Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

LÊN ĐƯỜNG - DỪNG LẠI - CÁCH LY

TGPSG-- Tôi đã trải qua 2 tuần với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: lên đường - dừng lại - cách ly

Như bao nhiêu tu sĩ, tôi hăm hở lên đường đến phục vụ bệnh nhân covid-19. Ngày đầu tiên với những ca trực liên tiếp, chúng tôi đổi ca cho nhau để chăm sóc các bệnh nhân. Tôi được bước vào ca trực đầu tiên, vừa ra khỏi khoa bệnh, tôi nhận được điện thoại báo: nhóm trực của chúng tôi có người dương tính với Covid do xét nghiệm PCR trễ nên bây giờ mới có kết quả.

Ngay tức khắc, chúng tôi được dẫn đi để Test nhanh kiểm tra lại lần nữa cho an toàn, vì mẫu xét nghiệm trước là mẫu gộp 5 người bây giờ là mẫu đơn để xác định chính xác là người bị nhiễm Covid, hồi hộp và lo lắng bao trùm lấy chúng tôi, trên khuôn mặt ai cũng mang một nỗi âu lo khó tả. Tôi bước tới trước để lấy mẫu xét nghiệm, cây tăm bông đưa vào mũi làm tôi khó chịu, đâu đó hình ảnh những bệnh nhân tại khoa bệnh mà tôi vừa chăm sóc hiện lên với hai ống ở mũi một ống ăn một ống thở làm tôi tự trách bản thân “sao nhát đảm thế”!

`1

Chúng tôi chờ đợi kết quả từng giây phút trôi đi đối với chúng tôi sao lâu thế 30 phút như 3 giờ chậm chạp trôi đi, đưa mắt nhìn xa xa phòng bệnh mà tôi vừa rời đi suốt 8 giờ của ca trực thời gian trôi đi thật nhanh, cái đói vì quá giờ ăn trưa, cái khát vì không uống nước trong khi mang đồ bảo hộ, cái nóng nực, vướng vít khi di chuyển trong bộ áo bảo hộ không là gì khi chăm sóc các bệnh nhân bên cạnh mình, họ đau đớn, mệt mỏi, khó chịu, cô đơn, vật lộn với con virus đáng sợ này họ đau đớn hơn những nhu cầu của cá nhân tôi, nên 8 giờ của ca trực với tôi chỉ như 8 phút thôi, tôi quên đi chính mình khi đối diện với các bệnh nhân, phải chăng nỗi đau ấy chính Thiên Chúa của tôi cũng đã đau đớn đến toát mồ hôi máu trong vườn Dầu, tôi muốn tháp nhập tất cả các đau đớn của các bệnh nhân với nỗi đau đớn của Chúa Giêsu làm nên của lễ dâng trên các bàn thờ mỗi ngày, như lời cầu nguyện ở xa ngay trong hiện tại này tôi hướng về các bệnh nhân “vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.

Sơ âm tính!

Tiếng gọi thông báo ấy kéo tôi về với hiện tại, niềm vui như thoát được con Virus này, giúp tôi DỪNG LẠI để suy tư và cầu nguyện như nhắc nhở tôi: tôi không chỉ là người tình nguyện viên đi vào để chăm sóc các bệnh nhân nhưng tôi còn là một Nữ tu nữa mang cầu nguyện vào công việc và biến công việc thành lời cầu nguyện.


Tuy nhiên tôi vẫn được chỉ định từ phía trên dừng công việc lại để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm lại PCR. Dừng công việc lại trong khu cách ly để cảm nghiệm hơn câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô “mang lấy mùi chiên” mang lấy thân phận của người nhiễm Covid khó chịu, gò bó, mất tự do đi lại chỉ quanh quẩn trong phòng, để hiểu hơn tâm trạng của biết bao nhiêu người trong các khu cách ly không thể đi đâu được, thất nghiệp, nợ nần, đói khổ, gia đình xáo trộn, vợ chồng, con cái phải đối mặt với nhau với những bực bội của tâm lý nữa, cãi vã là điều có thể xảy ra mà, và còn biết bao những hệ lụy trong cơn đại dịch này. Cái chết có đó, đau khổ còn đây, như cơ hội để tôi ra khỏi chính mình, ra khỏi sự an toàn của khuôn viên nhà dòng để đến vùng ven ôm lấy những đau đớn của anh chị em tôi trong đại dịch khủng khiếp này. Từng vần kinh nhỏ bé của tôi trong khu cách ly này muốn đồng cảm với tất cả anh chị em đang nhiễm bệnh hay đang ở khu cách ly đâu đó trong đất nước Việt Nam này, tôi đặt trái tim mình cùng đập nỗi đau với mọi người vì dâng lên trong Trái Tim Nhân Hậu và Thương Xót của Chúa Giêsu cũng đang đau nỗi đau của nhân loại chúng con.

Maria Hồng Hà CMR
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT, 06.8.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Sáu, ngày 06.8.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. CHÚA HIỂN DUNG. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 06.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG TOÀN QUỐC ĐỨC MẸ LA VANG THÔNG BÁO

TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ
TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG TOÀN QUỐC ĐỨC MẸ LA VANG
Xã Hải Phú - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị

TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG TOÀN QUỐC 
ĐỨC MẸ LA VANG
THÔNG BÁO

Do tình hình đại dịch Covid-19 cho đến nay vẫn còn phức tạp, nên năm nay Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Đức Mẹ La Vang không tổ chức kỳ hành hương dịp lễ mừng kính Đức Mẹ lên trời hồn xác như hằng năm.

Tuy nhiên, để duy trì truyền thống tốt đẹp của thánh địa La Vang trong dịp lễ mừng kính Đức Mẹ lên trời hồn xác, nhất là để các tín hữu là con cái của Mẹ ở khắp nơi trong nước cũng như ở hải ngoại hướng về La Vang trong dịp lễ này và cùng hiệp thông cầu nguyện cho sự bình an của mọi người mọi nơi vượt qua đại dịch covid-19, Trung Tâm Hành Hương Toàn Quốc Đức Mẹ La Vang sẽ chỉ tổ chức Thánh lễ trực tuyến cử hành vào lúc 08h00, ngày Chúa Nhật 15/8/2021, tại Linh đài Đức Mẹ La Vang, do Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục TGP. Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, chủ tế.

Nhằm bảo đảm sự an toàn theo quy tắc phòng dịch covid-19,
  1. Thành phần đại diện về La Vang tham dự thánh lễ trực tuyến rất hạn chế và được Ban Tổ Chức xác định qua thư mời.
  2. Kính xin mọi thành phần dân Chúa hiệp thông cầu nguyện từ tư gia qua việc tham dự thánh lễ trực tuyến được truyền phát trực tiếp từ La Vang lên website Tổng Giáo Phận Huế lúc 08h00 ngày Chúa Nhật 15/8/2021: www.tonggiaophanhue.net hoặc www.tonggiaophanhue.org
Chúng ta phó thác mọi sự cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót qua vòng tay của Đức Mẹ La Vang, để cầu xin Đức Mẹ, là “Đức Bà phù hộ các tín hữu”, cứu giúp mọi người mọi nơi trong cơn dịch bệnh.

La Vang, ngày 05 tháng 8 năm 2021
Quản nhiệm TTHH Toàn Quốc Đức Mẹ La Vang

(đã ấn ký)

Linh mục Micae Phạm Ngọc Hải
 

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 06.8.2021


Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. CHÚA HIỂN DUNG. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Sáu, ngày 06.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

CẢM NGHIỆM SAU 2 TUẦN PHỤC VỤ BỆNH NHÂN TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN


CẢM NGHIỆM SAU 2 TUẦN PHỤC VỤ BỆNH NHÂN 
TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN

TGPSG-- Đã qua 2 tuần được phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến, tôi đã học và trải nghiệm với bao nhiêu là cung bậc cảm xúc.


 Nhớ lại lúc dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát, mỗi ngày tiếng còi xe cứu thương một dồn dập. Mỗi tiếng còi vang lên là một lần làm tim tôi đau nhói, vì biết rằng có thêm một bệnh nhân nữa đang trong tình trạng nguy kịch. Nhiều lần tôi đã tự hỏi bản thân có thể làm gì cho họ?


Rồi văn phòng tu sĩ gửi đi bức thư kêu gọi Tình Nguyện Viên phục vụ cho bệnh nhân Covid 19. Đọc thư, tôi có một cảm nhận rất mạnh mẽ về lời mời gọi cá vị mà Chúa dành cho tôi. Sau khi cầu nguyện và được sự động viên của chị em trong nhà dòng, tôi đã quyết định xin đăng ký tham gia nhóm Tình Nguyện Viên. Có nhiều cuộc gọi đến từ người thân, chị em trong dòng và bạn bè, người này hỏi thăm, người kia khuyến khích và cũng có người bày tỏ sự lo lắng cho tôi. Hơn ai hết, tôi cảm nghiệm chính mình đang đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, nên sự tin tưởng và phó thác thì lớn hơn những điều khác.

Sau ngày chích ngừa, tôi bị đau đầu và sốt suốt một ngày một đêm, tưởng chừng không thể đi cùng đoàn theo dự định. Tuy nhiên, sự khát khao được đi phục vụ cùng với sự quan tâm chăm sóc của chị em trong cộng đoàn đã cho tôi sức mạnh để vượt lên chính mình. Tôi đã lên đường với một tâm trạng của một người Môn đệ Thầy Giêsu, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho các bệnh nhân.

Sau buổi gặp mặt chung, tôi biết nơi mình được gửi đến là cơ sở II Bệnh viện Ung Bướu Thủ Đức. Trên đường đi, trong đầu tôi cứ miên man nghĩ về những ngày sắp tới của mình. Không biết mình sẽ làm gì? Mình có thể giúp gì cho những bệnh nhân?... Nói chung suy nghĩ nhiều nhưng tôi không thể mường tượng được công việc mình sẽ làm là gì.


Mọi người bắt đầu gọi những Tình Nguyện Viên chúng tôi là “Đội quân lên đường chống dịch”. Quân thì phải có vũ khí, nhưng trong chúng tôi, không ai có thứ vũ khí nào trong tay, ngoài thứ vũ khí duy nhất mang theo trong mình là “Tình yêu của Đức Kitô”. Một tình yêu đang nung nấu và thôi thúc chúng tôi lên đường để được chia sẻ nỗi khốn khổ mà các bệnh nhân đang phải gánh chịu trong cơn dịch bệnh.

Đến nơi, chúng tôi được hướng dẫn nơi làm việc và nơi ở. Sau khi được cô y tá trưởng hướng dẫn cặn kẽ, chúng tôi biết công việc của mình là hỗ trợ các bác sĩ khi có nhu cầu và làm vệ sinh cho bệnh nhân cũng như mọi nơi khác trong khoa, chúng tôi lo chuẩn bị sẵn sàng để ngày hôm sau bắt tay vào việc. Nhóm của tôi gồm 16 người được phân công ở khoa Cấp cứu, chia làm 3 ca 4 kip để làm việc theo ca như ekip của khoa.

Ngày đầu tiên, tôi được phân công làm ca đêm nhưng tôi đã háo hức dậy ngay từ sáng sớm để cầu nguyện cho sự bình an của mỗi người và tiễn anh chị em đi làm ca sáng.

Sau khi ca một về chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi nhận rõ nguy cơ lây nhiễm cao của khoa và việc thiếu kiến thức chuyên môn sẽ rất nguy hiểm cho phục vụ. Có ý kiến khuyên chúng tôi không nên tiếp tục vì chúng tôi không học ngành y. Sự hoang mang lẫn lo lắng bao trùm lên cả nhóm. Chúng tôi đã quyết định nghỉ một ngày để ngồi lại với nhau cùng phân định. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khi đã quyết định tham gia đội Tình Nguyện Viên, ai cũng đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận những nguy hiểm sẽ gặp. Cuối cùng, mỗi người chúng tôi đều đi đến quyết định: ở lại tiếp tục làm việc vì nơi đây rất cần chúng tôi và chúng tôi tin tưởng vào lời mời gọi của Chúa.


Kinh nghiệm của ca trước đã giúp tôi cẩn trọng hơn trong việc trang bị đồ phòng hộ. Lần đầu vào ca, tôi thật sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Làm việc gì. Các bác sĩ và y tá khá bận rộn nên không có thời gian để quan tâm chỉ dẫn việc cho chúng tôi. Một chút cảm thấy mình vô dụng trước hàng núi công việc họ đang phải gánh vác. Lòng ao ước để có thể chia sẻ gánh nặng của họ đã cho cho tôi sự chủ động để quan sát và tìm cách hỗ trợ. Một thái độ tích cực và sẵn sàng đã giúp tôi và các thành viên trong nhóm nhạy cảm hơn và mau chóng thích nghi với công việc.

Mỗi khi tan ca, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm đã làm trong ngày để giúp nhau trong công việc. Giờ đây, mọi công việc đã trở nên rất quen thuộc, tinh thần và lòng hăng say mỗi ngày một gia tăng khi chúng tôi nhìn thấy được những biến chuyển tốt hơn của bệnh nhân, cảm nhận được niềm vui ánh lên nơi khóe mắt của bệnh nhân. Đó chính là động lực làm cho mỗi kíp chúng tôi đều mong đến ca của mình đi làm, để và có thể thăm hỏi, khuyến khích tinh thần họ.


Nhanh thật, nửa tháng đã trôi qua, chúng tôi đã thành thạo, không còn cảm thấy băn khoăn lo lắng về công việc nhưng khuôn mặt của mỗi người lại mang những ưu tư về tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Giờ đây, không ai còn chia sẻ về sự lo lắng hay việc sợ bị nhiễm bệnh nữa, mà thay vào đó là chia sẻ cho nhau về cách chăm sóc bệnh nhân như thế nào cho tốt, và làm gì để thể hiện lòng cảm thương đối với từng bệnh nhân để từng ngày phục vụ của chúng tôi được ý nghĩa hơn và giúp các bệnh nhân mau chóng hồi phục…

Trong tận đáy lòng, tôi tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc vì được phục vụ những con người đau khổ này. Bản thân, tôi thấy thật sự hạnh phúc vì cảm nghiệm được chính đôi tay của mình được đụng chạm vào khuôn mặt và thân thể của Đức Kitô mỗi khi tôi phục vụ, chăm sóc cho họ. Hơn bao giờ hết, lúc này đây tôi đang cảm nhận lời cầu nguyện của tôi dâng lên Chúa rất thật và rất chân thành, như ý nghĩa một đoạn sách tôi đã từng đọc: “Trong cầu nguyện ta gặp được Đức Kitô, và trong Ngài ta gặp được những đau khổ của con người. Trong việc phục vụ, ta gặp được con người, và nơi họ, ta gặp được chính Đức Kitô chịu đau khổ.”

Thủ Đức ngày 31-7-2021
Nt. Francesca Do
Dòng Chúa Chiên Lành
(WGPSG)

CẢM NGHĨ KHI LÀM HÀNG CỨU TRỢ


CẢM NGHĨ KHI LÀM HÀNG CỨU TRỢ

Anna Châu Thị Mỹ Hạnh
Châu Ổ, ngày mồng 5 tháng 8 năm 2021


WGPQN (5.8.2021) - Con đã từng bị cách ly vì dịch bệnh Covid cách đây không lâu. Đôi khi con nghĩ lại những tháng ngày ấy, vẫn nhớ như in những cảm xúc từng có, cũng như nhớ rõ nó ảnh hưởng đến con thế nào.


Là một sinh viên, con đang học tập và sinh hoạt tại cộng đoàn Phaolô, nơi dưỡng nuôi những người già neo đơn không nơi nương tựa tại Đà Nẵng. Cuộc sống của các bà được đầy đủ, cũng nhờ vào sự trợ giúp của các ân nhân, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp này


Những ngày giãn cách xã hội buộc nơi đây phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc không còn nhận được sự trợ giúp của nhiều người. Trong những ngày này có vẻ như con đang bị lạc giữa những cảm xúc rối ren. Con bị mắc kẹt bởi sự lo lắng cùng sợ hãi, vì nếu như tình trạng cứ kéo dài thì các cụ nơi đây sẽ bệnh vì đói chứ không hẳn là vì virus. Cùng với nỗi niềm lo âu là cảm giác ngột ngạt trong khung cảnh lặng như tờ, suốt cả tháng dài con không thể nào bước chân ra khỏi cánh cổng. Một cảm giác rất mệt mỏi đến mức có đôi lúc con chỉ muốn chạy ào ra đường dù chỉ một giây để hít thở khí trời mà không được!


Bây giờ con đã về nhà, hết thời gian tự cách ly, ở Châu Ổ hiện tại đang áp dụng biện pháp phòng dịch theo chỉ thị 15 nên cũng dễ thở. Những ngày qua giáo xứ chúng con làm hàng cứu trợ, con cũng đến tham gia với các cô, bác, các anh chị và các bạn. Nhiều lúc đang làm việc con miên man nghĩ: bệnh dịch tại Sài Gòn ngày càng thêm trầm trọng, nhiều tháng liền người dân không thể ra khỏi nhà, hỏi làm sao sống?! Họ đang phải đối mặt với nỗi sợ bị lây nhiễm, tinh thần chắc chắn đang rất mệt mỏi cùng với tình trạng thiếu lương thực ngày càng tăng cao. Họ đang rất cần sự chia sẻ, trợ giúp từ mọi người.


Giáo xứ Châu Ổ quê con đã làm ba trăm phần quà để cứu trợ người dân ở Sài Gòn do Cha Xứ cùng bác tài xế đưa vào. Nhưng bấy nhiêu đó thì như “muối bỏ bể” so với nhu cầu hiện tại. Đặc biệt đối với những người nghèo họ đang đối mặt với cái đói từng ngày: những người công nhân làm công nhật, những người bán vé số, những người bán hàng rong… Những lời kêu trên Facebook nghe thắt lòng!

Cha Xứ chúng con kêu gọi giáo dân chuẩn bị những phần quà đợt hai để tiếp tục cứu trợ Sài Gòn. Lần này nghe Cha Xứ nói có cả Lý Sơn, Bình Thạnh, Trà Bồng, Tây Trà và Bình Hải tham gia. Chuyến đi khởi hành lúc 12 giờ 30 thứ Tư mồng 4 tháng 8, do một bác chức việc trong giáo xứ tình nguyện thay Cha Xứ làm trưởng đoàn. Trong những ngày chuẩn bị quà cứu trợ, con cảm nhận được sự dễ thương nơi bà con trong giáo xứ. Giữa tiết trời oi bức của những ngày hè, thế mà các bác, các anh chị từ các giáo họ điều hăng hái quy tụ về Nhà Dòng để cùng nhau làm các phần quà. Bên những bếp củi giữa nắng hè, cái nóng của nắng cùng với cái nóng của lửa, làm ai cũng vã mồ hôi ướt nhòe cả áo, vậy mà con thấy trên sắc mặt mỗi người đều vui tươi, như không hề mệt mỏi. Con cảm nhận được tình yêu thương của bà con trong giáo xứ đối với những người khác thật lớn lao, vì sự chu đáo, tận tâm hết khả năng để làm nên những phần quà tốt nhất cho người dân nghèo Thành Phố mắc kẹt Covid. Con thấy dịp này là cơ hội để mọi người trong giáo xứ được liên kết, gần gũi nhau hơn, truyền lửa cho chúng con tinh thần biết hy sinh vì người khác.

Làm cho người khác đặc biệt là những người gặp khó khăn là con đang làm cho chính Chúa. Hy vọng rằng tinh thần đó cứ mãi nhiều lên để giúp người dân nơi Sài Gòn có thêm sức mạnh vượt qua đại dịch này.

Nguồn: gpquinhon.org
 
(WHĐ)

 

GIỮA ĐẠI DỊCH: NHỮNG TU SĨ Y TẾ DÒNG GIOAN THIÊN CHÚA XẢ THÂN VÌ MỌI NGƯỜI


GIỮA ĐẠI DỊCH: NHỮNG TU SĨ Y TẾ 
DÒNG GIOAN THIÊN CHÚA XẢ THÂN VÌ MỌI NGƯỜI

MVTT Giáo phận Xuân Lộc

WGPXL (5.8.2021) - Ra quân sớm nhất vào ngày 20/7, tính đến nay, 17 tu sĩ Dòng Gioan Thiên Chúa đã đến phục vụ tại các khu cách ly tại Huyện Vĩnh Cửu được 2 tuần. Những khu cách ly này hầu như con số F0, F1 đã vượt ngưỡng 100, có nơi đã là 200.

Phục vụ tại các khu cách ly, các thầy phụ trách đo nhiệt độ, làm test nhanh, khử khuẩn, làm danh sách, nhập dữ liệu, điều tra, báo cáo… coi như gần như đủ cả.


Với đội ngũ ra quân 17 thầy, mỗi thầy phụ trách một trung tâm cách ly, nên các thầy tự chủ động điều hành, điều phối công việc với những cộng tác viên cho từng khu vực cách ly các thầy đảm nhận. Công việc nhiều, bệnh nhân, người vào khu cách ly tăng chứ không giảm, chưa kể những ca trở nặng… luôn khiến các thầy bận rộn, và hao sức vì công việc. Dù cùng phục vụ tại Huyện Vĩnh Cửu, nhưng vì lượng việc gấp rút, cấp bách đã khiến các thầy hầu như không có thời gian để liên lạc với nhau, nhưng không vì thế mà tình huynh đệ hiệp thông trong cùng sứ vụ chăm sóc bệnh nhân của các thầy giảm đi. Bên cạnh đó, môi trường làm việc thiếu thốn, các đồ dùng chưa đầy đủ, cũng như đối tượng bệnh nhân đa số là nghèo, có cả người dân tộc, cũng là những khó khăn quý thầy gặp phải.

Nhưng dù là vậy, nhưng theo thông tin từ phía các bề trên và người có trách nhiệm của Dòng, các thầy không kêu ca phàn nàn, hay nản chí, trái lại, vẫn bày tỏ sự bình an, nhiệt tâm cho sứ vụ với niềm vui của một người phục vụ như ơn gọi của Dòng mà Thánh Phụ Gioan Thiên Chúa đã để lại cho quý cha, quý thầy “Qua thân xác yếu hèn, tới linh hồn bất diệt “. Thế nên, 17 tu sĩ Dòng ra quân ngày hôm 20/7 vừa qua, với trình độ chuyên môn bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng và kỹ thuật viên, trong đó có một linh mục của Dòng đã luôn làm chứng và để lại tinh thần phục vụ Chúa trong những người đau khổ bệnh tật, đặc biệt với những anh chị em là nạn nhân của đại dịch, một cơn đại dịch đang để lại những hậu quả nặng nề.

Không chỉ ra đi đóng góp về nhân sự cho Y Tế Thành Phố Biên Hòa, mà trong đợt ra đi vừa qua, Nhà Dòng đã đem theo 3 chiếc xe cứu thương để tiện cho việc di chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên, khi cần đến.

Không chỉ ở tuyến đầu, nhưng ngay tại nhà Dòng, Bề Trên Dòng đã quảng đại dành Khu lưu trú bệnh nhân cho 80 nữ tu trong nhóm thiện nguyện đợt 1 có nơi trở về nghỉ ngơi cũng như đảm bảo sự an toàn, tránh lây nhiễm cho các cộng đồng. Bên cạnh đó, Cha Antôn Chân Hồng cùng quý Thầy cùng đồng tham gia trong ban hậu cần với hai nữ tu khác lo liệu cho nhóm nữ tu thiện nguyện này.

(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 05.8.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 05.8.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 18 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 18g00 Thứ Năm, ngày 05.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

NỮ TU ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO (RNDM) TẠI TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH COVID 19

NỮ TU ĐỨC BÀ TRUYỀN GIÁO (RNDM) 
TẠI TUYẾN ĐẦU CHỐNG DỊCH COVID 19

TGPSG – “Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Chúa trao qua Hội dòng…”

Con đường Võ Văn Ngân vốn đông đúc nhộn nhịp với những cửa hàng buôn bán và các loại xe di chuyển suốt ngày đêm, nay bỗng vắng lặng, chỉ còn tiếng còi xe cứu thương vẫn liên tục vang lên cách vội vã, cấp bách và có phần đau đớn. Trong bầu khí căng thẳng đó, chị em Đức Bà Truyền Giáo (ĐBTG - RNDM[1]) nhận được thư của Văn phòng đặc trách Tu sĩ TGPSG, mời gọi anh chị em tu sĩ lên đường thiện nguyện chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 tại thành phố, dấn thân phục vụ tại tuyến đầu trong các bệnh viện dã chiến.

Chỉ sau 10 phút, khi thông tin này vừa được chuyển đến cho các cộng đoàn ĐBTG đang hiện diện trong TGPSG, một danh sách các chị em tự nguyện đăng ký lên đường đã được gởi về văn phòng của Tỉnh dòng, và cũng rất nhanh sau đó, chị thư ký đã chuyển danh sách của 13 nữ tu ĐBTG về Văn phòng đặc trách Tu sĩ TGPSG. Tất cả các chị em đều nhanh nhẹn sắp xếp những vật dụng cần thiết vào balô, sẵn sàng lên đường khi có thông báo.

“Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Chúa trao qua Hội dòng” là tâm niệm của tất cả chị em ĐBTG từ khi còn là đệ tử, vì vậy ngay khi nhận được lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse, các chị em đã hăng hái, nhanh nhẹn và vui tươi để bước vào sứ vụ mới. Tuy nhiên, vài ngày sau, Văn phòng đặc trách Tu sĩ thông báo: Chỉ có 8 chị em được “ tuyển chọn” lên đường trong đợt đầu tiên, còn lại sẽ đợi đợt 2.

Tám chị em ĐBTG được xe đặc chủng chuyển đến bệnh viện Dã chiến số 10 - bệnh viện có khoảng 3.500 giường bệnh, được tập đoàn Novaland trưng dụng từ khu căn hộ của dự án tái định cư, để phục vụ chống dịch khẩn cấp của thành phố Hồ Chí Minh.

Tám chị em được chia làm hai nhóm: 4 chị làm việc hậu cần và 4 chị phụ giúp các y bác sĩ trong công việc chuyên môn của họ.

Nhóm 4 chị em phụ giúp các y bác sĩ, theo sự hướng dẫn của họ, bao gồm: phát thuốc, dọn dẹp, hướng dẫn, thăm hỏi và giải quyết các nhu cầu cơ bản của bệnh nhân, tiếp xúc hàng giờ với các bệnh nhân. Các chị em làm việc theo ca, mỗi ngày từ hai đến ba ca, mỗi ca từ 4-5 tiếng. Khi vào ca, chị em mặc đồ bảo hộ, bước vào khu bệnh nhân thì tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì, việc đi lại phải theo đúng quy định, để bảo vệ chính mình và bệnh nhân. Trong nhóm bốn chị em này, có một chị hỗ trợ bác sĩ trong phòng hồi sức, làm việc hai ca một ngày từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng và từ 11 giờ trưa đến 5 giờ chiều, khu vực này có các bệnh nhân rất nặng. Một chị khác phục vụ tại Đội tiếp nhận và Chăm sóc bệnh nhân với hai ca trực, ca một từ 11g30 đến 15g30 và ca hai từ 2 giờ đêm đến 8 giờ sáng.

Nhóm 4 chị em trong Ban Hậu cần thì chia nhau: chị thì sang khu vực bệnh nhân để phát thực phẩm và nước uống ngày ba bữa: sáng, trưa, tối, đồng thời cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho những ai cần, giao hàng của người thân bệnh nhân gởi vào và khích lệ động viên tinh thần các bệnh nhân. Những chị còn lại làm việc ở nhà kho và khu tiếp phẩm để phân chia thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các bệnh nhân tại hai khu nhà, mỗi khu nhà có 25 tầng; sau khi tiếp phẩm xong, chị em sẽ thu dọn, sắp xếp, dọn dẹp lại nhà kho, khu tiếp phẩm và các khu vực xung quanh, ngoài ra chị em còn đảm trách tất cả các công việc đột xuất và hỗ trợ những công việc bất thường khác.

Đã 12 ngày trôi qua, những tin nhắn vội vàng từ các chị em phục vụ tại bệnh viện vẫn được gởi về nhà Mẹ cách đều đặn. Khối lượng công việc khổng lồ đã làm chị em thấm mệt, nhưng tinh thần thì vẫn hăng hái, vẫn còn đủ sức để gởi về những tin nhắn động viên các chị ở hậu phương: “Chúng em vẫn khỏe ạ, các Sơ an tâm nhé, chúng em tin Chúa đang ở cùng chúng em, chúng em sẽ cố gắng cẩn trọng để tránh bị lây nhiễm.”

Các chị em ĐBTG lên đường đợt 1, đã làm hiện thực lời nhắn nhủ của Mẹ Sáng Lập Dòng: “Thước đo của tình yêu là tình yêu không đo đếm, chị em hãy cố gắng làm bừng cháy ngọn lửa tình yêu ấy nơi mình bằng sự đáp lại ân sủng cách khiêm tốn và trung tín…”

Vâng, mỗi người đều có khả năng đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống bằng cách chia sẻ tình yêu với anh chị em mình, tình yêu mà chúng ta đã nhận lãnh từ Thiên Chúa. Chính vì thế, danh sách 14 chị em lên đường đợt 2 đã được gửi về Văn phòng đặc trách Tu sĩ TGPSG, và mỗi người cũng đã chuẩn bị sẵn sàng balô lên đường khi có thông báo.

Rồi đại dịch sẽ qua đi, chỉ còn lại Tình Chúa và tình người, chỉ còn lại tình yêu và những nụ cười, chỉ còn lại niềm an bình và hạnh phúc trong tâm hồn mỗi người và trên quê hương Việt Nam thân yêu. Chúng ta tin đại dịch sẽ chấm dứt.
Sr.M. Tuyết Mai- Rndm

Bốn chị em phụ giúp các y bác sĩ trong công việc chuyên môn của họ
 
Bốn chị em làm việc trong Ban Hậu cần

[1] RNDM (Religieuse de Notre Dame des Mission) - Nữ tu Đức Bà Truyền Giáo

(WGPSG)

PHIM NGẮN: ‘YÊN ỦI KẺ ÂU LO’ VÀ ‘HIỂU LẦM’


PHIM NGẮN: ‘YÊN ỦI KẺ ÂU LO’ VÀ ‘HIỂU LẦM’

TGPSG – ‘Cho kẻ đói ăn’ và ‘yên ủi kẻ âu lo’ luôn đi liền với sự hy sinh…

Vì không muốn bạn mình phải phân tâm khi làm bài thi, Tuyết đã im lặng tự mình gánh lấy 2 nỗi âu lo của bạn: ‘kỳ thi’ và ‘trang trải viện phí cho người cha đang phải cấp cứu trong bệnh viện’. Nhưng sự im lặng gánh vác này lại làm cho người bạn thân ấy của Tuyết hiểu lầm. Tuyết phải ‘cắn răng’ chịu đựng sự trách móc và khinh miệt của người bạn thân thương này cho đến khi sự thật được sáng tỏ…

Với nội dung trên đây, phim truyện ngắn ‘Chiếc xe máy’, được khởi sự với những những cảnh quay đơn sơ vào năm 2020, đã hoàn tất phần dựng phim ‘tại nhà’ trong thời gian thành phố thực hiện biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, đúng lúc Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng kêu gọi mọi người chung tay ‘cho kẻ đói ăn’ và ‘yên ủi kẻ âu lo’ – những nghĩa cử luôn đi liền với sự hy sinh.

Sự hy sinh của Tuyết đã làm cho tình bạn Tuyết – Ngân thêm nồng thắm. Sự hy sinh của chúng ta khi ‘yên ủi kẻ âu lo’ và ‘cho kẻ đói ăn’ chắc chắn cũng sẽ làm cho tình nhân loại thêm ấm nồng để cùng nhau chiến thắng dịch bệnh, cho dẫu có thể có những hiểu lầm xảy ra...


 (WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 05.8.2021


Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021