Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

MỘT CHÚT SUY TƯ VỀ NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA ĐỜI LINH MỤC


Chút Suy Tư Về Những Khó Khăn Của Đời Linh Mục

Mến tặng người anh em, Tân Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Thủy

Mỗi lần được tham dự Thánh lễ phong chức Linh mục, sự thánh thiện và trang trọng của các nghi thức trong Thánh lễ, của những bài Thánh nhạc ca khen Thiên chức Linh mục dễ làm chúng ta nghĩ tới hay kỳ vọng về sự hoàn hảo của cuộc đời Linh mục. Thật cao cả thay một con người bình thường, nay được Thiên Chúa nâng lên Hàng Tư Tế, một cuộc đời tươi đẹp như một nụ hồng đang hé nở trong một mảnh vườn được chăm sóc chu đáo. Thế nhưng những ấn tượng tốt đẹp ấy sẽ không bao giờ đủ nếu chúng ta không có cái nhìn cảm thông và thực tế về cuộc đời Linh mục. Nhân lễ thụ phong Linh mục của Thầy Phó tế Giuse Nguyễn Xuân Thủy ở Regina, Canada, tôi muốn dành ít thời gian để suy tư về những khó khăn hay tạm gọi là Thánh giá mà các Linh mục có thể sẽ phải đón nhận trong cuộc đời của các ngài, và qua đó tôi muốn bạn đọc có cái nhìn cảm thông hơn và tiếp tục cầu nguyện cho các ngài. Đây chỉ là những suy nghĩ của riêng tôi, một giáo dân, từ những cảm nghiệm và chứng kiến được từ cuộc đời phục vụ của các Linh mục nơi xứ người.

Hẳn chúng ta đồng ý rằng dù các Linh Mục luôn phấn đấu để không lụy vào những “Hỷ, Nộ, Ái, Ố” của kiếp người, nhưng quả thật những vui buồn sướng khổ của đời Linh Mục có khi còn thấm thía, sâu sắc và nặng nề hơn. Có thể nói Thánh giá các ngài vác có khi còn nặng ký hơn cả Thánh giá của chúng ta trong đời sống gia đình mà theo thiển ý của tôi, chúng bắt nguồn từ những lý do sau:

Thứ nhất: Chúa ban cho chúng ta những khả năng khác nhau và Chúa dùng những khả năng ấy theo cách riêng của Ngài. Thật không công bằng khi chúng ta so sánh người này với người khác, Cha này với Cha kia. Vâng, trong thực tế, giáo dân chúng ta thường hay làm như vậy. Không ít lần chúng ta nghe những lời bình phẩm: “Cha đó giảng dai, giảng dài, giảng dở…” hay: “Thôi, mình hãy xem Cha là Thánh giá của Cộng đoàn mình”. Có bao giờ chúng ta nghĩ được rằng Thánh Ý của Thiên Chúa rất diệu kỳ và Chúa dùng mỗi người tùy theo khả năng của họ? Nhìn vào mười hai Tông đồ mà Chúa đã chọn để xây dựng Giáo Hội sơ khai của Ngài. Các ngài chỉ là những con người rất bình thường, ít học thức. Họ chỉ là những ngư phủ, hay nhân viên thu thuế (mà xã hội thời đó cho là những kẻ tội lỗi), hay thậm chí còn là người từng đi truy lùng, bắt bớ những người tin theo Chúa, thế mà Chúa đã chọn các ngài làm trụ cột để xây dựng Hội Thánh. Tuyệt vời thay, với sự quy tụ và khởi đầu từ những con người bình thường đó mà Giáo hội đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một tổ chức chặt chẽ vững vàng, mà theo tôi, khó có một tổ chức nào trên thế giới có thể sánh bằng. Phải chăng thời Chúa Giêsu không có những người học thức cao hơn? Dĩ nhiên là không bởi chúng ta đã từng nghe trong Phúc âm nhắc nhiều đến giới luật sĩ, là những người có trình độ học vấn chắc hẳn là cao hơn những thợ chài lưới. Hay như câu chuyện về cuộc đời của Cha Thánh Gioan Maria Vianney. Phải chăng là ngẫu nhiên mà Chúa đã chọn ngài làm Linh mục, một người từng bị Bề trên của chủng viện nhận xét là “quá dốt” và cho rằng sẽ không bao giờ vượt qua nổi các chương trình huấn luyện để có thể trở thành Linh mục. Ấy thế mà sau này Gioan Maria Vianney lại trở thành một Linh mục giảng thuyết nổi tiếng, một Linh mục với những khả năng mục vụ đánh động lòng người và được Giáo Hội tuyên phong vào sổ bộ các Thánh, được đặt làm Bổn mạng của các Cha xứ. Qua những dẫn chứng đơn giản trên, chúng ta hiểu rằng Thánh ý Chúa rất diệu kỳ, con người sẽ không thể nào hiểu hết được và Chúa có cách riêng của Ngài khi chọn và dùng các Linh mục. Thiết nghĩ, thay vì so sánh hay phê bình khả năng của các Linh mục, chúng ta hãy suy niệm thêm về Ý Chúa và thêm lời cầu nguyện để các ngài nhận thức được những khả năng và giới hạn của mình, sẵn sàng hiến dâng và sẵn sàng sống theo Thánh ý Chúa, để các ngài có thể phát huy những ưu điểm cũng như khắc phục nhược điểm, để cánh đồng Dân Chúa luôn được sinh hoa và kết trái mỹ mãn như ý Chúa muốn. Chúng ta cũng cần cầu nguyện cho chính mình để có thể đón nhận và nếu thực sự cần thì góp ý một cách chân tình những khuyết điểm của các ngài như những người con tâm sự với người cha chứ không bình phẩm, so sánh hay phê phán để rồi mang lại những ảnh hưởng xấu cho người khác.

Thứ hai: một số người trong chúng ta thường kỳ vọng hay thần tượng hóa các Linh mục. Đành rằng các ngài, với Thiên chức mà Chúa đã trao ban phải luôn cố gắng để xứng đáng là những nhà lãnh đạo tâm linh, nhưng các ngài cũng là những con người như chúng ta, cũng phải trải nghiệm qua những “Hỷ, Nộ, Ái, Ố” và cũng là những tội nhân. Các Thánh cũng đã từng là những tội nhân. Thời trai trẻ, Thánh Augustino từng là người có lối sống trụy lạc, sa đọa nhưng rồi hoán cải và trở thành Giám mục Tiến sĩ của Hội Thánh. Chúng ta cũng thấy các Linh mục giận hờn, lớn tiếng và có khi còn nặng lời với giáo dân. Đã không ít lần chúng ta thấy hay nghe biết một số các Linh mục cũng bị ảnh hưởng, cám dỗ bở sức mạnh của đồng tiền. Đành rằng có nhiều vị sử dụng tiền bạc cho những công việc hữu ích như xây dựng Giáo xứ, phát triển Cộng đoàn, giúp đỡ người nghèo hay những công việc truyền giáo. Người ta nói tiền không mua được hạnh phúc nhưng Linh mục cũng phải ăn, phải mặc, phải có những phương tiện thì mới đi làm mục vụ cho giáo dân được. Điều quan trọng là không phải ai cũng xác định được cái ranh giới rõ ràng cái gì là cần thiết và thế nào là đủ. Cũng vậy, nhiều lần chúng ta tỏ ra thất vọng khi nghe một Cha nào đó do không “cẩn ngôn” nên vô tình trong Thánh lễ, đã nói quá nhiều những điều không nhất thiết phải nói. Gặp những tình huống ấy xin hãy thông cảm bởi tôi tin chắc rằng cho dù cẩn trọng tới đâu đi nữa, chính chúng ta cũng có lúc “lỡ lời”. Cái khó ở đây là bởi chúng ta là những người bình thường, thế nên nếu có nói một vài lời không chính xác hay thiếu tế nhị cũng sẽ không hay ít để lại ảnh hưởng xấu nơi người khác, nhưng một lời nói sai của một Linh mục sẽ ảnh hưởng rất nhiều bởi vì các ngài là người của công chúng, người lãnh đạo. Hiểu như thế thì từng cử chỉ lời nói của các Linh mục dễ thường hay bị để ý, soi mói, nhất là một khi chúng ta không còn thiện cảm với các ngài nữa. Bên cạnh những đấu tranh với những cám dỗ trên, một khi đã là con người, nhất là những Linh mục còn trẻ phải đấu tranh cả với “Tiếng Sét Ái Tình”. Có những con chiên mang “bóng dáng của một Thiên Thần” ẩn ẩn hiện hiện để rồi biến hóa thành “loài quỷ dữ sa-tăng” (Bài Đàn Bà của Nhạc Sỹ Song Ngọc) bất cứ lúc nào và đã có lần Linh mục cũng hiến dâng linh hồn trong trắng cho Thiên Thần trần thế đó. Người đời thích quyền bính danh vọng, thế nên có một số linh mục cũng không ngoài quy luật tự nhiên đó. Ngoài tinh thần phục vụ và hy sinh ra, có cha nào thích làm cha phó hơn làm cha Chánh xứ? Có cha nào thích bị “sai khiến” và phải nghe lời cha xứ mãi? Một quy luật tự nhiên là một khi chúng ta thần tượng hóa hay kỳ vọng ở ai nhiều và một khi thần tượng đó bị sụp đổ vì một lỗi lầm nào đó thì chúng ta đau khổ và thật vọng lớn hơn, thậm chí thẳng tay đay nghiến, trừng trị. Xin hãy nhớ câu: “Bảy mươi chưa gọi là lành”. Người sống đến “Thất thập cổ lai hy” vẫn còn là tội nhân, thế thì kết tội hay lên án các Linh mục cũng không phải là chuyện của chúng ta. Xin hãy để Thiên Chúa là Vị Thẩm phán Tối cao nhưng Nhân từ phán xét những lỗi lầm của người khác. Nếu chúng ta bớt thần tượng hóa các ngài và có cái nhìn thông cảm hơn, nâng đỡ hơn khi các ngài gặp phải những lỗi lầm, thì có lẽ chúng ta sẽ phần nào dễ dàng động viên các ngài “sửa sai”, giúp các ngài thức tỉnh và quay về với đường ngay nẻo chính và như thế chúng ta cũng thấy được những thiện chí mà các ngài muốn thực hiện hay tự nó cũng sẽ mang lại sự bình an trong tâm hồn của chúng ta.

Thứ ba: Giáo dân vô tình biến các Linh mục thành những “nàng dâu” trăm họ. Cha nào quá thân thiết với một số người thì bị cho là “thiên vị” hay gây chia rẽ. Sự ngộ nhận này không chỉ xuất phát từ giáo dân mà đôi khi còn xuất phát từ chính các Linh mục. Cha nào đó thân thiết quá với giáo dân của mình cũng bị cha khác cho là “lấn sân”. Còn Linh mục vì mang trong mình trọng trách “cầm cân nảy mực” nên phải quy tắc hay nghiêm khắc một chút thì bị mang tiếng là “không hòa đồng”. Chúng ta hay quên rằng các Linh mục cũng là con người, cho nên các ngài cũng có cần có bạn bè và cũng có những người hợp tính và không hợp tính với các ngài. Có mấy ai trong chúng ta cao thượng hậu đãi những người có ác cảm với chúng ta? Còn các Linh mục chỉ giữ mức độ xã giao bình thường với những người không hợp tính đã có thể bị cho là “đối xử phân biệt”. Linh mục làm sao có thể làm vừa lòng hết mọi người được. Vô tình hay hữu ý các Linh mục bị biến thành những “nàng dâu” trăm họ để rồi bị những bà mẹ chồng độc ác thẳng tay “trừng phạt” không thương tiếc. Thiết nghĩ nếu chúng ta đặt mình vào vị trí của các ngài, chúng ta sẽ dễ thông cảm hơn thay vì quá hà khắc trong suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta trong việc phán xử những mối quan hệ xã hội của các Linh mục. Nếu các Linh mục được nhiều nhóm hay nhiều người mến mộ, chúng ta nên cảm tạ Chúa thay vì chỉ trích hay lên án các ngài cố tình chia rẽ, phân biệt hay “lấn sân”.

Thứ tư: sự cô đơn ghê gớm mà các Linh Mục phải đón nhận chính là một trong những nguyên nhân của những tiêu cực đã xảy ra. Sau Thánh lễ, chúng ta còn có bữa cơm thân mật với gia đình, quy tụ Ông Bà, vợ chồng, con cháu hay với bạn bè, còn Linh mục, đặc biệt ở xứ Bắc Mỹ này thì thường hay phải lủi thủi một mình trong cô đơn với những bữa ăn qua loa đạm bạc hay là phần thức ăn được hâm nóng lại từ microwave. Sau bữa ăn gia đình chúng ta còn có người để tâm sự, còn các Linh mục nhất là những vị phải coi xứ ở vùng thôn quê, ở cái đất mênh mông “Cò bay gãy cánh” của Canada và Mỹ này, thì chẳng có ai mà chia sẻ và bầu bạn. Buồn vui chỉ biết tâm sự với Chúa, mà Chúa Nhân từ thì lúc nào cũng im lặng trên cây Thập Tự huyền bí. Tôi biết để lấp vào những khoảng trống những cô đơn ấy, một số Linh mục đã nghĩ ra những việc làm tích cực như viết, đọc sách để trau dồi thêm kiến thức mục vụ và giảng thuyết, làm việc thiện… nhưng không phải ai cũng có thể biến cô đơn thành hạnh phúc thành những việc hữu ích được. Vậy nếu chúng ta thật sự cảm nhận được những cô đơn của các Linh mục, biết nâng đỡ các ngài bằng những lời động viên chân thành, bằng những bữa ăn đơn sơ nhưng ấm cúng tình người, hay viếng thăm Giáo xứ nơi các ngài phục vụ, thì thiết nghĩ phần nào chúng ta cũng có thể an ủi động viên để các ngài có thêm nghị lực trên con đường dấn thân.

Thứ năm: các Linh mục ở hải ngoại, thường gặp rất nhiều khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa, và đời sống Đức tin. Giảng tiếng Việt đã khó, giảng bằng tiếng Anh càng khó hơn. Tư duy Thần học hay Triết học đã khó, chuyển nó sang tiếng Anh đương nhiên khó hơn. Ý tưởng có hay mà nói người ta không hiểu thì cũng làm giáo dân chán ngán hay phàn nàn. Rồi sự khác biệt về văn hóa cũng gây không ít khó khăn cho các Linh mục khi làm việc không những chỉ với người bản xứ mà chính cả người những người Việt hải ngoại. Tỉ dụ như thấy một em bé dễ thương, đưa tay lên nựng má của bé là cử chỉ trìu mến rất bình thường của văn hóa Việt Nam, nhưng ở Bắc Mỹ này thì hãy coi chừng. Các Linh mục được đào tạo cẩn thận sẽ không làm như thế với các trẻ em người bản xứ, nhưng có nên làm như thế với trẻ em của người Việt hải ngoại không? Đây là vấn đề nan giải bởi vì có ai biết được cha mẹ của các bé đã “Tây hóa” hay còn “thuần Việt”. Nếu đã “Tây hóa” thì coi chừng họ dùng luật Tây mà đối xử thì “họa vô đơn chí”. Ở đây không có ý nói văn hóa của Tây là sai, nhưng là khác với chúng ta. Để biết được điều gì người Việt “theo Tây” và điều gì không thì rất khó! Cũng vậy, đời sống Đức tin ở đây cũng khác hẳn với Việt Nam. Các cha ở Việt Nam, giảng lễ có vài trăm hay thậm chí vài ngàn người, đó là một nguồn cảm hứng tự nhiên nhưng ở hải ngoại, nhất là các cha coi xứ ở vùng thôn quê mà giáo dân đại đa số là người cao niên, nhiều lúc cha giảng cha nghe, vì ở dưới giáo dân thì chỉ có lác đác vài người mà những người cao niên thì hay buồn ngủ. Cha đang hùng hồn nhập đề trên bục giảng thì ở dưới một số vị cao niên đã “kéo đàn cò” khò khe. Giám mục ở Việt Nam xuống thăm Giáo xứ thì các cha xứ và giáo dân đã chuẩn bị vài tháng trước để đón tiếp. Còn ở hải ngoại, có lần tôi nghe kể Giám mục đi xuống các vùng thôn quê ban Bí tích Thêm Sức, lỡ đi sớm nửa tiếng đồng hồ thì phải ngồi ngoài xe chờ cha xứ đúng giờ mở cửa Nhà thờ thì mới được vào. Giám mục mà còn được đón tiếp như thế, huống chi là Linh mục. Ai không có ý chí theo Chúa thật kiên cường hẳn cũng phải có chút chạnh lòng. Nếu chúng ta cảm nhận được những khó khăn đó, hãy cố gắng thông cảm với các ngài nhiều hơn, bởi vì chính chúng ta cũng phải đương đầu với những khó khăn về ngôn ngữ, phong tục và đời sống Đức tin ở xứ người. Nếu chúng ta sẵn lòng nâng đỡ đồng hương, thì chúng ta càng nên cảm thông và nâng đỡ các Linh mục đồng hương. Hãy nguyện cầu cho chúng ta biết gìn giữ và phát huy những thuần phong mỹ tục của Việt Nam trên xứ người để đời sống Đức Tin của chúng ta luôn mạnh mẽ và có thể làm những tấm gương sáng cho người bản xứ.

Thứ sáu: nhân sinh quan hay cách nhìn về Thiên chức Linh mục ở hải ngoại khác hẳn với ở Việt Nam. Người bản xứ xem mục vụ của Linh mục như một công việc và có sự phân định rõ ràng bởi vì họ trả lương cho Linh mục. Còn ở Việt Nam, Linh mục không có lương. Một khi đã trả lương và công việc được phân định rạch ròi, thì họ cũng mong chờ những năng suất hiệu quả trong công việc. Do đó, nếu công việc không có kết quả tốt thì tự nhiên họ sẽ có những phản ứng trái ngược. Giáo dân ở Việt Nam thấy năng suất kém, thường cũng chẳng dám nói gì, nhưng giáo dân ở hải ngoại, với ảnh hưởng phần nào chủ nghĩa cá nhân và tự do ngôn luận, họ sẽ rất thẳng thắn trong lời nói mà “sự thật thì mích lòng”. Đây luôn là một trong những thách đố lớn nhất của các Linh mục Việt Nam khi làm việc ở hải ngoại. Nếu nghe những lời góp ý thẳng thắn đó mà các Linh mục phản ứng mạnh mẽ lại và nghĩ rằng giáo dân phải nghe hay tuân thủ như ở Việt Nam thì sự việc càng trở nên xấu hơn. Sự ngộ nhận về quyền bính cũng có thể đưa các Linh mục tới những khó khăn khác trong khi làm việc với các giáo xứ người bản xứ hay cộng đoàn Việt Nam ở hải ngoại.

Cuối cùng một nan giải nữa là ở Việt Nam, các Linh mục thường có kiến thức cao hơn giáo dân, nhất là ở những vùng nông thôn. Linh mục không chỉ là vị lãnh đạo tinh thần mà còn là một “cố vấn”. Giáo dân ở Việt Nam, cần lời khuyên hay kế hoạch trong công việc, quan hệ xã hội hay đời sống gia đình, họ thường chạy tới các Linh mục để được hướng dẫn hay khuyên giải. Nhưng ở hải ngoại, giáo dân có học vị cao, hiểu biết và kinh nghiệm nhiều là chuyện không hiếm. Thế nên các Linh mục khi giảng lễ đã phải luôn rất cẩn thận. Theo tôi, để bài giảng có sức thu hút, nếu bài giảng chỉ có chiều sâu về Thần học mà thôi thì vẫn chưa đủ mà phải có chiều cao về kiến thức và chiều rộng với đời sống thực tế, chứ giảng chuyện quá mênh mông, giáo dân cũng ngán mà khi đã ngán họ sẽ bỏ hoặc đi lễ nhà thờ khác. Quan trọng hơn cả là phải hiểu rằng bài giảng là sự chia sẻ để rồi người giáo dân mang về những bài học quý giá để sống đạo tốt hơn, chứ không phải dạy họ. Rất nhiều người trong họ có đủ kiến thức để nhận định và tự học hỏi chứ không phải được “dạy dỗ”. Đôi khi máu “hùng biện” nổi lên, có một số Cha khi giảng đã chú tâm quá nhiều đến yếu tố “dạy dỗ” thay vì chia sẻ và liên hệ Lời Chúa với thực tế đời thường để rồi qua đó giáo dân có thể áp dụng để sống tốt hơn cả đời và đạo. Vậy hãy cầu nguyện cùng Chúa Thánh Thần để Chúa ban cho các ngài biết nhận ra những gì thật sự hữu ích cho giáo dân trong các bài giảng để lời Chúa biến Đức Tin của giáo dân thành hành động bởi vì “Đức Tin không hành động là Đức Tin chết” như lời Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói.

Xin chia sẻ một đôi chút tâm tình suy tư về cuộc đời phục vụ của các Linh mục. Những tâm tình ấy ít nhiều đã khiến tâm hồn tôi lắng đọng và kiểm điểm lại chính mình trong suy nghĩ, hành động và lời nói cũng như có cái nhìn thực tế hơn, cởi mở hơn và quan trọng nhất là cảm thông được những khó khăn, những Thánh giá mà các Linh mục phải vác trên con đường theo Chúa. Ước mong rằng khi chia sẻ những suy nghĩ và những tâm tình này, bạn đọc cũng dành vài phút suy nghĩ về đời Linh mục và qua đó bạn cũng sẽ cảm thông, nâng đỡ và tiếp tục cầu nguyện cho các ngài để các ngài luôn nhận ra cuộc đời Linh mục là nguồn hạnh phúc vô biên là nguồn ân sủng tuyệt vời. Năm 2009 là năm dành riêng để Giáo Hội cầu nguyện cho các Linh mục, nhưng nếu được, chúng ta hãy có những lời cầu nguyện chân thành cho các ngài trong các buổi kinh tối gia đình. Vui mừng thay khi thấy người anh em được Chúa nâng lên Hàng Tư Tế. Nguyện xin Thiên Chúa tiếp tục đồng hành và ban cho Tân Linh mục nhiều ân sủng để ngài sẵn sàng đón nhận những Thánh Giá và vượt thắng mọi khó khăn trong tương lai và trở thành một Mục Tử đắc lực, ưu tú trên con đường phục vụ tha nhân và làm rạng danh Thiên Chúa.

Canada Mùa Đông 2014
Người Giáo dân Phaolô T.P.
(VietCatholic News)