Thứ Hai, 16 tháng 8, 2021

16 TU SĨ LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ BỆNH NHÂN COVID ĐỢT 3 - CHUYẾN 1

16 TU SĨ LÊN ĐƯỜNG 
PHỤC VỤ BỆNH NHÂN COVID ĐỢT 3 - CHUYẾN 1

TGPSG -- Ban Thường trực Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã tổ chức "lễ xuất quân" cho các tình nguyện viên thuộc các Tôn giáo tham gia phòng chống dịch Covid -19 đợt 3 - chuyến 1 vào lúc 10g sáng ngày 16-8-2021 tại Hội trường Trung Tâm Hành Chính Quận 7, số 1 Tân Phú, Phường Tân Phú, Q.7.

Chuyến 1 của đợt 3 gồm 16 Tu sĩ thuộc 7 Hội Dòng (3 Dòng Nam và 4 Dòng nữ - trong nhóm có 2 linh mục) sẽ phục vụ tại Bệnh viện dã chiến Quận 7 trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân Quận 7.

Đến tham dự buổi Xuất quân có bà Phan Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TPHCM; ông Nguyễn Duy Tân - Phó Giám đốc sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Thành phố; ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng Dân tộc Tôn giáo, Ban Dân vận Thành Ủy.

Về phía Công Giáo có linh mục (Lm) Giuse Đào Nguyên Vũ – Đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn.

Về ban lãnh đạo Quận 7 có ông Võ Khắc Thái - Bí thư Quận ủy, Q.7; ông Hoàng Minh Tuấn Anh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Q.7, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Q.7; bà Nguyễn Thị Bé Ngoan - Phó Chủ tịch UBND Q.7, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; ông Khưu Thiên Thành - Phó chủ tịch UBMTTQVN Q.7; ông Nguyễn Khắc Vui - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn kiêm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Q.7 số 1.

Trong phần phát biểu, bà Phan Thị Thanh Hương - phó chủ tịch MTTQ Việt Nam TPHCM - đã khích lệ các tình nguyện viên: “Có những vị chưa trải qua nghiệp vụ chăm sóc bệnh nhân nhưng chúng ta sẽ trở thành những tình nguyện viên đến gặp gỡ các bệnh nhân nhiễm covid để họ không cô độc khi chúng ta đem tình thân ái đến với họ. Chúng ta sẽ làm những công việc hết sức thầm lặng, không có tên gọi cụ thể nhưng chính qua các công việc đó, chúng ta lại trở thành những người cùng chung sức với các y bác sĩ giành lại sự sống cho bệnh nhân”.

Tiếp đó, thay lời cho các Tu sĩ TNV, Lm Phaolô Nguyễn Văn Quý - Dòng Đaminh - cảm ơn các cấp chính quyền đã tạo điều kiện để các Tu sĩ được phục vụ các bệnh nhân nhiễm covid. Lm Phaolô chia sẻ: “Ca dao tục ngữ Việt Nam đã dạy: "Thương người như thể thương thân", hay "Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ". Chính vì thế, khi nhìn thấy đồng bào mình đang đau thương, bản thân tôi không thể cầm được nước mắt và rất nóng lòng lên đường. Cũng như biết bao người ở khắp mọi miền đất nước đã xung phong ra tuyến đầu chống dịch, giúp đồng bào của mình vượt qua cơn hoạn nạn này, tôi cảm thấy: Được “lên đường” là một vinh dự”.

Sau lời chia sẻ của Lm Phaolô, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ đã thay mặt Tòa Giám mục Giáo hội Công Giáo tại TPHCM nói lên tình liên đới giữa Giáo hội Công Giáo với các ban ngành trong việc chung tay chống dịch. Ngài cảm ơn chính quyền Thành phố và chính quyền Q.7 đã đón nhận lòng khát khao được phục vụ, được cống hiến của các Tu sĩ và hy vọng không chỉ lúc căng thẳng nhất vì dịch bệnh, mà cả khi cơn dịch bệnh này qua đi vẫn để lại cho chúng ta một mối tình thân ái.

Lm Giuse cũng chuyển lời của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng đến các Tu sĩ: “Thay vì chọn sự yên ấm ở nhà thì chúng ta lại can đảm bước ra tuyến đầu. Chúng ta bước ra nhưng sự thực là chúng ta đang bước vào cõi lòng của mình. Vì chúng ta khao khát được phục vụ anh chị em nên hôm nay Chúa đã ban cho chúng ta cơ hội”. Lm Giuse cũng đề cập đến sự hy sinh lớn lao của các Y bác sĩ để khích lệ các TNV: Những việc chúng ta có thể dấn thân thì chúng ta hãy cố gắng dấn thân với tất cả tấm lòng. Chúng ta cũng sẵn sàng đón nhận những gì sẽ xảy ra vì chúng ta không có bất cứ 1 điều kiện nào khi bước ra tuyến đầu này. Bên cạnh các y bác sĩ, chúng ta còn có những anh chị em lao công, tạp vụ phục vụ bệnh viện; thiếu họ là công việc vận hành sẽ có vấn đề. Vì thế, anh chị em tu sĩ nhớ quan tâm đến họ khi có thể”.

Đại diện nơi tiếp nhận các TNV phục vụ tại Quận 7, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan - Phó Chủ tịch UBND Q.7 - nói lên lòng biết ơn với các cấp lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Giáo hội Công Giáo đã luôn quan tâm và gửi các TNV là các Tu sĩ đến để phục vụ bệnh nhân nhiễm covid-19 tại bệnh viên dã chiến Q.7.

Sau khi 16 TNV nhận hành trang lên đường từ các vị đại diện chính quyền trao tặng, xe đã đưa họ đến nơi lưu trú trong thời gian phục vụ bệnh nhân nhiễm covid-19 tại bệnh viện dã chiến Q.7 số 1.

Chia sẻ niềm vui được ra tuyến đầu, tu sĩ Giuse Nguyễn Tiến Thạch - Dòng Anh Em Hèn Mọn Capuchin - đã bộc bạch: “Em lên đường theo tinh thần của thánh Phanxico Assisi hướng đến anh em nghèo khó, đặc biệt là những người bệnh tật với lòng hăng say và bình an để đem nguồn ủi an của Chúa đến cho các bệnh nhân”.

Nữ tu Maria Tuyết Nga - Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa - cũng chia sẻ sự mong chờ "lên đường": “Chúng em chờ cả tháng rồi, hôm nay mới được gọi, vui lắm, háo hức lắm. Với lòng tín thác vào Chúa cùng với lời cầu nguyện của các chị ở nhà, chúng em vững tin lên đường”.

Khi được hỏi chị đã chuẩn bị những gì để lên đường, nữ tu Maria Thùy Linh - Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập - chia sẻ: “Trước tiên, em chuẩn bị tinh thần để đón nhận sứ vụ một cách nhẹ nhàng. Thứ hai là chuẩn bị sức khỏe cho bản thân, vì có sức khỏe mới phục vụ tốt cho các bệnh nhân. Cuối cùng là mong ước được góp sức với mọi người giúp cho các bệnh nhân mau hồi phục để trở về với gia đình họ".

Buổi tiễn đưa các Tu sĩ lên đường đã kết thúc nhưng đó cũng là lúc mở ra một sứ vụ mới cho từng Tu sĩ nơi tuyến đầu. Xin chúc các Tu sĩ luôn là chứng nhân tình yêu của Chúa nơi bệnh viện và trong từng công việc mình để cùng với các y bác sĩ, nhân viên y tế giúp các bệnh nhân nhiễm covid-19 mau bình phục.

Danh sách các dòng tham gia đợt 3 chuyến 1
  • Đaminh: 1 Linh mục
  • Dòng Phanxicô: 1 Lm - 1Tu sĩ
  • Anh Em Hèn Mọn Capuchin: 3 tu sĩ
  • Mến Thánh Giá Bà Rịa: 4 nữ tu
  • Mến Thánh Giá Tân Lập: 4 nữ tu
  • Đaminh Monteils: 1 nữ tu
  • Dòng Đức Bà: 1 nữ tu
Bài & Ảnh: Sơn Nữ, SPC
 

THÁNH LỄ KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI TẠI LA VANG 2021


THÁNH LỄ KÍNH TRỌNG THỂ 
ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI TẠI LA VANG 2021

Ban Truyền Thông TGP Huế
WGPH (16.8.2021) - Lúc 08g00 sáng ngày 15.8.2021, giữa đất trời mênh mông, trong không gian rộng lớn của Linh địa Mẹ La Vang, đoàn đồng tế do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh chủ tế, cùng với Đức Cha Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Nguyên Tổng Giám mục Huế; Cha Micae Phạm Ngọc Hải, Quản nhiệm La Vang; Cha Giacôbê Lê Sĩ Hiền, Nguyên Quản nhiệm La Vang; Cha Quản lý và Thư ký của giáo phận; Cha phó La Vang tiến lên bàn thờ tại Linh Đài Đức Mẹ.


Trước khi đi vào Thánh lễ, Đức TGM Giuse đại diện cho toàn thể con cái Đức Mẹ trong nước cũng như hải ngoại tiến dâng lên Mẹ những lẵng hoa tươi thắm, tôn vinh chúc tụng Mẹ, ca ngợi hồng ân diễm phúc Thiên Chúa ban cho Mẹ là được lên trời cả hồn và xác, đồng thời đó cũng là tiếng lòng tha thiết mến yêu, khấn xin Mẹ dủ lòng thương che chở, chữa lành và chấm dứt cơn dịch bệnh.


Trong bài huấn từ, Đức TGM Giuse chia sẻ: mỗi lần ngài nhìn lên Mẹ, ngài luôn nhớ đến lời kinh “Kìa Bà nào đang tiến lên…”của linh mục Hoàng Diệp, và ngài cảm nhận suốt trong dòng lịch sử Đức Mẹ được ca tụng bằng những danh hiệu cao sang không thể sánh bằng. Đức TGM Giuse rất thích bài hát này và đã hát lên để ca tụng Đức Mẹ. Ngài khẳng định ca tụng Đức Mẹ bằng những lời cao sang như thế rất bình thường và là việc rất đáng làm. Điều chắc chắn là không ai ngờ, Đức Mẹ là người được tạc tượng nhiều nhất, Mẹ đứng khắp mọi nơi, từ thôn làng, núi cao… được bao đời yêu mến và tán tụng. Ngài tự hỏi không biết nói về Đức Mẹ với những từ hoành tráng như thế có hợp với bầu khí ảm đạm hôm nay không? Ngài nhắc nhớ lại những đoàn hành hương các năm trước thật đông đảo, ngàn ngàn lớp lớp con cái Đức Mẹ tuôn về nguyện xin và tạ ơn. Nhưng hôm nay tại Linh địa La Vang chỉ có một nhóm nhỏ các Linh mục, tu sĩ và giáo dân. Có nhiều chất vấn thưa lên Mẹ: Tại sao như vậy Mẹ ơi? Mẹ ở đâu? Mẹ có thấy con cái Mẹ đang đói khổ, kiệt sức trong những ngày dịch bệnh… Chúng ta không biết tại sao Chúa để như thế và bao giờ cơn dịch mới chấm dứt.

Thế nhưng Đức TGM Giuse khẳng định: bao lâu chúng ta còn tinh thần phó thác, nhìn lên Chúa, dù không hiểu những việc Chúa đang làm, thì con đường chúng ta đang đi cũng là con đường Thánh Giá mà Đức Mẹ và Chúa Giêsu đã từng đi qua. Mẹ đã thể hiện việc chấp nhận bằng hai tiếng xin vâng, dù Mẹ không hiểu. Đau khổ đã dệt nên đời Mẹ và để Mẹ đạt đến vinh quang của ngày hôm nay. Chúng ta liệu rằng có dám chấp nhận và tin vào Chúa Chí thánh chí tôn như vậy hay không. Biết bao gian khổ mà lòng Mẹ vẫn đầy ắp niềm vui. Chúng ta sẽ hạnh phúc như Mẹ ngay trong biển đời lênh đênh, nếu chúng ta chấp nhận Thánh ý Chúa. Đức TGM Giuse cầu mong cho mỗi người sẽ tìm được thiên đàng giữa những đau khổ trần thế hôm nay.

Cộng đoàn phụng vụ trong tâm tình tạ ơn, chúc tụng, tiếp tục sốt sắng hiệp dâng qua các lời nguyện để cầu xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt, cầu cho những người đang gặp đau khổ, khó khăn vì bệnh tật được ơn nâng đỡ để vượt qua.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Quản nhiệm La Vang có lời tri ân đến Đức TGM Giuse đã quyết định cử hành và hiện diện chủ tế Thánh lễ trọng thể hôm nay. Sự hiện diện này là niềm khích lệ lớn lao cho những người có mặt trực tiếp hay đang tham dự trực tuyến.

Cha Quản nhiệm cũng cám ơn Đức Cha Phanxicô Xavie, các ơn quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và quý ban ngành đoàn thể tại La Vang, cũng như Ban Truyền Thông đã giúp truyền hình trực tuyến để mọi người có thể hiệp thông tham dự. Ngài cũng chia sẻ về tâm tình của con cái suốt mấy tuần qua hướng về Đức Mẹ La Vang, mong được về bên Mẹ nhưng vì dịch bệnh nên không thể về được. Cha Quản nhiệm cũng mời gọi mọi người tiếp tục tin tưởng và cầu nguyện với Đức Mẹ. Xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Linh địa La Vang, cho công trình xây dựng được sớm hoàn thành, để một ngày không xa tất cả đều được quy tụ về lại bên Mẹ.

Tiếp đến, Đức TGM Giuse cũng nói lên lời cám ơn những vị ân nhân xa gần, qua lời kêu gọi giúp đỡ, nhất là giúp cho những người dân đang lâm cảnh khó khăn vì dịch bệnh với số tiền quyên góp gởi về trên 60 tỷ, đều đó diễn tả tấm lòng đồng cảm yêu thương đầy tràn, là sự giúp đỡ quý báu nhất là đối với các anh chị em trong vùng dịch ở miền Nam. Xin quý ân nhân tiếp tục cứu vớt nâng đỡ những anh chị em khốn khó. Và đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt nên chúng ta tiếp tục sốt sắng cùng nhau cầu nguyện để nguyện xin cho thế giới và mọi người được bình an. Ngài xác tín rằng Đức Mẹ vẫn đứng đó chờ mỗi người không phải ở La Vang mà thôi nhưng trong lời kinh nguyện của mỗi người và mỗi gia đình hằng ngày.

Cộng đoàn phụng vụ sốt sắng hát lên lời kinh khẩn cầu Mẹ thương đoàn con trong cơn dịch bệnh. Đức TGM Giuse xin phép lành của Chúa đến với từng người trên khắp đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới.

Xin Mẹ La Vang đồng hành với đoàn con trên mọi nẻo đường gian khó của trần gian. Ước mong Mẹ đưa đoàn con về bến thiên đàng mai ngày cùng Mẹ hưởng vinh phúc muôn đời.

(WHĐ)

MẸ MARIA, MẸ CỦA NIỀM HY VỌNG


MẸ MARIA, MẸ CỦA NIỀM HY VỌNG

TGPSG-- “Kính Chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống, kính chào lẽ cậy trông…”. Đó là lời trong kinh Salve Regina mà từ mười sáu năm về trước, khi bắt đầu là một chú đệ tử tìm hiểu ơn gọi, chúng tôi đã được cha giám đốc Giuse Tiến Lộc dạy.

Đối với các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế, từ thời cha thánh Anphongsô đã có một truyền thống tốt đẹp là mỗi ngày các tu sĩ đều đọc kinh Salve Regina để cầu xin Đức Mẹ giúp mình sống bền đỗ trong dòng cho đến giây phút cuối cuộc đời. Đối với tôi, kinh Kính Mừng là lời kinh thân thương gần gũi, còn kinh Salve Regina là lời kinh mang lại sự ngọt ngào tuyệt diệu cho tâm hồn. Trong lời kinh đó, cả Hội Thánh vang lên lời ca ngợi Mẹ: “Kính Chào Đức Nữ Vương, Bà là Mẹ xót thương, ngọt ngào cho cuộc sống, kính chào lẽ cậy trông…”. Trong ngày mừng lễ Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác, Hội Thánh tuyên xưng Mẹ là mẫu gương của đức Hy Vọng Ki-tô giáo và là ánh sao soi chiếu niềm hy vọng hồng phúc cho nhân loại giữa biển đời đêm đen mù tối.

 Maria, mẫu gương của đức Hy Vọng

Mẹ Maria là người hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Vì thế, không khi nào Mẹ ngừng trông cậy và hy vọng nơi Người. Dù ý thức mọi khó khăn sẽ xảy đến, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng chấp nhận thưa tiếng “fiat” trước lời mời gọi của Thiên Chúa để đón vào lòng dạ mình Đấng là Hy Vọng của Israel và của muôn dân tộc. Sau đó, Mẹ đã đon đả lên đường để mang niềm vui cứu độ đến với gia đình người chị họ Elisabet. Rồi Mẹ kiên trì và lặng lẽ theo từng bước chân của Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường sứ vụ, san sẻ niềm vui nỗi buồn với Chúa và các môn đệ. Cuối cùng, Mẹ theo chân Chúa đến đỉnh đồi Calvê, nơi mọi thù nghịch và căm hận trút lên tấm thân tan nát vì đòn roi của Con mình. Tấm thân yêu dấu đã được Mẹ cưu mang nơi lòng dạ mình nay bị treo lên hình khổ thập giá để cho mọi người qua đường dè bỉu sỉ nhục.

Trong màn tối đen của Calvê, một lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn Chúa Giêsu cũng vô hình đâm thâu trái tim Mẹ. Nhưng Mẹ không thất vọng, không ngã quỵ mà kiên trì đứng vững trong hy vọng, vì tâm hồn Mẹ luôn âm vang lời thần sứ đã nói với Mẹ trong ngày Truyền Tin: “Maria, xin đừng sợ!” (Lc 1,30). Lòng Mẹ luôn sáng lên niềm tín thác và hy vọng nơi Lời của Con Mẹ, vì thế, Mẹ mạnh mẽ vượt qua bóng đêm của thập giá và đi vào ánh sáng diệu huyền của ngày Phục Sinh. Tắt một lời, Mẹ là mẫu gương hy vọng cho những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô trong cuộc lữ hành trần gian này.

Maria, ánh sao hy vọng

Giáo Hội chào Mẹ là ngôi sao biển, soi lối cho tín hữu trong những lúc phong ba mịt mù. ĐTC Biển Đức XVI đã viết: “Đời người như một hải trình trên đại dương của lịch sử, thường tối tăm và giông tố, một hành trình trong đó chúng ta tìm kiếm những ngôi sao dẫn đường. Những ngôi sao thật trong cuộc sống chúng ta là những người đã sống tốt lành. Họ là những ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối của lịch sử. Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên – của những người đang phản chiếu ánh quang của Ngài và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta?” (Thông điệp Spe Salvi, số 49).

Quả thật, Mẹ không phải là một loại “ngôi sao thời thượng” như những thần tượng đang xuất hiện chớp nhoáng rồi vụt tắt trong xã hội con người qua bao đời nay. Những thứ sao ấy chỉ đưa người ta đến thất vọng và tiêu vong. Mẹ Maria là ngôi sao sáng phản chiếu ánh huy hoàng của Ngôi Lời hằng hữu để dẫn đưa con người vượt qua giông bão cuộc đời và cập đến bến bờ bình an, đến cõi phúc thật, đến quê hương Nước Trời. Mẹ đã được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác và Mẹ không rời bỏ con cái của Mẹ nhưng “Mẹ sáng chói như dấu chỉ của niềm hy vọng vững chắc và niềm an ủi cho dân lữ hành của Thiên Chúa” (Gaudium et Spes, số 64). Mẹ về trời càng trở nên gần gũi với mọi con cái Mẹ trên trần gian vì Mẹ trở thành trung gian chuyển cầu muôn phúc lành của Thiên Chúa cho con người. Nhất là, Mẹ bảo đảm cho bất cứ ai chạy đến với Mẹ niềm hy vọng hồng phúc cao cả nhất chính là được cùng Mẹ vui hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Cùng Mẹ thắp lên niềm hy vọng

Những ai đã và đang phục vụ nơi bệnh viện dã chiến sẽ cảm thấu được những đau thương và nỗi hoang mang của các bệnh nhân Covid. Chỉ cần nghĩ đến những anh chị em khi qua đời không một người thân bên cạnh, không một lời kinh phó dâng… lòng tôi lại nghẹn đắng và không khỏi xót xa. Thế nhưng, như Mẹ Maria, chúng ta không thất vọng và nản lòng. Chúng ta tín thác nơi lòng thương xót của Thiên Chúa và qua lời kinh nguyện, chúng ta không ngừng phó thác những anh chị em ấy trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa và xin cho dịch bệnh sớm được đẩy lùi. Chúng ta xác tín rằng, Chúa Kitô đã chiến thắng đau khổ và sự chết chính là để giải thoát con người khỏi tình trạng hư ảo và dẫn đưa vào hạnh phúc vĩnh cửu. Đồng thời, chúng ta có một người Mẹ đầy tình thương vẫn đang đồng hành, chia sớt nỗi niềm và luôn chuyển cầu cho chúng ta bên toà Chúa. 

Hôm nay mừng Mẹ lên trời chính là cơ hội để ánh sáng của ngọn lửa hy vọng tiếp tục bừng cháy trong tâm hồn chúng ta như lời thánh Phaolô tông đồ đã mời gọi: “Anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Từ đó, cùng với Mẹ Maria chúng ta thắp lên niềm hy vọng và tình yêu hồng phúc cho những người đang đau khổ và tuyệt vọng vì dịch bệnh, vì đói khát do cách ly xã hội.


Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 15 tháng 8 năm 2021
Tu sĩ Giuse Lương Tùng, CSsR. 

(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 20 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 16.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 16.8.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 20 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Hai, ngày 16.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

CON PHẢI LÀM GÌ?


CON PHẢI LÀM GÌ?

Thanh Tin Yêu
TGPHANOI (15.8.2021) - Những câu hát trên cứ trở đi trở lại, vang vọng tâm trí tôi trong những ngày làn sóng dịch Covid tái bùng phát ở Việt Nam lần này. Thủ đô Hà Nội, nơi tôi đang tu tập và mục vụ cũng phải rùng mình bước vào đợt giãn cách nghiêm ngặt và có biết bao điều hiện lên trong suy nghĩ của tôi.


Ngày mỗi ngày, thông tin về số ca nhiễm bệnh lại tăng lên, phá dần các kỷ lục, từ hàng trăm rồi đến hàng nghìn và nhiều nghìn người đã lây nhiễm thứ virus quái ác. Sài Gòn và nhiều tỉnh phía Nam đã rơi vào tê liệt cả tháng nay. Tôi tự hỏi: Liệu Hà Nội thân yêu của chúng ta có rơi vào tình trạng như Sài Gòn không? Liệu có đến một ngày mọi người phải thốt lên: “Thương lắm Hà Nội ơi!” như nhiều người đã và đang thốt lên “Thương lắm Sài Gòn ơi” không?


Tôi ở tận ngoài Hà Nội, cách Sài Gòn cả ngàn cây số nhưng cũng cảm thấy khắc khoải và lo âu, khi cả nước và nhất là thủ đô Hà Nội đang từng ngày, từng giờ đối diện với cơn đại dịch khủng khiếp. Đâu đó trong các bản tin thời sự, trong những cuộc nói chuyện, chúng tôi cảm thấy lòng mình quặn đau khi nghe những lời chia sẻ của các sơ, các thầy trong TGP Sài Gòn đang có sứ mạng phục vụ những bệnh nhân bị nhiễm Covid tại khu cách ly, những người bệnh phải đau đớn và đang giành giật từng giây phút để có được sự sống, để có lại những nhịp thở bình thường. Các thầy các sơ phục vụ các bệnh nhân là một sự hy sinh và dâng hiến lớn lao, bởi họ phải đánh đổi chính sự an toàn và sinh mạng của mình trong một môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao nhất ở các khu cách ly. Sự sống của họ cũng thật mong manh, và họ cũng có thể trở thành bệnh nhân bất cứ lúc nào.


Ở tận ngoài này, tôi chưa được xông pha tới những bệnh viện hay những khu cách ly (vì dịch bệnh chưa đến mức ngặt nghèo như Sài Gòn). Nhưng tôi cảm thấy mình có một sứ mạng lớn lao, đòi buộc người tu sĩ phải thực thi liên lỉ, đó là “Cầu nguyện”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định trong bài giảng tại Vatican ngày 04/11/2020: “Cầu nguyện là bánh lái hướng dẫn cuộc đời chúng ta”. Và Thánh Phanxicô Salêsiô đã viết: “Chúng ta sẽ vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa”.

Covid là loại virus vô cùng bé nhỏ, nhưng nó lại có sức tàn phá dữ dội. Nó làm đảo lộn cuộc sống cả thế giới, làm ngưng trệ mọi dự định và kế hoạch của con người. Nó cướp đi biết bao sinh linh, làm cho bao em thơ phải mồ côi, đẩy bao người rơi vào cảnh đói nghèo, đau khổ. Trong hoàn cảnh đầy khó khăn, cộng đoàn cũng phải đối diện với biết bao thử thách. Nhiều dự tính và hoạch định của cộng đoàn phải tạm gác lại, không thể chạy đua với thời gian và các hoạt động náo nhiệt bên ngoài như trước nữa. Các chị em đi mục vụ tại các giáo xứ trong nội thành Hà Nội cũng được tạm hoãn các chương trình. Vậy nên, chị em có nhiều thời gian hiện diện với nhau, chia sẻ thân tình với nhau trong các bữa ăn, các giờ làm việc chung. Khi đời sống ít bị xáo trộn và chi phối, tôi có thêm nhiều thời gian trở về với cõi lòng mình, tìm lại và sống căn tính của mình là một Nữ tu Mến Thánh Giá.

Khi dịch bệnh lan rộng, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và các nhà thờ, các thánh lễ chỉ được phát trực tuyến hoặc hạn chế giáo dân tham dự, mọi sinh hoạt trong giáo xứ tạm thời dừng lại. Biết bao tâm hồn khao khát được đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, khao khát được đón rước Mình Máu Thánh Chúa.

Dịch bệnh làm cho con người ý thức về sự mỏng dòn yếu đuối của chính mình. Đã có lúc chúng ta thấy tự mãn khi khống chế được dịch bệnh, nhưng rồi dịch bệnh lại bùng lên, khiến con người càng cảm thấy sự bất lực nơi bản thân mình. Khi đó, con người mới thấy cần đến Thiên Chúa biết bao! Điều mà ai cũng khát mong lúc này, đó là một cuộc sống bình an. Tín thác vào tình thương của Chúa, các bạn hãy cùng tôi dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa trong từng giây phút sống của cuộc đời, vì chỉ nhờ bàn tay yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa, dịch bệnh mới được đẩy lùi, hạnh phúc và bình an mới trở lại. Chúng ta cũng hãy nhớ đến những y bác sĩ, các tình nguyện viên cùng hết thảy những ai đang hy sinh, cống hiến sức lực, đánh đổi cuộc sống yên ổn và cả mạng sống của mình để phục vụ cho các bệnh nhân. Xin Chúa gia tăng sức mạnh để họ có thể giúp các bệnh nhân vượt qua những khó khăn, đau đớn của căn bệnh. Trong tháng kính Trái Tim Mẹ Maria, chúng ta phó thác bước đường tương lai với đầy khó khăn thử thách, để được Mẹ bảo bọc chở che và đồng hành.

(WHĐ)

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

THƯ GỬI CHỊ NƠI TUYẾN ĐẦU


THƯ GỬI CHỊ NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG – Niềm an bình của Chúa Giêsu đã cho chị thêm năng lượng để vượt qua mọi ranh giới của lo âu, sợ hãi...

Gió chiều buồn bã, nắng úa phai dần, khó khăn lắm mới tìm được một chút giọt nắng còn sót lại trước mảnh sân nhà. Chính khi dõi theo chút ánh sáng hiếm khan còn lại đó, em lại nhớ đến một ánh sáng đang tỏa hết mình nơi tuyến đầu chống dịch, nơi có những cuộc giao tranh ác liệt và đau đớn với tử thần. Em đang nhớ đến ánh sáng của các chị, những tu sĩ thiện nguyện đến từ nhiều hội dòng khác nhau, nhưng đều là những người bạn cùng nhau đi tìm Chúa trong ơn gọi thánh hiến.

Chị mến, dẫu rằng về khoảng cách địa lý, chị em mình xa nhau hàng trăm ki-lô-mét, nhưng chính trong cầu nguyện, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, trong mối dây linh đạo của gia đình tu sĩ, em lại thấy mình gần nhau hơn bao giờ hết. Dẫu không được tận mắt chứng kiến những gì chị đã và đang làm nơi các bệnh viện dã chiến, nhưng em tin một sức sống trong chị đang tuôn tràn. Nó có thể tạo nên một vùng từ trường yêu thương, an lành nào đó nơi chị đang phục vụ.

Em cảm thấy chị thật có phúc vì, dù khó khăn, chị vẫn cảm nhận mình gặp được Chúa Giêsu cách cụ thể và sống động nơi các bệnh nhân chị đang chăm sóc, được ngắm nhìn Chúa Giêsu trong vườn Dầu năm xưa, nay được hiện thực hóa nơi vườn dầu của mỗi bệnh nhân. Có lẽ chị cũng được nhìn thấy những khuôn mặt nhợt nhạt sắc tím, những ánh mắt cầu cứu tuyệt vọng, những thân hình gầy còm héo hắt, những nỗi cô đơn đến lạ của các bệnh nhân vì không có người thân nào bên cạnh họ đêm nay dẫu chỉ một giờ. Chị cũng thật có phúc vì đã có can đảm thức đêm với các bệnh nhân hằng đêm không chỉ một giờ mà là nhiều giờ trong vườn Dầu của họ. Và có lẽ chị cũng được nhìn thấy cả những giọt mồ hôi đẫm ướt khuôn mặt của các y bác sĩ như những giọt mồ hôi của Chúa Giêsu trong vườn Dầu năm xưa ấy.

Chị mến, em tin rằng chính tình yêu, niềm an bình của Chúa Giêsu đã cho chị thêm năng lượng để vượt qua mọi ranh giới của lo âu, sợ hãi. Em tin chị cũng đang là hạt muối tan chảy mãnh liệt ướp đậm những tâm hồn đang nhạt vị do cô đơn, đau đớn. Em tin chị cũng đang là ngọn nến cháy hết mình để chiếu soi vào ngõ ngách những tâm hồn đang bị bóng tối của sợ hãi, lo âu bao phủ. Em tin chị cũng đang tỏa hết sức nguồn sức nóng để sưởi ấm những tâm hồn đang đóng băng vì lạnh lẽo do thiếu vắng bóng dáng của người thân.

Chị! Chiều đã tắt lịm, chị em mình cùng gặp nhau trong lời kinh đêm nay nhé!

“Con đi tìm bình an ở nơi đâu, con đi tìm bình an giữa đêm thâu trong tiếng kinh nguyện cầu đèn khuya sáng hắt hiu, một mình con với Chúa.” Lời bài hát “Con đi tìm bình an” đã phần nào cho chị em mình tìm gặp nhau nơi một điểm hẹn duy nhất là chính Thiên Chúa Ba Ngôi, đúng không chị? Nguyện cầu Thiên Chúa - là nơi trú ẩn của chị em mình - sẽ che chở chị trong mọi giây phút của ngày sống. Nguyện mong sự hiện diện của chị mãi mãi là dấu chứng về sự hiện diện của Chúa Giêsu với những người mà chị đang phục vụ..."

Em A.N, Rndm (Dòng Đức Bà Truyền Giáo)
(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI, 15.8.2021


GỬI CHO SOEUR - NGƯỜI CON GÁI YÊU CỦA MẸ

  
 GỬI CHO SOEUR 
NGƯỜI CON GÁI YÊU CỦA MẸ
 
TGPSG -- Mẹ cũng ngạc nhiên vì sao con gái của mẹ vốn nhút nhát mà giờ lại mạnh dạn và can đảm đến như vậy? Phải chăng vì thiện tâm và vì lòng yêu mến Chúa... 
 
Tình cờ, một người bạn gửi video clip qua cho mẹ. Đoạn video nói về một nữ tu sĩ rất trẻ, tình nguyện đi vào giữa tâm dịch để san sẻ, giúp đỡ những bệnh nhân đang bị nhiễm virus corona. Mẹ hết sức ngỡ ngàng và hốt hoảng vì nữ tu sĩ trẻ ấy không ai khác chính là đứa con gái yêu quí của mẹ.

Qua phút giây bần thần hốt hoảng ấy, mẹ đã xem và nghe hết tâm sự của con. Mẹ nhận ra rằng con gái của mẹ đã khôn lớn, đã trưởng thành và đã có những suy nghĩ thật chín chắn rồi. 
 
Con thương yêu! 
 
Ba mẹ đã cho con một thân xác được kết hợp trong sự yêu thương của đời sống gia đình. Hình hài mà Thiên Chúa đã ban cho ba mẹ là một bé gái xinh xắn. Ba mẹ nuôi dạy con suốt thời gian qua và giờ đã đến lúc ba mẹ phải trả con về với ý định của Thiên Chúa khi con dâng mình trong đời sống thánh hiến. Con đã chọn con đường tu trì để tận hiến cuộc đời theo ơn gọi mà Thiên Chúa đã mời gọi con vì Ngài đã chọn con từ muôn thuở. Ba mẹ sẵn sàng dâng con gái yêu vào đền thánh Chúa.

Ngày hôm nay con đã nghe theo tiếng gọi của tình yêu và lòng mến để đi vào tâm dịch. Nơi đó có biết bao nguy hiểm đang chờ đón con, nhất là sự lây nhiễm, nhưng mẹ biết con không đơn độc vì con còn có Chúa, có các chị em thuộc nhiều dòng tu khác đồng hành. Đấy chính là những con người biết hy sinh vì tình yêu Chúa qua hình ảnh của các bệnh nhân đang thoi thóp vì virus covid 19 hành hạ. 
 
Ngày xưa, mẹ biết con là một đứa con gái rất yếu mềm: Yếu cả thể chất và tinh thần, bởi vì con là cô con gái út hay đau bệnh lại được bao bọc trong tình thương yêu của ba mẹ, anh chị nên con có chút ỷ lại, hay làm nũng. Do đó, con cũng là đứa bé rất nhạy cảm, dễ xúc động và mau nước mắt. Các anh chị hay mắng yêu con là "út có một tâm hồn mộng mơ, có thần kinh rất nghệ sĩ", thế mà nay con đã tình nguyện đi vào tâm dịch - nơi đầy rẫy sự thương đau rên siết. Những bệnh nhân nơi ấy dường như chỉ biết phó mặc số phận của mình cho các bác sĩ và những nhân viên y tế chăm sóc hầu có thể bình phục. 
 
Qua video clip, mẹ đã nhận thấy những vất vả, mệt nhọc nhiều lúc ngã quỵ vì làm việc quá sức của các y bác sĩ và các tình nguyện viên, trong đó có cô con gái yêu của mẹ. Thật cảm động biết bao khi nhìn thấy các bệnh nhân đang hôn mê, quanh người họ đầy những dây nhợ, ống thở. Mẹ cũng ngạc nhiên vì sao con gái của mẹ vốn nhút nhát mà giờ lại mạnh dạn và can đảm đến như vậy? Phải chăng vì thiện tâm và vì lòng yêu mến Chúa qua hình hài những bệnh nhân đang đau đớn quằn quại kia mà con đã được biến đổi nhiều nhu thế. 

Con gái yêu của mẹ! 
 
Mẹ từng biết những lời dạy của mẹ thánh Têrêsa Calcutta: "Chúng ta cảm thấy điều chúng ta làm chỉ như một giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương sẽ ít hơn bởi thiếu đi giọt nước ấy". Quá đúng phải không con yêu? Việc làm của con cũng chỉ như một giọt nước bé tẹo, nhưng sẽ nhiều hơn khi nhỏ thêm giọt nước ấy vào lòng đại dương con nhỉ. Với tinh thần đó, mẹ nghĩ con gái của mẹ cũng đang thực thi theo lời Mẹ thánh đã dạy: Không phải ai trong chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những việc rất nhỏ nhặt đó với một tình yêu vĩ đại. Nếu con không có chuyên môn y tế thì con có thể làm bất cứ việc gì khác như: phụ giúp lau chùi, dọn vệ sinh cho các bệnh nhân... Khi có một chút giờ rảnh, mẹ nghĩ con nên tận dụng một loại vũ khí hết sức lợi hại, đó không phải là súng đạn bom mìn nhưng là Tràng chuỗi MÂN CÔI - Vũ khí của tình yêu thương và niềm tin tín thác. Từ đó, mẹ đã hiểu được rằng các y bác sĩ, các tình nguyện viên và cả con nữa sẽ không đơn độc trong cuộc chiến này vì ở "hậu phương" mọi người vẫn luôn hướng về những chiến sĩ nơi tuyến đầu với tâm tình biết ơn và nguyện cầu cùng Thiên Chúa với sự trợ giúp của Mẹ Maria nhân lành và Thánh Cả Giuse để đại dịch này mau qua đi. 
 
Với tâm tình tín thác, mẹ biết sự dấn thân và hy sinh của các y bác sĩ cũng như của các tình nguyện viện như con không vượt qua ý định của Thiên Chúa nếu Người muốn. Là con người ai cũng phải chết một lần con ạ, nhưng chết như thế nào để mọi người trân trọng khâm phục giống như những vị anh hùng tử đạo để cái chết được trổ bông và sinh nhiều hoa trái cho thế hệ hôm nay. Mẹ cũng biết rằng, sự hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ, các tình nguyện viên chính là những gương sáng khi sẵn sàng dấn thân vào nơi nguy hiểm. Nếu thực sự trường hợp xấu có xảy ra thì với lòng tin vững vàng con cũng biết là "Cuộc sống này chỉ đổi thay chứ không mất đi".

Những tâm tư này mẹ gửi đến con gái yêu và tất cả những người ở tuyến đầu. Nguyện xin BA ĐẤNG ban nhiều ơn lành cho mọi người và cho dịch bệnh mau chóng qua đi. 
 
(WGPSG)

 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU CHÚA NHẬT XX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B. ĐỨC MẸ LÊN TRỜI. Lễ trọng.

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 15.8.2021
tại Nhà thờ Tân Phước.