Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

COVID: CHUYỆN VUI, CHUYỆN BUỒN…

COVID: CHUYỆN VUI, CHUYỆN BUỒN…

TGPSG
-- Thật sự lúc ấy tôi chẳng biết nói gì, cổ họng tôi cũng nghẹn cứng, lòng tôi cũng trĩu nặng. Hai dòng nước mắt tôi cũng tuôn ra, tôi đau đáu trong lòng… Một cảm giác thật khó tả…


“Niềm vui chia sẻ niềm vui lớn
Nỗi buồn chia sẻ nỗi buồn vơi”


Nói đến chuyện vui, chuyện buồn thì ai cũng có. Trong đợt tham gia Tình Nguyện Viên (TNV), vẫn còn đó trong trái tim tôi, trong ký ức của mỗi người những niềm vui, nỗi buồn. Tôi luôn hoài tưởng lại để nhớ về những kỷ niệm đó.

Niềm vui: vui lắm, nhớ hoài

Bắt đầu ngày đi làm, ca trực của các nhóm là ca tối. Có lẽ các TNV rất hồi hộp có xen chút ít lắng lo của buổi đầu tiên nên lịch đưa ra là 19g tối xe sẽ đón, thế mà mới 18g30 đã có các TNV hớt ha hớt hãi chạy xuống sảnh vì bị sợ “xe bỏ”… Nhìn xuống chân, có người đi phải dép “anh”, dép “em” mà không hay biết, có người mang vội dép đi trong phòng khách sạn… Một Thầy phát ngôn: “Hỡi ơi, nào xe đã chạy đâu mà sao các anh các chị hối xuống nhanh thế, làm em quên cả phụ tùng…” một trận cười giòn tan trong khi chờ nhau đông đủ để lên xe đi làm…

Ngày hôm sau nhóm khác, lần đầu lên khoa nhận kíp, có Thầy không biết duyên cớ vì sao, “theo ai” mà lại vào cầu thang nhiễm trong khi trên người không áo bảo hộ, chỉ có chiếc balô của TNV khoác trên vai và chiếc khẩu trang N95 trên mặt… Thế là đành chia tay nhóm 3 ngày để đi cách ly…

Còn cái vui của tôi mới là lạ:

Tôi đang lau hè bỗng nghe tiếng gọi:

- Con ơi … con ơi!

Nhìn vào phòng, tôi thấy một cánh tay đang vẫy gọi. Tôi liền gác công việc và chạy đến:

- Dạ.

Một cô đưa cho tôi cái ly nói:

- Lấy cho mẹ ít nước nóng để mẹ uống thuốc nha, bác sĩ bảo uống nước âm dương rất tốt.

Tiếng ‘mẹ’, nghe rất thân thương khiến tôi ấm lòng, sung sướng làm sao:

- Dạ, để con lấy cho.

Tình mẹ - con được gắn chặt bởi ‘ly nước’:

- Nước nóng của “mẹ” đây!

Cô cầm ly nước và nắm lấy tay tôi xoa xoa vuốt vuốt. Tuy tay được bọc bởi 3-4 lớp bao tay nhưng tôi vẫn cảm nhận được tình yêu thương của người mẹ.

- Thương con quá đi thôi, hy sinh vào đây để chăm sóc các bệnh nhân, bỏ chồng con ở nhà… Thương quá, thương quá đi!

Nghe thấy “chồng con” tôi bật tỉnh và cười trong sự bối rối:

- Dạ không. Con không “chống lầy” mà cũng không có con…

Tôi vừa buồn cười vừa lúng túng không biết giải thích làm sao cho “mẹ” hiểu. May quá, có bác bên cạnh “đỡ” giùm:

- Cô ơi, đây là Sơ, các TNV ở đây là các sơ, các cha, các thầy đi tu, ở nhà thờ, không có lấy chồng - lấy vợ…

Lúc đó tôi chỉ biết gật, gật để hưởng ứng lời nói của bác là đúng.

“Mẹ” liền nói:

- Vậy à, cứ tưởng...

Cả phòng cười vui, tôi chào bác và “mẹ” để tiếp tục công việc…

Các cha, các Thầy cũng chia sẻ niềm vui:

Một cha nói: ‘Sau đợt đi TNV này, tôi sẽ lên tay nghề và có thể mở được nhiều tiệm như: tiệm spa gồm có gội đầu, sấy tóc; tiệm cắt tóc cả nam lẫn nữ theo nhu cầu rồi tiệm nail nữa chứ… mà không cần bằng cấp hay cấp bằng cho tôi đâu.

Có thầy chia sẻ: “Còn em, hôm bữa mới vào ca trực, em bị một chị điều dưỡng lôi đi nhanh lắm, em không hiểu chuyện gì! Ai ngờ chị kéo em đến bên một bệnh nhân hỏi: ‘Bác sĩ ơi, nếu chỉ số và nhịp tim của bệnh nhân này như vầy thì sao hả bác sĩ, có thêm thuốc không bác sĩ?’ Em ngơ người ra một chút rồi nói với chị: ‘Dạ, em là TNV chứ không phải bác sĩ…’. Chị điều dưỡng nhìn em, vỗ vào vai em cái ‘chát’ và nói: ‘Trời!!! sao không nói sớm…’ Thì ra, vội quá, em quên ghi tên sau lưng. Hai chị em có một trận cười vui vẻ… thế là… “trước lạ sau quen”.

Sáng kiến của TNV

Tôi thấy có một sơ rất sáng kiến: với chiếc áo bảo hộ thụng thình có hai cái túi hai bên. Thường thì chúng tôi bỏ điện thoại vào đó nhưng sơ lại bỏ đầy bánh kẹo rồi đi từng phòng đến từng bệnh nhân để phát. Sơ luôn tươi cười hỏi han bệnh nhân: “Chú thích gì? Cô ăn cái này được không? Bà uống sữa nhé, có đường hay ít đường? Dạ… dạ… chờ con một chút con sẽ quay lại ngay…” Trông sơ như chú Đôrêmon có chiếc túi thần kỳ vậy.

Có thầy có những ‘sáng kiến’ không ai ngờ như: dám hy sinh sức khỏe, thời gian để đi đến với bệnh nhân như: một Thầy đã xin làm từ hai, ba ca một ngày không nghỉ để kiêm thêm các việc như: mát xa, cắt tóc, làm vệ sinh, bôi thuốc cho bệnh nhân bị lở loét…

Còn, còn rất nhiều chuyện vui không thể nào kể xiết… Nó vẫn còn đó trong tâm trí mỗi TNV những kỷ niệm khó phai, những dấu ấn khó quên…

Nỗi buồn khó phai

Vui có thì chắc hẳn buồn cũng có. Nhắc lại để nhớ đến, thương đến và cầu nguyện:

Có Thầy chia sẻ “Sơ ơi buồn lắm, sao phận người mỏng manh quá! Có lần con đút cháo cho bác kia, bác ăn hết luôn. Rồi con qua bên kia phụ phát cơm. Đi một vòng, khi con quay trở lại thì… bác đã được các anh chị đang lo hậu sự rồi… Con bị ám ảnh mấy ngày luôn”

Và tôi, tôi chứng kiến một đôi vợ chồng đều bị nhiễm. Cô được khỏi bệnh, bác sĩ cho xuất viện. Nhưng thương chú nên xin ở lại chăm sóc. Mỗi lần vào ca, tôi và một sơ nữa hay đến thăm động viên:

- Cố lên chú nhé, cô đang chờ chú cùng xuất viện đấy…

Rồi một lần tôi vào thăm, thấy tôi, cô nói: 

- Sơ ơi, hai bữa nay chú chẳng chịu ăn gì cả, ép mãi mới uống được một chút sữa, rồi lại bỏ.

Tôi động viên:

- Dạ. Vậy cô chịu khó cho chú uống nhiều lần nhé. Con có mang nước yến và sữa Ensuer đây, cô cho chú uống thêm để có sức.

Cô cầm lấy và cảm ơn tôi. Ca chiều ngày hôm sau, tôi cũng đến thăm cô chú như mọi lần. Bước vào căn phòng, tôi có cảm giác buồn hơn, vắng hơn. Thấy tôi đến, cô ôm lấy tôi trong tiếng khóc than:

- Con ơi, … chú đi rồi … chú đi rồi…

Lúc đó, tiếng gọi không phải là “sơ” mà là “con”. Tiếng gọi như báo tin cho người thân trong gia đình biết là chú đã mất. Lúc đó tôi nghẹn lời chỉ biết đáp lại bằng cái ôm cô thật chặt và cánh tay tôi chỉ biết xoa xoa vỗ vỗ vào lưng cô để an ủi, để tỏ lòng cảm thông. Thật sự lúc ấy tôi chẳng biết nói gì, cổ họng tôi cũng nghẹn cứng, lòng tôi cũng trĩu nặng. Hai dòng nước mắt tôi cũng tuôn ra, tôi đau đáu trong lòng… Một cảm giác thật khó tả… Thương lắm, thương lắm lắm!

Đây là lần đầu tiên tôi cảm nghiệm và chứng kiến được nỗi đau mất người thân ra đi trong cô quạnh và đau xót. Tôi vội trấn an và yên ủi cô:

- Cô ơi, chúng ta dâng chú cho Lòng Thương Xót Chúa cô nhé. Con tin Chúa đưa chú về nơi hạnh phúc hơn, sẽ không đau đớn nữa. Con hứa sẽ cầu nguyện cho chú. Còn bây giờ con giúp cô dọn đồ để tí nữa xuất viện nha!

Cái đau, cái mất mát ấy có lẽ để lại trong tâm trí tôi hoài hoài và tôi nhớ mãi mãi trong lời cầu nguyện.

Nhắc đến chuyện vui để niềm vui kéo dài, nhắc đến chuyện buồn để cảm thông, để cầu nguyện. Ước chi những kỉ niệm ấy giúp cho mỗi TNV có cái gì đó còn đọng lại trong tâm như một “dấu ấn” sẽ luôn không bao giờ xóa nhòa bởi sự cho đi vô vị lợi của những con người sống cho nhau vì nhau.

Nt Têrêsa Maria Nguyễn Thành CMR (TGPSG)
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 04.12.2021
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

LỜI & ĐẤT HỨA: QUMRAN - CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 1-6)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM C (Lc 3, 1-6 )


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 04.12.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: ĐÓN 5 TU SĨ VÀ ĐƯA 35 TU SĨ LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ TẠI BỆNH VIỆN ĐIỀU TRỊ COVID 16 VÀ QUẬN TÂN BÌNH

ĐÓN 5 TU SĨ VÀ ĐƯA 35 TU SĨ 
LÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ TẠI BỆNH VIỆN 
ĐIỀU TRỊ COVID 16 VÀ QUẬN TÂN BÌNH

TGPSG -- Vào ngày 29-11-2021, Văn phòng tu sĩ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã gửi thư mời gọi các linh mục tu sĩ - trong các Hội Dòng, Tu Hội, Tu đoàn, Hiệp Hội - dấn thân vào sứ vụ bác ái yêu thương, qua việc phục vụ các bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị Covid.

Lời mời gọi lần này nhằm đáp ứng nhu cầu của một số bệnh viện cần các tu sĩ giúp các bệnh nhân về chăm sóc và tâm lý. Ban lãnh đạo các bệnh viện sẽ trao đổi trực tiếp với Văn phòng Tu sĩ TGP Sài Gòn về thời gian và việc làm tại các bệnh viện, và việc phục vụ sẽ được thực hiện cách uyển chuyển, tùy theo nhu cầu, thỏa thuận giữa bệnh viện với các tu sĩ thiện nguyện. Văn phòng Tu sĩ giáo phận sẽ nỗ lực hết sức để giúp cho việc phục vụ được tiến hành tốt đẹp.

Đáp ứng lời mời gọi này, vào ngày 3 và ngày 6-12-2021, 36 tu sĩ tình nguyện viên đã và sẽ lên đường đến 2 bệnh viện:

Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ đến điểm tập trung
tiễn nhóm tu sĩ đi phục vụ tại
Bệnh viện Dã chiến số 16

- Phục vụ tại Bệnh viện điều trị Covid 16: có 19 nữ tu, gồm 10 nữ tu Dòng Đaminh Gò Vấp và 9 nữ tu Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn.

- Phục vụ tại Bệnh viện Điều trị Covid Quận Tân Bình: có 16 tu sĩ, gồm 8 nữ tu thuộc Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn, 1 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa, 3 nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, 3 thầy Thánh Tâm Betharram, và 1 phó tế dòng Thừa Sai Thánh Tâm.

Sáng ngày 3-12-2021, đại diện tòa Giám mục, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã:

- Đến điểm tập trung để tiễn nhóm tu sĩ đi phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 16, đồng thời đón 5 tu sĩ hoàn thành 2 tháng phục vụ thiện nguyện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19;

- Đến thăm Bệnh viện Dã chiến Điều trị COVID-19 đa tầng quận Tân Bình, điện thoại hỏi thăm đại diện nhóm tu sĩ đang làm thủ tục hành chánh để xét nghiệm COVID và tập huấn y tế.

Nữ tu Công Giáo và tu sĩ Phật Giáo lưu luyến
chia tay tại Khách sạn Minh Tâm sau 2 tháng
phục vụ Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid 19
tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu quận 9

Linh mục Giuse chia sẻ:

"Nhìn anh chị em tu sĩ Phật giáo và Công giáo bịn rịn chia tay nhau sau thời gian phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức, tôi rất vui và hạnh phúc. Tình yêu của những thiện nguyện viên phục vụ nơi lằn ranh sinh tử đã cuốn hút họ dấn thân vượt qua rào cản của khác biệt tôn giáo để “trở nên” một phần khổ đau của những người bệnh, gánh vác một phần gian khó và đau bệnh của thành phố này trong tháng ngày vừa qua."

19 nữ tu đã đến phục vụ
tại Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16

Khi tiễn những tu sĩ lên xe, bắt đầu hành trình phục vụ thiện nguyện, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã nhắc lại lời 'hiệu triệu' của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng: "Đây là việc tốt, cần làm, và nên làm để chia sẻ với những ai đang rất cần." Vì thế, Lm. Giuse đã 'năn nỉ' các nữ tu "nếu có thể ở lại lâu hơn để hiện diện và phục vụ thì đừng ngần ngại, nếu còn người cần thì chúng ta đừng chần chừ, cố gắng hết lòng nhé!"

Các TNV được lấy mẫu dịch tỵ hầu để xét nghiệm Sars-Cov-2 bằng phương pháp RT-PCR. Khi có kết quả âm tính, các TNV mới vào làm việc. 
 
 
Sơn Nữ SPC - Ảnh: TNV (TGPSG)
 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 1 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Bảy, ngày 04.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

Ý NGHĨA MÙA VỌNG TRONG ĐẠI DỊCH

Ý NGHĨA MÙA VỌNG TRONG ĐẠI DỊCH

Trong suốt Mùa Vọng, dường như tinh thần hân hoan chờ đợi của thánh Gioan Tiền Hô đang mời gọi chúng ta trước biến cố Chúa Giáng Sinh hơn bao giờ hết. Thách đố của thời buổi này là các hàng quán trưng bày đủ loại mặt hàng giáng sinh, và nó khiến mùa Giáng sinh nghiêng về chiều kích kinh tế hơn là những giá trị Tin Mừng. Nhưng năm nay thật khác. Đại dịch Covid-19, đặc biệt là việc giãn cách và tuân thủ 5K, đang khiến chúng ta phải cân nhắc và nhận ra những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống của mình. Đối với rất nhiều người, đó là sự trân trọng và khao khát được nối kết với nhau.

Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp Laudato Si’, trong đó đặc biệt tập trung vào các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Bức thông điệp đặt ra những câu hỏi cần thiết và đề nghị các giải pháp tiềm năng cho các vấn đề toàn cầu, cũng giống như các cuộc bàn luận xoay quanh tương lai của một trái đất đang nóng lên từng ngày.

Năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành thông điệp Fratelli Tutti, một thông điệp tập trung vào tầm quan trọng của tình huynh đệ và bằng hữu của con người. Với khả năng bị xa cách và chia ly bắt nguồn từ đại dịch, thông điệp này một lần nữa mời gọi chúng ta đi vào tương quan nhiệm màu ấy.

Đức Phanxicô bày tỏ mong muốn của mình đối với sự kết nối mới của gia đình nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch hiện nay. Ngài mời gọi chúng ta “…hãy ước mơ như một nhân loại duy nhất, như những người du hành cùng chia sẻ một thân xác con người, như những đứa con của cùng một đất mẹ, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người với sự phong phú của niềm tin và những xác tín của mình, mỗi người với cung giọng riêng của mình, tất cả đều là anh em.” (số 8 Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội)

Tình liên đới ấy đã thể hiện rất rõ nét trong thời gian đại dịch vừa qua. Khi Sài Gòn gặp nạn, cả nước rộng tay giúp đỡ, cứu trợ. Khi Sài gòn lâm nguy, các linh mục, tu sĩ đã tình nguyện xung phong ra tuyến đầu chống dịch… Đối diện với đại dịch, dường như Thiên Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta chung tay vào lợi ích chung và quan tâm đặc biệt đến những người ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn khủng hoảng này. Có lẽ trong những khó khăn, đặc biệt trước sự ra đi của bao cuộc đời, chúng ta được nhắc nhớ về sự thánh thiêng của mỗi con người của từng nhân vị.

Đối với Đức Phanxicô, một trong những niềm vui lớn của cuộc sống là đối thoại: cơ hội trò chuyện với những người thân yêu cũng như những kẻ xa lạ. Cơ hội khám phá, thấu hiểu và trân quý các quan điểm khác nhau sẽ làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta và mang đến cơ hội phát triển và giúp đỡ tha nhân. Dưới ánh sáng này, Đức Thánh Cha đang mời gọi chúng ta suy ngẫm về nhu cầu cơ bản nhất của con người: nối kết.

Thiên Chúa đã nhận ra tầm quan trọng của sự kết nối giữa con người với nhau đến nỗi Người đã bước vào thế giới với tư cách là một người trong số chúng ta. Từ khi sinh ra cho đến lúc phục sinh, mọi người đã được thu hút bởi quyền uy, tình yêu và ân sủng của Người nơi Đức Giêsu. Cho dù đó là cuộc hành trình của Ba Vua tới Bê-lem, tiệc cưới tại Cana, hay đám đông ở Ga-li-lê nghe Bài giảng trên núi, sứ mạng trần thế Chúa Giêsu luôn gia tăng nhờ kinh nghiệm được chia sẻ của những ai quy tụ quanh Người. Với cùng một thần khí, ta tiếp tục quy tụ vào mỗi dịp Giáng sinh để đợi chờ và kỷ niệm sự ra đời của Đấng Cứu Độ.

Mặc dù nhiều người trong chúng ta đang trải qua những cơn đau nặng nề, những cuộc giãn cách với người thân và cộng đoàn họ đạo, chúng ta vẫn được mời gọi giữ vững niềm an ủi đợi chờ Chúa đến dù chúng ta đang ở bất cứ nơi nào.

Dù chúng ta đang tham dự Thánh Lễ trong nhà thờ hay trực tuyến qua màn hình, Mùa Vọng vẫn là một thời khắc độc nhất của việc cử hành mang tính toàn cầu và sự chờ đợi sâu xa. Thời gian đại dịch này buộc chúng ta phải ngẫm suy về những khía cạnh cao quý giá nhất của cuộc đời và các mối tương quan trong cuộc sống. Chúng ta hãy biến dịp đặc biệt này thành cơ hội để nhắc nhở bản thân về chân lý đức tin cơ bản này: Đức Giêsu đã bước vào thế giới của chúng ta để Người chiến thắng sự chết.

Mùa Vọng này, chúng ta cùng nài xin Chúa giúp chúng ta nhận ra mối liên kết thiêng liêng sâu xa và tình huynh đệ mà chúng ta đang chia sẻ với anh chị em trên khắp thế giới, đặc biệt là người nghèo, người già và các bệnh nhân Covid.

Lạy Chúa, chẳng có chi chắc chắn đối với chúng con bây giờ cả ngoại trừ tình yêu của Người dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết trân quý món quà đặc biệt được ban tặng cho nhân loại và cho từng người chúng con trong ngày Giáng sinh. Xin Chúa hãy đến và ở cùng chúng con. Amen

Lyeur Nguyễn theo devp.org
Nguồn: dongten.net (28.11.2021)
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 03.12.2021


Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 02.12.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ SÁU TUẦN 1 MÙA VỌNG 2021. THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Sáu, ngày 03.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

6 LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU MÙA VỌNG BẰNG VIỆC XƯNG TỘI CHO NÊN

Hình một cha giải tội

6 LÝ DO ĐỂ BẮT ĐẦU MÙA VỌNG 
BẰNG VIỆC XƯNG TỘI CHO NÊN

Tác giả: Lm. Patrick Briscoe, OP

WHĐ (02.12.2021) - Thực sự không có lý do gì để không bắt đầu Mùa Vọng bằng việc xưng tội cho nên!

1. NĂM MỚI, KHỞI ĐẦU MỚI

Mùa Vọng mở ra năm phụng vụ của Giáo hội. Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng khởi động một chu kỳ, khởi đầu một năm mới. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết, “Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, Giáo hội bắt đầu Năm Phụng vụ mới, một hành trình đức tin mới, một mặt để kỷ niệm biến cố Giáng sinh của Đức Giêsu Kitô, mặt khác, mở ra cho sự hoàn tất viên mãn của Người.”

Mỗi lần xưng tội đều là một khởi đầu tươi mới, và là một khởi điểm mới. Như tiên tri Isaiah đã nói, "Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết."

Khi xưng tội, Đức Kitô xóa sạch tội lỗi của chúng ta, mở ra cánh cửa cho chúng ta bước vào cuộc sống mới với Ngài.

2. DỌN MÌNH

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Để dọn mình đón Chúa ngự đến, trước hết và trên hết cần có thái độ cầu nguyện tin tưởng mãnh liệt. Dành chỗ cho Thiên Chúa trong tâm hồn, đòi hỏi chúng ta một sự cam kết nghiêm túc để được biến đổi nhờ tình yêu Chúa. "

Bí tích thống hối là một lời cầu nguyện thật cao cả, và là một lời cầu nguyện đầy uy quyền giúp xua đuổi tội lỗi. Chỉ khi loại bỏ bóng tối của sự dữ, chúng ta mới có thể dâng trọn tâm hồn mình cho ánh sáng và tình yêu của Đức Kitô.

3. SUY NGẪM VỀ NGÀY SAU HẾT

Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Trong Mùa Vọng, chúng ta không chỉ sống trong sự chờ đợi Lễ Giáng Sinh; mà chúng ta còn được mời gọi để khơi dậy niềm trông đợi về ngày trở lại vinh quang của Chúa Kitô, khi Người tái lâm vào ngày sau hết, và dọn mình sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng với Người bằng những chọn lựa dứt khoát và can đảm. Chúng ta mong chờ lễ Giáng sinh, chúng ta trông đợi ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Kitô, và cả cuộc gặp gỡ cá nhân của mỗi người: ngày mà Chúa sẽ gọi chúng ta về với Người. ”

Đối với các Kitô hữu, nghĩ về ngày Chúa Giê-su “ngự đến” có một ý nghĩa kép, một viễn cảnh kép. Chúng ta nhớ về biến cố Đức Kitô đến lần thứ nhất tại Bêlem. Đồng thời, chúng ta cũng nghĩ đến ngày Người “sẽ trở lại trong vinh quang” như trong Kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn tuyên xưng.

Xưng tội giúp chúng ta sẵn sàng để gặp gỡ Đức Kitô, Đấng sẽ trở lại với tư cách là thẩm phán của chúng ta. Liệu chúng ta có sẵn sàng đứng trước mặt Chúa Giê-su và kể lại cuộc đời mình không?

4. SÁM HỐI

Đối với nhiều người Công giáo, xưng tội là một thực hành thống hối thuần khiết. Ở nhiều nơi, thật khó để tìm được những cha giải tội. Xưng tội đòi hỏi một sự tự vấn lương tâm , một cái nhìn trung thực vào những góc tối của tâm hồn. Cha giải tội có thể không đưa ra những lời khuyên hữu ích, hoặc tệ hơn, ngài có thể hời hợt hoặc bỏ qua.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Thiên Chúa vẫn hoạt động qua Bí tích này. Trong Mùa Vọng, tất cả những khía cạnh của việc xưng tội đều có thể được dâng lên Thiên Chúa như một hành động tỏ lòng sám hối. Điều này phù hợp với đặc tính của Mùa Vọng!

5. HÀNH TRÌNH ĐẾN BÊLEM

Làm cách nào để chúng ta cùng Chúa Giêsu và Mẹ Maria một lần nữa tới gần máng cỏ? Cách quan trọng nhất là noi theo sự kết hiệp mật thiết của các ngài với Thiên Chúa Cha.

Khi xưng tội, Thiên Chúa kéo chúng ta lại thật gần Ngài, tuôn đổ trào tràn tình yêu thương xót của Người trên từng người chúng ta. Khi xưng thú tội lỗi, chúng ta được đến gần Chúa, thậm chí có thể nói, như thể chúng ta đang đứng giữa Thánh Gia tại Bêlem!

6. ĐỪNG CHỜ ĐỢI!

Xưng tội vào những phút cuối của Mùa Vọng cũng khó nhọc như việc mua sắm vào cuối dịp Giáng sinh. Lý do tốt nhất để bắt đầu Mùa Vọng bằng việc xưng tội là bạn sẽ không phải tranh dành trong thời khắc hối hả điên cuồng trước Giáng sinh !!! Bạn cũng có thể tránh những hàng dài chờ xưng tội bằng cách dành thời gian để xưng tội ngay hôm nay!

Ngọc Tỷ chuyển ngữ từ aleteia.org (28.11.2021)
(WHĐ)