùng với các nhà chức trách dân sự và các nhà ngoại giao tại Hội trường Rizal Cerimonial lúc 10g15.

Đức Thánh Cha đã nói về sự cần thiết phải bảo vệ gia đình, người trẻ và người già, bảo đảm công bằng xã hội và tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người.
 
Trước hết, Đức Thánh Cha cảm ơn Tổng thống đã đón tiếp và thay mặt chính phủ và nhân dân Philippines chào mừng ngài, cũng như cảm ơn các thành viên của Ngoại giao đoàn. Đức Thánh Cha khẳng định chuyến viếng thăm của ngài trước hết là mang tính mục vụ: “Giáo hội tại đất nước này đang chuẩn bị mừng kỷ niệm năm trăm năm Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô được rao giảng tại đây. Sứ điệp Kitô giáo đã có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hoá Philippines. Tôi hy vọng dịp kỷ niệm quan trọng này sẽ cho thấy sứ điệp ấy không ngừng đem lại hoa trái và truyền cảm hứng cho một xã hội xứng đáng với lòng tốt, phẩm giá và những nguyện vọng của người dân Philippines”.

Như chủ đề chuyến tông du “Thương xót và Nhân từ” đã nói, Đức Thánh Cha bày tỏ: “Một cách đặc biệt, chuyến viếng thăm này muốn thể hiện sự gần gũi của tôi với những người anh chị em chúng ta đang chịu đau khổ, mất mát và sự tàn phá do cơn bão Yolanda gây ra. Cùng với nhiều người trên khắp thế giới, tôi đã ngưỡng mộ sức mạnh anh hùng, niềm tin và khả năng phục hồi mà rất nhiều người Philippines đã chứng tỏ khi đối mặt với thảm họa thiên nhiên này, và rất nhiều người khác nữa”.

Đặc biệt, Đức Thánh Cha ca ngợi những người trẻ: “Trong lúc đất nước gặp khủng hoảng, rất nhiều người đã đến với những ai cần trợ giúp. Họ đã dành thời gian và sức lực thiết lập những mạng lưới tương trợ và làm việc vì lợi ích chung. Tấm gương này của tinh thần đoàn kết trong công việc tái thiết dạy chúng ta một bài học quan trọng”.

Đức Thánh Cha nêu lên thực trạng của Philippines và đưa ra những đòi hỏi đối với các nhà lãnh đạo chính trị: “Cũng như một gia đình, mọi xã hội đều dựa trên những nguồn lực sâu xa nhất của mình để đương đầu với những thách đố mới. Ngày nay, Philippines, cùng với nhiều quốc gia khác ở châu Á, phải đối mặt với thách đố xây dựng một xã hội hiện đại trên những nền tảng vững chắc – một xã hội tôn trọng các giá trị nhân văn đích thực, bảo vệ phẩm giá và quyền con người được Thiên Chúa ban và sẵn sàng đương đầu với những vấn đề mới mẻ và phức tạp về chính trị và đạo đức. Như nhiều tiếng nói trong quốc gia của quý vị đã chỉ ra, bây giờ hơn bao giờ hết, các nhà lãnh đạo chính trị cần phải hết sức trung thực, liêm khiết và dấn thân cho công ích. Bằng cách này, họ sẽ giúp bảo tồn các nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên phong phú mà Thiên Chúa đã ban cho đất nước này. Như thế, họ sẽ chuẩn bị các nguồn lực tinh thần cần thiết trước những đòi hỏi hiện nay, và chuyển giao cho các thế hệ tương lai một xã hội thực sự công bằng, liên đới và bình an”.

Đề cập đến gia đình và người trẻ, Đức Thánh Cha nói: “Vai trò chính yếu trong việc canh tân xã hội tất nhiên là của gia đình và đặc biệt là những người trẻ. Nét nổi bật trong chuyến viếng thăm của tôi là cuộc gặp gỡ các gia đình và những người trẻ. Các gia đình có một nhiệm vụ không thể thiếu trong xã hội. Chính trong gia đình mà trẻ em được giáo dục các giá trị lành mạnh, những lý tưởng cao quý và mối quan tâm đích thực đến người khác. Nhưng cũng như tất cả các quà tặng của Thiên Chúa, gia đình cũng có thể bị biến dạng và bị phá hủy. Gia đình cần được chúng ta trợ giúp. Chúng ta biết rằng các nền dân chủ của chúng ta ngày nay rất khó giữ gìn và bảo vệ những giá trị nhân văn như tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi con người, tôn trọng các quyền của lương tâm và tự do tôn giáo, và tôn trọng quyền sống chính đáng, từ khi chưa sinh cho đến lúc già cả và đau yếu. Vì thế, cần phải khuyến khích và trợ giúp các gia đình và cộng đồng địa phương nỗ lực chuyển giao cho những người trẻ của chúng ta những giá trị và nhãn quan có thể giúp đem lại một nền văn hóa toàn vẹn – nền văn hoá tôn vinh lòng tốt, sự thật, lòng trung tín và đoàn kết như nền tảng vững chắc và chất keo đạo đức gắn kết xã hội”.

Đức Thánh Cha nói rằng: “Khởi đầu chuyến viếng thăm tới đất nước này, tôi không thể không nói đến vai trò quan trọng của Philippines trong việc thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các nước trong khu vực châu Á. Tôi cũng muốn nói đến những đóng góp thường bị bỏ quên nhưng lại thực tế của những cộng đồng Philippines ở nhiều nơi cho đời sống và phúc lợi của quốc gia mà họ đang sống. Chính trong ánh sáng của các di sản văn hóa và tôn giáo phong phú mà đất nước của quý vị tự hào mà tôi đề ra cho quý vị một thách đố và một lời cầu nguyện khích lệ. Mong sao các giá trị tâm linh sâu sắc nhất của người dân Philippines luôn thể hiện trong những nỗ lực của quý vị để đem lại sự phát triển con người toàn diện cho người dân của quý vị”.

Kết thúc, Đức Thánh Cha “tin tưởng rằng những nỗ lực đáng khen nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa những người theo các tôn giáo khác nhau sẽ mang lại kết quả trong việc theo đuổi mục tiêu cao quý này”. Đặc biệt, Đức Thánh Cha cũng “tin tưởng rằng tiến trình nhằm mang lại hòa bình cho miền nam Philippines sẽ có kết quả trong những giải pháp chính đáng phù hợp với các nguyên tắc sáng lập quốc gia này và tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của mọi người, bao gồm các dân tộc bản địa và các tôn giáo thiểu số”.

***

Lúc 11g15 Đức Thánh Cha đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội (Nhà thờ chính toà Manila) để cử hành Thánh Lễ với các giám mục, linh mục và tu sĩ.

  Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã dùng chính lời Chúa Giêsu nói với Phêrô “Con có yêu mến Thầy không? ... Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy” (Ga 21,15-17), để nói chuyện với các giám mục, linh mục, chủng sinh và các tu sĩ: “Những lời ấy nhắc nhở chúng ta về một điều chính yếu. Mọi sứ vụ mục tử đều xuất phát từ tình yêu. Mọi đời sống thánh hiến đều là dấu chỉ của tình yêu hoà giải của Chúa Kitô. Ơn gọi của chúng ta rất đa dạng, nhưng cũng như Thánh Têrêsa, mỗi người chúng ta đều được mời gọi, một cách nào đó, trở thành tình yêu trong trái tim của Hội Thánh”.

Đức Thánh Cha gửi lời chào và tình cảm quý mến của ngài đến tất cả những người già và đau yếu, và tất cả những ai không thể tham dự thánh lễ này. Ngài nói: “Đang khi Giáo hội tại Philippines hướng đến kỷ niệm năm trăm năm được Phúc Âm hoá, chúng ta cảm thấy lòng biết ơn đối với di sản của rất nhiều giám mục, linh mục và tu sĩ của các thế hệ trước đây. Các ngài lao nhọc không chỉ để rao giảng Phúc Âm và xây dựng Giáo hội ở đất nước này, mà còn để xây dựng một xã hội lấy cảm hứng từ sứ điệp bác ái, tha thứ và tình liên đới của Phúc Âm trong việc phục vụ công ích. Ngày nay anh chị em tiếp nối công việc yêu thương ấy. Cũng như các ngài, anh chị em được kêu gọi bắc những cây cầu, chăn dắt đoàn chiên của Chúa Kitô, và chuẩn bị những con đường mới cho Phúc Âm tại châu Á vào buổi bình minh của thời đại mới”.

Về sứ vụ của các linh mục và những những ngườii sống đời thánh hiến, Đức Thánh Cha giải thích: “’Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta’ (2 Cr 5,14). Trong bài đọc thứ nhất Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng tình yêu mà chúng ta được mời gọi loan báo là một tình yêu hòa giải, tuôn trào từ trái tim của Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh. Chúng ta được kêu gọi làm “những sứ giả của Chúa Kitô” (2 Cr 5,20). Sứ vụ của chúng ta là sứ vụ hòa giải. Chúng ta loan báo Tin Mừng về Tình yêu và lòng từ bi thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Chúng ta loan báo niềm vui của Phúc Âm. Vì Phúc Âm là lời hứa của ân sủng của Thiên Chúa, mà chỉ mình nó mới có thể mang lại sự toàn vẹn và chữa lành thế giới đã bị tan vỡ của chúng ta. Nó có thể truyền cảm hứng để xây dựng một trật tự xã hội công bằng thực sự và được cứu chuộc”.

Tiếp theo, Đức Thánh Cha ngỏ lời cách riêng với các linh mục, tu sĩ trẻ và các chủng sinh. Đức Thánh Cha xin họ chia sẻ niềm vui và nhiệt tâm yêu mến Chúa Kitô và Giáo hội với tất cả mọi người, đặc biệt là với các bạn đồng trang lứa với họ: “Hãy hiện diện với những người trẻ đang băn khoăn và thất vọng nhưng vẫn còn xem Giáo hội như một người bạn của mình trên cuộc hành trình và như nguồn hy vọng. Hãy hiện diện với những ai đang sống giữa một xã hội bị đè nặng bởi nghèo đói và tham nhũng, tâm hồn tan nát, bị cám dỗ đầu hàng, bỏ học và sống trên đường phố. Hãy giới thiệu vẻ đẹp và chân lý của sứ điệp Kitô giáo cho một xã hội đang bị cám dỗ bởi các lối trình bày rối rắm về tình dục, hôn nhân và gia đình. Như anh chị em đã biết, những thực tại này đang ngày càng bị tấn công từ các thế lực mạnh mẽ đe dọa bóp méo kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa và phản bội những giá trị từng truyền cảm hứng và định hình tất cả những gì là tốt đẹp nhất trong văn hóa của anh chị em”.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ nhất “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để một khi chết trong Người, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa nhưng là sống cho Người” (x 2. Cr 5,15) và dâng lời nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Giáo hội, “đổ tràn lòng nhiệt thành trên các giám mục, linh mục và tu sĩ, để biết họ tiêu hao chính mình mà phục vụ anh chị em cách vô vị lợi”. Đồng thời, “xin cho tình yêu hòa giải của Chúa Kitô ngày càng thấm nhập hoàn toàn vào cơ cấu của xã hội Philippines, và qua anh chị em, đến những nơi xa xôi nhất của thế giới”.
*** 
Vào buổi chiều, Đức Thánh Cha đã đến Sân vận động trong nhà của “Khu Thương mại Á châu” ở Pasay lúc 5g30 để gặp gỡ các gia đình. Khoảng 20.000 người đã tham dự buổi gặp gỡ này, dưới hình thức một buổi Phụng vụ Lời Chúa. (*)

Sau bài Phúc Âm thuật lại biến cố Thánh Gia phải sang Ai Cập lánh nạn vì Hêrôđê đang tìm giết Hài nhi Giêsu (Mt 2,13-15.19-23), Đức Thánh Cha đã ban huấn từ cho cộng đoàn tham dự.

Đức Thánh Cha nói: “Kinh Thánh nói rất ít về Thánh Giuse, và nếu nói về ngài, lại thường lại nói về ngài trong lúc đang ngủ: một thiên thần hiện ra trong giấc ngủ và báo mộng cho Thánh Giuse. Trong đoạn Phúc Âm vừa nghe, chúng ta thấy Thánh Giuse ngủ không phải một, mà là hai lần. Tối nay tôi cũng muốn nghỉ ngơi trong Chúa với tất cả anh chị em. Tôi cần phải nghỉ ngơi trong Chúa với gia đình, và suy tư về gia đình: cha tôi, mẹ tôi, ông tôi, bà tôi... Hôm nay tôi muốn nghỉ ngơi cùng với anh chị em và và cùng với anh chị em suy tư về hồng ân gia đình”.

Đức Thánh Cha nêu ra 3 điểm của đoạn Kinh Thánh này để suy tư, đó là: nghỉ ngơi trong Chúa, trỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và trở thành tiếng nói ngôn sứ.

Điểm thứ nhất: nghỉ ngơi trong Chúa. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dành những giờ nghỉ ngơi, thinh lặng trong tâm hồn, dành thời giờ cho việc cầu nguyện: “Nếu chúng ta không cầu nguyện thì chúng ta sẽ không biết điều quan trọng nhất, đó là thánh ý Chúa đối với chúng ta. Và nếu chỉ hoạt động mà không cầu nguyện thì chúng ta chỉ làm được rất ít việc”.

“Nghỉ ngơi để cầu nguyện là điều đặc biệt quan trọng đối với gia đình. Chính trong gia đình mà chúng ta phải học cách thức cầu nguyện trước hết... Trong gia đình chúng ta học yêu thương, tha thứ, quảng đại và cởi mở chứ không khép kín và ích kỷ. Chúng ta học cách đi xa hơn những nhu cầu của mình, gặp gỡ tha nhân và chia sẻ cuộc sống của chúng ta với họ”.

Điểm thứ hai: Trỗi dậy với Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Những lúc nghỉ ngơi quý giá, nghỉ với Chúa trong kinh nguyện, là những lúc chúng ta muốn kéo dài. Nhưng cũng như thánh Giuse, sau khi nghe tiếng Chúa, chúng ta phải trỗi dậy, đứng lên và hành động. Đức tin không kéo chúng ta ra khỏi trần thế, nhưng đưa chúng ta vào sâu hơn trong thế giới. Thực vậy, mỗi người chúng ta có một vai trò đặc thù trong việc chuẩn bị cho Nước Chúa đến trong trần thế của chúng ta.

Trong những sứ vụ các tín hữu cần thi hành, Đức Thánh Cha đặc biệt nói đến sứ mạng bênh vực gia đình. Ngài nói: “Có nhiều sức ép trên gia đình ngày nay. Tại Philippines này có vô số các gia đình còn đang chịu đau khổ vì hậu quả của các thiên tai. Tình trạng kinh tế làm cho nhiều gia đình phải chia ly vì di cư để tìm công ăn việc làm và những vấn đề tài chánh làm cho nhiều gia đình bị căng thẳng. Trong khi quá nhiều người sống trong nghèo đói lầm than, thì những người khác lại bị thu hút vào trào lưu duy vật và những lối sống phá hủy gia đình và những đòi hỏi căn bản nhất của luân lý Kitô giáo. Gia đình cũng bị đe dọa vì những toan tính ngày càng gia tăng của một số người muốn định nghĩa lại chính định chế gia đình, hoặc vì trào lưu duy tương đối, nền văn hóa phù du, thiếu cởi mở đối với sự sống”.

“Thế giới chúng ta đang cần những gia đình tốt và vững mạnh để khắc phục những đe dọa ấy! Philippines đang cần những gia đình thánh thiện và yêu thương để bảo vệ vẻ đẹp và chân lý về gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa và là một nâng đỡ, nêu gương cho các gia đình khác”.

Và điểm thứ ba: trở thành tiếng nói ngôn sứ. Đức Thánh Cha nói rằng Tin Mừng nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ của Kitô hữu phải là những tiếng nói ngôn sứ trong các cộng đoàn chúng ta. Khi gia đình sinh sản và giáo dục con cái trong đức tin và các giá trị tốt đẹp, dạy con cái góp phần xây dựng xã hội, thì họ trở thành một phúc lành cho thế giới. Tình thương của Thiên Chúa trở nên hiện diện và hoạt động qua cách thức chúng ta yêu thương và nhờ công việc lành chúng ta làm. Chúng ta mở rộng Nước Chúa trong thế giới này. Và khi làm như thế chúng ta tỏ ra trung thành với sứ mạng ngôn sứ mà chúng ta nhận lãnh khi chịu phép rửa tội.

Cuối cùng Đức Thánh Cha kết luận: “Năm nay được các giám mục của anh chị em chọn là ‘Năm Người Nghèo’. Tôi xin anh chị em, trong tư cách là gia đình, hãy đặc biệt để ý đến ơn gọi của chúng ta trở thành các môn đệ thừa sai của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là sẵn sàng đi xa hơn gia đình của anh chị em, và săn sóc những anh chị em khác đang ở trong tình cảnh túng thiếu nhất. Tôi xin anh chị em đặc biệt chứng tỏ sự quan tâm đối với những người không có gia đình, nhất là những người già và trẻ em không có cha mẹ. Đừng bao giờ để họ cảm thấy lẻ loi, cô độc và bị bỏ rơi, nhưng giúp họ biết rằng Chúa không quên họ”.

––––––––––––––––––––––––––

(*) Từ đây đến cuối bài trích từ vietvatican.net

Minh Đức
(WHĐ)

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B 18-01-2015

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II mùa thường niên năm B
05g30 Chúa Nhật ngày 18-01-2015.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.




Hữu Toàn.

Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015

THÁNH LỄ ĐẦU NĂM MỚI 2015 TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO

Linh mục đoàn Phan Thiết đang dự tuần tĩnh tâm đầu năm mới 2015 với chủ đề “Phúc Âm Hóa Giáo Xứ và Cộng Đoàn Thánh Hiến”. Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Lạng sơn giảng phòng.
 
 
Sáng ngày 13.1, có hai Đức Cha Giuse và 140 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ và hàng ngàn khách hành hương về bên Mẹ TàPao hiệp dâng thánh lễ đầu năm mới.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống ngỏ lời với cộng đoàn.
 

Xin cùng hợp với các cha đồng tế, cách riêng với Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân Giám mục Giáo phận Cao Bằng Lạng Sơn, gửi đến quý tu sĩ cùng toàn thể quý ông bà anh chị em, quý khách hành hương lời chào mừng rất đặc biệt trong ngày hành hương hôm nay.
 
Chắc là cộng đoàn cũng kịp ghi nhận thánh lễ hành hương ngày 13 tháng giêng năm 2015 hôm nay có những nét đặc biệt.
 
Đặc biệt thứ nhất, ai cũng trong tư thế chống lạnh, xem ra có cái gì xe lạnh với cộng đoàn chúng ta ở đây, đố biết từ đâu đến? thưa, do Đức Cha Giuse đem từ Lạng Sơn đến đây. Hình như ở Cao bằng Lạng sơn, giờ này là 7 độ C, ngài vào với chúng ta trong cuộc hành hương sáng nay, ngài đem không khí lạnh từ Phương Bắc về đây. Chúng ta xin được mừng ngài bằng một tín hiệu vui mừng. Rồi đặc biệt hơn nữa, chúng ta thấy trên cung thánh có con số các linh mục rất đông. Chắc có một vài người đã đếm con số là trên 140 linh mục cử hành thánh lễ. Các ngài là những linh mục từ giáo phận Phan thiết và cùng một số linh mục từ các giáo phận tham gia hành hương hàng tháng, nhất là quý cha Dòng Châu Thủy đã phục vụ cử hành Bí Tích Hòa Giải tại trung tâm thánh mẫu này. Các ngài đang dự tuần tĩnh tâm hằng năm. Hôm nay, đến đây cũng dâng cuộc sống của mình nhất là dâng tuần tĩnh tâm cho Đức Trinh Nữ Maria tại Tàpao, xin Đức Mẹ cũng chuyển cầu và chúc lành cho các ngài. Vì vậy, chúng ta cũng một tín hiệu vui mừng nữa cho các linh mục đang hiện diện nơi đây. Và rồi nét đặc biệt thứ ba, đó là ngày hành hương, nếu như tháng 12 chúng ta đến đây trái tim căng tràn niềm tạ ơn, thì khởi đầu năm mới, chúng ta đến đây với tất cả niềm cậy trông. Những ca khúc, những lời kinh, những ý khấn đã được dâng lên chính là tâm nguyện của quý khách hành hương. Vì vậy, một khi đã được xưng tụng là Mẹ Thiên Chúa đầy uy quyền, và cũng thật gần gũi với dân sinh là Mẹ nhân loại, Mẹ vẫn là Mẹ dịu hiền. Đầy uy quyền nên Mẹ có thể chuyển cầu cho tất cả mọi người được những sở nguyện theo ý khấn xin. Và đầy nhân hiền nên Mẹ hiểu rõ chúng ta hơn bất cứ ai, là Mẹ luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, và luôn luôn chúc lành cho con cái của Mẹ. Vấn đề là chúng ta vững niềm trông cậy nơi Mẹ, xin Mẹ chuyển cầu cho những ơn lành. Đó là niềm vui của thánh lễ và chúng ta cũng chung lời cầu nguyện cho tất cả những ý khấn hôm nay. Và để của lễ chúng ta hiệp dâng lên trong ngày hành hương được đẹp lòng Chúa, hãy chân thành sám hối nhìn nhận tội lỗi của chúng ta.
 
 
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân giảng lễ, nội dung như sau:
 
“Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trong dịp cùng quý Đức Cha, quý linh mục đoàn của Giáo phận Phan Thiết tĩnh tâm năm ở Tòa Giám mục Phan Thiết. Chúng tôi cùng hiện diện tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao này để cùng với anh chị em Thờ lạy, Tạ ơn Chúa và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Hôm nay, là những ngày đầu tiên của Năm Mới Dương lịch 2015, nên chúng ta cùng dâng lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ nhân loại, Mẹ Giáo Hội và là Mẹ của các linh mục. Dịp tĩnh tâm năm của linh mục đoàn Giáo phận Phan Thiết cùng với sự hiện diện của quý cộng đoàn thật sự là một hồng ân của Chúa để giúp chúng ta nhìn lại một năm đã qua, nhìn lại cuộc sống của chính mình, nhìn lại những ưu khuyết điểm của mình. Nhìn lại chính mình để nhận thức những trách nhiệm, những bổn phận phải chu toàn trong ơn gọi của mỗi người. Nhìn lại chính mình để tự nhận ra những hạn chế, những bất lực, những yếu kém của thân phận làm người trong ơn gọi Kitô hữu. Thời gian trôi qua làm chúng ta cảm nhận, đã làm người không ai có trường sinh bất tử, bởi vì tiếng khóc chào đời cũng gắn liền với hơi thở cuối cùng của kiếp nhân sinh. Điều chúng ta cần cảm nhận là chúng ta đã làm gì, đã sống ra sao trong ơn gọi Kitô hữu của mình để giúp cho mình và giúp cho đời. Cùng bước vào những ngày đầu của Năm Mới Dương lịch và hướng tới Tết Âm lịch Ất Mùi 2015, có lẽ ai trong chúng ta cũng ước mong mọi sự tốt đẹp hơn với Phúc lành của Chúa.


Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa.

Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử tước hiệu Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa. Vào đầu thế kỷ thứ V, một cuộc xung đột lớn lao đã xảy ra trong Giáo Hội xoay quanh việc Ngôi Hai nhập thể. Thế nên, vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập công đồng Êphêsô dưới sự chủ tọa của thánh Cyrillô, các nghị phụ Công đồng đã tuyên bố cất chức giáo chủ Nestoriô và đánh đổ lạc thuyết của ông chống đối tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Trinh Nữ Maria. Bởi vì theo Nestôriô, chỉ nên gọi Mẹ Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Công đồng Êphêsô đã định tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-Làm-Người. Bắt đầu từ công đồng Êphêsô tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức trinh nữ Maria. Đức giáo hoàng Piô XI đã viết khi thiết lập thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào năm 1931 nhân dịp kỷ niệm 1500 năm Công đồng Êphêsô: “tín điều Mẹ Thiên Chúa là một nguồn nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa” (Lux Veritatis 1931). 
 

Bởi vâng phục Thiên Chúa, Đức Mẹ đã chấp nhận sứ mạng được Thiên Chúa trao phó cho Mẹ một cách quảng đại và mau mắn. Khi Mẹ thưa với Thiên thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” chính là lời đáp trả của đức tin, một đức tin đầy lòng tin tưởng và khiêm hạ. Với đức tin toàn vẹn, Mẹ Maria nhận thấy công cuộc tạo dựng kỳ diệu đang xảy ra nơi việc Nhập thể của Ngôi Lời hằng hữu, đó là sự tạo dựng của trời mới đất mới, sự tạo dựng kỳ diệu hơn sự tạo dựng cũ trụ hữu hình thuở ban đầu, Đức Mẹ Maria đã cưu mang trong lòng Ngôi Lời là Con Một Thiên Chúa Cha, để đưa Ngài vào thế gian khởi đầu cho công cuộc cứu độ nhân loại.

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của Giáo Hội

Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Lumen Gentium sau khi tuyên bố Đức Maria là thành viên trổi vượt” là “kiểu mẫu” và “gương sáng” của Giáo Hội, Công đồng dạy tiếp: “Giáo Hội Công giáo, được Chúa Thánh Thần chỉ dạy, dâng lên Người tình con thảo, như đối với một người Mẹ rất dấu yêu” (LG 53). Chính khi mô tả những tình cảm con thảo của mình, Giáo Hội nhìn nhận Đức Maria là người Mẹ yêu quý nhất của mình, gián tiếp tuyên bố người là Mẹ Giáo Hội, vì Đức Mẹ làm Mẹ Giáo Hội khi nhận làm Mẹ Chúa Giêsu. Đức Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI đã muốn công đồng Vaticanô II tuyên bố: “Đức Maria, với tư cách là Mẹ Đức Kitô cũng là Mẹ của tất cả mọi tín hữu và các chủ chăn, nghĩa là Mẹ Giáo Hội”. Như thế tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu nhiềm xác tín sâu xa của người tín hữu Kitô, khi nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của Chúa Kitô Nhập Thể, mà còn của mọi tín hữu Kitô. Người được nhìn nhận là Mẹ sự cứu thế, Mẹ sự sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ kẻ sống, thì thật chính đáng khi Người là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ đích thực của mỗi chúng ta.

Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ của các Linh mục

Ngày nay, Đức Maria hiện diện giữa Hội Thánh để tiếp nối sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Hội thánh. Trong Hội Thánh, Đức Maria vừa là người “môn đệ đầu tiên” tin tưởng vào Thiên Chúa vừa là “chứng nhân” tiên khởi cho tình yêu cứu độ của Chúa Cha. Đức thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II lý giải: “Quả thực, người môn đệ yêu quý, là một trong Nhóm Mười Hai, tại Nhà Tiệc Ly đã nhận lệnh truyền “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19) cũng chính là người đã được Chúa Kitô từ trên thập giá trao phó cho Mẹ Ngài: “Đây là con Mẹ” (Ga 19,26). Qua những lời Chúa cứu thế đang hấp hối thốt ra, người mà trong Ngày thứ Năm Tuần Thánh đã nhận quyền cử hành bí tích Thánh Thể, cũng là người được trao phó là con của Mẹ Ngài. Vì thế, tất cả chúng ta nhờ bí tích truyền chức linh mục, đã nhận được cùng một quyền năng như Gioan, thì theo một ý nghĩa nào đó, chúng ta cũng là những người đầu tiên nhận Đức Maria là Mẹ chúng ta. Do đó, tôi mong ước tất cả anh em cùng với tôi, gặp lại nơi Đức Maria người Mẹ của chức Linh mục, chức vụ mà chúng ta đã nhận được từ Chúa Kitô”.
 
Thánh Gioan, người Tông đồ đã được Chúa gọi (Mt 4,21) người môn đệ được Chúa yêu (Ga 13,23), và có thể nói là vị Tân linh mục vừa được thụ phong tại Nhà tiệc ly, đã thực thi di chúc của Chúa Giêsu. Ông đưa Đức Maria về nhà mình, để Mẹ dạy bảo, ủi an, nâng đỡ và giúp ông kiên trì thực thi sứ vụ trước những thử thách khó khăn. Ông đưa Đức Maria về nhà mình, để ông thay Chúa Giêsu thể hiện bổn phận hiếu thảo: yêu mến, vâng phục, bàn hỏi và bắt chước gương sống của Mẹ, nhờ đó mỗi ngày ông trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Noi gương Thánh Gioan Tông đồ, người linh mục cũng phải đưa Đức Maria vào cuộc đời mình, để nhờ Mẹ hướng dẫn, chúng ta có thể trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu, và cố trở nên “Alter Christus- Chúa Kitô khác” để tiếp tục công trình cứu độ trần gian của Ngài.

Để kết thúc bài suy niệm này, tôi xin kể ra đây một câu chuyện đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa:

“Một chú bé nghèo khổ, quần áo tả tơi, không biết chữ o tròn hay méo, lê đôi chân gầy đi đến một khu phố nghèo nàn ở Paris, thủ đô nước Pháp. Chú ấy tên là Gioan, 7 tuổi, đi tìm một ông lão tên là Bouin, cũng nghèo, sống bằng nghề viết thư mướn. Chú bé vào nhà, lễ phép cúi chào cụ già, và xin giúp đỡ. Ông già hỏi chú: “Cháu muốn gì?” Chú lễ phép thưa: “Cháu muốn viết một lá thư”. Ông già bảo chú trả 10 xu. Chú bé ngập ngừng rồi thưa: “xin lỗi cụ, cháu không có tiền”. Nói xong chú thất thểu ra đi. Ông già ngó theo thương hại, kêu ngược lại: “Ê bé, mày không có 10 xu sao? Mày con ai?” Chú từ tốn đáp: “Dạ cháu là con của mẹ cháu”. Ông già nói: “Vậy là ta hiểu rồi, cháu không có 10 xu, mẹ cháu cũng không có, vậy thì viết thư để xin chút cháo phải không?” Chú bé khẽ gật đầu. Ông già nói tiếp: “Được rồi, vào đây ông viết hộ cho”. Ông Bouin thầm nghĩ, hy sinh chút mực, nửa tờ giấy thì cũng chẳng làm mình nghèo thêm đâu. Ông lấy giấy ra, cầm bút, chấm mực, viết chữ thật đẹp: “Paris, ngày tháng năm… Kính thưa ông…”, ông đọc lại cho chú bé nghe và b ảo muốn viết gì thì nói để ông viết tiếp. Chú bé ấp úng: “Dạ không phải ông”. Ông lão gạn hỏi: “không phải ông, thì bà?” Chú bé thưa: “Dạ bà, mà cũng không phải”. Ông Bouin thấy bực mình, ông bắt đầu cáu gắt: “đã không biết ai để gửi, mà lại còn đòi viết thư”. Chú bé lấy hết can đảm thưa: “Cháu muốn viết thư cho Đức Mẹ Maria”. Không cười nữa, ông già nghiêm nghị nói: “Ta không cho là mày muốn chế nhạo lão già này, hãy ra khỏi cửa, xéo đi gấp”. Chú bé ngoan ngoãn bước ra khỏi cửa, đôi chân đầy bụi và rướm máu. Thấy chú bé quá hiền, ông già động lòng trắc ân gọi chú trở lại và quan sát nét mặt chú bé. Ông lùng bùng: “Chà! Lắm kẻ nghèo đói ở Paris này”. Ông hỏi chú bé: - “Tên cháu là gì?” – “Dạ, tên cháu là Gioan”. “Gioan gì nữa?” – “Dạ, Gioan thôi ạ”. “Nhưng cháu muốn thưa gì với Đức Mẹ?” – “Dạ, cháu muốn thưa với Người là mẹ cháu đã ngủ từ bốn giờ chiều hôm qua, xin Người đến đánh thức mẹ cháu dậy, cháu không làm sao gọi mẹ cháu dậy được”. Con tim cụ già nhói lên trong lồng ngực vì ông hiểu sự gì đã xảy ra. Ông hỏi tiếp: - “Mà tại sao lúc nãy cháu bảo viết thư xin chút cháo?” Chú bé trả lời: - “Dạ đúng như vậy, trước khi ngủ, mẹ cháu cho cháu miếng bánh cuối cùng. – “Còn mẹ cháu ăn gì?” – “Đã mấy ngày rồi, mẹ cháu không ăn gì, mẹ cháu nói mẹ không đói” – “Nhưng lần này thì cháu thấy sao?” – “Mẹ cháu lạnh lắm, nhà cháu chũng lạnh lắm, hai tay mẹ cháu bất động và đang chắp trên ngực, mặt mẹ cháu trắng bệch”… Ông già thầm nghĩ: chà, tôi đang thu tiền, tôi đang ăn no, tôi đang uống ngon, mà bên cạnh tôi, lại có người đàn bà chết đói. Ông gọi đứa bé lại bên ông, đặt nó ngồi trên gối và nói hết sức dịu dàng: - “Cháu ơi, thư cháu đã được viết rồi, được gởi đi rồi và đã được nhận rồi. Hãy dẫn ông đến nhà mẹ cháu”. –“Được, cháu sẽ dẫn ông tới, nhưng tại sao ông lại khóc? Cậu bé Gioan ngạc nhiên hỏi cụ già như thế. Ông già trả lời: “Ông đâu có khóc”. Nhưng ông ôm ghì cậu bé vào lòng, nước mắt giàn giụa chảy xuống trên nó. Đàn ông ai lại khóc? Ông đứng lên và dường như ông đang nói với người vô hình: “Bà mẹ đáng thương ơi, bà hãy vui lên. Các bạn tôi có nhạo cười, tôi cũng mặc. Bà ở đâu, tôi muốn đi thăm và dẫn đứa bé này về, thiên thần bé nhỏ đáng thương này, nó sẽ không bao giờ lìa xa tôi nữa, bởi vì lá thư gửi cho Đức Mẹ tuy không được viết kia đã có hai kết quả: là cho cháu bé một người cha và cho tôi một tấm lòng với niềm tin mến vào tình thương yêu của Đức Mẹ Maria”.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ:

Câu chuyện cảm động này giúp chúng ta không biết người đưa thư nào đã mang những loại thư chưa viết này đi, nhưng lá thư ấy đã thấu tới trời, đến tận ngai tòa Đức Trinh Nữ Maria, nên đã có kết quả thật cảm động như chúng ta vừa nghe. Chớ gì mỗi người chúng ta để cho Đức Mẹ đánh động con tim của các linh mục và mọi người để thực thi bác ái như cụ già Bouin đối với bất cứ Gioan nào chúng ta gặp trên cuộc đời còn đầy khó khăn thử thách này. Với ơn gọi và sứ mạng của linh mục Chúa Giêsu Kitô và các Kitô hữu, chúng ta hãy hăng hái ra đi làm chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa: “Hãy đem tin mừng đến cho những người nghèo khổ, đem niềm hy vọng cho những người thất vọng, đem niềm tin đến cho người chưa tin, đem niềm vui đến cho những người sầu khổ, đem tình yêu đến cho những người bị loại trừ, đem sự hòa giải đến cho những người bị mặc cảm, đem sự kính trọng đến cho những người bị khinh khi, đem ơn Cứu độ đến cho tất cả mọi người” (Thư HĐGM VN). Nguyện xin Mẹ Maria cầu bầu cùng Thiên Chúa, luôn ban cho các linh mục của Mẹ và cộng đoàn hiện diện muôn Hồng ân của Chúa, xứng đáng là chứng nhân của Tin mừng tình yêu của Chúa nơi Giáo Hội và trong thế giới hôm nay. Amen”.


Sau thánh lễ, quý linh mục trở về Tòa Giám Mục tiếp tục những ngày tĩnh tâm. Khách hành hương lên núi lần chuỗi, cầu nguyện bên Mẹ Tàpao.

Ban thư ký 
(gpphanthiet.com)