Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THƯ CHUNG 2019


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
THƯ CHUNG GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA,
ĐẶC BIỆT LÀ CÁC BẠN TRẺ

1. Anh chị em thân mến,
Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 Giáo phận, tham dự Đại hội XIV tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng, xin gửi lời chào thân ái trong Chúa Kitô đến toàn thể Dân Chúa, đặc biệt các bạn trẻ. Đại hội là cơ hội để chúng tôi nhìn lại những hoạt động của các Giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và bàn thảo với nhau những kế hoạch mục vụ để có thể phục vụ Dân Chúa cách tốt đẹp hơn. Cũng vì thế, vào lúc kết thúc Đại hội, chúng tôi muốn gửi đến anh chị em một vài suy tư và định hướng mục vụ cho Giáo hội Việt Nam trong những năm tới.

Trong ba năm qua, chúng ta đã thực hiện chương trình “Mục vụ gia đình”. Cảm ơn anh chị em đã đồng lòng hưởng ứng lời mời gọi của Hội đồng Giám mục bằng những nỗ lực hành động cụ thể. Tạ ơn Chúa vì chương trình mục vụ đã đem lại nhiều hoa trái cho các gia đình, nhất là các gia đình trẻ gặp khó khăn, cũng như giúp cho người trẻ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân gia đình.

2. Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”. Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.

Cùng chung những thao thức ấy, chúng tôi quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 - 2022).

Trình thuật Đức Giêsu hiện ra và đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus là trình thuật truyền cảm hứng cho Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về người trẻ. Đấng Phục sinh đã đồng hành, lắng nghe, đặt câu hỏi và giải thích cho hai môn đệ đang buồn sầu thất vọng, giúp họ hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đó không chỉ là câu chuyện của 2.000 năm trước, nhưng còn là cuộc gặp gỡ của ngày hôm nay và mãi mãi về sau. Vì thế, hành trình Emmaus đã trở thành khuôn mẫu của mục vụ giới trẻ; theo đó, đồng hành với giới trẻ cần được thực hiện theo ba bước: (1) lắng nghe cuộc sống của người trẻ; (2) cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng; (3) giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.

A - Lắng nghe: Thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay

3. Tại Việt Nam, gia đình vẫn là “trường học đầu tiên”, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. Ngoài ra, sống trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, giới trẻ có nhiều cơ hội học hành, làm việc, sinh hoạt cộng đồng, du lịch, mở rộng giao lưu gặp gỡ, có những hoạt động phong phú trong lãnh vực văn hóa, thể thao.

Bên cạnh đó, người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới. Hiện tượng di dân vừa đem lại những hiệu quả tích cực vừa gây nhiều hệ lụy tiêu cực trong đời sống gia đình và xã hội. Thế giới kỹ thuật số vừa là một phương thế rất hữu hiệu cho việc truyền thông và thiết lập các mối tương quan, nhưng cũng là nguyên nhân gây nên nhiều tác hại cho bản thân người trẻ. Ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân và trào lưu hưởng thụ đã làm cho nhiều người trẻ lạc hướng và rơi vào lối sống buông thả, sống ảo, sống vội, sống dửng dưng vô cảm và vô trách nhiệm. Một số khác lại lún sâu vào những cám dỗ của thời đại như nghiện ngập, buôn bán ma túy, hôn nhân thử, đồng tính, phá thai. Bạo lực ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm nghiêm trọng.

B - Phân định: Ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ

4. Trong bối cảnh trên, không ít người trẻ băn khoăn đi tìm ý nghĩa và hướng đi đích thực cho đời sống. Cũng như Chúa Kitô đã công bố Tin Mừng cho những người trẻ Emmaus, ngày nay Giáo hội cũng muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng: Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương các bạn, Chúa Kitô đã cứu độ các bạn, ngày hôm nay Người vẫn đang sống, vẫn đồng hành với các bạn như một người Bạn thân thiết. Tuổi trẻ là ân sủng và quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn chứ không lãng phí, hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện.

Hơn thế nữa, “tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo Hội và thế giới” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134). Thật vậy, người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64).

Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách, trước hết bằng việc nên thánh: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50). Đồng thời, các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội. Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 168).

C - Hành động: Đồng hành để giúp người trẻ thăng tiến và dấn thân

5. Theo hướng đi trên, chúng tôi mời gọi tất cả các thành phần Dân Chúa đồng hành với giới trẻ và đổi mới mục vụ giới trẻ. Những người tham gia mục vụ giới trẻ, đặc biệt các linh mục, cần đổi mới cách nhìn và cách tiếp cận người trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét: “Người trẻ cảm thấy có một khoảng cách vời vợi giữa những gì họ được học và thế giới họ đang sống. Những gì họ được dạy về các giá trị tôn giáo và luân lý không hề chuẩn bị cho họ khả năng chống đỡ trước một thế giới chế nhạo các giá trị ấy, họ cũng không học được cách cầu nguyện và thực hành đức tin khả dĩ đứng vững giữa nhịp sống vội vã của xã hội” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 221). Vì thế, thay vì áp đặt lên người trẻ một chương trình có sẵn, cần phải đồng hành và lắng nghe các bạn trẻ, giúp họ khám phá những khả năng và các đặc sủng Chúa Thánh Thần đã ban, và tạo điều kiện thích hợp để người trẻ phát huy những khả năng đó. Mục vụ giới trẻ phải mang tính “hiệp hành”, nghĩa là có khả năng liên kết mọi thành phần dân Chúa trong một “hành trình chung” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 206). Nếu biết quan tâm đúng mức và hướng dẫn đúng cách, Giáo hội sẽ có những người trẻ vui tươi, can đảm, nhiệt tâm dấn thân cống hiến cho công cuộc Phúc âm hóa.

6. Chúng tôi đề nghị Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 - 2022) với các chủ đề sau:
  • 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.
  • 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.
  • 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.
Để thực hiện chương trình mục vụ trên, chúng tôi đề nghị:

a - Học hỏi:
  • Tạo điều kiện cho người trẻ tiếp cận những tài liệu hữu ích của Giáo Hội như Youcat (Giáo lý cho người trẻ), Docat (Giáo huấn xã hội cho người trẻ), và Tông huấn “Chúa Kitô đang sống”; đồng thời, nên chú trọng hơn đến việc giúp phân định thiêng liêng cũng như tư vấn tâm lý cho người trẻ.
  • Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục sẽ đồng hành với các Giáo phận và Giáo xứ trong việc soạn bản hướng dẫn học hỏi cho chương trình ba năm.
b - Cử hành:
  • Giáo phận tổ chức Ngày Giới trẻ vào Chúa nhật Lễ Lá hằng năm hoặc một ngày khác phù hợp.
  • Kết thúc 3 năm mục vụ, sẽ tổ chức Đại hội Giới trẻ toàn quốc.
c - Sống:
  • Tạo điều kiện cơ sở vật chất và không gian phù hợp cho hoạt động giới trẻ như văn phòng mục vụ, phòng sinh hoạt, sân chơi thể thao, ca nhạc,…
  • Trước tình trạng ngày càng đông các bạn trẻ rời làng quê đi học và làm việc ở các đô thị lớn, cần có sự phối hợp giữa giáo xứ nơi đi và nơi đến, bằng cách cấp chứng chỉ của nơi đi và hướng dẫn cho người trẻ gia nhập cộng đoàn địa phương nơi đến. Các Giáo phận có những người trẻ đến học tập và làm việc tại các trường Đại học, Cao đẳng, các công ty, xí nghiệp, cần bổ nhiệm các linh mục đặc trách đồng hành để giúp các bạn trẻ có khả năng hội nhập, sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường mới.
  • Ứng dụng mạng xã hội vào công tác mục vụ giới trẻ. Nếu sử dụng tốt, mạng xã hội là phương tiện rất hữu ích để củng cố đức tin và kinh nghiệm thiêng liêng, cung cấp thông tin về mục vụ xã hội, trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để sống hiệp thông và loan báo Tin Mừng.
Trong Thư Chung này, chúng tôi muốn trình bày chi tiết hơn về chủ đề năm 2020: “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Trong Tông huấn “Chúa Kitô đang sống” (số 26-27), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người: “Trong thời gian sống tại Nadarét, Đức Giêsu vâng lời cha mẹ, ‘lớn lên, thêm khôn ngoan và đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2, 52). Đức Giêsu đang ở trong thời gian chuẩn bị, và trong giai đoạn này, Người đi sâu vào mối tương quan với Chúa Cha và với tha nhân. Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn về tâm linh nữa. Trong những năm tuổi trẻ, Người đã ‘tự rèn luyện’, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Người đã hướng tuổi niên thiếu và tuổi trẻ của mình theo sứ mạng cao cả ấy”.

Dựa vào hướng dẫn trên, chúng tôi đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi.
  • a-Thể lý: giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.
  • b-Tâm lý: giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm; tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.
  • c-Tâm linh: giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.
  • d- Văn hóa: không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 223).
  • e-Phân định ơn gọi: người trẻ cũng cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.
Kết thúc thư này, chúng tôi muốn ngỏ lời với tất cả các bạn trẻ Công giáo tại Việt Nam.

Các con rất thân mến,
Khi chiêm ngắm hai người trẻ trong hành trình Emmaus, Đức Thánh Cha Phanxicô viết như sau: “Chúa Giêsu cùng đi với hai môn đệ… Người bước vào trong đêm tối của họ. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).

Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách Thánh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.

Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một mình nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ; nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.

Như hai người trẻ trên đường Emmaus, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.

Vào thời điểm sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Và một khi đã thưa ‘Xin vâng’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất. Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chúng ta cùng hướng về Đức Maria với tâm tình cậy trông và yêu mến. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.
 
Làm tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng
Ngày 4 tháng 10 năm 2019

đã ký
+ Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam 
 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 06.10.2019

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C – KÍNH TRỌNG THỂ LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI (Lc 1,26-38)


Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

BIÊN BẢN ĐẠI HỘI XIV HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIV

BIÊN BẢN

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XIV từ thứ Hai ngày 30/9/2019 đến thứ Sáu ngày 04/10/2019, tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Hải Phòng, với sự tham dự đông đủ các giám mục của 27 giáo phận.

Hội Đồng Giám Mục hân hoan chào đón Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; đồng thời lắng nghe Đức Tổng Giám mục trình bày Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” (Vos estis lux mundi) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như thông tin về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam, và những thông tin khác.

Đại hội chúc mừng Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, tân giám mục chính tòa giáo phận Đà Lạt; đồng thời tri ân Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, thành viên của Hội Đồng Giám Mục mới được Tòa Thánh chấp nhận đơn từ chức.

Trong dịp Đại hội lần này, Hội Đồng Giám Mục đã thực hiện những việc sau đây:

1. Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2022.

Ban Thường vụ gồm có:
  • Chủ tịch: Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
  • Phó Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Năng
  • Tổng thư ký: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
  • Phó Tổng thư ký: Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên
Các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm có:

1/ Ủy ban Giáo lý Đức tin
Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân

2/ Ủy ban Kinh Thánh
Chủ tịch: Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản

3/ Ủy ban Phụng tự
Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn

4/ Ủy ban Nghệ thuật thánh
Chủ tịch: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi

5/ Ủy ban Thánh nhạc
Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị

6/ Ủy ban Loan báo Tin Mừng
Chủ tịch: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long

7/ Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng

8/ Ủy ban Tu sĩ
Chủ tịch: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt

9/ Ủy ban Giáo dân
Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Văn Toản

10/ Ủy ban Truyền thông xã hội
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước

11/ Ủy ban Giáo dục Công giáo
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai

12/ Ủy ban Mục vụ Giới trẻ - Thiếu nhi
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên

13/ Ủy ban Văn hóa
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân

14/ Ủy ban Công lý - Hòa bình
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường

15/ Ủy ban Mục vụ Gia đình
Chủ tịch: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh

16/ Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas
Chủ tịch: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu

17/ Ủy ban Mục vụ Di dân
Chủ tịch: Đức cha Luy Nguyễn Anh Tuấn

18/ Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên
đặc trách Đối thoại liên tôn và đại kết.

2. Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi cộng đồng Dân Chúa về định hướng mục vụ trong ba năm tới (2020-2022).

3. Quyết định Học viện Công giáo Việt Nam trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và vị Viện trưởng của Học viện do Hội Đồng Giám Mục bổ nhiệm.

4. Thảo luận việc tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (1960 – 2020) và việc khánh thành Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang dự kiến vào năm 2020.

5. Chấp thuận cho thử nghiệm ba năm văn kiện “Hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” của Ủy ban Văn hóa.

6. Phê chuẩn bản dịch tiếng K’Ho Sách Các Bài Đọc Thánh lễ Chúa nhật (Mùa Thường niên) và ba Thánh lễ trọng (Lễ Chúa Ba Ngôi, Lễ Mình Máu Thánh và lễ Thánh Tâm).

7. Trao đổi về việc sáp nhập giáo phận Vinh và giáo phận Hà Tĩnh vào giáo tỉnh Huế.

8. Bàn thảo về tiến trình xin phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte, Đức cha François Pallu, Đức cha Jean Cassaigne cùng với các đấng tử đạo Việt Nam trong hồ sơ của Tòa thánh.

9. Lắng nghe các giáo phận và các Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chia sẻ:

- Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh trình bày về Hội nghị các Đại Chủng viện Việt Nam;

- Ủy ban Giáo dục Công giáo trình bày về sinh hoạt của Học viện Công giáo;

- Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày hoạt động truyền giáo và việc thành lập các Hội Giáo hoàng truyền giáo tại Việt Nam;

- Ủy ban Mục vụ Di dân xin tiếp tục thử nghiệm văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Di dân” đến năm 2022;

- Ủy Ban Phụng tự thông báo việc in Sách Lễ Rôma và Sách Các Bài Đọc.

- Ủy ban Tu sĩ trình bày việc nghiên cứu “Quy chế hoạt động của các dòng tu”.

Hội Đồng Giám Mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2020 sẽ được tổ chức từ ngày 20 đến 24/4/2020.

Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với giáo phận Hải Phòng mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, Quan Thầy giáo phận, và Khánh thành Trung Tâm Mục Vụ của giáo phận vào sáng thứ Sáu ngày 04/10/2019.

Trung Tâm Mục Vụ giáo phận Hải Phòng, ngày 04/10/2019

Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Đã ký

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giám mục giáo phận Mỹ Tho

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM KẾT THÚC NGÀY LÀM VIỆC THỨ II - ĐẠI HỘI XIV


Tối ngày 2 tháng 10, sau giờ Chầu Thánh Thể và Kinh tối, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã kết thúc ngày làm việc thứ II của Đại hội. Ngày làm việc thứ II đã khởi sự với Kinh sáng và Thánh Lễ đồng tế do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký HĐGM chủ tế.

Sau 2 ngày làm việc, Đại hội đã trao đổi và quyết định một số sự vụ: giữ nguyên tổ chức 17 Ủy ban như hiện nay, tiến trình mở án phong thánh cho quý Đức cha thừa sai, dự kiến kỷ niệm 60 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1960-2020) với Thánh Lễ khánh thành Vương cung Thánh đường La Vang được tổ chức vào tháng 10 năm sau, đề án tổ chức chương trình học bổng cho các linh mục, chương trình phân phối rượu lễ, tổ chức đoàn hành hương theo lời mời của HĐGM Thái Lan nhân dịp Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Thái Lan từ 20 đến 23 tháng 11 năm nay. Đại hội cũng đã lắng nghe phúc trình của Học viện Công giáo, Ủy ban Loan báo Tin Mừng, Hội Thừa sai Việt Nam; phê chuẩn các đề nghị của Ủy ban Phụng tự, Ủy ban Mục vụ Di dân, Ủy ban Văn hóa.
 
 
Điểm nhấn trong ngày làm việc thứ II của Đại hội là những suy tư về chủ đề cho chương trình mục vụ 3 năm tiếp theo và cùng soạn thảo Thư Chung gửi cộng đồng Dân Chúa. Tiếp tục những kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV với chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi” và những hướng dẫn từ Tông huấn Christus vivit (Chúa Kitô đang sống), HĐGM chọn chủ đề về người trẻ cho chương trình mục vụ sắp tới.

Ngày làm việc kế tiếp của Đại hội sẽ tiếp tục bắt đầu với Kinh sáng và Thánh lễ đồng tế do Đức cha Giuse Nguyễn năng, Phó Chủ tịch HĐGM chủ tế. Ngày làm việc thứ III sẽ tập trung vào vấn đề nhân sự Ban Thường vụ và các Ủy ban nhiệm kỳ 2019-2022.

Đại hội sẽ kết thúc với Thánh lễ Tạ ơn và làm phép Trung tâm Mục vụ, mừng bổn mạng (quan thầy) giáo phận Hải Phòng vào sáng ngày 4 tháng 10 năm 2019.

WGPSG
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 05.10.2019

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM KHAI MẠC ĐẠI HỘI XIV


Vào lúc 8 giờ sáng ngày hôm nay, 1 tháng 10, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã khai mạc tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Hải Phòng.

Bắt đầu phiên họp đầu tiên, Đức Tổng Giám mục (TGM) Giuse Vũ Văn Thiên, Phó Tổng Thư ký HĐGM, đã chào mừng Hội đồng Giám mục Việt Nam và trình bày nội dung nghị sự để quý Đức cha thông tri và góp ý. Tiếp đến, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM chính thức chào mừng Đức TGM Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh, và long trọng tuyên bố khai mạc Đại hội XIV của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Tiếp đến, Đức TGM Đại diện Toà Thánh đã chia sẻ với Đại hội một số thông tin về lộ trình phát triển quan hệ song phương giữa Toà Thánh và Nhà Nước Việt Nam, những quan tâm của Hội Thánh hoàn vũ và ưu tiên của Hội Thánh địa phương. Sau bài chia sẻ của Đức TGM Đại diện Toà Thánh, Đại hội bắt đầu chương trình nghị sự với sự tham dự của tất cả 29 Đức Giám mục tại nhiệm cùng với sự hiện diện đầy tình hiệp thông huynh đệ của Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.

Đại hội lần này diễn ra từ 30 tháng 9 đến 4 tháng 10 năm 2019. Trong những ngày này, các vị chủ chăn của 27 giáo phận tại Việt Nam cùng nhau cử hành phụng vụ và cầu nguyện, chia sẻ những quan tâm mục vụ chung của Hội Thánh tại Việt Nam, lắng nghe những đề nghị của một số Uỷ ban chuyên trách, trao đổi về một số ưu tiên cho định hướng sắp tới, chuẩn bị Thư Chung gửi toàn thể Dân Chúa, và đề cử nhân sự vào Ban Thường vụ cũng như vị trí Chủ tịch các Uỷ ban chuyên trách trực thuộc HĐGM Việt Nam.

Trong khoảnh khắc này, Đức TGM Chủ tịch HĐGM đã phát biểu: “Qua đại hội lần này, HĐGM VN sẽ bầu lại Ban điều hành. Kết quả thế nào không biết, nhưng chắc chắn là nhiệm kỳ 2016-2019 của Ban Thường vụ và các Uỷ ban đến đây là hết. Thay lời cho toàn Ban điều hành sắp mãn nhiệm, con xin chính thức nói lời cám ơn đối với HĐGM đã tín nhiệm đặt để và tạo cơ may cho anh em chúng con được phục vụ trong suốt nhiệm kỳ ba năm vừa qua.”

Chúng ta cùng hiệp thông và xin Chúa tuôn đổ muôn hồng ân xuống trên các vị mục tử trong những ngày Đại hội tại Trung tâm Mục vụ Hải Phòng.


 
WGPSG

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG HÂN HOAN ĐÓN TIẾP HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM ĐẾN THAM DỰ ĐẠI HỘI XIV


Trong niềm vui mừng hoan hỷ, hôm nay (30/9), giáo phận Hải Phòng vinh dự và diễm phúc đón Hội đồng Giám mục đến tham dự kỳ Đại hội lần thứ XIV tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận.

Việc đón tiếp quý Đấng bậc được tổ chức tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Sau đó đoàn xe của Hội doanh nhân Công giáo, với cờ hoa, đưa các ngài về Trung tâm Mục vụ Giáo phận. Tại đây, Đức Tổng Giuse Vũ Văn Thiên cùng với đoàn lễ tân đã sẵn sàng chào đón với tất cả sự trân trọng và tâm tình nồng nhiệt.



Những ngày qua, Ban tổ chức đã tất bật hoàn thiện tòa nhà cũng như chuẩn bị những gì cần thiết cho kỳ Đại hội được tốt đẹp. Giờ đây tinh thần quý mến và lòng hiếu khách tiếp tục được thể hiện trong nghi lễ đón tiếp. Tâm tình và bầu khí ấy như xua tan bao mệt nhọc của các vị khách quý sau khi vượt qua những chặng đường xa đến với thành phố Cảng.
 

Ba Đức Giám mục đầu tiên đến với Trung tâm Mục vụ giáo phận Hải Phòng là Đức cha giáo phận Long Xuyên, Đức cha Cần Thơ và Đức cha Vĩnh Long. Nghi lễ đón tiếp được tiếp nối cho đến lúc 20h30 với sự hiện diện của Đức cha Lạng Sơn. Hiện có 31 Giám mục đến tham dự kỳ Đại hội.
 
 
Ngay sau lời chào hỏi thân tình, quý Đức cha đã được Đức cha chủ nhà dẫn đi tham quan và trực tiếp giới thiệu về công năng Trung tâm Mục vụ. Mỗi công trình xây cất đều có những ưu khuyết điểm. Tuy nhiên, điều nhận định chung của các Giám mục dành cho cơ sở này là: “Đơn sơ, nhưng trang trọng; nhẹ nhàng, nhưng hiện đại; giản dị, nhưng khoa học, hiệu quả”. 
 

Cuối giờ chiều, Ban Tôn giáo Chính phủ, do ông Vũ Chiến Thắng làm Trưởng đoàn và Ban Tôn giáo Thành phố Hải Phòng đã đến chúc mừng Đại hội. Tiếp đoàn có Ban Thường vụ HĐGMVN, Đức cha Chủ tịch đã thay lời các Giám mục bày tỏ tâm tình cảm ơn về sự quan tâm của Nhà nước với Giáo hội Việt Nam, cách riêng trong kỳ Đại hội lần này tại Hải Phòng.

Vào lúc 18h30, phái đoàn giáo phận chủ nhà Hải Phòng, đại diện cho mọi thành phần dân Chúa, do cha Giuse Nguyễn Văn Thông dẫn đầu, đã đến chào Quý Đức Tổng, Quý Đức cha.
 
 
Vào lúc 18h30, phái đoàn giáo phận chủ nhà Hải Phòng, đại diện cho mọi thành phần dân Chúa, do cha Giuse Nguyễn Văn Thông dẫn đầu, đến chào Đức Tổng Marek Zalewski – Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức Hồng y, quý Đức Tổng và quý Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trong lời phát biểu, cha Đại diện Tông tòa Giáo phận bày tỏ niềm vui mừng trong biến cố lịch sử này và nói lên tình yêu mến của đoàn chiên Hải Phòng với Giáo hội cùng lòng hiếu khách với các vị Chủ chăn. Đáp từ, Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh cảm ơn và chúc mừng công trình “sang trọng và hiện đại, thể hiện trí tuệ và tâm huyết của Đức Giám quản Tông tòa, đồng thời hội tụ tinh thần đức tin của Giáo phận Hải Phòng”.


Sau giờ cơm tối, quý Đức cha tham dự giờ Chầu Thánh Thể vào lúc 20h00 tại Nhà nguyện Truyền Tin.


Đại hội lần thứ XIV của Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ chính thức khai mạc vào lúc 8h00 ngày 01/10/2019.
Ban Truyền Thông Giáo phận Hải Phòng
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 04.10.2019