Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

THÁNH ANTÔN PAĐÔVA

Thánh Antôn Pađua, Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
(1195–1231)

* Chào đời khoảng cuối thế kỷ 12, tại Lít-bon, Bồ-đào-Nha, nhập hội kinh sĩ thánh Augustinô, nhưng sau khi làm linh mục được ít lâu, thánh Antôn hâm mộ lý tưởng sống Tin Mừng của thánh Phanxicô. Người đã đến Át-xi-di, sống bên cạnh thánh Phanxicô (năm 1221). Với tài năng giảng thuyết ngoại thường, người được phái qua Pháp là nơi các giáo thuyết của phái Ca-tha đang hoành hành. Người lập một tu viện ở Bơ-ri-vơ La Gai-ác. Thánh nhân là người đầu tiên trong dòng dạy thần học cho anh em. Người qua đời tại Pađôva sau khi giảng tĩnh tâm mùa Chay tại đó (năm 1231).

Thánh Antôn Pađua
 
Trong chuyến hành hương Châu Âu, tôi đến Padova bên Ý, thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Antôn, chiêm ngắm thánh tích “Lưỡi Thánh Antôn”, được hiểu biết thêm vị thánh có tài hùng biện và làm nhiều phép lạ.

Antôn Pađua sinh năm 1195 tại Lisbonne, thủ đô nước Bồ Ðào Nha, trong một gia đình quyền quý và đạo đức. Vốn được giáo dục theo tinh thần Phúc Âm nên ngài sớm ý thức được việc dâng mình cho Chúa.
 
Ðầu tiên, ngài nhập dòng thánh Augustinô và được chịu chức linh mục tại đó. Cảm thấy lý tưởng sống khiêm tốn và khắc kỷ hợp với mình hơn và nhất là ngài ao ước được truyền giáo cho dân ngoại và được tử đạo, nên ngài xin gia nhập dòng Phanxicô năm 1220. Tại đây, ngài được Bề Trên sai đi truyền giáo cho dân Sarrasins ở Phi Châu, thể theo ý nguyện của ngài.
 
Nhưng ý Chúa quan phòng lại định liệu cách khác. Vừa tới Phi Châu, ngài ngã bệnh nặng và phải trở về điều trị. Trên đường về quê, tàu ngài bị bão thổi dạt vào đảo Sicile thuộc nước Ý và ngài ở lại nhà dòng tại Monte Paulo.
 
Nhờ gương đạo đức và tài giảng thuyết, ngài được Bề Trên cử đi giảng khắp nơi và lo việc huấn luyện các tu sĩ trong dòng. Bất cứ ở đâu, lời giảng của ngài đều có sức lôi cuốn nhiều người đến nghe. Chúa còn minh xác lời ngài bằng nhiều phép lạ. Không những tại Ý, mà tại đất Pháp, ngài làm việc không biết mệt mỏi. Và người ta đã ghép cho ngài tên “Hòm Bia giao ước” và “Cái búa của bọn lạc giáo.” đúng như lời sách thánh:” Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho muôn người nên công chính, sẽ chiếu sáng như những vì sao, đến muôn thuở muôn đời”( Đn 12, 3 ).
 
Ngài trở về Pađua một năm trước khi chết. Ngài nổi tiếng vì công đức và các phép lạ đã làm. Ngày 13-6-1231, ngài về an nghỉ trong Chúa, khi mới 36 tuổi. Ngài được phong thánh một năm sau, ngày 30-5-1232. Năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh.
 
“Muôn dân tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Giáo Hội loan truyền lời ca tụng các Ngài: tên tuổi các Ngài sẽ muôn đời tồn tại”( Hc 44, 14-15 ).Thánh Antôn Pađua qua đời rất trẻ, năm 36 tuổi nhưng ngài đã nổi tiếng về nhân đức,phép lạ và những tư tưởng cũng như tài hùng biện. Dòng Phanxicô dựa theo cuốn truyện “Ông Thánh Antôn” của Cố Phêrô Maria Lương, bằng chữ nôm, ấn hành năm 1910 tại Hà Nội, đã viết lại “Truyện Thánh Antôn Pađua”. (x.ofmvn.org). Tôi đọc thêm sách “Truyện Thánh Antôn Pađua”, tác giả Jean Rigauid ofm (x.lamhong.org) và được hiểu biết thêm nhiều về tài hùng biện và các phép lạ trong cuộc đời của thánh nhân.


Vương cung Thánh đường Giáo Hoàng Thánh Antôn là nơi hành hương thu hút nhiều người khắp nơi trên thế giới.
 
Vào năm 1232, một năm sau khi Thánh Antôn qua đời,Vương Cung Thánh Đường bắt đầu xây dựng và hoàn tất vào năm 1301.
 
Theo ước nguyện, Thánh Antôn muốn được chôn cất trong ngôi Nhà thờ nhỏ Santa Maria Mater Domini,bên cạnh có một tu viện được ngài thành lập năm 1229. Ngôi Nhà thờ này được sáp nhập vào Vương cung Thánh đường hiện tại và có tên Dark Madonna.
 
Nhìn từ phía Tây Bắc, đây là một công trình kiến trúc rất đẹp.Phong cách bên ngoài là sự pha trộn giữa yếu tố RomaneByzantine, cộng thêm đôi nét GothicHồi giáo.
 
Bên ngoài mặt tiền Nhà thờ phần trung tâm mang phong cách Romane. Mặt tiền cho thấy sự khác biệt nhỏ là gian giữa và lối đi hai bên với những trụ tường rộng với hình thức mang nét điêu khắc phong phú khi thánh đường được nhìn từ bên hông.
 
Các mái vòm của Đền thờ giống như mái vòm của Vương cung Thánh đường Thánh Maccô ở Venise. Bên ngoài, với chiều cao nổi bật lên mang dáng dấp cấu trúc Byzantine, với nhiều tháp chuông nhỏ bên cạnh mái vòm, với những tháp nhọn thon cao theo kiểu Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Phía ngoài những đầu hồi kết hợp với các mái vòm, các trụ tường Đền thờ to lớn và những tháp nhỏ tạo nên một tác phẩm điêu khắc đồ sộ vừa đa dạng vừa thống nhất tạo thành một khối những đặc điểm của cấu trúc Đền thờ.
 
Bước vào bên trong, phía bên phải là Nhà nguyện Thánh thể, nơi có phần mộ của Gattamelata nổi tiếng và của con trai của ông là Giannantonio.
 
Người ta tìm thấy di tích của thánh Antôn trong Nhà nguyện Kho báu theo phong cách Baroque từ năm 1691. Thi hài của thánh Antôn ở trong Nhà nguyện Đức Mẹ Mora từ năm 1350.
 
Phía bên trái có tượng Đức Mẹ Mora là bức tượng Đức Mẹ với Chúa Giêsu Hài đồng do điêu khắc gia người Pháp là Rainaldino di Puy-l'Evéque thực hiện, có niên đại từ 1396. Hình Đức Mẹ với mái tóc đen và nước da màu ô liu. Có bức họa tuyệt đẹp hình Đức Mẹ del Pilastro được họa sĩ Stefano da Ferrara, vẽ vào giữa thế kỷ XIV.
 
Chúng tôi lần lượt đi qua phần mộ Thánh Antôn, thinh lặng cầu nguyện.Sau đó di chuyển ra vòm phía sau cung thánh. Nhiều tác phẩm điêu khắc. Chân đèn Phục Sinh của nghệ nhân Andrea Briosco vào năm 1515 là một kiệt tác. Còn có 6 bức tượng các thánh và 4 phù điêu về các giai thoại trong cuộc đời thánh Antôn của Donatello.

Năm 1263, trong ngày lễ thánh nhân, hài cốt Thánh Antôn được đưa từ tu viện đến nhà thờ mới, dưới sự điều khiển của thánh Bonaventura. Khi khai quật phần mộ, da thịt ngài đã tiêu tan hết, đặc biệt lưỡi thì còn y nguyên. Thánh Bonaventura hôn kính “lưỡi đáng kính trọng” ấy, rồi thốt lên: “Bởi lưỡi thánh này đã ngợi khen Thiên Chúa và khuyên dụ nhiều người ngợi khen Thiên Chúa, nên Ngài đã gìn giữ lưỡi này còn nguyên vẹn cho đến bây giờ”. Lưỡi ấy được đặt vào một bình bạc để trên cao cho mọi người tôn kính.Từ đó, khách hành hương từ khắp nơi đến viếng nhà thờ và mộ thánh để cầu nguyện và xin ơn. Thánh Antôn hằng ban ơn giáng phúc, chẳng những về thể xác mà nhất là về phần linh hồn. Chính thánh Bonaventura đã chứng kiến và ca ngợi rằng: “Ai muốn nhờ phép lạ thì phải chạy đến cùng Thánh Antôn. Người cứu chữa lúc gian nan, giúp đỡ khi túng cực. Hãy hỏi dân thành Padua, hãy hỏi các khách hành hương, họ sẽ nói lên sự thật ấy”. Chúng tôi cũng được chiêm ngắm và cầu nguyện trước “Lưỡi Thánh Antôn”.

Thế kỷ IV, Giáo Hội có Thánh Gioan Kim Khẩu, Giám Mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Kim Khẩu có nghĩa là miệng vàng. Tài lợi khẩu và việc rao giảng đã khiến cho thánh nhân xứng đáng mang danh hiệu này. Thế kỷ XIII, Giáo Hội có thêm vị Kim Khẩu mới, đó là Thánh Antôn.
 
Người ta thường vẽ Thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài. Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là "Tiến Sĩ Tin Mừng" hay Tiến Sĩ Kinh Thánh.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An


Lời Chúa: Mt 5, 33-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: "Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".


SUY NIỆM 1: Có thì nói có

Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả là vàng. Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi!

Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ mà ra". Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật, không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.

Ðón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.

Những vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quán quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ:

Yêu ai cứ bảo rằng yêu
Ghét ai cứ bảo rằng ghét.
Dù ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết,
Cũng không nói ghét thành yêu.

Chúa Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.

Nguyện xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta can đảm để làm chứng cho lời chân lý của Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


SUY NIỆM 2: Ai là người nói thật

Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: “Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (Mt. 5, 33-34)

Mọi người đều dối trá

Mỗi ngày ta đều có được những kinh nghiệm sống tuy nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa. Chẳng hạn mấy đứa con chúng ta cãi lộn nhau. Đứa này bảo đứa kia đã gây sự trước. Đứa kia cũng nói lại như vậy. Đứa nào đúng? Một tin lớn đăng tải trên trang đầu của tờ báo. Hôm sau lại nói ngược lại. Tin nào đúng? Chính quyền tỉnh cho công bố những bảng thống kê. Mười ngày sau chính quyền liên bang lại đưa ra bảng thống kê của mình. Phải tin ai đây?

Trong xã hội ta hôm nay, những thông tin quả là phong phú, những phương pháp truy cứu lại rất khoa học, những bản điều tra thật tường tận, vậy mà chúng ta vẫn luôn phải tự hỏi rằng: “Ai đúng?”Ta thường xuyên liên hệ với những người mà ta tin là liêm chính và ngay thẳng. Ta tin cậy họ, thậm chí có thể yêu mến họ. Nhưng biết bao lần ta phải tự hỏi: “Không biết lần này ông ta có nói đúng sự thật cho mình không?”. Ta có cảm tưởng như chung quanh ta mọi người đều dối trá cả

Cho đến giờ, ta đã chỉ nói đến những người nói dối ta. Thiết tưởng cũng nên nhìn vào mình một chút. Ai trong ta, xưa rày chỉ nói sự thật? Chúng ta chắc cũng không lạ gì với những cách nói nửa vời, những câu trả lời lấp lửng, những kiểu thêm thắt, bịa điều đặt chuyện, nói quanh co điều ta nghĩ và biết, chung quy gọi là dối trá, lươn lẹo.

Hãy vun trồng sự thật

Chúa Giêsu yêu cầu ta vun trồng sự thật. Nói “có” khi phải nói “có”, nói “không” khi phải nói “không”. Nói “có” hay “không” dều phải rõ ràng dứt khoát. Đạt được như vậy, không phải là chuyện đơn giản. Ta thường phải khó chịu, đôi khi phải nhượng bộ nữa. Để biết nói sự thật, tâm hồn ta phải thật trong sáng, ngay thẳng và trong một vài trường hợp, phải có nhiều can đảm. Thế nhưng ta phải tập cho quen biết nói sự thật, và phải tập ngay từ bây giờ, bằng không sẽ chẳng bao giờ biết nói sự thật cả.
 
(gpphanthiet.com)