ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG BÀI GIÀNG
CHO HÀNG GIÁO SĨ PHILIPPINES:
HÃY SỬA SOẠN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CHO TRUYỀN GIÁO CHÂU Á
Cử hành Thánh Lễ tại Nhà Thờ Chính Tòa Manila hôm nay, thứ Sáu, 16
tháng Giêng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thúc giục người Công Giáo Phi Luật Tân trở
thành các đại sứ của Chúa Kitô và thừa tác viên của hòa giải, bằng cách
loan báo Tin Mừng về tình yêu, lòng thương xót và cảm thương vô biên của
Thiên Chúa. Nói với các giám mục, linh mục, tu sĩ và chủng sinh tụ tập
tại Nhà Thờ Chính Tòa, Đức Giáo Hoàng nói rằng Giáo Hội tại Phi Luật Tân
được mời gọi thừa nhận và đấu tranh chống các nguyên nhân tạo ra bất
bình đẳng và bất công lâu đời từng làm hoen ố bộ mặt của xã hội Phi Luật
Tân, hiển nhiên đi ngược lại giáo huấn của Chúa Kitô.
Giữa lúc
người Phi Luật Tân chuẩn bị mừng 5 thế kỷ Giáo Hội du nhập vào quốc gia Á
Châu này, Đức Giáo Hoàng nói rằng người Công Giáo phải xây dựng trên di
sản quá khứ một xã hội được gây hứng bởi sứ điệp đức ái, tha thứ và
liên đới của Tin Mừng để phục vụ ích chung.
Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Nhà Thờ Chính Tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm, Manila
“Con
có yêu mến Thầy không?... Hãy chăm sóc đoàn chiên của Thầy” (Ga
21:15-17). Lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô trong Tin Mừng hôm nay là
những lời đầu tiên tôi thưa với anh chị em, các hiền huynh giám mục và
linh mục, các tu sĩ nam nữ, và các chủng sinh trẻ trung. Những lời này
nhắc ta nhớ tới một điều chủ yếu. Mọi thừa tác mục vụ đều phát sinh từ
tình yêu. Mọi đời sống tận hiến đều là dấu chỉ tình yêu hòa giải của
Chúa Kitô. Giống Thánh Têrêxa, trong tính đa dạng của ơn gọi, mỗi người
chúng ta đều được mời gọi, cách nào đó, trở thành tình yêu giữa lòng
Giáo Hội.
Tôi chào kính mọi anh chị em bằng một tâm tình âu yếm
bao la. Và tôi xin anh chị em đem tình âu yếm này tới mọi anh chị em cao
niên và bệnh hoạn của anh chị em, và tới mọi người không thể tham gia
với chúng ta hôm nay. Giữa lúc Giáo Hội tại Phi Luật Tân hướng về lễ kỷ
niệm 500 năm truyền giảng Tin Mừng của nó, chúng ta cảm thấy biết ơn
đối với di sản do không biết bao nhiêu giám mục, linh mục và tu sĩ của
những thế hệ đã qua truyền lại. Họ lao nhọc không những để truyền giảng
Tin Mừng và xây đắp Giáo Hội tại xứ sở này, mà còn tạo nên một xã hội
được gợi hứng bởi sứ điệp bác ái, tha thứ và liên đới của Tin Mừng nhằm
phục vụ ích chung. Ngày nay, anh chị em đang tiếp nối công trình yêu
thương ấy. Giống như họ, anh chị em được mời gọi xây dựng những chiếc cầu,
chăm nuôi đoàn chiên của Chúa Kitô, và chuẩn bị những con đường tươi mát
cho Tin Mừng tại Á Châu vào lúc bình minh của một thời đại mới.
“Tình
yêu Chúa Kitô thúc ép chúng ta” (2Cor 5:14). Trong bài đọc thứ nhất hôm
nay, Thánh Phaolô dạy ta rằng tình yêu mà ta được mời gọi công bố là
một tình yêu hòa giải, phát sinh từ trái tim Đấng Cứu Thế chịu đóng
đinh. Chúng ta được mời gọi trở thành “các đại sứ của Chúa Kitô” (2Cor
5:20). Thừa tác vụ của chúng ta là thừa tác vụ hòa giải. Chúng ta công
bố Tin Mừng về tình yêu, lòng thương xót và cảm thương vô biên của Thiên
Chúa. Chúng ta công bố niềm vui của Tin Mừng. Vì Tin Mừng quả là lời
hứa ơn thánh của Thiên Chúa, là sức mạnh duy nhất, một mình nó có thể
đem lại sự toàn vẹn và lành lặn lại cho thế giới tan vỡ của chúng ta. Nó
có thể gợi hứng cho việc xây dựng một trật tự xã hội thực sự công bằng
và được cứu chuộc.
Trở thành đại sứ của Chúa Kitô, trước nhất,
có nghĩa mời gọi mọi người tiến tới việc đích thân gặp gỡ một cách đổi
mới với Chúa Giêsu (Niềm Vui Tin Mừng, số 3). Lời mời gọi này phải nằm ở
cốt lõi việc anh chị em kỷ niệm công cuộc truyền giảng Tin Mừng tại Phi
Luật Tân. Nhưng Tin Mừng cũng là lời mời gọi hồi tâm, tự vấn lương tâm
ta, trong tư cách cá nhân và trong tư cách một dân tộc. Như các giám mục
Phi Luật Tân đã rất đúng trong lời giảng dạy của mình, Giáo Hội Phi
Luật Tân được mời gọi thừa nhận và đấu tranh chống các nguyên nhân tạo
ra bất bình đẳng và bất công lâu đời từng làm hoen ố bộ mặt của xã hội
Phi Luật Tân, hiển nhiên đi ngược lại giáo huấn của Chúa Kitô. Tin Mừng
mời gọi các cá nhân Kitô hữu sống cuộc sống trung thực, liêm chính và
quan tâm tới ích chung. Nhưng nó cũng kêu gọi các cộng đồng Kitô Giáo
tạo ra “các qũy đạo liêm chính”, các hệ thống liên đới có thể mở rộng để
bao gồm và biến cải xã hội bằng chứng tá tiên tri của mình.
Là
các đại sứ của Chúa Kitô, chúng ta, các giám mục, các linh mục và các
tu sĩ, phải là những người đầu tiên chào đón ơn hoà giải vào trái tim
mình. Thánh Phaolô giải thích rõ ý nghĩa của điều này. Nó có nghĩa từ bỏ
các lối nhìn phàm tục, để nhìn mọi sự cách mới mẻ dưới sự soi sáng của
Chúa Kitô. Nó có nghĩa phải là những người đầu tiên biết xét lương tâm
mình, biết thừa nhận các thiếu sót và tội lỗi của ta, và tiếp nhận con
đường hồi tâm liên lỉ. Làm thế nào công bố được nét mới mẻ và sức mạnh
giải thoát của Thánh Giá cho người khác, nếu chính chúng ta từ khước
không để lời Chúa lay động sự tự mãn của ta, nỗi sợ thay đổi của ta,
những thỏa hiệp ti tiện của ta với cung cách của thế gian này, nghĩa là
“tính phàm trần thiêng liêng” của ta (xem Niềm Vui Tin Mừng, số 93)?
Với
chúng ta, các linh mục và người tận hiến, quay trở về với nét mới mẻ
của Tin Mừng bao hàm hàng ngày phải gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện. Các
thánh dạy ta rằng đây là nguồn của mọi nhiệt thành tông đồ! Đối với các
tu sĩ, sống nét mới mẻ của Tin Mừng cũng có nghĩa là tìm ra như mới
trong đời sống và việc tông đồ của cộng đoàn các sáng kiến để càng ngày
càng kết hợp mật thiết hơn với Chúa trong một tình yêu hoàn hảo. Đối với
tất cả chúng ta, nó có nghĩa phải sống những cuộc sống phản ảnh được
đức nghèo khó của Chúa Kitô; trọn cuộc đời của Người đã tập chú vào việc
thực thi thánh ý Chúa Cha và phục vụ người khác. Dĩ nhiên, nguy cơ lớn
lao đối với việc này là chủ nghĩa duy vật chất có thể len lỏi vào đời ta
và xâm hại chứng tá ta đưa ra. Chỉ bằng cách trở nên nghèo, bằng cách
tước bỏ tính tự mãn của ta, ta mới có thể đồng hóa với những người nhỏ
bé nhất trong anh chị em mình. Ta sẽ nhìn sự vật dưới một ánh sáng mới
và nhờ đó, giải đáp được một cách trung thực và liêm chính thách đố của
việc công bố tính triệt để của Tin Mừng trong một xã hội đã trở nên
thoải mái với chính sách loại bỏ, phân cực và bất bình đẳng xã hội đầy
tai tiếng.
Ở đây, tôi muốn ngỏ mấy lời đặc biệt với các linh
mục, các tu sĩ và chủng sinh trẻ đang hiện diện giữa chúng ta. Cha yêu
cầu các con chia sẻ niềm vui và niềm phấn khích trong tình yêu Chúa Kitô
và Giáo Hội của các con với mọi người, nhất là với những người cùng
trang lứa với các con. Hãy hiện diện với những người trẻ có thể đang bối
rối và nản lòng, nhưng vẫn tiếp tục coi Giáo Hội là bằng hữu trên đường
lữ thứ và là nguồn hy vọng. Các con hãy hiện diện với những người, vì
phải sống giữa một xã hội trĩu nặng vì nghèo đói và thối nát, nên đã tan
nát trong tinh thần, toan tính đầu hàng, bỏ trường, sống ngoài đường
phố. Hãy loan báo vẻ đẹp và sự thật của sứ điệp Kitô Giáo cho một xã hội
đang bị cám dỗ bởi những trình bày dối trá về tính dục, hôn nhân và gia
đình. Như các con đã biết, các thực tại này mỗi ngày mỗi bị tấn công
nhiều hơn bởi các lực lượng mạnh mẽ đe doạ làm méo mó kế hoạch của Thiên
Chúa dành cho tạo vật và phản bội chính các giá trị từng gây hứng và
lên khuôn cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong nền văn hóa của các
con.
Thực vậy, nền văn hóa Phi Luật Tân vốn được lên khuôn bởi
óc tưởng tượng của đức tin . Người Phi Luật Tân ở khắp nơi vẫn nổi danh
về tình yêu Chúa, lòng đạo đức sốt sắng của họ và lòng sùng kính đầy ấm
áp của họ đối với Đức Mẹ và kinh mân côi của ngài. Di sản vĩ đại này
chứa đựng một tiềm năng truyền giáo mạnh mẽ. Đó là cung cách nhân dân
các con đã hội nhập văn hóa Tin Mừng và tiếp tục duy trì sứ điệp của nó
(xem Niềm Vui Tin Mừng, số 122). Trong các cố gắng chuẩn bị mừng 500
năm của các con, hãy xây dựng trên nền tảng vững chắc này.
Chúa
Kitô đã chết cho mọi người để, sau khi chết cho Người, chúng ta sẽ không
còn sống cho chính mình nữa mà là cho Người (xem 2Cor 5:15). Các hiền
huynh giám mục, các linh mục và tu sĩ thân yêu, tôi cầu xin Đức Maria,
Mẹ Giáo Hội, tiếp nhận cho tất cả anh chị em ơn nhiệt thành, để anh chị
em dành chính anh chị em cho việc phục vụ anh chị em của mình cách vô vị
kỷ. Bằng cách này, xin tình yêu hòa giải của Chúa Kitô càng ngày càng
thấm sâu trọn vẹn hơn vào cơ cấu xã hội Phi Luật Tân và qua anh chị em,
tới những vùng xa xôi nhất của thế giới.
Vũ Van An
(VietCatholic News)