Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

HÔM NAY BỎ PHIẾU LẦN THỨ NHẤT

Một nghi thức phụng vụ
Rome, 12.3.2013 (Le Monde vu de Rome)

Hôm nay ngày 12 tháng 3, 2013, có lần bỏ phiếu đầu tiên để bầu tân giáo hoàng. Nhưng từ ngữ bầu cử không được hiểu nhầm: không có vận động tranh cử, không có ứng viên chính thức, không có sự cạnh tranh của các “chánh đảng”.

Mật nghị tuân theo một nghi thức chính xác - l’Ordo Rituum conclavis (2000) – đây là một tụ họp có tính cách phụng vụ: việc bầu người kế vị Thánh Phêrô được ghi chép trong kinh nguyện chính thức của Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, phải tự hỏi, ai sẽ là vị giáo hoàng được hồng y đoàn lựa chọn và bao giờ mới xong?

Sự đòi hỏi, được bầy tỏ bởi các hồng y đã theo dõi từ xa vụ tiết lộ “vatileaks”, hay việc yêu cầu ngân hàng Vatican phải tuân hành các tiêu chuẩn của các ngân hàng Âu Châu, và các biện pháp phòng ngừa và chế tài do Đức Benedict XVI ban hành để chống các vụ lạm dụng trẻ em, khiến cho “hơn bao giờ hết” những vụ khủng hoảng như vậy đòi hỏi phải có những cải tổ cần thiết trong guồng máy giáo triều để đáp ứng sứ vụ của Thánh Phêrô là một sứ mệnh của đức tin, hiệp thông, bác ái và rao truyền Phúc Âm.

Thánh Phêrô và cả Thánh Phaolô, hai thánh bổn mạng của Giáo Hội sẽ được các hồng y chiêm niệm chiều nay vào lúc 16 giờ 30, trong nhà nguyện Thánh Phaolô trước khi tiến về nhà nguyện Sistine để bầu cử. “Khốn cho tôi nếu tôi không loan truyền Phúc Âm.”: lời kêu than của Phaolô đã được xướng lên trong các cuộc tranh luận trong 10 buổi họp khoáng đại tiền mật nghị.

Tại Rôma, giới truyền thông đã nêu lên dư luận của một “nhóm” người Ý quyết định khả dĩ phải có một giáo hoàng Ý hay ít ra một Tổng Trưởng Ngoại Giao người Ý. Đây là một dư luận hết sức có tính cách “chính trị”. Sự phản đối của hồng y Angelo Scola khi ngài từ chối các đề nghị là phải có những sự “thoả thuận”, cho thấy là dư luận này không phải là vô căn cứ.

Con số các hồng y Ý lên tới 49 trên 209 trong hồng y đoàn và 28 trên 115 vị cử tri tham dự mật nghị. Trong số này, hai nhân vật chính trong thời gian trống tòa là: hồng y trưởng đoàn do các hồng y bầu lên, là hồng y Sodano, Bộ trưởng Ngoại Giao của Đức Gioan Phaolô II, ngài là người tuyên bố những lời cuối cùng trước mật nghị, và trong bài giảng Thánh Lễ sáng nay tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô về việc “bầu Giáo Hoàng Rôma”: xót thương và bác ái, hiệp nhất trong sự đa dạng của các ân sủng. Nhưng ngài lại không được bỏ phiếu.

Và vị Nhiếp Chính, bộ trưởng bộ ngoại giao và người thân tín của Đức Benedict XVI, hồng y Tarcisio Bertone, Dòng Salésien và là người rất tỉ mỉ về tâm linh và lịch sử, người của “Fatima” vì chính ngài đã được hồng y Ratzinger đề cử đi gặp Sơ Lucia trước khi có sự tiết lộ “bí mật thứ ba”. Ngài là một cử tri. Nhưng còn có vị chủ tịch Mật Nghị: hồng y Giovanni Battista Re, Bộ Trưởng Danh Dự của Thánh Bộ các Giám Mục.

Các đường lối làm việc và văn hóa khác nhau đã tỏ hiện trong những ngày đầu họp khoáng đại. Chẳng hạn: việc truyền thông hàng ngày của các hồng y Hoa Kỳ (11 cử tri), bên ngoài các thông tin chính thức của trưởng đoàn hồng y, ngoài ra còn có sự việc giới truyền thông Ý đã tiết lộ những chi tiết bí mật trong các cuộc tranh luận. Các hồng y Hoa kỳ đã ngưng các cuộc họp báo vào ngày thứ ba. Nhưng có lẽ quá trễ, vì họ đã khiến cho những người lo sợ sẽ có một giáo hoàng người Mỹ - và không thể thánh thiện lắm – để tránh một sự diễn giải có tính cách “điạ dư và chính trị” có ảnh hưởng không tốt đối với các kitô hữu tại các quốc gia trong đó họ chỉ là các nhóm thiểu số.

Các hồng y Pháp hay Đức dường như xa lạ đối với văn hóa về các “thỏa thuận” tiền mật nghị. Và sự liên đới được thực hiện hàng ngày và lâu dài với thế giới Nam Bán Cầu và với các kitrô hữu tại Trung Đông – chắc chắn sẽ có ảnh hưởng quan trọng trong mật nghị được diễn ra dưới họa phẩm Ngày Cánh Chung của Michel-Ange.

Có nhiều tên được nêu lên, không kể các hồng y nổi tiếng của Hoa Kỳ và Ý, không kể các hồng y Pháp, có hồng y Brézil Odilo Scherer và Joao Braz de Aviz; Christoph Schönborn (Áo); Péter Erdö (Hung gia lợi); Albert Malcolm Ranjith (Sri Lanka); Luis Antonio Tagle, (Phi Lật Tân); và Marc Ouellet (Gia Nã Đại).

Nếu lạc quan, tân giáo hoàng có thể được bầu ngày thứ bẩy là trễ nhất, và sớm nhất là sáng thứ tư.

Bùi Hữu Thư
(VietCatholic News)