Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

THẾ GIỚI MONG CHỜ GÌ NƠI VỊ TÂN GIÁO HOÀNG?

Hôm nay không chỉ 1 tỷ 3 người Công Giáo trên các châu lục mà cả thế giới đang hướng nhìn về Roma để nghe ngóng và theo dõi cuộc mật nghị bầu Tân Giáo Hoàng – Conclave – của các Đức Hồng Y qua trung gian của trên 5.000 ký giả đại diện báo chí khắp thế giới đang có mặt tại quãng trường Thánh Phêrô.

Vào hậu thời trung cổ cách đây khoảng 800 năm, lần đầu tiên các vị Linh Mục và các công dân thành phố Roma đã tụ họp để bầu vị Tân Giám Mục cho giáo phận Roma của họ, Đức Giáo Hoàng. Để sự bầu chọn của họ hoàn toàn được tự do và dân chủ, chứ không bị áp lực của chính quyền hay của những thế lực khác luôn tìm cách đe dọa, lôi kéo, chi phối và phá hoại, các vị Linh Mục và cộng đồng dân cư Roma đã tụ họp trong một phòng lớn và khóa trái cửa lại. Chính vì vậy, cuộc mật nghị bầu Giáo Hoàng của các Đức Hồng Y được gọi là “Conclave” – Căn phòng khóa kín.

Tuy nhiên, Conclave đầu tiên vào năm 1241 để bầu Đức Tân Giáo Hoàng vẫn không thoát khỏi áp lực của thế quyền Roma vào lúc bấy giờ. Nhà độc tài Matteo Orsini đã ra lệnh bao vây không cho mang bánh và nước uống tiếp tế cho các Đức Hồng Y, Linh Mục vào giáo dân đang tham dự cuộc bầu chọn Giáo Hoàng, vì ông muốn cuộc bầu chọn phải diễn ra thật nhanh chóng và theo cách thức ông đề nghị. Đứng trước sự đe dọa quá lớn cho mạng sống của mình, các Đức Hồng Y đã không thể làm gì khác được. Đây quả thực là một cuộc bầu chọn Tân Giáo Hoàng trong tủi nhục. Và kết quả là Đức Hồng Y Goffredo Castiglioni, một Tu Sĩ Dòng Xitô và là cháu ruột của Đức Giáo Hoàng Urban III, được bầu làm Giáo Hoàng với tước hiệu Coelestin IV. Nhưng chẳng may, sau khi lên ngôi Giáo Hoàng được 17 ngày thì Đức Coelestin IV bị bạo bệnh và bang hà.

Với truyền thống lâu đời về Conclave như vậy, hôm nay một khi 115 vị Hồng Y có quyền đầu phiếu đã chính thức tham dự vào Mật Nghị bầu Đức Tân Giáo Hoàng, thì các ngài chỉ được phép rời khỏi nơi trọ của mình là Nhà Nguyện Sixtine (nơi bầu chọn) và nhà nghỉ Santa Marta (nơi ngủ nghỉ) để tiếp xúc với thế giới bên ngoài sau khi đã bầu được Đức Tân Giáo Hoàng.

Trong các lần bầu chọn Tân Giáo Hoàng trước kia, để có được một vị Tân Giáo Hoàng hợp thời đại, người ta thường dựa theo hai tiêu chuẩn “canh tân” hay “bảo thủ” để bầu chọn. Nhưng hiện nay chắc chắn lại khác, vì thời thế và hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi.

Sau khi hai triều đại Giáo Hoàng mang hai sắc thái khá khác nhau vừa qua đi – một Giáo Hoàng nặng tinh thần mục vụ Wojtyla và một Giáo Hoàng bác học Ratzinger – có lẽ người ta đang chờ mong một vị Tân Giáo Hoàng có khả năng trỗi vượt về tổ chức và giải quyết tốt các khủng hoảng chăng? Một vị Giáo Hoàng có đủ tự tín và bản lãnh để dám đưa ra một sự canh tân đúng đắn và khẩn thiết cho bộ máy hành chánh của giáo triều Roma? v.v…

Và người ta đã nghĩ ngay tới một vài nhân vật đặc biệt trong Hồng Y Đoàn, như:

ĐHY Angelo Scola, 71 tuổi, hiện là TGM Milan, Ý. Ngài là người có tương quan thân thiết với Đức Bênêđíctô XVI. Ngài cũng là vị Hồng Y không hề quan tâm đến vấn đề quyền bính ở giáo triều. Theo dự đoán, nếu 77 phiếu, tức 2/3 trong số 115 vị Hồng Y hiện diện, là số phiếu cần thiết để được trúng cử Giáo Hoàng, thì Đức HY Scola có thể đạt được từ 35 đến 40 phiếu trong vòng đầu.

Hay các Đức Hồng Y sẽ bầu một vị trong số họ làm Tân Giáo Hoàng, là người có thể mang đến cho Giáo Hội Công Giáo một bầu không khí hoàn toàn mới lạ? Chẳng hạn một vị Giáo Hoàng xuất thân từ Phi châu hay Á châu? Nghĩa là một vị Giáo Hoàng hiểu rõ được Giáo Hội từ nền tảng của sự nghèo khổ hay của những kinh nghiệm về sự bắt bớ và đàn áp đầy đau thương. Vì theo lịch sử Giáo Hội thì từ thế kỷ IV tới nay chưa hề có một vị Kế Vị Thánh Phêrô nào xuất thân từ những Giáo Hội bị đàn áp và đau khổ cả.

Đó là lý do khiến nhiều người nghĩ tới Đức HY Luis Antonio Tagle, 55 tuổi, hiện là TGM Manila, Phi Luật Tân, mang dòng máu Trung Hoa. Cũng như ĐHY Angelo Scola, ngài có một tương quan thân thiện với Đức Bênêđíctô XVI vì đã từng cộng tác với nhau khi Đức Bênêđíctô còn phụ trách thánh bộ Giáo Lý Đức Tin. Nhiều người cho rằng nếu ĐHY Tagle làm Giáo Hoàng sẽ có một tác động đối với chế độ cộng sản Bắc Kinh, tương tự như Đức Gioan Phaolô II đối với chế độ CS Ba Lan.

Hoặc trường hợp ĐHY Gabriel Zubeir Wako, 77 tuổi, hiện là TGM Khartum, Sudan. Ngài từng bị chính quyền Hồi Giáo Sudan bỏ tù và vào năm 2010 ngài bị ám sát hụt và đã thoát chết chỉ trong gang tấc.

Còn ĐHY Oullet, 68 tuổi, người Canada, thì tuyên bố: “Thiên Chúa đã quyết định đâu vào đó cả rồi.” Ngài là một trong số ít các Hồng Y được dư luận cho là có nhiều tiềm năng nhất.

Ngoài ra, còn một số tên tuổi khác cũng đã gây được sự chú ý của dư luận, như <i>ĐHY Odilo Scherer, 63 tuổi, mang dòng máu Đức, hiện là TGM São Paulo; ĐHY John Onaiyekan, 69 tuổi, Nigeria; ĐHY Sean Patrick O´Malley, 68 tuổi, người Hoa Kỳ, tu sĩ Dòng Phanxicô hay ĐHY Albert Malcolm, hiện là TGM Colombo, Sri Lanka.
 
Lm. Nguyễn Hữu Thy
(VietCatholic News)