Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

MÙA COVID VỚI GIA ĐÌNH

MÙA COVID VỚI GIA ĐÌNH

TGPSG -- Trong mùa Covid, tôi với bạn có thời gian nhìn lại cách cư xử của mình với gia đình...

Trong những ngày đối diện với dịch Covid 19, tôi thấy từ được nhiều người nhắc đến là “chán”. Chán vì không được đến trường, chán vì không được đi làm, chán vì không được đi lễ, chán vì không được đi chơi, chán vì không thể đến công sở. Và có muôn vàn lý do “chán” khác nữa.

Nhưng có một người trẻ làm cho tôi thoát ra khỏi chữ “chán” và thấy được ý nghĩa của một công việc rất đỗi bình thường, đó là về bên gia đình: bạn ấy về nhà tránh dịch và thấy vô cùng hạnh phúc.

Qua bạn trẻ này, tôi muốn gửi vài tâm tư với những bạn đã, đang và sẽ xa gia đình vì cuộc sống mưu sinh hay vì những lý do khác nhau của cuộc sống.

Tôi hỏi bạn trẻ đó: Dịp này nghỉ làm, em đi đâu? Bạn ấy nói về nhà, và một ngày với bạn ấy rất bình thường: sáng dọn đồ ra cho mẹ bán, rồi ngồi trong nhà đọc sách, nửa buổi ra lấy đồ vào nấu ăn. Trưa đến hai mẹ con ăn cơm, chiều lại tiếp tục như thế. Một ngày với bạn ấy rất giản đơn nhưng bạn ấy nói là rất hạnh phúc vì lâu lắm rồi mới được ở nhà với mẹ nhiều ngày như thế, vì mẹ một thân một mình, nhưng bởi mưu sinh cuộc sống mà bươn chải, nên đành xa mẹ thôi.

“Cảm ơn vì có thời gian ở bên mẹ”, đó là câu mà bạn ấy nói với tôi. Tôi chạnh lòng, và suy nghĩ về cha mẹ ở nhà. Có thời gian dường như tôi cứ loay hoay với đám bạn này, mối tương quan nọ mà quên mất cha mẹ. Ngay cả những bữa cơm với cha mẹ cũng dường như là một thứ gì đó xa xỉ với tôi.

Tôi quan sát và cũng nhận thấy nhiều người trong dịp tránh dịch cũng muốn trốn gia đình, sợ ở nhà, sợ đối diện với những giá trị rất bình thường và quá ư quen thuộc. Tôi nghĩ đến những vần thơ của Lương Đình Khoa:

Năm chúng ta 20 tuổi
chỉ quen ngước nhìn lên trời cao,
bỏ những quan tâm của gia đình bên ngoài niềm vui phố xá
hớn hở với từng cuộc vui,
xum xoe với đám đông người xa lạ
mấy ai biết mình
nhưng vẫn nghĩ mình trên tất cả
ngày nào cũng là ngày vội vã
với nắng mưa…


Đôi lúc, hạnh phúc thật giản đơn, đó chỉ là được ăn cơm với mẹ, được nhìn mẹ trong mái nhà yêu thương nhưng mấy ai cảm nghiệm được điều đó.

Chúng ta không vui vì cha mẹ thường rất khó tính chứ không dễ dãi với ta như bạn bè hay người dưng; cha mẹ nói chuyện không dễ nghe như người thương ta ngoài phố thị.

Trước mặt đám bè bạn, ta được chứng tỏ là ta, được là anh hai, chị ba, trong khi đó trong mắt cha mẹ, ta mãi mãi là đứa trẻ đáng yêu.

Tuổi trẻ ta muốn chứng tỏ giá trị, muốn nói với thế giới “ta là ai”, muốn chứng tỏ với đời rằng ta có sức mạnh. Ta muốn “là một, là riêng, là thứ nhất; không ai có thể bè bạn nổi cùng ta” [1].

Nhưng trước mặt cha mẹ thì ta như một đứa trẻ chưa trưởng thành, luôn bị nhắc nhở bởi những việc chẳng đâu vào đâu.

Ta có thể ngồi chém gió với bạn bè và người bên ngoài cả tiếng, vì chúng ta nghĩ là hiểu nhau; chúng ta có chung thứ ngôn ngữ “rất đẹp” của tuổi trẻ.

Còn cha mẹ ta là những người nông dân chân lấm tay bùn, quanh năm suốt tháng chỉ lủi thủi bên lũy tre làng, chưa ra khỏi nếp nghĩ mà ta cho là cổ hủ, không biết Facebook là gì, chẳng biết Zalo là chi… Cha mẹ vẫn cứ thế, vẫn nghĩ rằng chỉ cần yêu con theo cách riêng của mình.

Tôi và bạn nhiều lúc muốn hét thật lớn “sao cha mẹ không hiểu con”, “đúng là cổ hủ quá...”

Những bữa cơm bên gia đình nhiều lúc quanh đi quẩn lại mấy món “ngoài chợ xã”, cá kho thì mặn, cơm thì nấu bằng thứ gạo khô khó nuốt. Ta thích ăn mì nhưng mẹ lại nói với ta rằng mì nóng và không tốt. Ta thích nhịn ăn sáng để ngủ vùi vì cho rằng “mất ăn không bằng mất ngủ”, nhưng mẹ lại nói với ta “ăn sáng là ăn cho chính ta, ăn trưa là ăn cho khách và ăn tối là ăn cho kẻ thù”...

Ta thích thức khuya và dậy muộn vì với ta “đêm về khuya vắng mới được là mình” thì mẹ lại nói với ta “ngủ sớm khỏe xác, dậy sớm khỏe hồn”. Ta đi chơi ăn mặc hơi ngắn ngủn một chút vì cho rằng đó là mốt của tuổi trẻ, có quyền phô lên nét đẹp của Tạo Hóa ban tặng thì mẹ lại nói với ta “con gái nên ăn mặc kín đáo nết na, nét đẹp của tâm hồn và trí tuệ mới tô lên nét đẹp thật sự cho con”. Ta uống tí bia rượu với bạn bè vì “nam vô tửu như cờ vô phong”, mẹ lại nói với ta “tuổi trẻ con lấy sức khỏe đổi lấy rượu và bạn bè, đến già con sẽ lấy gì để đổi lại sức khỏe”…

Nói chung, tôi cũng như bạn, dường như luôn có những mâu thuẫn với cha mẹ - những người ta cho là “cổ hủ”, “quê mùa”… Nhưng trên đời này, trong tương quan nhân loại làm gì có tình thương nào thật hơn tình thương cha mẹ dành cho con. Trên đường đời, chúng ta phải lắng nghe nhiều lắm. Trong những lắng nghe, tại sao ta không lắng nghe chính mẹ mình, lúc mẹ còn sống [2]?

Tôi và bạn vẫn đi tìm hạnh phúc, vẫn đi tìm lẽ sống cho cuộc đời mình. Đôi lúc ta muốn chứng tỏ mình là người can đảm phi thường trước người khác bằng cách “tỉ thí tửu lượng”, “hơn thua trong những trò chơi vô bổ”, “dẫn đầu trong những cuộc xích mích”… Nhưng người em này cho tôi cũng như bạn hiểu rằng, đôi lúc dám làm những việc đơn giản cho mẹ, dám sống những ngày có vẻ tẻ nhạt với mẹ mới là một người can đảm phi thường.

“Về nhà” là về với cội nguồn, về với một tình cảm thiêng liêng nhất mà mỗi con người có thể, nơi đó cho ta hơi ấm trong những lúc lạnh lẽo, cho ta sức mạnh để vượt qua nỗi đau thử thách của cuộc đời, nơi cho ta chỗ trú ẩn những lúc ta thấy chênh vênh, là nơi cho ta nép mình khi thấy ngoài kia giông tố, “có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về, đó là nhà”.

Trầm lắng, tôi lại nhớ những vần thơ của Nguyễn Đình Khoa:

Về nhà đi, bởi trong mỗi cuộc đời
Ai cũng chỉ có một mái nhà để học cách yêu,
Một mẹ, một cha, cho bàn chân tìm lối về hiếu nghĩa
Dù dang cánh chạm chân trời góc bể
Hãy cứ về khi có thể - để thương…
Níu giữ trên tay thứ hạnh phúc cội nguồn …


Mong rằng những người có cơ hội về gia đình trong dịp này, sẽ sống những giây phút ấm êm và hạnh phúc bên gia đình và người thân, làm những cử chỉ yêu thương cho cha mẹ và anh chị em mà những ngày đi học hay đi làm xa nhà ta không có cơ hội để làm. Bởi dù có ước mơ, dù có hoài niệm, dù có thuốc thần tiên chăng nữa, ai trong đời cũng phải thốt lên như Du Phong:

Con trở về mơ ước nhỏ nhoi thôi:
Suốt cuộc đời được vui bên cạnh mẹ
Nhưng cuộc đời nói rằng con không thể…
Mới một chút thảnh thơi, tóc mẹ đã bạc màu

Trong dịp Covid, có những dòng tin: “Cha mẹ mất, nhưng do dịch bệnh không thể về bên”, những dòng status: “Bệnh nhân bị nhiễm covid chết lặng lẽ, không được gặp người thân trước khi chết do bị cách ly”. Có khi nào bạn và tôi tự hỏi, nếu ngày bố mẹ lâm bệnh nặng mà ta không có mặt bên cạnh thì như thế nào?

Tiền bạc có lẽ cha mẹ rất cần, nhưng họ cần hơn ở sự trưởng thành và tình yêu thương của con cái.

Có khi nào bạn tự hỏi “nếu chỉ có một ngày để sống”, bạn sẽ làm gì, bạn sẽ nói gì với cha mẹ?

Tôi cũng tự hỏi mình và thấy mình thật vô lý: Chỉ học với nhau ba năm cấp Ba, tôi và bạn bè chụp hình làm kỷ yếu, viết lưu bút, tặng nhau những kỷ vật, ôm nhau khóc như mưa. Nhưng rồi, trên những chặng đường tương lai, ta có những mối tương quan mới, trong số những người bạn cũ, ta giữ được mấy người?

Còn với gia đình, nước mắt chúng ta lại khô hoánh.

Nhìn một người bán vé số, một cụ ông ăn xin, một người nông phu lầm lũi, tôi và bạn có thể xót xa, thương cho thân phận của những người đó. Nhưng nhìn những giọt mồ hôi lấm chấm rơi của cha, những vết nhăn của mẹ, ta thấy đó chỉ là chuyện bình thường của thời gian.

Ta không có một kỷ yếu gia đình, ta không lưu giữ những kỉ niệm đẹp bên mẹ cha. Những lúc ta mê man do bệnh tật, những lúc ta cảm thấy thế giới như quay lưng lại, khi ta sụp đổ và ngã quỵ giữa đường đời thì ta mới hiểu giá trị của “gia đình”.

Tôi và bạn, những người có trái tim quảng đại, thích làm việc tình nguyện, chúng ta đến các bệnh viện hay trung tâm dã chiến. Cho các người bệnh tật ăn uống và giúp những công việc khác cho họ, các bạn rất vui, rất hạnh phúc.

Nhưng tôi và bạn phản ứng thế nào khi về với gia đình, bên cha mẹ và người thân của mình? Ta có khó chịu khi rửa chén bát, đi nạnh kẹ với anh chị em của mình, ta khó chịu khi nấu cháo cho mẹ, ta sợ bẩn tay, sợ bẩn quần áo khi phụ việc cha mẹ…?

Bạn có khi nào suy nghĩ rằng, để cho ta có đôi tay đẹp đẽ và mượt mà, cha mẹ ta đổi bằng sự chai sạn của đôi tay họ; để có cái áo đẹp cho ta, nhiều bậc cha mẹ đã vá đi vá lại cái áo của mình bao nhiêu lần… Nói chung rất nhiều thứ cha mẹ phải hi sinh và đánh đổi để tôi cũng như bạn có được cuộc sống như hôm nay.

Khi nhìn vào các bạn, tôi mong rằng những người ngoài sẽ chúc phúc cho cha mẹ - Đấng sinh thành đã sinh ra những người con hiếu nghĩa, những con người biết lẽ trước sau, biết những giá trị cội nguồn, biết trân quý những bữa cơm gia đình, biết đón nhận những bất toàn của cha mẹ mình, biết chứng tỏ giá trị bản thân đích thực của một người có đức tin.

Rồi dịp giãn cách xã hội cũng sẽ qua đi, tôi và bạn cũng sẽ trở lại với nhịp sống bình thường, đi học hay đi làm, rồi cũng sẽ xa cha mẹ và gia đình. Khi đó, nhìn lại khoảng thời gian chúng ta ở nhà, chúng ta thấy ấm lòng vì được sống bên mẹ cha nhiều thời gian hơn, hay ta cảm thấy như một gánh nặng thật sự với người thích tự do tung cánh ngoài kia?

Chính dịp tránh dịch ở nhà, tôi với bạn có thời gian và nhìn lại cách cư xử của mình với gia đình, với người thân và đặc biệt là với cha mẹ mình.

Nhìn lại để chúng ta sống tốt hơn tương quan này, hiểu được tấm lòng cha mẹ hơn, hiểu những sự hí sinh cao cả, rồi tự hỏi rằng: Nếu một ngày cha mẹ ta ra đi, ta có ngồi đó khóc thét lên vì hối hận, vì những vết thương lòng do ta gây ra cho cha mẹ mình hay chúng ta thấy bình an vì đã sống trọn “hiếu nghĩa” với các ngài?

Hoàn Phạm - Hội Thừa Sai Việt Nam (TGPSG)

[1] Thơ Xuân Diệu

[2] Lm Nguyễn Tầm Thường, Đường Đi Một Mình
 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 24 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Sáu, ngày 17.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

GIA ĐÌNH, TIẾNG GỌI THÂN THƯƠNG TRONG ĐẠI DỊCH

  
GIA ĐÌNH, TIẾNG GỌI THÂN THƯƠNG TRONG ĐẠI DỊCH

TGPSG – Gia đình chính là động lực cho em đủ sức vượt qua khó khăn trong đại dịch…

Đã quá nửa đêm, tôi chuẩn bị vào ca trực. Ở một góc phố của Bệnh viện Dã chiến, vẫn còn sáng rực ánh đèn. Làn gió hiu hiu trong đêm bỗng gợi nhớ trong tôi về… gia đình.

‘Gia đình’ - tiếng gọi thân thương mà ai sinh ra trong cuộc đời cũng đều mong được ấp ủ trong đó. Đó là nơi không chỉ đơn thuần là một mái nhà thật to với vài ba con người sinh sống, mà còn là nơi được sưởi ấm bởi tình yêu thương giữa vợ chồng, giữa ba mẹ với con cái. Đó là nơi mà bất kì ai đã ở rồi thì đều không muốn rời xa.

Khi nói về gia đình, người ta thường nói về hạnh phúc, yêu thương và thành công. Với tôi, gia đình là nơi tình yêu xen lẫn đau khổ và cả những hy sinh, là nơi thiêng liêng vì nó mang lại cho ta biết chung nhịp đập với nỗi đau của người bên cạnh.

B.T.N. - một bạn trẻ bị con virút hành hạ - đã làm cho tôi thấy quý biết bao giây phút bên gia đình thân thương của mình. Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia giọng nghẹn ngào: "Sơ ơi, sơ nhớ thăm N. giúp con. Nhà con bị Covid cả nhà, mỗi người một nơi. Nay chúng con đã được về nhà. Hơn một tháng rồi, con chưa nghe tiếng của nó. Chúng con nhớ và mong nó lắm!"

Tôi đã không thể kìm nước mắt khi nhìn hình ảnh của em. Gần một tháng trời, em chiến đấu trong từng hơi thở. Em nằm khoa ICU, có khi không đủ sức, bác sĩ cho chạy máy ECMO. Tuy nhiên, khuôn mặt em lúc nào cũng tươi tắn, miệng lúc nào cũng nở nụ cười. Mỗi lần gặp mặt, câu đầu tiên em hỏi: "Sơ ơi, cả nhà con vẫn bình an đúng không ạ? Con nhất định sẽ khỏe để về gặp cả nhà. Con nhớ ba, nhớ mẹ, nhớ cả em gái hay ghẹo con nữa!"

Gia đình chính là động lực cho em đủ sức vượt qua khó khăn. Em có một nghị lực phi thường. Bác sĩ bảo: “Ca này tưởng không qua khỏi, không ngờ nay có dấu hiệu khá lên rồi. Người nhà của sơ à? Sơ cứ tiếp tục động viên, thăm hỏi như thế, hy vọng sẽ có tin vui.” Nghe đến đó, những giọt nước mắt trong tôi trào ra, hòa lẫn với những giọt mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ. Niềm vui như vỡ òa. Không biết tôi đã trở thành ‘người thân’ của em tự bao giờ. Được phục vụ nơi đây, vui và hạnh phúc nhất chính là khi nhận được tin một bệnh nhân được xuất viện. Do đó, nếu có chút thời gian, tôi thường rủ một số chị em khác đi thăm hỏi và động viên bệnh nhân, giúp họ lấy lại tinh thần để chiến đấu.

Thăm hỏi nhau là một điều gì đó ‘xa xỉ’ trong mùa dịch, vì hành vi này có thể mang mầm bệnh đến cho người khác. Nhiều khi không thăm hỏi lại là đang làm điều tốt cho nhau. Nghịch lý ấy làm cho ta thấy rằng, chúng ta đã bỏ sót nhiều cơ hội viếng thăm, ở cạnh nhau, chưa coi trọng sự hiện diện và cơ hội được ở bên nhau trước khi Covid đến. Nhiều khi ở bên nhau nhưng tâm hồn xa cách nhau, hoặc nhiều khi ở chung trong một gia đình mà không cảm nhận được niềm vui và sự hiện diện của nhau. Đúng là có xa nhau mới thấy nhớ, có mất đi thứ gì đó mới biết trân trọng nó.

N. đã làm tôi thức tỉnh để nhận ra và trân quý phút giây được ở bên gia đình, bên ba mẹ yêu quý của mình. Bởi có nhiều bệnh nhân chỉ thèm giây phút được nhìn ba, mong được nhìn mẹ từ xa dù chỉ là một phút mà cũng không thể. Con virút nhỏ bé làm cho N. yếu dần đi từng ngày. Em không biết còn có cơ hội để được nhìn mặt ba mẹ nữa không. Nhưng nghị lực nơi em khiến tôi phải cảm phục. Tôi tin em nhất định làm được.

Mỗi lần gặp tôi, tuy mệt mỏi nhưng em luôn có nụ cười trên khuôn mặt nhỏ nhắn. Em bảo: "Con cười thì sẽ mau khỏe, đúng không sơ? Rồi con sẽ được về nhà với ba, với mẹ, với em gái nữa. Con nhớ... con nhớ cả nhà lắm, sơ ạ! Sơ nhắn với cả nhà là con sẽ khỏe lại, sẽ về với mọi người. Sơ nói với mẹ đừng lo cho con, đừng khóc. Mẹ chờ con… nhất định con sẽ về!” Phải, em sẽ về, em sẽ làm được N. ạ! Cố lên em nhé!

Em tâm sự: "Thực sự trước đây, con đã không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ. Con cũng chưa hề mở miệng nói với ba mẹ một câu: ‘Con yêu ba, con thương mẹ nhiều lắm!’”

Thế đấy, dường như, càng lớn, con cái càng xa bố mẹ. Những cái ôm hôn và câu nói yêu thương, cảm ơn bố mẹ ngày càng ít dần và khó mở lời. Nhiều bạn trẻ dù rất yêu thương bố mẹ của mình nhưng lại không thể hiện được bằng lời nói. Câu nói ‘Con yêu ba, con yêu mẹ’ trở nên ngượng nghịu. Không chia sẻ, không thể hiện tình cảm, vô tình khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cứ thế mà lớn dần. Trong khi thời điểm hiện tại, có những bạn khao khát được gặp ba mẹ để nói lên câu này mà không thể được.

Giây phút này, N. rất nhớ và chỉ mong được ở trong vòng tay của ba mẹ dù chỉ một phút thôi nhưng cũng không được. Quả thật, những ai còn ba mẹ bên cạnh mình thực sự là rất may mắn và hạnh phúc.

Em kể tôi nghe ba mẹ của em luôn là một người quá đỗi nghiêm khắc và khó tính. Có những lúc em cảm thấy thật ganh tị với những đứa bạn có người cha luôn vui vẻ, dịu dàng; có người mẹ thương yêu, chiều chuộng. Em đã từng nghĩ rằng, “Ba mẹ không yêu thương con, không quan tâm con, không hiểu con. Khi con làm sai ba mẹ thường mắng con, không cho con cơ hội giải thích. Những ngày ở nhà, con thực sự không hề vui, sơ ạ! Con đã khóc, khóc vì mình không có được sự quan tâm, sự thông hiểu của ba mẹ.” Khi nghe những tâm sự ấy tôi đã không cầm được nước mắt, khóe mắt tôi cay cay. Tôi thấy nơi khóe mắt em cũng đang tuôn trào hai hàng nước mắt.

Em tâm sự: “Cứ như vậy, càng lớn con càng không dám mở lòng với ba mẹ. Em rất sợ ra ngoài bởi sẽ bắt gặp những gia đình tràn ngập tiếng cười mà tủi thân.”

Giờ đây, em đang khóc không phải vì tủi thân nhưng khóc vì thèm biết bao những khoảnh khắc đã qua ấy, khoảnh khắc ba quan tâm, giây phút được mẹ mắng yêu. Bởi em tin và cảm nhận được ba mẹ làm tất cả vì yêu.

“Con thật vô tâm đúng không sơ? Con đã không để ý đến suy nghĩ, cảm xúc của ba mẹ. Con cũng chưa hề mở miệng nói với ba mẹ một câu: ‘Con yêu ba, con thương mẹ nhiều lắm!’ Con muốn sơ giúp con chuyển những lời này đến ba mẹ yêu quý của con: ‘Con yêu ba mẹ nhiều nhiều lắm. Ba mẹ chờ con trở về. Mong mẹ đừng lo nghĩ nhiều.’ Con sợ ở nhà mẹ lại trằn trọc suy nghĩ về con và sợ nhất giọt nước mắt của mẹ.”

Em nói trong mệt nhọc: “Con không chắc mình sẽ sớm khỏe nhưng con hứa sẽ cố gắng hết sức, từng hơi con thở là để nhớ đến tình yêu ba mẹ dành cho con. Sơ biết không, con là anh hai khỏe mạnh hơn em, con tự nhủ: mình phải là đứa con ngoan, không làm ba mẹ phải phiền lòng. Vậy mà, giờ đây con lại làm mẹ phải khóc. Con thật tệ phải không sơ?”

N. mang căn bệnh này, lỗi đâu phải do em! Khi mang trong mình nỗi đau đớn, em lại nghĩ về người khác hơn là bản thân mình.

N. đã làm tôi phải nhìn lại mình. Chính khi tôi còn được đứng đây nghe em tâm sự, còn được hít thở qua lớp khẩu trang, đó đã là ơn đặc biệt Chúa ban rồi.

Tôi chợt nhận ra: Đại dịch làm cho ta phải xa cách, phải cô lập để bảo vệ nhau, nhưng lại cũng là cơ hội để ta quý trọng giây phút mình được ở bên nhau. Tôi tin rằng khi dịch qua đi, mình sẽ thật sự biết trân trọng nhau, biết cảm ơn nhau, biết mang niềm vui đến cho nhau.

Đến đây, tôi nhớ câu nói của một thi hào người Anh: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui - Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới ngủ mê.” (Clive Staples Lewis)

Gia đình thực sự là nơi để trở về, là động lực cho biết bao tâm hồn yếu đuối. Xin cho những ai có gia đình luôn biết quý trọng những gì mình có, vì chỉ có yêu thương mới làm nên tổ ấm thực sự. Đại dịch đến cho ta một cơ hội nhìn lại sự may mắn của bản thân, để thấy quý giá hơn những gì mình đang có, để nhớ thật nhiều về tình người, về sự quan tâm và yêu thương dành cho nhau.

Têrêsa Nguyễn Vui (TGPSG)
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục 
(WGPSG)

 

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 16.9.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 16.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU BUDAPEST VÀ SLOVAKIA #18

Đức Thánh Cha chào biệt Slovakia (15/9),
kết thúc chuyến tông du thứ 34
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 24 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Cornêliô, giáo hoàng, tử đạo và Thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Năm, ngày 16.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 16.9.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ NĂM TUẦN 24 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Cornêliô, giáo hoàng, tử đạo và Thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Năm, ngày 16.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

29 TU SĨ HOÀN THÀNH 1 THÁNG PHỤC VỤ TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN 16 (đợt 2)


29 TU SĨ HOÀN THÀNH 1 THÁNG PHỤC VỤ
TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN 16
(đợt 2)

TGPSG -- Vào lúc 9g ngày 15-9-2021, tại nhà khách Công đoàn số 1, Bùi Thị Xuân, Q. 1, TP.HCM, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức đón 29 tu sĩ tình nguyện viên (TNV) hoàn thành nhiệm vụ sau một tháng chung tay và đồng hành cùng ngành Y tế trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 (đợt 2).

Nhằm đánh giá sơ bộ những đóng góp của tình nguyện viên các tôn giáo tham gia phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 16, Bác sĩ Chuyên khoa II Vương Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 16 - đã phát biểu:

“Tôi rất cảm kích và thán phục sự hy sinh phục vụ của anh chị em tu sĩ. Ban đầu, rất bối rối lo lắng khi tiếp nhận 62 tu sĩ - những người có rất ít chuyên môn, tôi không biết sẽ phân công cho các tu sĩ như thế nào. Nhưng tôi đã rất bất ngờ trước sự hội nhập và cách phục vụ của các tu sĩ. Họ hoà nhập rất nhanh và phục vụ rất tốt, kể cả việc trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, thăm hỏi, động viên... Hôm nay, tôi rất tiếc vì một số vị phải trở về với công việc của Hội Dòng…”

Tiếp theo, TS. BS. Đỗ Ngọc Sơn - Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai - có lời cám ơn quý thầy quý sơ đã đồng hành cùng với bệnh viện ngay từ những ngày đầu:

“Nếu không có các sơ, các thầy, thì việc chăm sóc bệnh nhân không thể tốt như thế. Các sơ, các thầy đã rất nhiệt tình, hết lòng. Tôi rất vui vì các tu sĩ đã hoàn thành một tháng tốt đẹp.”

Trong bài phát biểu của mình, bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM - đã bày tỏ niềm cảm kích khi được nghe kể về sự lưu luyến giữa các bệnh nhân và nhân viên y tế với các tu sĩ. Bà cũng diễn tả niềm vui khi thấy bệnh nhân được xuất viện, nỗi buồn khi thấy bệnh nhân vẫn còn rất đông, mà các tu sĩ tuy vẫn muốn tiếp tục phục vụ nhưng phải đi về vì sứ vụ của Hội Dòng đang cần. Bà đã động viên: “Dù là gì đi nữa thì tôi tin đây là một trải nghiệm khó quên đối với mỗi người. Chúng tôi trân trọng và cảm ơn sự đồng hành của các vị với ngành y tế trong thời gian vừa qua.”

Đại diện cho Tòa Giám mục TGP Sài Gòn, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ đã chia sẻ:

“Đức Tổng cũng luôn quan tâm và dõi theo hành trình phục vụ của anh chị em tu sĩ nơi bệnh viện. Thay lời Đức Tổng, tôi chúc các tu sĩ tiếp tục ôm ấp kỷ niệm về những người bệnh, ôm ấp hồng ân được phục vụ một tháng vừa qua.”

Sau đó Linh mục Giuse cảm ơn lãnh đạo thành phố và các ban ngành đã đón nhận sự phục vụ của anh chị em tu sĩ, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện cho các tu sĩ được cống hiến.

Đại diện các tu sĩ TNV, nữ tu Marie Desire Nguyễn Thị Thanh Tân - thuộc Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng Tây Nguyên - đã nói lên tâm tình biết ơn đối với các y bác sĩ, các điều dưỡng các nhân viên y tế:

“Những hy sinh, tận tụy và những chỉ dẫn tận tình của quý vị đã giúp cho các tu sĩ TNV chúng tôi có thể chăm sóc các bệnh nhân cách tốt nhất.

Xin cảm ơn các nhân viên khách sạn ‘Viên Gạch Nhỏ’ đã rất chu đáo giúp đỡ các tu sĩ lưu trú, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc.

Cảm ơn các bác tài xế đã đưa đón chúng tôi.

Và qua cha Giuse, chúng con xin gửi lời cảm ơn đến Đức Tổng Giuse và cả Giáo phận đã đồng hành với chúng con trong lời cầu nguyện, trong những động viên và khích lệ…”

Kết thúc buổi lễ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã trao Giấy biểu dương và quà tặng cho 29 tình nguyện viên Công giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ trong một tháng qua.

Sau khi tham dự buổi lễ, các tu sĩ được đưa về nơi nghỉ ngơi và cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái và Dòng Biển Đức Thiên Phước. Sau một tuần, họ sẽ được xét nghiệm lại một lần nữa; nếu có kết quả âm tính, họ mới trở về nhà dòng của mình.

Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thuyết - Dòng Đức Bà Truyền Giáo - nói lên tâm tình khi lên xe trở về khu cách ly:

“Tôi cảm thấy rất vui vì đã được cộng tác với các bác sĩ và các nhân viên y tế trong việc chăm sóc bệnh nhân covid tại Bệnh viện Dã chiến số 16.

Tôi cảm nhận được nỗi hy sinh vất vả của các nhân viên y tế, chia sẻ niềm vui của những bệnh nhân được xuất viện và mang nặng những nỗi buồn của các bệnh nhân phải từ giã cuộc đời....

Cộng tác và chứng kiến những hy sinh âm thầm của mọi người trong chiến dịch - kể cả các bác tài xế, cô chủ và những người dọn khách sạn - tôi cảm nhận được tình thương giữa người với người và trân quý mầu nhiệm của sự sống.

Cầu chúc cho quý bác sĩ, nhân viên y tế và quý thầy, quý sơ còn ở lại nơi tuyến đầu luôn được tràn đầy sức khỏe, bình an và nhiều niềm vui trong phục vụ…”

Bài: Sơn Nữ SPC, Ảnh: Thùy Linh (TGPSG)
(WGPSG)

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

ĐỨNG DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ CHÚA GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19


ĐỨNG DƯỚI CHÂN THÁNH GIÁ CHÚA
GIỮA ĐẠI DỊCH COVID-19:

TÌNH YÊU, ÁNH SÁNG, HY VỌNG VÀ SỰ PHỤC SINH

BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà
Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14/9/2021
Lễ Đức Mẹ Sầu Bi 15/9/2021


WHĐ (15.9.2021) - Theo lẽ thường dễ hiểu và cũng đúng thôi, với thân phận người, chúng ta sợ đau đớn, đau khổ, sỉ nhục, cay đắng, đói khát, thất nghiệp, bệnh tật, cái chết, mất người thân…những gì làm chúng ta bị tổn thương. Những ngày tháng này, đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới, cách riêng tại Việt Nam, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh. Tin tức buồn, hình ảnh chết chóc tang thương tràn ngập trên truyền thông và cả ngay trong gia đình mỗi người chúng ta và điều này đã và đang gây ức chế tâm lý, sợ hãi, trầm cảm cho nhiều người. Làm sao để có thể sống tốt vượt qua đại dịch? Các chuyên gia tâm lý, y tế… nói nhiều đến các khía cạnh này, rất hữu ích. Là Kitô hữu, đức tin luôn chiếu sáng hướng dẫn chúng ta về tầm nhìn, lối đi, mọi chọn lựa quyết định trong đời sống hàng ngày, cách riêng trong những lúc khó khăn thử thách.

Cùng với Đức Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá và ngước nhìn Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh ngày Lễ Suy tôn Thánh giá và Lễ Đức Mẹ Sầu bi, giữa đại dịch COVID-19, chúng ta thấy được TÌNH YÊU, ÁNH SÁNG, HY VỌNG VÀ SỰ PHỤC SINH VINH HIỂN.

TÌNH YÊU

Chúng ta không đơn thuần suy tôn thánh giá, nhưng suy tôn chính Ðấng chịu đóng đinh vào thánh giá. Ngài là Ðấng Thánh không hề phạm tôi, là Con Thiên Chúa làm người, là “Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Chúng ta cũng không suy tôn đau khổ và cái chết, vì con Thiên Chúa đến thế gian là để con người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 1-10) nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu: Tình Yêu của Chúa Cha trao ban cho thế gian người Con Một, Tình Yêu của Chúa Con dám sống hết mình cho Cha và nhân loại. Ðau khổ và cái chết là cái giá tất yếu phải trả cho một tình yêu. Tình yêu lớn nhất là tình yêu hiến mạng để cho người mình yêu được sống, được cứu độ.

Trong cơn đại dịch, nhìn lên Thánh Giá Chúa chúng ta học được bài học TÌNH YÊU.

Sức khỏe tốt là yếu tố quan trọng giúp cơ thể có sức đề kháng. Sức khỏe của mình quý giá biết bao và chúng ta đã đi quá xa khi lao vào công việc mà không màng sức khỏe; chúng ta ăn những thực phẩm nghèo dinh dưỡng, và uống nước bị ô nhiễm bởi hóa chất, hít thở môi trường độc hại. Hãy học yêu chính mình một cách đúng đắn rồi mới có thể học yêu tha nhân như chính Chúa đã yêu ta.

Mạng sống con người có thể bị hủy hoại trong phút chốc. Chúng ta cảm nghiệm sự ngắn ngủi của cuộc sống và điều quan trọng nhất chúng ta cần phải làm: đó là yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già yếu, bệnh tật, nghèo khổ. Việc lây nhiễm trong cộng đồng cho thấy chúng ta đều kết nối và điều gì đó ảnh hưởng đến một người thì nó cũng có sự ảnh hưởng đến người khác. Vaccine cần thiết để chống dịch nhưng các nước nghèo không có, cần được các nước giàu chia sẻ... “Tứ hải giai huynh đệ”, “Lá lành đùm lá rách”, chúng ta cần tình thương liên đới chia sẻ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và địa phương, giữa các gia đình.

Xã hội hưởng thụ vật chất của chúng ta đã đi quá xa khi đánh giá cao những thứ xa xỉ. Khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta thấy rõ những thứ thiết yếu mà ta cần cho sự sống: nước, thực phẩm, vệ sinh môi trường và cơ thể, chung sức bảo vệ cộng đồng, và nhất là đời sống tâm linh. Hãy yêu mình và yêu tha nhân bằng cách chăm sóc đời sống thể lý, tinh thần, tâm linh của mình và của mọi người một cách đúng đắn.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 đã chết trong cô độc. Chúng ta cần quay về gia đình để chúng ta có thể xây dựng lại cuộc sống bên tổ ấm của mình và củng cố hạnh phúc gia đình mình.

Cần giữ quân bình giữa nhân đức “chăm lo bản thân” và đức ái với tha nhân

Cần có kế hoạch làm việc quân bình hơn cho các bác sĩ và nhân viên y tế đang tham gia chống dịch để bảo đảm sức khỏe và mạng sống của họ trong cuộc chiến còn kéo dài.

Tại Việt Nam, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y tá bác sĩ ở tuyến đầu - những chiến sĩ áo trắng tình nguyện xa nhà chống dịch, xa cha mẹ già, vợ trẻ con thơ, chống chọi với cái nóng hầm người, rát bỏng da, nóng đến mất nước trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhịn cả nhu cầu cấp thiết... Nhiều người kiệt sức ngất xỉu, có người mệt nhoài ngã bên lề đường tranh thủ chợp mắt, và cũng đã có người ra đi vĩnh viễn.[1]

Theo James F. Keenan, thần học gia luân lý Dòng Tên, Đức công bình đòi hỏi chúng ta xem mỗi người là như nhau; đức trung tín đòi hỏi chúng ta coi các bạn bè và gia đình của chúng ta cách ưu tiên; đức chăm lo bản thân đòi hỏi chúng ta tự coi mình là độc nhất. Những đòi hỏi của ba nhân đức này có thể được thực hiện cách đồng thời và dẫn đến nhân đức thứ tư: chính đức khôn ngoan tìm kiếm các nhấn mạnh cách thích hợp trong mỗi hoàn cảnh. Đôi khi cần phải chọn lựa giữa sự công bình, lòng trung tín và việc chăm lo bản thân. Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay trên toàn thế giới, nhiều bác sĩ y tá đã chết vì phục vụ bệnh nhân đến kiệt sức và nhiễm bệnh. Các vị này đã “yêu tha nhân HƠN chính bản thân mình”. Đó là bản chất và “tính thánh thiêng” của nghề y. Bước vào ngưỡng cửa ngành y, các bác sĩ đã được huấn luyện đức nhẫn nại, kiên cường, can đảm, vô vị lợi, đặt lợi ích bệnh nhân lên trên lợi ích chính mình. Tuy nhiên, đức khôn ngoan đòi hỏi chính các bác sĩ và nhân viên y tế trước hết cũng phải được chăm sóc và bảo vệ thì những người này mới có thể cống hiến phục vụ bệnh nhân và đất nước dài lâu. Họ là “thành trì cuối cùng” của xã hội để bảo vệ và cứu sống người bệnh. Quốc gia cần có các chính sách đúng đắn hợp tình hợp lý đối với nhân viên y tế.

ÁNH SÁNG

Với con mắt người đời trần gian, Con Thiên Chúa đã thất bại. Con Thiên Chúa thất bại vì Ngài khiêm tốn. Ngài để cho con người có tự do chối từ. Chúa Cha lặng thinh khi Con Ngài hấp hối đến nỗi Chúa Giêsu phải kêu lên “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con!!”...

Trong cơn đại dịch với bao đau khổ, chết chóc, nỗi kinh hoàng, nhìn lên Thánh Giá Chúa chúng ta nhận được nhiều ÁNH SÁNG mà khi ấm no khỏe mạnh an bình ta không thấy được. Chỉ xin nêu vài tia sáng trong vô vàn tia sáng ấy.

Ý thức thân phận thụ tạo mỏng dòn

Vài thập niên gần đây, các phát hiện mới của khoa học đặt vấn nạn cho chính các xác tín khoa học. Cách nay không lâu, con người tưởng như khoa học đang thế chỗ Thiên Chúa để tác động trên tất cả vạn vật và mở ra viễn ảnh sáng chói của quyền năng trí tuệ con người. Và giờ đây, toàn thế giới lao đao trước thảm họa đại dịch COVID-19, ngay cả hai cường quốc nhất thế giới, Trung quốc và Hoa Kỳ, và các nước giàu có châu Âu đều rơi vào khủng hoảng. Chúng ta lại một lần nữa, nhận ra rằng con người chỉ là thụ tạo mong manh, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Chủ tể muôn loài. Một loại virus nhỏ bé lại có “công phu tuyệt đỉnh” đảo lộn cuộc sống của cả thế giới. Còn biết bao sức mạnh khác của muôn loài trong vũ trụ. SARS-CoV-2 này nhắc con người khiêm tốn hơn, biết vị trí thật sự của con người trong vũ trụ.

Tìm lại điều chính yếu của đời người: trở về với Thiên Chúa

Mạng sống con người có thể bị hủy hoại trong phút chốc. Chúng ta cảm nghiệm sự ngắn ngủi của cuộc sống và điều quan trọng nhất chúng ta cần phải làm: trở về với Thiên Chúa.

Thánh giá là con đường tất yếu con người phải đi để được cứu độ

Giữa đại dịch, nhiều lúc chúng ta thấy cô đơn bất lực, thất vọng tưởng chừng như Thiên Chúa bỏ rơi chúng ta rồi. Như chúng ta, Thầy Giêsu Chí Thánh cũng phải trải qua giây phút hoảng sợ “Lạy Cha, nếu có thể xin cất chén đắng này khỏi con”… Nhưng rồi sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha giúp Ngài bình tâm vâng phục “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng xin vâng theo Ý Cha”. Thiên Chúa toàn năng toàn tri đã chọn con đường thánh giá để cứu độ nhân loại. Vậy chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu Kitô trên thánh giá, xác tín thánh giá là con đường tất yếu mỗi người phải đi để được cứu độ.

Trên đây là vài tia sáng thiêng liêng, dưới đây là vài tia sáng về mặt xã hội

Thúc đẩy sự hợp tác liên ngành: Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng phức tạp, đa diện và biến chuyển của tình thế buộc phương pháp làm việc phải đa ngành. Một tình huống mới xảy ra cần phải được xem xét bởi các chuyên viên nhiều ngành khác nhau: nhà toán học dựng mô hình biến hóa, nhà xã hội học dự đoán tác động của cơn dịch lên dân chúng, các nhà dịch tễ học và nhà môi trường sinh thái phối hợp điều nghiên nguồn gốc virus gây bệnh, nhà nghiên cứu ráo riết chế xuất vaccine, thuốc điều trị, các bác sĩ học hỏi và rút kinh nghiệm tìm hướng điều trị thích hợp, chính quyền tìm phương thế giải quyết, xử lý thách đố, khó khăn của dân chúng... Cuộc vượt thắng đại dịch cần sự hợp lực của đa ngành trên mọi lãnh vực.[2]

Thúc đẩy sự tự học, tự lập, cùng sáng tạo: Lịch sử nhân loại đang bước vào một chu trình luôn biến động: dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên và môi trường, chiến tranh… sẽ gây ra bất ổn và bất an nên các công dân tương lai phải được đào tạo để thích ứng với hoàn cảnh. Như vậy, tự học và tự lập thời Phan Châu Trinh là để “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân sinh” và giải phóng dân tộc. Thời nay, tự học và tự lập là để sinh tồn trong một nền văn minh vật chất - công nghệ vũ bão, để đối mặt và chiến đấu với dịch bệnh và những cơn giận dữ của thiên nhiên trong các thập niên tới.[3]

Thúc đẩy tình yêu quê hương: Qua công cuộc chống dịch, có lẽ mỗi người dân Việt thấy gắn bó sâu sắc và yêu quê hương hơn. Đây là cơ hội nhắc nhở người dân Việt, cách riêng người trẻ Công giáo, cần yêu Giáo Hội, yêu Chúa cụ thể qua những đóng góp xây dựng mảnh đất quê hương hình chữ S còn bao thách đố khó khăn, nhất là dân Miền Trung vừa qua các đợt bão lũ lịch sử.

Bảo vệ môi trường sinh thái

Ngay từ đầu, các nhà khoa học cũng dồn sức vào nghiên cứu về loài virus corona chủng mới gây dịch bệnh COVID-19. Các giả thuyết ban đầu cho rằng virus bắt nguồn từ loài dơi dẫn đến những câu hỏi quan trọng về cách mà loài virus này lây sang con người. Tại sao virus mới lại lây lan cho cả thế giới loài người từ một loài động vật vốn dĩ không gần gũi với con người?

Các nhà khoa học tin rằng cách đối xử của con người với môi trường sống tự nhiên, cùng việc số lượng lớn người di chuyển nhanh trên Trái đất đã cho phép những virus tiềm tàng trong tự nhiên “nhảy loài” (“nhảy loài” là từ để chỉ virus từ loài này lan sang một loài khác, ví dụ từ lợn sang người, từ chuột sang người, hoặc từ dơi sang người...) và lây lan nhanh chóng.

Theo giáo sư Andrew Cickyham và Kate Jones, có hai bài học thực tiễn cho nhân loại. Đó là, dơi không phải là “tội phạm” khi bệnh dịch xảy ra và con người phải nhìn lại cách chúng ta đối xử với môi trường. COVID-19 là bằng chứng rõ ràng, rằng thiệt hại môi trường cũng có thể giết chết con người nhanh chóng. Và những dịch bệnh như COVID-19 có thể xuất hiện nhiều hơn, tồn tại và tiến hóa cùng với tiến trình phát triển của lịch sử loài người. Chúng có thể nguy hại và ngày càng khó kiểm soát hơn nếu con người không thay đổi hành vi của mình.[4]

Con người đang gánh hậu quả khi biến một khu rừng thành trang trại nông nghiệp, các trạm thủy điện mà không cần hiểu tác động của khí hậu, tăng lượng khí carbon, nguy cơ lũ lụt, sạt lở, phát sinh dịch bệnh. Việc thay đổi cách đối xử với môi trường sẽ đơn giản và rẻ hơn so với việc đổ hàng tỉ đô la để tìm ra loại vaccine cho mỗi loại virus mới.[5] Chúng ta không thể và không được phép quay lại mô hình sản xuất và tiêu dùng tận diệt như trước, không được phép coi thường trái đất đã duy trì sự sống này, không được phép quay lại vòng xoáy hoảng loạn, những nền chính trị gây chia rẽ đã thúc đẩy đại dịch này.[6] Thiên nhiên cũng bày tỏ sự giận dữ đối với con người qua khủng hoảng môi sinh trầm trọng. Chúng ta được nhắc nhở cần phải tôn trọng vũ trụ theo ý định của Thiên Chúa Tạo Thành, và sử dụng vạn vật với lương tâm ngay chính và tinh thần trách nhiệm.

HY VỌNG VÀ SỰ PHỤC SINH

Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá dành cho người tử tù. Không có cái chết cô đơn tủi nhục này của Con Thiên Chúa thì cũng chẳng có ơn cứu độ. Không có thánh giá thì cũng chẳng có phục sinh. Thánh giá mà thánh Phêrô và chính chúng ta sợ hãi không muốn, lại là nơi Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh cao nhất của Tình Yêu. Ngang qua thánh giá, Tình Yêu đã thắng sự ác, sự sống thắng sự chết, ánh sáng thắng bóng tối, tha thứ thắng hận thù ghét ghen. Chúa Cha không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thánh giá, nhưng đưa Ngài vinh hiển ra khỏi nấm mồ quạnh hiu. Đau khổ và cái chết trở thành thánh giá cứu độ đem lại sự sống đời đời. Thánh giá đồng hành với người Kitô hữu suốt cuộc lữ hành trần thế: “Ai muốn theo Tôi hãy vác thánh giá mình mà theo Tôi”. Như vậy Thánh giá là con đường DUY NHẤT đem lại niềm HY VỌNG VÀ SỰ PHỤC SINH. “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống lại với Người”.

“Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện”, (Rm 12,12)

Đức Hy vọng không ảo tưởng mong chờ thiên đàng trần thế và loại trừ mọi khổ đau khỏi cuộc sống thế gian, nhưng là thái độ bình tâm đón nhận thử thách và đau khổ trần thế nhờ đức tin dựa vào chính Thiên Chúa, cắm rễ nơi Đức Giêsu Kitô (Dt 6,19-20), và vững mạnh nhờ Thánh Thần.

Đức Hy Vọng hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê trời, cho nên “bảo vệ chúng ta khỏi sự nản chí, nâng đỡ khi bị bỏ rơi, mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu, gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỷ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo s. 1818).

“Mùa tai họa trở thành mùa hồng ân”

Ngạn ngữ có câu: với người lạc quan, mọi thử thách sẽ biến thành cơ hội. Thật vậy, “Chúa có thể vẽ thẳng trên những đường cong”. Bill Gates cũng theo hướng tích cực khi suy tư về COVID-19: “Khi nhiều người coi virus Corona/Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích xem nó như là một sửa chữa tuyệt vời… Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng đây có thể là một kết thúc hoặc một khởi đầu mới. Đây có thể là thời gian cho suy ngẫm và hiểu biết, nơi chúng ta học hỏi từ những sai lầm của mình, hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ nữa tiếp tục cho đến khi cuối cùng chúng ta học được bài học mà chúng ta phải học.”[7]

Vậy, một cách thực tế và hiện sinh, chúng ta không thể tránh, và cũng đừng sợ hãi tránh né thánh giá (mà có tránh cũng đâu thoát, và nếu có thoát được thánh giá này, coi chừng phải vác thánh giá khác nặng nề to lớn hơn!). Ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta nhớ đến Bảy Sự Thương Khó của Đức Mẹ, Mẹ đã thông phần sự đau khổ với Chúa Con, Mẹ đã kếp hiệp nỗi thống khổ của mình vào sự thương khó của Chúa con, để cộng tác với Người trong công cuộc cứu độ nhân loại. Nhờ đó nay Mẹ đang hưởng phúc vinh quang trên Trời.

Vậy chúng ta đừng than trách Chúa khi gặp đau thương khốn khó, mà hãy cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá, TẠ ƠN TRONG MỌI HOÀN CẢNH. Hãy kết hiệp thánh giá đời tôi với hy lễ Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta sẽ thấy thánh giá nhẹ hơn và sinh hoa thơm trái ngọt. Như thế, dù giữa gian nan thử thách, chúng ta sẽ có được niềm vui và bình an thật sự của Chúa, niềm vui và bình an mà thế gian này không cho chúng ta được. Hãy hôn kính Thánh Giá của mình, của quê hương, của Giáo Hội, trong cơn đại dịch khốn khó này. Đau khổ là một mầu nhiệm, chúng ta chẳng bao giờ hiểu hết được mầu nhiệm. Ước mong chúng ta thấy được ý nghĩa của thánh giá riêng của mỗi người nhờ tin tưởng hy vọng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu, để cùng nhau vượt qua đại dịch, cùng nhau kiến tạo đời sống “bình thường mới” thấm đậm tình yêu huynh đệ đại đồng trong một môi trường sinh thái và nhân bản cải thiện hơn, với ánh mắt vui và hy vọng luôn hướng về Trời cao, nơi Thiên Chúa Tình Yêu đang chờ đón chúng ta để ban cho ta hạnh phúc vĩnh cửu.[8]


[1] Tuổi trẻ online, “Từ 14h ngày 1-6: Trực tuyến với y bác sĩ từ 'tâm dịch COVID-19' Bắc Giang”, <https://tuoitre.vn/tu-14h-ngay-1-6-truc-tuyen-voi-y-bac-si-tu-tam-dich-covid-19-bac-giang-0210531142653658.htm>, (31/5/ 2021).

[2] Nguyễn Vĩnh Nguyên, “Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương: Đại dịch thúc đẩy sự tự học và tự lập”, <https://tuoitre.vn/nha-nghien-cuu-nguyen-thuy-phuong-dai-dich-thuc-day-su-tu-hoc-va-tu-lap-202107251002113.htm>, (25/07/2021).

[3] “Nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương: Đại dịch thúc đẩy sự tự học và tự lập”.

[4] Ka Ka (theo CNN), “COVID-19 làm đảo lộn thế giới: lỗi của loài dơi hay loài người?”, <https://tuoitre.vn/covid-19-lam-dao-lon-the-gioi-loi-cua-loai-doi-hay-loai-nguoi-20200321091423695.htm> .

[5] Ka Ka “COVID-19 làm đảo lộn thế giới: lỗi của loài dơi hay loài người?”.

[6] Hồng Hạnh (Theo AP), “Tổng giám đốc WHO: Thế giới có thể bắt đầu mơ đại dịch kết thúc”, <https://vnexpress.net/tong-giam-doc-who-the-gioi-co-the-bat-dau-mo-dai-dich-ket-thuc-4201784.html> , (5/12/2020).

[7] “Bill Gates says coronavirus reminds us we are all equal in powerful open letter”.

[8] X. Nguyễn Cao Siêu, S.J. “Phải được giương cao” (14.9.2021 – Lễ suy tôn Thánh giá), <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/phai-duoc-giuong-cao-14-9-2020-thu-hai-tuan-24-tn-le-suy-ton-thanh-gia--40554>.
 
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU BUDAPEST VÀ SLOVAKIA #17

Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ tại Đền thánh Quốc gia Šaštin
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 15.9.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 15.9.2021
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU BUDAPEST VÀ SLOVAKIA #16

Đức Thánh Cha gặp cộng đồng người Rom tại Košice