Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

CÁM ƠN CHỊ - NGƯỜI TÌNH NGUYỆN VIÊN TIỀN BỐI

CÁM ƠN CHỊ - NGƯỜI TÌNH NGUYỆN VIÊN TIỀN BỐI

TGPSG -- Tôi phải từ biệt Chị - người tình nguyện viên tiền bối và cũng là “thiên thần” của tôi...

Mới đó mà đã hai tuần trôi qua kể từ ngày chúng tôi lên đường ra tuyến đầu, dốc toàn tâm toàn lực để phục vụ bệnh nhân Covid, tại bệnh viện Ung Bướu – Cơ sở 2, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian thấm thoát thoi đưa …

Thế là đã đến ngày chúng tôi từ biệt quý Cha, quý Thầy, quý Sơ đã hoàn thành thời gian phục vụ để quay trở về với cộng đoàn. Điều đó cũng có nghĩa là tôi phải từ biệt Chị - người tình nguyện viên tiền bối và cũng là “thiên thần” của tôi.

Còn nhớ ngày hôm đó, khi chúng tôi được phân khoa bệnh, 8 “tân binh” đã được chị Trưởng điều dưỡng dẫn đến khoa. Chị hướng dẫn sơ bộ về khoa, về chu trình khép kín khi vào khu nhiễm, về phòng đệm, về trang phục bảo hộ,… chúng tôi lâng lâng để cố gắng lắng nghe – nhưng lâu lâu vẫn chưa hiểu hết. Hôm sau, cùng vài thành viên mới, tôi vào ca. Quy trình mặc đồ bảo hộ y tế quả là một thách đố lớn. Dù đã xem video clip nhiều lần, lại được hướng dẫn người thật vật thật, nhưng hoang mang vẫn còn hoang mang, loay hoay vẫn hoàn loay hoay…

Lúc đó, Chị xuất hiện. Chị vào ca làm hôm ấy. Chị là một nữ tu đã tham gia thiện nguyện gần hai tháng. Chị đồng hành cùng chúng tôi. Nhẹ nhàng, từng bước Chị hướng dẫn chúng tôi những vật dụng của một bộ bảo hộ y tế, cách mặc theo trình tự, và cả những thủ thuật để giữ cho bộ đồ này được an toàn trong suốt quá trình chúng tôi làm việc, chăm sóc bệnh nhân.

Vào khu bệnh, Chị quan tâm thăm hỏi bệnh nhân, hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc bệnh nhân như chăm sóc chính Chúa, như chăm sóc người thân. Việc thường ngày là thay tã, đổ bô, lâu lâu giúp bệnh nhân tắm khô, gội đầu,…

Khi xong ca làm, chúng tôi vào phòng đệm để cởi bỏ trang phục bảo hộ. Loay hoay, hoang mang, vật vã, … Chị đứng nhìn và hé cửa tư vấn khi chúng tôi quên bước nào đó. Thậm chí khi một “tân binh” dán băng keo quấn quá chặt, không thể nào cởi bỏ, chị đã lao vào hỗ trợ, bất chấp nguy cơ tiềm ẩn về việc lây nhiễm… Sau đó, Chị rút kinh nghiệm để giúp chúng tôi được tự tin và an toàn hơn.

Dần dần, chúng tôi đã nắm bắt tốt công việc, cũng như tự tin hơn với việc mặc và tháo bỏ bộ đồ bảo hộ. Lâu lâu, chị em ngồi nhắc lại kỷ niệm thuở ban đầu ngây ngô với những tiếng cười vui không dứt.

Cám ơn Chị - người tình nguyện viên tiền bối – đã truyền lửa nhiệt tâm, nhiệt tình cho tôi, để tôi thêm yêu bệnh nhân, để tôi thêm mến bệnh viện và những con người đang chiến đấu nơi tuyến đầu, vì một ngày mai tươi sáng.

Y NGUYÊN, FMA 
(WGPSG)

CHUNG CƯ F0

CHUNG CƯ F0

TGPSG -- Chung cư này sang trọng, chưa bàn giao cho ai hết, nhưng vì sao có đèn sáng cả đêm?...

Bà bước ra ban-công và hỏi:

Sao cứ đến khuya, ông lại ra ban-công nhìn về phía chung cư vậy? Rồi lại lầm bầm nói chuyện với ai thế?

Bà bực bội lắm, vì từ khi giãn cách do dịch Covid đến giờ, đêm nào ông cũng thức khuya như vậy.

Ông cười buồn bã:

Bà biết chung cư này sang trọng, chưa bàn giao cho ai hết, nhưng vì sao có đèn sáng cả đêm không?

Bệnh nhân F0 đấy!

Đêm nào đèn sáng là căn hộ đó có F0 vào điều trị.

Đêm nào, cũng phòng đó mà tắt đèn, sáng ra có xe đậu ở sảnh, thì F0 ở đó qua đời!

Sáng ra, bà nhìn xuống trước sảnh chung cư và thấy có xe chờ sẵn. Những người trong bộ áo đồng phục y tế màu xanh, màu trắng, trùm kín như áo đi mưa, khiêng cái bọc ni-lông dài một cách kính cẩn và lặng lẽ…

Bà âm thầm quẹt nước mắt! Bà hiểu rằng, hằng đêm, ông vẫn đọc kinh cầu nguyện cho những người đang ở chung cư đó...

Kể từ hôm đó, đêm nào bà cũng ra ban-công theo ông. Bà làm dấu thánh giá, hướng mắt nhìn về phía chung cư và lầm bầm đọc theo:

Kính mừng Maria đầy ơn phúc…!

Hữu Sang (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 25 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Sáu, ngày 24.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 24.9.2021


Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 25 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Sáu, ngày 24.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỪ KHU CÁCH LY: ĐI ĐỂ TRỞ VỀ…

TỪ KHU CÁCH LY: ĐI ĐỂ TRỞ VỀ…

TGPSG -- Phải chăng chính Ngài muốn tôi thể hiện sự tin tưởng, phó thác trọn vẹn nơi Ngài…

Ngồi bên cửa sổ trong căn phòng nhỏ trên lầu nghỉ dưỡng của khu cách ly, tôi nhìn thấy Sài Gòn hôm nay thật yên tĩnh, không còn cảnh xe cộ tấp nập, không còn cảnh người người vội vã đi học, đi làm...


 Sài gòn ốm thật rồi, và tôi cũng ốm. Tôi đã đón nhận một kì nghỉ dưỡng cách miễn cưỡng. Tôi không muốn mình chỉ được đi đi lại lại quanh căn phòng nhỏ bé này, để chỉ có thể nhìn mọi người phục vụ mà tôi lại không thể. Tôi muốn mình mau khỏi bệnh để cũng được góp một chút sức lực nhỏ bé vào chương trình chống dịch mà mọi người đang rất hăng say.

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết mà! Tôi cũng tự nguyện đăng kí và hăng hái lên đường đi thiện nguyện với mong ước có thể đem lại niềm vui cho những bệnh nhân F0 đang cô đơn nơi các bệnh viện dã chiến. Dấn thân chưa được bao lâu thì tôi cũng trở thành người mang bệnh. Tôi không còn được ở đây thực hiện nguyện ước của mình.

Tôi biết mình phải đi cách ly, phải xa chị em, xa bạn bè mới quen trong chiến dịch. Cảm giác cô đơn vây bủa tâm hồn tôi. Bình tĩnh lại, tôi tự hỏi lòng mình, phải chăng chính Chúa muốn tôi nghỉ ngơi, phải chăng chính Ngài muốn tôi thể hiện sự tin tưởng, phó thác trọn vẹn nơi Ngài, Đấng tôi nguyện theo Ngài suốt cả cuộc đời.

Ở khu cách ly, một ngày cũng chỉ có 24 tiếng, nhưng tôi thấy dài hơn nhiều so với khi tôi còn khỏe mạnh. Nằm nghỉ, nhiều suy nghĩ miên man chợt ập đến trong tôi khiến tôi không thể nào chợp mắt khép mi. Cảm giác nhớ gia đình, nhớ cộng đoàn mới da diết làm sao. Chưa bao giờ tôi nhớ đến thế. Nhớ hình ảnh cha mẹ chăm nom, nhớ những kỉ niệm vui buồn với chị em khi cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thử thách, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời dâng hiến. Những kỉ niệm ùa về khiến hai hàng nước mắt khẽ lăn nhẹ trên gò má, kèm theo một chút cô đơn, một chút buồn.

Có trở thành F0, tôi mới thấu hiểu nỗi nhớ, nỗi cô đơn, nỗi sợ không tên của bệnh nhân là thế nào. Nhớ gia gia đình, nhớ những đứa con thơ chưa một ngày được chăm sóc bế bồng, lo lắng cha mẹ già không ai nâng đỡ ủi an. Khao khát lớn nhất của bệnh nhân giờ đây chỉ là muốn khỏe lại để được trở về đoàn tụ với gia đình mà thôi. Một cô bệnh nhân gọi điện thoại cho chồng: “Anh ơi, đăng kí cho con học gần nhà nha, em bị bệnh mới thấy gia đình đoàn tụ là quý giá biết bao!” Có lẽ do phải lo chạy vạy cơm áo gạo tiền nên đã quên thưởng thức hạnh phúc đoàn tụ gia đình rất thiêng liêng, thứ hạnh phúc mà có tiền cũng không mua được.

Các F0 trong khu cách ly theo nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng dường như ai cũng sống tròn đầy điều răn yêu thương, bởi họ cảm thông với nhau khi cùng chung một cảnh ngộ. Thời gian này, tôi thấy nhiều cô, nhiều chị giáo dân nghe suy niệm Lời Chúa và tham dự thánh lễ online nhiều hơn. Những anh chị ngoài công giáo thì nghe những bài dạy triết lý về cuộc sống, thật tuyệt vời.

Đi cách ly, mọi người mới có cơ hội trao gửi cho nhau những lời yêu thương mà trước đây cứ nghĩ là bình thường. Những số điện thoại nằm im thật lâu trong danh bạ nay được vang lên những hồi chuông báo hiệu và đầu dây bên kia bắt máy. Hai bên nói chuyện thật lâu về gia đình, về cuộc sống. Trước đây, thời gian vẫn thế, nhưng dường như vẫn là không đủ cho bao nhiêu công việc; ở khu cách ly, cũng có bằng ấy thời giờ, nhưng lại có thể làm được nhiều việc mà trước đây mọi người chưa từng làm được.

Nhìn những tình nguyện viên mang đến cho chúng tôi từng chai nước, từng hộp cơm, thăm hỏi và ân cần giúp đỡ bệnh nhân, tôi nhớ tới hình ảnh của chính mình khi xưa. Các y bác sĩ quá nhiều công việc, họ bận rộn và vội vã trong những bước chân. Các tình nguyện viên lúc này như những người phía sau để giúp cho các y bác sĩ trong việc quan tâm tới nhu cầu của bệnh nhân. Họ thật dũng cảm trong cuộc chiến sinh tử này. Hình ảnh của Chúa đã được lan tỏa xa hơn nữa nơi các tu sĩ thiện nguyện của tuyến đầu chống dịch. Họ như hiện thân của lòng thương xót, được Chúa đánh động tâm hồn và gửi đến nơi đây để làm công việc trao ban tình yêu của Ngài như chính tôi đã từng làm. Giây phút lên đường đi thiện nguyện, chị em chúng tôi đã cùng hát “Bước theo Thầy đừng sợ, đừng sợ!” Chính tình yêu đã giúp chúng tôi vượt qua rào cản của sợ hãi để sẵn sàng rời bỏ nơi an toàn, đến với nơi đầy gian nguy mà không chùn bước vì chúng tôi luôn có Chúa đồng hành.

Những ngày sống ở khu cách ly cho tôi thật nhiều trải nghiệm. Tôi chợt nhớ một bài hát được giới trẻ ưa thích – đó là ca khúc: “Đi thật xa để trở về”. Đúng vậy, thời gian nghỉ ngơi này là một cuộc trở về của chính tôi với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Trở về tận cõi lòng thâm sâu của mình để tạ ơn Chúa vì Ngài đã thương tôi đến giây phút này, trong khi bao người đã phải lìa xa những người thân yêu của họ mãi mãi. Trở về với tha nhân để thấy tôi không thể sống một mình mà tôi sống bằng tình thương mà mọi người dành cho tôi. Trở về với lòng mình để biết mình còn nhiều yếu đuối, lỗi lầm để sửa đổi và canh tân.

Cho đi chưa bao giờ là quá muộn. Nhiệt huyết và lòng hăng say phục vụ của chị em chúng tôi chưa bao giờ cạn kiệt. Từ đầu mùa dịch, chị em trong Tu viện Thánh Mẫu đã hằng ngày nấu ba bữa cơm cho các y bác sĩ, cho các chú bộ đội đang ngày đêm chống dịch nơi tuyến đầu, chia sẻ những bịch rau tươi xanh với giá 0 đồng cho những người bị cách ly, vô gia cư nghèo khổ, những gói thuốc miễn phí cũng được trao tặng tới cho nhiều người F0 thân quen.

Tất cả mọi thành viên trong tu viện, ai cũng muốn giúp đỡ và chia sẻ cho các bệnh nhân đang mắc bệnh, nên đã không từ nan bất cứ việc gì. Có những chuyến xe chở hàng về trong đêm, không chút mệt mỏi, chị em chúng tôi chia sẻ và phụ giúp nhau di chuyển xuống hết từng món hàng, nụ cười tươi luôn nở trên môi để làm động lực cho mỗi chị em cùng cố gắng. Nhìn niềm vui của bà con khi nhận những thực phẩm tiếp tế, chúng tôi cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực vì đã kịp thời giúp đỡ bà con trong hoàn cảnh khó khăn này.

Sắp hết những ngày cách ly với cộng đoàn, tôi trở về để lại cùng với chị em thực hiện những mơ ước đang dang dở của mình tại hậu phương. Những hy sinh của chị em chúng tôi tuy nhỏ bé nhưng lại đang rất cần vào thời điểm này.

Từng bị bệnh và từng được chữa lành bằng tình yêu thương của Chúa, của chị em và của mọi người, tôi rất khao khát sự chữa lành đó cũng đến với các bệnh nhân để mọi người cũng được trở về đoàn tụ với gia đình trong yêu thương.

Chúa đã yêu tôi theo cách của Ngài và Ngài dùng những người Ngài muốn để dạy tôi bài học yêu thương. Giờ đây Ngài cũng muốn tôi trở thành khí cụ để trao ban tình yêu của Ngài ở nơi hậu phương này.

Biến cố đến một cách bất ngờ nhưng lại trở thành món quà hồng ân mà Chúa đã ban và thử thách đức tin của tôi trong thời gian qua. Tạ ơn Chúa và cảm ơn chị em đã cho con có cơ hội ra đi và được trở về.

Maria Minh Thùy (TGPSG)
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 23.9.2021

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 23.9.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 25 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. Thánh Piô Pietrelcina, linh mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Năm, ngày 23.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VUI TẾT TRUNG THU BÊN GIA ĐÌNH THỜI COVID

VUI TẾT TRUNG THU BÊN GIA ĐÌNH THỜI COVID

TGPSG -- Hy vọng vào Tết Trung Thu năm sau 2022, các bé sẽ lại được gặp nhau trong Thánh lễ và cùng nhau rước đèn, xem múa lân thật vui tươi dưới ánh trăng rằm sáng tỏ...

Tết Trung Thu năm nay, dù trong đại dịch, tôi vẫn may mắn được sống thật đầm ấm bên gia đình thân yêu. Bản thân tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì hôm nay 21/09/2021 lúc 17g30 tôi và gia đình quây quần bên nhau tham dự Thánh lễ trực tuyến mừng kính Thánh Mátthêu - Bổn mạng của Liên nhóm Mục vụ Truyền thông Sài - An - Chiếu, đồng thời trong Thánh lễ cũng hiệp ý cầu nguyện cho các em thiếu nhi nhân ngày Tết Trung Thu.

Đúng 17g30, cả gia đình có ba má, tôi và cháu tôi cùng nhau sốt sắng tham dự Thánh lễ do Linh mục (Lm) Tổng đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân chủ tế tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn.

Khởi đầu bài giảng, ngài nhắc lại Bài đọc 1 của Thánh Phaolô Tông đồ nói về lời kêu gọi “Hiệp nhất” trong Giáo hội Công giáo. Tiếp đến, ngài nói về Thánh Mátthêu. Tên “Mátthêu” có nghĩa là “Hồng ân của Thiên Chúa”. Khi Chúa gọi Mátthêu, ông đã bỏ hết mọi sự mà theo Ngài. Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi’. Chúa tỏ lòng thương xót với hết mọi người, Ngài là vị lương y tinh thần của nhân loại, là vị mục tử chăm sóc con chiên đau yếu và bị thương. Mừng kính thánh Mát-thêu, xin Chúa cho chúng ta có được lòng bao dung như Chúa.”

Chia sẻ về Tết Trung Thu, cha nói: “Trong cơn đại dịch này, biết bao em bị mất cả cha lẫn mẹ, các em sẽ bị thiếu thốn tình thương, gặp nhiều khó khăn sau này. Ngoài việc kêu gọi cầu nguyện cho các em, cha nhắn gửi thêm: “Chúng ta cần chung tay giúp đỡ cách thiết thực để nuôi nấng các em nên người trưởng thành tốt lành.”

Kết thúc bài giảng, cha báo một tin buồn, đó là Lm. Gioan Baotixita Etcharren - Nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris - mới qua đời lúc 9g15 sáng nay tại Đại chủng viện Huế. Ngài là vị đại ân nhân của Giáo hội Việt Nam. Cha mời cộng đoàn cầu nguyện nhiều cho ngài.

Trong Thánh lễ hôm nay, tôi cầu nguyện cho Mục vụ Truyền Thông của Liên hạt Sài - An - Chiếu luôn được Thánh Bổn mạng đồng hành và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, soi sáng để các thành viên cố gắng chu toàn sứ mạng truyền thông mà Chúa trao phó.

Và tôi cũng cầu nguyện thật nhiều cho các em thiếu nhi, dù trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ cố gắng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa để vượt qua khó khăn và nhận được sự giúp đỡ của những vòng tay yêu thương khác.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g20. Gia đình tôi chuẩn bị ăn cơm tối. Bữa cơm tối thật giản dị với thịt heo chiên, rau luộc và dưa leo, nhưng món nào tôi ăn cũng thấy ngon, chắc tại tôi dễ nuôi quá…

Sau bữa cơm tối vui vẻ, cả nhà ra phòng khách bắt đầu phá cỗ trung thu. Tôi còn nhớ Tết Trung Thu năm ngoái, tôi và má dẫn cháu lên nhà thờ tham dự Thánh lễ, rước đèn trung thu với các bạn thiếu nhi rất vui và hào hứng, có múa lân rất sôi động, rồi có rút thăm trúng quà nữa. Nhưng năm nay thế giới đang trong thời gian dịch bệnh hoành hành; cách riêng Sài Gòn đang bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, nên tất cả sinh hoạt đều quy tụ lại trong bầu khí gia đình. Năm nay, ba mẹ của cháu tôi cũng đang bận công việc ở nước ngoài nên không về được với cháu.

Tuy đang trong thời gian giãn cách do dịch bệnh nhưng gia đình tôi vẫn có quà là hộp bánh trung thu thật đẹp và ấm áp tình người. Quả là niềm vui lớn!

Má tôi pha trà xanh, tôi phụ trách cắt bánh trung thu. Mở hộp bánh ra mà nghe mùi thơm phưng phức của bánh nướng, có nhiều vị như: gà quay thập cẩm, sen sữa, sen nhãn… Vị nào tôi cũng thích cả! Tôi cắt bánh vị sen sữa và gà quay thập cẩm, rồi mời ba má thưởng thức bánh. Thấy tôi cắt bánh, cháu tôi thốt lên “Con thích ăn bánh trung thu này”. Tôi rất vui và liền lấy bánh mời cháu ăn. Cả nhà vừa uống trà, vừa ăn bánh vừa nghe nhạc rộn ràng “tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh, em rước đèn mừng đón chị Hằng….”.

Trong khi cả nhà trò chuyện thì tôi lấy lồng đèn ra và đốt nến cho cháu tôi rước đèn vòng vòng trong nhà cho vui. Chiếc lồng đèn với nhiều ngôi sao được thắp sáng lung linh, thật là đẹp! Cháu tôi vừa rước đèn vừa ngân nga theo điệu nhạc, nhìn dễ thương lắm!

Nhìn cháu tôi vui đùa mà ai cũng chợt nhớ về thời thơ ấu của mỗi người. Riêng tôi nhớ lại khi tôi còn nhỏ, ba tôi ngồi cặm cụi làm chiếc đèn lồng bằng ống lon cho hai chị em chơi trung thu. Hai chị em rất thích chiếc lồng đèn này vì nó rất sáng và khi kéo chiếc đèn trên mặt đất thì nó kêu lách cách và quay vòng vòng làm ánh sáng tỏa lan khắp. Ký ức tuổi thơ trong tôi lại ùa về!

Sau đó, cả nhà cùng nhau chụp lại những tấm hình lưu niệm nữa! Một Tết trung thu thật đáng nhớ!

Gia đình tôi xin cảm tạ Chúa rất nhiều vì Chúa đã cho gia đình tôi được sum vầy vui Tết Trung Thu bên nhau thật ấm cúng trong hoàn cảnh rất đặc biệt này. Tôi sẽ nhớ mãi những giây phút tuyệt vời này.

Tôi thầm cầu xin Thiên Chúa là Tình Yêu sẽ thương xót và chữa lành bệnh tật cho con người trên thế giới này. Xin cho chúng con biết thinh lặng hồi tâm suy nghĩ Chúa muốn nói điều gì với mỗi người chúng ta qua cơn dịch bệnh này, để khi dịch bệnh chấm dứt, thầm ước con người sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, tốt lành hơn trong suy nghĩ và hành động.

Hy vọng vào Tết Trung Thu năm sau 2022, các bé sẽ lại được gặp nhau trong Thánh lễ và cùng nhau rước đèn, xem múa lân thật vui tươi dưới ánh trăng rằm sáng tỏ...

Băng Trinh (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 23.9.2021